Lời Thưa Nhiều năm để tâm theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng, tận trong tâm khảm của nhiều Phật tử Việt Nam, được đọc tụng kinh Phật, nhất...
Lời Thưa
Nhiều năm để tâm theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng, tận trong tâm khảm của nhiều Phật tử Việt Nam, được đọc tụng kinh Phật, nhất là kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt là niềm khát khao to lớn. Đọc tụng kinh Phật có ý nghĩa sâu xa nhưng thiết thực và gần gũi, nhất là khi hiểu được lời Phật dạy nhằm ứng dụng thực hành trong đời sống hàng ngày.
Vì thế, hiện nay nhiều nhà Phật học trong và ngoài nước đã nỗ lực phiên dịch kinh Phật từ tạng Pàli, Hán sang tiếng Việt để tụng đọc. Mặt khác, chư tôn đức cũng nỗ lực biên soạn nhiều nghi thức tụng niệm thuần tiếng Việt cho hàng Phật tử dễ dàng hành trì.
Kinh Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh soạn dịch rất rõ ràng và dễ hiểu, là một điển hình. Tuy nhiên, có không ít người chưa quen trì niệm danh hiệu “Bụt” thay vì “Phật” nên chưa thực sự thông dụng.
Bên cạnh đó, Khoa Nghi Sám Hối Sáu Căn trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, đã được chư Tăng Ni và Phật tử các Thiền viện thuộc thiền phái của Hòa thượng Thích Thanh Từ thiết lập thời khóa tụng niệm hàng ngày, cũng rất cụ thể và lợi lạc cho việc tu tập.
Nhận thấy hai khoa nghi trên rất thiết thực và hữu ích, nên chúng tôi đã tham khảo ý kiến của chư tôn đức soạn tập lại và sưu tầm thêm các kinh tụng khác thành Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày, với mục đích giúp cho người sơ cơ dễ dàng tụng niệm và hiểu được lời dạy của đức Thế Tôn.
Nghi thức này được soạn tập với sự cẩn trọng nhưng không sao tránh khỏi những vụng về, thiếu sót. Kính xin chư tôn đức từ bi chỉ dạy và quý thiện hữu tri thức hoan hỷ bổ khuyết cho, để Nghi thức này được hoàn chỉnh và tăng thêm phần lợi lạc!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thích Viên Ngộ
Soạn tập
Quyển sách này hiện có phát hành tại nhà sách NGỌC LINH. ĐC: 380/3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 8, Q.3, TP.HCM, ĐT: (08) 38.435.550
BÌNH LUẬN