Vợ của quan đại phu Tư Nguyên Thôi Nghĩa, họ Túc, con gái của Túc Khanh. Túc Khanh là cháu của Túc Nghi Xạ. Túc thị, vợ của Thôi Ng...
Vợ của quan đại phu Tư Nguyên Thôi Nghĩa, họ Túc, con gái của Túc Khanh. Túc Khanh là cháu của Túc Nghi Xạ.
Túc thị, vợ của Thôi Nghĩa, tuy sinh trưởng trong một gia đình phú quý, nhưng là một người hay ganh ghét, hay sân hận, thường dùng roi vọt đánh đập tỳ nữ, không tin nhân quả luân hồi.
Vào đời Đường Cao Tông Lân Đức nguyên niên, Túc thị theo chồng là Thôi Nghĩa đên sống ở Lạc Dương, tới tháng giêng năm thứ hai thì chết.
Lúc Túc thị còn sinh tiền, có đứa nô tỳ cưng tên là Nhuận Ngọc, vừa đúng 18 tuổi, tuy thuộc giòng tộc man rợ nhưng tướng mạo đoan trang xinh đẹp, mà còn rất thông minh. Chủ nhân cô, Túc phu nhân, không tin Phật Pháp nhưng cô thì lại rất tin.
Qua tháng hai, gia đình nhà họ Thôi thỉnh chư tăng đến dùng cơm chay và đồng thời cầu siêu tuần tam thất cho phu nhân.
Hôm đó, mọi người đang ngồi ăn cơm thì tỳ nữ Nhuận Ngọc bỗng thấy Túc thị trở về, cổ đeo gông, lưng đeo khóa, lại còn bị vài tên ngục tốt kéo đi, nhưng người khác thì lại không thấy gì cả, chỉ có Nhuận Ngọc là thấy được mà thôi. Hồn ma của Túc thị nhập vào người của Nhuận Ngọc, cô này tức thời mở miệng nói bằng giọng của Túc thị:
- Từ khi tôi về làm dâu nhà họ Thôi tính tình dữ dằn, vừa sân hận vừa ganh ghét, thích đánh đập tỳ nữ, không tin nhân quả, nên bây giờ chết phải đọa địa ngục, thọ tội báo vô cùng nặng nề. Tôi đã phải chịu trăm vạn nỗi thống khổ, hôm nay biết được gia đình tổ chức tuần tam thất, vì tôi mà thỉnh chư tăng và lập đàn chay tạo phúc, vì thế tôi cầu xin quan ngục cho tôi được thả ra một ngày, tạm về nhà xem việc đàn chay, đồng thời nói một vài điều với các con tôi và tất cả mọi người trong nhà, già trẻ lớn bé.
Từ trước tôi sống chung với các người, luôn luôn hung hăng dữ dằn, muốn làm chi là làm loạn làm càn, còn thích dùng roi vọt đánh đập người nhà, ghen tức với những tỳ nữ tốt của chồng tôi. Lúc còn sống tôi luôn luôn tạo nghiệp ác, nên hôm nay chịu quả báo khổ, không biết ngày nào thoát ra được.
Hôm nay tôi xin các con tôi cùng tất cả nhà, nội ngoại thân thuộc, cho tôi được sám hối với từng người một, xin mọi người tha thứ cho tôi.
Xin các con tôi niệm tình sinh dưỡng mà đem tất cả nữ trang, tiền bạc của tôi lúc sinh tiền, thay mặt tôi làm việc phúc đức, thiết lễ trai tăng, cúng dường tăng ni, cho tôi thoát được sự thống khổ.
Làm như thế 7 tuần tức là 49 ngày, trai tăng viên mãn, tôi lại có thể xin quan ngục thả cho tôi ra một ngày nữa, về gặp chồng con nói chuyện. Chồng tôi tính tình cũng nóng nảy, hay nổi giận, sau này không được đánh đập nô tỳ nữa, nên khuyến khích mọi người quy y Tam Bảo, cung kính bậc tôn trưởng, trì giới, chay tịnh, nhẫn nhục, bố thí.
