Trong Kinh, từ cụm từ : Tôi nghe như vầy… hay Như thị ngã văn, hoặc evaṃ śrute mayā của Ngài A nan nói, trong phần mở đầu của những bộ kinh,...
Trong Kinh, từ cụm từ : Tôi nghe như vầy… hay Như thị ngã văn, hoặc evaṃ śrute mayā của Ngài A nan nói, trong phần mở đầu của những bộ kinh, chữ Nghe được xem là một thuật ngữ để cho mọi người chú ý đến phần diễn thuyết lời Phật của Ngài, như vậy chữ Nghe cũng có vai trò quan trọng tương đương như chữ Học và chữ Đọc.
Nghe kinh Phật là một phương pháp thực tập quan trọng vì nó có khả năng chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe những gì Phật nói thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho chính mình cùng mọi người.
Đức Quán Thế Âm là vị Bồ tát luôn lắng nghe và nghe hết thảy niềm đau của chúng sanh để cứu độ. Do đó có câu : "Kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, luôn biết lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ…".
Nghe kinh Phật hiểu được rõ nghĩa của giáo lý, để xây dựng hạnh phúc bằng lòng từ bi, ban vui cứu khổ và giúp cho con người xích lại gần nhau qua sự thông cảm và thương nhau hơn trong xã hội.
Biết dành thời gian lắng nghe kinh Phật là cách ôn lại những lời Phật dạy đã học, đã đọc và một mặt để bồi dưỡng cho Trí tuệ luôn được mở mang trên con đường học Phật.
Nghe kinh Phật để ngăn chặn các vọng tưởng không xen vào trong tâm thì mới cảm thấy nhẹ nhàng, thảnh thơi, vui khỏe trong khoảnh khắc hiện tại.
Nghe kinh Phật để thân tâm được điều hòa và thấy sự sống có ý nghĩa hơn và cũng là một hình thức lưu truyền kinh điển theo dạng truyền khẩu.
Đức Phật nói : mỗi người đều có Phật tánh, chỉ có cái tâm còn vọng động cho nên không nhìn thấy Phật tánh bên trong mình. Do đó nghe kinh và thực tập những gì kinh nói là việc cần làm để nhìn thấy Phật tánh đó.
Thân xác do tứ đại hợp lại mà thành, mỗi giờ, mỗi ngày, nó sẽ già đi, cho nên mình sẽ không bao giờ giống trước đó và mình không thể làm chủ được sự thay đổi này mà phải chấp nhận theo nó. Bởi vậy nghe kinh Phật để nghe mình và để hiểu mình, biết cái thân này là không phải do mình làm chủ, từ đó mình nên bỏ cái bản ngã. Nghe kinh Phật để hàng ngày soi rọi tự Tâm mà tu hành, cho đến khi thấy được Vô ngã | V ô pháp |Không không, tức đã dần dần đi vào chính đạo.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật khuyên rằng : "Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn | Đừng tin tưởng điều gì vì vịn vào một tập quán lưu truyền | Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều nói đi nhắc lại | Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân | Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng | Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta | Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ dựa vào uy tín của các thầy dạy các người | Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chuẩn".
Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân,
Kính bút
TS Huệ Dân
BÌNH LUẬN