Quán cơm chay Nàng Tấm nằm sau một ngôi biệt thự cổ, được bài trí rất sạch, đẹp. Các bàn ăn, rèm che cửa được bài trí bằng hai gam màu chủ...
Quán cơm chay Nàng Tấm nằm sau một ngôi biệt thự cổ, được bài trí rất sạch, đẹp. Các bàn ăn, rèm che cửa được bài trí bằng hai gam màu chủ đạo là màu vàng và xanh. Nhân viên phục vụ thì mặc đồng phục màu vàng và màu nâu. Một cảm xúc thanh khiết oà vào khi bước chân vào Cơm chay Nàng Tấm.
Đoán được sự ngạc nhiên của tôi khi nhìn thấy khá nhiều thực khách là người nước ngoài, bà Diễm cho biết: Mấy năm trước thực khách của Cơm chay Nàng Tấm chủ yếu là người nước ngoài, còn nay khách là người nước ngoài và người Việt đến quán ngang bằng nhau. Vào ngày mùng 1, ngày rằm âm lịch quán không đủ chỗ ngồi.
Tôi hỏi bà do đâu mà có ý tưởng lập quán cơm chay và cả cái tên “Cơm chay Nàng Tấm”? Bà nhắc tới một người bạn đang sống ở Việt Nam Jeremy Grand - phóng viên tạp chí Financal Times London là người đã khởi xướng cho ý tưởng thành lập quán Cơm chay Nàng Tấm của bà bây giờ. Jeremy Grand nhiều lần hỏi bà: Tại sao rất nhiều khách nước ngoài đến Hà Nội có nhu cầu ăn chay, trong khi TP.HCM có rất nhiều quán ăn chay, mà Hà Nội lại chưa có. Rồi Jeremy Grand chỉ cho bà những món ăn chay mà người tây thích, rồi cùng bà nhìn nhận thị trường cơm chay của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung: cần phát triển món ăn chay để giữ gìn sức khoẻ, tránh được một số bệnh về khớp, tim mạch, kéo dài tuổi thọ.
Như vậy là đã có nhu cầu, nếu mở cơm chay sẽ có khách. Quán cơm chay ra đời như thế, vào năm 1995. Còn cái tên Nàng Tấm, bà quan niệm giản đơn rằng: Muốn giữ một chút gì đó mang đậm nét dân gian của người Việt. Và bà thích hình tượng cô Tấm hiền hoà, chịu khó, nết na.
Một năm trời, bà Diễm vào miền Nam học kinh nghiệm và tìm nguồn nguyên liệu, sau đó về tự nấu thử, dần rồi quen. Sau đó bà đào tạo người nấu, đi học quản trị kinh doanh, học thêm ngoại ngữ, học vi tính để phục vụ nghề.
Bà kể: Hai năm đầu, còn ít khách vì họ chưa quen ăn chay, đến nay thì quán đã rất đông. Cơm chay Nàng Tấm có tới hơn 100 món, đủ cả từ giò, chả, cá, nem, thịt heo quay, sào, xiên nướng... Giá của chúng lại rất bình dân, chỉ từ 20.000 đồng là khách đã có thể ăn một bữa cơm chay. Nhiều thực khách tôi gặp tỏ ra rất hài lòng. Anh Jeans Paul - thực khách người Pháp cho biết: "Tôi đã ăn cơm chay ở nhiều nơi của Việt Nam, như ở Huế, TP.HCM. Thế nhưng tôi thích những món ăn ở đây hơn. Chúng rất bổ, tươi, ngon và hợp với sở thích của tôi. Các món ở đây không nhiều ớt như ở Huế, cũng không nhiều dầu, đường như ở TP.HCM. Các món chay ở đây thanh đạm hơn rất nhiều, nhưng vẫn có mùi vị rõ rệt của riêng từng món".
Tôi nhắc đến giải thưởng A cho mâm cỗ chay đẹp, ngon nhất ở Yên Tử năm 2006, được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức và trao tặng, bà Diễm - người phụ nữ chính gốc Hà Nội năm nay đã ngoài 60, cười hiền hoà: Được phục vụ khách tại Yên Tử, nơi đất Phật là thoả nguyện ước tâm linh của chúng tôi rồi.
Hiện nay, "Cơm chay Nàng Tấm" đã được mở ở Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM và đã có thương hiệu hẳn hoi. Điều này khác hẳn với những quán cơm chay lẻ tẻ mà ta vẫn gặp ở đâu đó. Bà Diễm bảo còn có ước nguyện thành lập một chuỗi nhà hàng cơm chay mang thương hiệu “Cơm chay Nàng Tấm” ở cả ba miền của đất nước. Tháng giêng! Trong cái tiết xuân trong lành luôn khiến người ta mong chờ một điều gì đó rất đỗi bình an. Có nhiều người bước vào quán Cơm chay Nàng Tấm. Chắc họ cũng như tôi, giản đơn là mong muốn những điều thánh thiện cho một năm mới.
(theo nangtam.com.vn)
BÌNH LUẬN