Chuyện tôi muốn nói đến đây là xong, nhưng tôi muốn đem Nhuận Ngọc đi theo tôi xuống địa ngục cho nó xem cảnh tôi bị hành tội như thế nào, thống khổ ra sao, sáu bảy ngày nữa tôi sẽ thả cho nó về nhà.
Tỳ nữ Nhuận Ngọc nói bằng giọng của Túc thị vừa dứt lời bèn ngã lăn ra bất tỉnh không còn biết gì nữa, chỉ có vùng tim là có hơi ấm, ngoài ra khắp cả người đều lạnh như băng, nhưng gia nhân không dám đem cô đi mai táng.
Nhuận Ngọc vừa bất tỉnh, linh hồn cô đi theo Túc phu nhân xuống địa ngục, thấy một cái điện thật to, cửa điện có binh lính đứng canh, có vẻ như là điện của vuạ Cô không dám đứng lại xem xét, đi một mạch tới viện phía đông, lại thấy một sảnh đường, trong sảnh đường có một vị quan lớn, có vẻ như là vị quan phán tội.
Băng qua sảnh đường thì tới đông viện, nơi đây có đủ loại dụng cụ tra tấn, giống như các tranh vẽ về địa ngục mà cô đã từng trông thấy. Tới đây Túc phu nhân nói với Nhuận Ngọc rằng :
- Ngươi hãy xem ta thọ tội thống khổ tới mức nào!
Dứt lời, có ngục tốt với đủ loại hình thù quái dị cùng quỷ la sát v.v.. xông tới, ném thân của Túc phu nhân lên một phiến gỗ lớn, rồi khoa dao mổ lợn cắt bằm loạn xạ, xong lại ném bà vào vạc nước hoặc vạc dầu chiên chiên luộc luộc. Sau đó Túc phu nhân trở lại nguyên hình, họ lại đưa bà đi các chỗ trong ngục tối, dùng kềm sắt kéo lưỡi, thả quạ sắt tới mổ mắt, ném bà lên giường sắt núi dao, làm mồi cho chim sắt, lửa dữ. Bà chết đi rồi sau đó sống lại để chịu khổ nữa, những cảnh đau đớn như vậy không làm sao nói hết được!
Túc thị phu nhân chịu đủ các thứ hình phạt như thế rồi, bỗng cha bà là Túc Khanh cưỡi tòa sen bằng vàng tím từ không trung hạ xuống.
Lúc còn tại thế, trong suốt thời gian làm quan, Túc Khanh không ăn thịt uống rượu, kiên cữ cả năm loại hành tỏi, thường đọc tụng kinh Pháp Hoa, cung kính Tam Bảo, hiện thời ông đã sinh về thế giới của Phật. Biết con gái đã bị đọa địa ngục, ông bèn xuống cứu giúp.
Túc Khanh nói với con gái rằng:
- Lúc còn tại thế, ta thường thường dạy con tin Phật, dạy con đừng sân hận, nhưng con không nghe lời ta nên mới có quả báo ngày hôm nay, nhưng tại sao con lại đem tỳ nữ đến đây nữa?
Túc phu nhân trả lời:
- Cũng vì lúc sống con không tin Phật, ngày nay chịu tội, nên con đem tỳ nữ xuống đây chứng kiến cảnh con đau đớn ra sao, để nó về kể lại cho người trong nhà nghe cho họ tin Phật, thế thôi.
Túc Khanh nghe thế, gật đầu rồi nói:
- Tuy ta sinh trong cảnh giới Phật, nhưng dẫu có hết sức cũng không giúp đỡ cho con được, con hãy nương nhờ vào sự giúp đỡ nhân duyên phúc đức người nhà con, ta hy vọng ta sau này sẽ hết khổ được vui, con hãy làm thế nhé!
