Ăn chay là một khuynh hướng đang thịnh hành ở các nước phát triển. Chế độ dinh dưỡng này giúp phòng chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, ...
Ăn chay là một khuynh hướng đang thịnh hành ở các nước phát triển. Chế độ dinh dưỡng này giúp phòng chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, nếu quyết định ăn chay, nhất là ăn chay tuyệt đối và lâu dài, bạn sẽ phải lưu ý đến nhiều vấn đề để bảo đảm sức khoẻ.
Có rất nhiều biến thể ăn chay khác nhau trên thế giới, nhưng quy tụ có 4 kiểu truyền thống sau:
- Ăn chay tuyệt đối: Không ăn thịt, gia cầm, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng.
- Ăn chay có dùng sữa.
- Ăn chay có trứng.
- Ăn chay có sữa và trứng.
Ngoài ra, có một dạng ăn chay khá phổ biến hiện nay là "ăn chay bán phần", chỉ kiêng các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu... Cũng có những người chỉ ăn trái cây và thỉnh thoảng ăn rau; hoặc chỉ ăn cá, trai, sò, tôm, cua....
Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít acid béo bão hòa, nhiều acid béo chưa bão hòa nhiều nối đôi, nhiều vitamin E, C... Vì vậy, ăn chay rất phù hợp với các khuyến nghị của Mỹ trong "Hướng dẫn phòng chống các bệnh mãn tính". Người ăn chay có lượng LDL-cholesterol thấp, chỉ số xơ vữa mạch máu thấp và HDL-cholesterol cao, có thể phòng ngừa được nhiều bệnh như:
- Béo phì: Do chế độ ăn chay có ít chất béo, nhiều chất bột đường hấp thu chậm.
- Cao huyết áp: Do chế độ ăn ít dùng rượu bia, ít natri, nhiều kali.
- Bệnh mạch vành: Do ít chất béo, ít đạm động vật, nhiều đạm thực vật, nhiều chất xơ, nhiều chất bột đường hấp thu chậm và nhiều chất béo chưa bão hòa.
- Tiểu đường type 2: Do có nhiều chất bột đường hấp thu chậm và chất xơ.
- Sỏi mật: Do có nhiều chất xơ.
- Táo bón: Do có nhiều chất xơ.
- Ung thư (vú, đại tràng): Do có nhiều chất xơ, nhiều rau quả giàu vitamin chống oxy hóa và chất chống ung thư, ít đạm động vật và mỡ, nhiều chất bột đường hấp thu chậm.
- Sa sút trí tuệ: Do ít đạm động vật.
- Đột quỵ: Do có ít chất béo bão hòa và cholesterol, nhưng nhiều chất bột đường hấp thu chậm.
- Loãng xương: Do có ít chất đạm, đặc biệt là ít đạm động vật.
Ngoài ra, người ăn chay còn có khuynh hướng ít bị viêm ruột thừa, thoát vị cơ hoành, hội chứng ruột kích thích, trĩ và giãn tĩnh mạch chi...
Tuy nhiên, các kiểu ăn chay có thể tạo sự mất cân bằng về mặt dinh dưỡng. Để khắc phục các vấn đề có thể xảy ra, người ăn chay cần lưu ý:
- Chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt, đặc biệt là ở người ăn chay tuyệt đối.
- Chế độ ăn chay thường ít năng lượng do có ít chất béo và mau làm no bụng (vì nhiều chất xơ). Tình trạng này dễ xảy ra ở những người tăng nhu cầu về năng lượng như trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục. Vì vậy, cần lưu ý cung cấp đủ lượng calorie cần thiết bằng cách ăn thêm bữa phụ và sử dụng những thức ăn thực vật giàu năng lượng như các hạt có dầu, sữa đậu nành có béo...
- Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mỳ), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu). Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau:
- Rau đậu và các loại hạt. Ví dụ: Cháo với mè và đậu.
- Ngũ cốc và họ rau đậu. Ví dụ: Cơm với đậu, súp đậu với bánh mỳ...
- Ngũ cốc và sản phẩm từ sữa. Ví dụ: Bánh mỳ với sữa, cơm hoặc mỳ sợi với phô mai.
- Rau có thể ăn với cơm, các hạt có dầu, phô-mai, mầm lúa mỳ.
- Tránh thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều rau quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh...). Rau quả có nhiều vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu sắt của acid phytic, acid oxalic, acid tannic... Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ nhũ nhi, trẻ đang dậy thì, vận động viên hoặc người mất máu nhiều nên sử dụng viên sắt bổ sung.
- Tình trạng thiếu vitamin B12 (gây thiếu máu hồng cầu to hoặc bệnh dây thần kinh) có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối vì thức ăn thực vật không có vitamin B12. Cần bổ sung vitamin này cho người ăn chay là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và đặc biệt là người cao tuổi (vì thường đi kèm với giảm hấp thu vitamin B12 do thiếu yếu tố nội tại). Nếu ăn chay có trứng và sữa thì ít khi bị thiếu chất này.
- Thiếu kẽm có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối do kẽm trong thức ăn thực vật bị giảm hấp thu bởi acid phytic, oxalates, chất xơ và đạm đậu nành. Người cao tuổi (dù có ăn chay hay không) cũng có nguy cơ thiếu kẽm. Do vậy, có thể bổ sung bằng cách uống viên kẽm hoặc viên chứa kẽm.
ThS Lê Ngọc Diện, Sức Khoẻ & Đời Sống
BÌNH LUẬN