Cùng là "bảy nổi, ba chìm" nhưng món bánh trôi, bánh chay trong dịp Tết Hàn thực của người Việt Nam lại có những sự khác lạ khi qu...
Cùng là "bảy nổi, ba chìm" nhưng món bánh trôi, bánh chay trong dịp Tết Hàn thực của người Việt Nam lại có những sự khác lạ khi qua các vùng miền... Theo phong tục cổ truyền, tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3.3 (Âm lịch) hàng năm đã trở thành một trong những ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.
Nhưng ngày nay, người ta dễ dàng mua được những đĩa bánh ngon mà không cần phải kỳ công vào bếp, và ngày tết Hàn thực cũng chỉ còn tồn tại ở các tỉnh miền Bắc và 1 số tỉnh thuộc miền Trung: Huế, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, ở mỗi địa phương thì tên gọi và cách thức chế biến món bánh này cũng khác nhau.
Ở các tỉnh trung du miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... vào ngày 3.3, thường chỉ làm bánh trôi chứ không có bánh chay hay nấu chè như Hà Nội. Cách làm bánh trôi truyền thống cũng rất đơn giản: Bánh làm bằng bột nếp pha lẫn bột gạo tẻ, nhào nặn với nước ở tỉ lệ vừa phải, và có nhân bằng đường phên.
Gạo làm bánh trôi được chọn từ giống nếp cái hoa vàng. Trộn gạo theo công thức 9 phần nếp – 1 phần tẻ hoặc 8 phần nếp – 2 phần tẻ tùy loại gạo. Đường chọn làm nhân bánh trôi ngon phải là đường phên già, đỏ thắm và có mùi thơm ngát.
Bánh trôi không nặn to, nhìn không bắt mắt mà ăn lại nhanh ngán. Xoa đều bột trong lòng bàn tay, nặn xong viên nào thả vào nồi nước đang sôi, luộc luôn chiếc đó. Có vậy, bánh mới tròn. Sau 3 lần chìm, 7 lần nổi thì vớt ra và ngâm trong nước sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày vào đĩa. Rắc thêm mấy hạt vừng rang vàng đượm để thêm phần hấp dẫn. Những chiếc bánh trôi trắng ngần, xếp gọn gàng trong đĩa, là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên.
Cũng với cách làm tương tự, nhưng thay vì nhân đường mật ngọt, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, bánh trôi thường có nhân bằng hột lạc, chan với nước đường gừng, và được gọi với cái tên: “Coóng phù”. Coóng phù (còn có tên gọi khác là “Thoóng phù”, “phù noòng” )
Cũng là gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải cho róc hết nước rồi nhào bột cho dẻo, viên lại rồi thả vào nước sôi. Nhưng bánh Coóng phù ở đây có nhân là lạc rang, giã nhỏ, nấu với đường đỏ. Nước đường dùng ăn kèm với bánh có thể được nấu từ đường trắng hoặc đường đỏ, nhưng nhất thiết phải có gừng tươi đập dập nấu cùng.
Dẻo quánh của bột nếp, vị bùi của nhân lạc, ngọt của đường, cùng cái cay nóng của nước gừng đã trở thành nỗi nhớ trong tim những người con xa quê.
Người Hà Nội vốn thanh lịch và tinh tế nên trong cách làm bánh và thưởng thức cũng có đôi chút cầu kỳ. Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng.
Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Trong tiết tháng ba mưa phùn lất phất, từng chùm hoa bưởi trắng muốt, thơm nồng nàn. Người ta gom hoa bưởi sạch đó đem ướp cùng lớp bột sắn dây trắng phau đã được phơi khô.
Hương hoa thấm đượm vào từng lớp bột để rồi người ta lại dùng thứ bột đã được hòa trộn cùng hương hoa nấu nước chè, làm dậy lên ở bát bánh chay vị ngọt dịu, thanh mát, đúng chất cổ truyền. Đĩa bánh trôi cũng vậy, thêm chút tinh dầu hoa bưởi, rắc chút dừa nạo lên trên, đĩa bánh không chỉ đẹp mắt mà khi ta thưởng thức, nó trôi tuột một cách nhẹ vào trong, đọng lại dư vị mà ta nhớ mãi.
Dù chỉ là thành phần phụ trong nguyên liệu chế biến bánh trôi, bánh chay, nhưng nếu thiếu đi mùi hương của hoa bưởi, bánh sẽ không còn mang vị của tiết trời tháng 3, người thưởng thức sẽ không cảm nhận được đúng vị của món bánh trong ngày Tết này. Nói thế để mới thấy được hết cái tinh tế, cái hồn trong nét ẩm thực người Tràng An.
Tuy cách chế biến bánh mỗi vùng có mỗi khác, những tựu chung lại vẫn là những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm ngon, viên bánh trắng, vị bánh thanh, ăn một lần là nhớ mãi. Đĩa bánh trôi, bánh chay ngon lành ấy còn luôn là tấm lòng thành kính của con cháu đặt trên bàn thờ tổ tiên; còn là nỗi nhớ da diết của mỗi người con xa quê khi không thể về nhà cùng cả gia đình ăn bánh khi đến ngày Hàn Thực-mồng 3 tháng 3 âm lịch...
(theo afmily.vn)
BÌNH LUẬN