Túc Khanh vừa dứt lời thì trên không trung bỗng nhiên có một vị phạm tăng bay xuống, cũng nói với Túc thị:
- Bà không tin nhân quả nên thọ khổ như thế này, nhưng cô gái này thì làm sao đây? Ta muốn dạy cho cô tụng kinh, để người trên dương gian phát lòng tin.
Túc phu nhân nói:
- Nó thông minh lắm, có thể học kinh được.
Vị phạm tăng bèn dạy Nhuận Ngọc tụng kinh Kim Cang, nhưng là bằng âm phạn chứ không phải bằng tiếng Trung hoa. Dạy không bao lâu cô đã tụng được trôi chảy, âm vận thành thạo, vị phạm tăng dặn dò cô rằng:
- Cô trở về nhà rồi, gặp người ta thì cô tụng kinh nhưng người Trung quốc sẽ không hiểu là cô tụng những gì. Cô nên tìm một người từ Tây Vực biết tiếng Phạn, rồi tụng cho người ấy nghe. Người đời bây giờ phần đông tin tà giáo, không tin Phật Pháp. Nếu họ biết cô không học mà tụng được kinh bằng tiếng phạn, họ sẽ sinh lòng tin. Nếu có được một người bỏ tà quy chánh thì đó là nhờ công đức của cô đấy!
Vị phạm tăng nói xong bèn đưa Nhuận Ngọc trở về nhà. Nhuận Ngọc tỉnh lại, liền cho triệu tập người trong nhà, đem cảnh phu nhân thọ khổ dưới địa ngục kể lại tường tận.
Lại sợ con cái của phu nhân không tin, cô kể tiếp việc Túc Khanh đến để cứu giúp phu nhân, và việc phạm tăng dạy cô tụng kinh ra sao, nhất nhất kể hết. Cô còn tụng kinh Kim Cang bằng tiếng phạn, âm thanh rất rành rọt. Cả nhà già trẻ lớn bé thấy câu chuyện chưa từng thấy chưa từng nghe này, không ai là không hồi tâm hướng thiện, tin Phật và chay tịnh.
Rồi cũng tại năm ấy, có bốn vị phạm tăng từ Tây Vực đến Trung quốc, đem theo một mảnh xá lợi xương đỉnh đầu của Phật. Tướng quân Tiết Nhân Quỹ bèn thiết trai cúng dường trong nhà. Người trong quyến thuộc của tướng quân cùng rất nhiều quan viên cùng đến dự tiệc chaỵ Một vị quan nói:
- Nhà của đại phu Thôi Tư Nguyên có đứa tỳ nữ Nhuận Ngọc biết tụng kinh Kim Cang bằng âm phạn, chúng ta nghe không ai hiểu, hay là mời cô ta đến đây tụng cho các vị phạm tăng này nghe?
Tiết tướng quan bèn sai người mời Nhuận Ngọc đến, cô tụng kinh cho bốn vị phạm tăng nghe, họ nghe rồi tỏ vẻ kinh ngạc và chắp tay khen ngợi cô, tấm tắc cho là chuyện hy hữu, hỏi rằng:
- Làm sao người nhà Đường có thể tụng kinh bằng âm phạn?
Người thông dịch viên đem chuyện của Nhuận Ngọc ra kể hết cho các vị phạm tăng nghe.
Nghe xong, họ vô cùng kinh dị và tán thán. Các vị quan cùng người tăng kẻ tục trong bàn tiệc, không ai là không sinh tâm hy hữu. Tiết Tướng quan đem sự việc này tâu lên vua Cao Tông, vua tức thời hạ chiếu thư khuyến khích quân quan thần dân đều nên tin Phật pháp, vì thấy rằng trong tất cả các vị thánh hiền, Phật và Bồ Tát là những bậc cao tột nhất.
Do đó, các quan văn võ cùng trăm họ trong dân gian không ai là không tin Phật pháp.
Trích Truyện Tích Phật Giáo - Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn
Dịch giả: Diệu Hạnh & Giao Trinh
BÌNH LUẬN