Trong số những báu vật bị lãng quên nơi sườn Tây Yên Tử có cả Ngọa Vân am, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm...
Trong số những báu vật bị lãng quên nơi sườn Tây Yên Tử có cả Ngọa Vân am, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm về cõi niết bàn.
Sau bẩy trăm năm từ ngày đức vua Trần Nhân Tông cởi hoàng bào, khoác cà sa, rời lầu son gác tía nhập am thiền định, chúng tôi theo con đường cũ mong tìm lại dấu chân người xưa. Từ Quốc lộ 18 tới Đông Triều, rẽ ngang vào hướng An Sinh, rồi men theo con đường quanh đập Trại Lốc, vượt qua ngót ngét gần hai chục con suối, cuối cùng chúng tôi cũng tới được chân núi.
"Hành quân" giữa đại ngàn rừng trúc.
Hồn lau phất phơ.
Hành quân men theo bờ suối rồi lẩn khuất giữa mênh mông rừng trúc, đi qua những địa danh gắn liền với hành trình của Giác Hoàng thủa trước. Này là suối Am Trà nơi ngài nghỉ ngơi, uống trà lấy sức trên chặng đường dài. Này là Tàn Lọng, này là dốc Đô Kiệu, nơi tương truyền khi đến con dốc này, nhà vua dặn rằng: Sau này các vua muốn lên thăm ta, thì đến đây phải xuống đi bộ. Không được bắt phu kiệu phải khiêng kiệu nặng nhọc leo dốc.
Khu Thông Đàn với những cây thông có đường kính khổng lồ và tuổi thọ lên tới 700 năm.
Dốc Đô Kiệu quả đúng như tên gọi, chúng tôi phải bám vào những cành cây rồi nhích lên từng tý một. Qua dốc Đô Kiệu thì đến khu Thông Đàn. Bốn cây thông khổng lồ, có đường kính tới hai người ôm vút cao lên khỏi tán rừng. Tiếc thay, một trong bốn cây thông đã bị châm lửa đốt cháy nham nhở, chỉ còn mỗi cái thân khẳng khiu đen đúa như viết thương chưa lành giữa bầu trời.
Hàng trăm phiến đá vuông vức, hình chữ nhật, rồi những táng đá chân cột nằm la liệt, chen nhau giữa cỏ dại.
Và những viên gạch được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Tại khu vực Thông Đàn, khắp nền đất rộng cả ngàn mét vuông, chỗ nào cũng dày đặc các di vật. Hàng trăm phiến đá vuông vức, hình chữ nhật, rồi những táng đá chân cột nằm la liệt, chồng đống lên nhau, lật ngang ngửa. Những đống gạch, ngói vẫn còn rõ hoa văn thời Trần, Lê vỡ nát chất thành đống giữa cỏ dại.
Dấu vết ba bậc đá vẫn còn rõ nét. Mới đây, ngày 6/2, trên nền di tích cũ, UBND Huyện Đông Triều đã làm lễ khởi công Phụng dựng Phụng Phật tháp và Viên mãn chân giác thiền sư tháp (chùa Ngọa Vân).
Một tòa nhà còn khá nguyên vẹn, dấu tích của một thời kỳ vàng son.
Giờ chỉ còn là phế tích trong sương mờ.
Cách khu Thông Đàn không xa, hiện ra giữa mây mù vấn vít là một khu hoang phế còn khá nguyên vẹn. Tòa nhà chỉ còn lại các bức tường đá dày, mặt tiền gồm ba cửa vòm cuốn đã bị gẫy mất một cột ở giữa nhưng những nét hoa văn đắp nổi vẫn còn rõ nét.
Xung quanh còn rất nhiều tảng đá chân cột nằm lăn lóc và hai am tháp nhỏ thể hiện nơi đây từng là những tòa ngang dãy dọc. Tôi cứ tần ngần bởi sự sửng sốt lẫn tiếc nuối không biết trong đại ngàn rừng trúc kia còn bao nhiêu di tích nằm hoang lạnh như thế.
Đường lên Ngọa Vân am lẩn khuất giữa rừng.
Đi mãi, đi mãi, đã bao lần phải dừng lại thở dốc, đôi chân mỏi nhừ không còn muốn lê bước, phải dồn hết sức, cuối cùng chúng tôi mới đến được Ngọa Vân. Giữa không gian đặc quánh của trời chiều lẫn sương mờ răng kín một màu trắng đục, những cánh hoa đào hồng phai bung nở dưới chân cửa thiền khiến kẻ hành hương quên đi bao mệt nhọc.
Những cánh hoa đào hồng phai bung nở dưới chân cửa thiền khiến kẻ hành hương quên đi bao mệt nhọc.
Bước chân lên những bậc đá phủ rêu, trên mặt bằng đầu tiên là hai tòa mộ tháp nhuốm màu thời gian. Trước mộ tháp Phật Hoàng, chỉ còn một voi đá đứng chầu. Nằm chỏng chơ trên chân tháp là mảnh vỡ của ngựa đá và những mảnh đá của những tượng khác mà tôi chưa thể hình dung là tượng gì bởi chúng đã quá vỡ nát.
Phật Hoàng tháp, nơi an táng xá lợi của Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông.
Ngọa Vân Am chiều cuối xuân.
Bệ tháp chạm hoa sen cách điệu giờ nằm chỏng chơ ở xó chùa.
Hàng chân cột tròn xoe như những chiếc thớt đá xếp thẳng tít tắp giờ được kê làm lối đi. Tôi đã thử ngồi xếp bằng trên một chân tảng thì thấy vừa khít trong núm tròn, điều đó chứng tỏ, nơi đây từng có những đại công trình tráng lệ.
Chắp tay trước bàn thờ Phật, trên manh chiếu cũ hình tròn, một vị sư ngoại tứ tuần đang ngồi thiền trong bộ áo nâu sồng. Đó là vị sư trụ trì Am (chùa) Ngoạ Vân, thầy Thích Thanh Tiến. Dáng vẻ mảnh dẻ có phần gầy gò của những ngày tu thiền. Hỏi ra mới biết, thầy Tiến đã “lánh tục” ở nơi này đã hơn mười năm nay.
Sư Tiến dẫn tôi tới tòa am nhỏ phía sau gian thờ đề ba chữ Hán: “Ngọa Vân am”. Bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông viên tịch có Bảo Sái quỳ chắp tay hầu. Giác Hoàng nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch, một cây trúc mọc xuyên qua đùi. Tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm dưới chân bảo tháp, lòng tưởng nhớ về một vị quân vương đã từ bỏ ngựa xe, võng lọng để xuất gia cửa Phật.
Rời Ngọa Vân am chúng tôi tìm đường sang Bãi Đá Chồng.
Cùng nhau quây quầy bên đống lửa sau một ngày vất vả.
Từ Ngọa Vân Am, chúng tôi đi xuyên qua đại ngàn rừng trúc. Những cây trúc đứng như “so đũa” ken dày khắp dông núi ở độ cao gần nghìn mét so với mực nước biển. Đó cũng là lý do các vị sư tổ gọi thiền phái của mình là “Trúc Lâm”. Bấm chân đi hết con đường trơn như đổ mỡ trong rừng trúc thì tới bãi Đá Chồng. Đỉnh núi này không có cây cối, chỉ có những bãi cỏ và những tảng đá khổng lồ xám xịt lô nhô trong chiều muộn.
Giang Hoàng
(theo afamily.vn)
BÌNH LUẬN