Mùa tết đến rồi Hồng Hòa Vi xin gởi đến các bạn phóng sự ảnh những làng nghề rộn rịp bước vào dịp tết cổ truyền trong đó có làng trồng lá do...
Mùa tết đến rồi Hồng Hòa Vi xin gởi đến các bạn phóng sự ảnh những làng nghề rộn rịp bước vào dịp tết cổ truyền trong đó có làng trồng lá dong và làng gói bánh chưng. Đối với người miền Bắc mùa xuân trên mâm cơm ngày tết phải có chiếc bánh chưng. Ông ngoại của Hồng Hòa Vi là Bắc 54 nên rất thành thạo việc gói bánh chưng, ông là người gói bánh khéo nhất vùng, ông gói vừa nhanh vừa vừa đẹp mà chẳng cần khuôn. Ông ngoại Hồng Hòa Vi có một khu vườn nho nhỏ trồng lá dong để dành cho dịp gói bánh cuối năm. Mỗi năm đến hè Hồng Hòa Vi thường được ba mẹ chở lên nhà ngoại chơi. Nhờ hồi nhỏ Hồng Hòa Vi thích nghịch lá dong lắm… Trong nhà trồng lá dong thường có một cái hồ được xây để rửa lá dong, bình thời thì dùng để hứng nước mưa. Nhớ hồi nhỏ Hồng Hòa Vi thích tắm trong cái hồ này lắm…
Sở dĩ Hồng Hòa Vi giới thiệu các bạn phóng sự ảnh những làng nghề truyền thống vào mùa tết là vì trong đó có mấy bức ảnh giống y như vườn nhà ông ngoại thửo nhỏ. Ông ngoại của Hồng Hòa Vi đến khi mất cũng gắn bó với bánh chưng và những bó lá dong.
…
Làng lá dong truyền thống ở Hà Nội
Cận Tết Nguyên đán, những người trồng và kinh doanh lá dong gói bánh chưng tại làng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật thu hoạch, cắt tỉa, gói ghém chuẩn bị cho những chuyến xe mang đi khắp đất nước.
Một góc cánh đồng tại làng lá dong truyền thống Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai.
100% người dân trong làng đều trồng lá dong. Họ tận dụng mọi khoảnh đất để trồng, thậm chí cả sân vườn trước cửa.
Lá dong Tràng Cát được nhiều người biết đến bởi không bị đen như nhiều nơi khác, đất trồng là đất cát nên lá trắng và đẹp. Người dân Tràng Cát không trồng lúa, ngoài lá dong chủ yếu là rau, ngô và các cây hoa quả như cam, bưởi...
Việc trồng lá dong không bị ảnh hưởng quá nhiều vào thời tiết. Chị Bẩy cho biết, mưa bão ngập úng không hề ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. "Chỉ khi nắng quá có thể làm cháy xém lá", chị nói.
Trồng lá dong không cần nhiều vốn liếng, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng. Một sào bón khoảng một tấn phân hữu cơ. Nếu chăm sóc tốt, một vụ khoảng 6 tháng có thể thu hoạch.
Một sào có thể trồng được 20.000 đến 30.000 tàu lá tùy theo kinh nghiệm. Giá bán buôn trung bình khoảng 80.000 đồng 2 bó (100 lá).
Vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, các hộ gia đình đều tất bật. Nhà nào lá dong cũng bầy tràn ngập từ trong ra đến ngoài sân.
Nhà cô Dinh trồng tới 5 sào, được coi là hộ có thu hoạch lớn nhất thôn. Cô cho biết, dự kiến vụ Tết này sẽ lời lãi được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra trong năm nhiều lần cũng đã hái lá bán cho người kinh doanh xôi, bún, bánh chưng đặt..
Bà Cao Thị Thịnh (63 tuổi), một cán bộ về hưu cũng theo truyền thống gia đình trồng lá dong. Bà cho biết, nhà năm nay thu hoạch được một sào rưỡi, ước tính lãi khoảng 15 triệu đồng.
Bà Tíu (75 tuổi) đi hái thêm lá về cho đủ bó. Lá dong không chỉ phục vụ gói bánh chưng mà còn được các nhà làm bánh tét, bánh khúc...
Từng chuyến xe chở lá lên ôtô để mang đi cả nước.
Làng bánh chưng Tranh Khúc vào vụ Tết
Mỗi ngày sản xuất hàng nghìn chiếc, các nghệ nhân làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) đang hối hả gói bánh để phục vụ Tết Nhâm Thìn.
Mấy ngày nay, các hộ gia đình ở Tranh Khúc bắt đầu lấy lá dong về chất đầy sân để chuẩn bị gói bánh chưng phục vụ dịp Tết.
Lá dong chủ yếu được lấy từ Thanh Hoá, Hà Giang. Công đoạn rửa lá khá quan trọng và mất nhiều thời gian. Sau khi rửa sạch, lau khô, lá dong được cắt sống để khi gói không bị gẫy, bánh sẽ vuông, đẹp.
Gạo nếp chủ yếu được lấy từ Hải Hậu thơm và ngon, rất hợp để làm bánh Tết.
Nhân đỗ xanh được nấu nhuyễn, nặn thành bánh kẹp thịt lợn ba chỉ ở giữa.
Điều đặc biệt ở Tranh Khúc là người dân không bao giờ dùng khuôn để gói bánh.
Mỗi bánh thường được gói bởi 6-7 lá dong. Khi gói phải thao tác nhanh, nếu không gạo sẽ rơi ra ngoài.
Dù chỉ gói bằng tay mà hàng trăm chiếc bánh vẫn vuông và đều như nhau.
"Nhiều người ở Tranh Khúc biết gói bánh chưng từ hồi nhỏ, nên nhiều thanh niên gói rất nhanh và đẹp", anh Thành tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Xuân, một gia đình làm bánh chưng ở Tranh Khúc cho biết, làm bánh chưng khó và lâu nhất là công đoạn gói và buộc lạt. Nếu không cẩn thận, bánh sẽ không vuông góc và hình thức không đẹp. Còn chất lượng bánh phụ thuộc vào thời gian luộc.
Năm nay, gia đình anh Xuân làm nhiều hơn năm trước vài trăm chiếc, xuất chủ yếu lên Hà Nội. Đến khoảng 23 tháng chạp, anh sẽ thuê thêm 2 nhân công cùng làm để kịp tiến độ giao hàng cho khách.
Những người cao tuổi ở Tranh Khúc cũng tranh thủ gói bánh chưng giúp con cháu dịp Tết.
Sau khi gói, bánh chưng sẽ được luộc trong nồi to, mỗi mẻ thường hơn 8 tiếng là bánh chín rền. Sau đó bánh được vớt ra rửa qua nước lạnh và đem ép nhẹ.
Ảnh: Hồng Hà – Lê Hiếu
(theo vnexpress.net)
BÌNH LUẬN