Trong 12 con giáp thì có lẽ con Chuột là loài vật thân thuộc nhất mà mỗi chúng ta gặp nhiều nhất. Chuột cũng được nhắc rất nhiều đến tron...
Trong 12 con giáp thì có lẽ con Chuột là loài vật thân thuộc nhất mà mỗi chúng ta gặp nhiều nhất. Chuột cũng được nhắc rất nhiều đến trong ca dao tục ngữ. Nhìn chung tính cách của Chuột là tinh ranh có phần xảo quyệt, thường dùng cái lanh lẹ cái mưu mẹo để vượt lên đứng đầu 12 con vật trong địa chi. Việc Chuột được xếp đầu có nhiều quan điểm như xếp theo âm dương hoặc đặc tính hoạt động của con vật tương ứng. Giờ Tý từ nửa đếm đến 1 giờ sáng là thời điểm vạn vật ngủ say nhưng chuột thì lại hoạt động nhộn nhịp nhất để tìm kiếm thức ăn, giờ Sửu từ 1g đến 3 giờ sáng là lúc trâu nhai lại thức ăn và chuẩn bị ra sáng sớm ra đồng đi cày ... Tuy vậy trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện về 3 trong 4 con vật đứng đầu trong 12 con giáp như sau:
Tương truyền Ngọc Hoàng muốn chọn 12 con vật làm linh vật nên đã thông báo cho vạn vât. Tất cả mọi loài đếu muốn mình được lựa chọn nên đều chuẩn bị thật sớm để lên chầu Ngọc Hoàng. Mèo và Chuột cùng rủ nhau lên thiên đình nhưng đến ngày phó hội Chuột ngẫm nghĩ mình không lanh lẹ bằng Mèo, cũng không được mọi người yêu mến như Mèo nên đêm hôm đó nó thức thật sớm để đi chầu. Chuột có lợi thế thức sớm nhất nhưng một mình nó thì không tự tin và cũng không đủ sức nên rủ thêm Trâu để cùng đi vì Trâu siêng năng lại có sức khỏe và được mọi loại nể phục. Trên đường đi do Chuột chân ngắn nên Trâu mới cho phép Chuột leo lên lưng mình để hành trình nhanh hơn, tuy Trâu vô tư nhưng Chuột lại có thâm ý. Ngờ đâu khi đến thiên đình Ngọc Hoàng trước thấy Chuột trên lưng Trâu nên cho Chuột đứng đầu nhờ sự lanh trí của nó. Mèo thức dậy thấy Chuột đã đi rồi nên cấp tốc đuổi theo nhưng dù sao vẫn chậm một bước đành phải hài lòng với vị trí thứ tư. Cũng kể từ đó Mèo và Chuột gây nên một mối thù truyền kiếp.
Câu chuyện tuy không có cơ sở giải thích một cách trọn vẹn đầy đủ và khoa học song nó cho thấy cách nhìn về loài chuột của dân gian: tuy nể phục sự lanh lẹ thông minh cơ trí nhưng đồng thời cũng ghét bỏ và xa lánh loài chuột cơ hội thiếu đức thiếu tài.
Người xưa có câu, "đức không xứng vị" để chỉ cho trình trạng của loài chuột. Tuy đứng ở vị trí được đãi ngộ cao mà đức hạnh không đủ đó chính là mầm tai họa cho chính mình. Gánh một sức nặng kỳ vọng lớn quá sức mình như vậy thì không sớm thì muộn tâm tính cũng lung lay biến dạng đó là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ. Phật giáo mình trọng nhân quả nghiệp báo những gì được hưởng ngày hôm nay đều do phước báu nhiều đời nhiều kiếp mà thành. Mình tạo được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu ấy cũng là lẽ công bằng của xã hội, đằng sau sự thành công của một người là cả một quá trình không ngừng cố gắng. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một câu nói đó là "Bách kim tài phú tất thị bách kim nhân vật, thiên kim tài phú tất định thị thiên kiêm nhân vật". Có nghĩa là người có gia sản tiền trăm ắt là người có khả năng làm ra tiền trăm, người có gia sản ngàn vàng nhất định là người xứng đáng với gia sản ngàn vàng. Con người nhân phẩm tới đâu tài năng tới đâu sẽ được tới đó. Một người nếu tự dưng được hưởng phước báo mà không biết hồi hướng không biết chắt chiu tiêu xài hao phí thì đến lúc phước báo hao mòn không còn lại gì thì tai ương ập đến không cách gì chống đỡ.
Sự may mắn đến nhất thời mà thiếu căn cơ thì không thể nào bền vững. Chữ căn bao gồm bộ mộc nghĩa là cây ghép với bộ cấn nghĩa là bền. Phần bền chắc nhất của cây là gốc rễ của cây. Chữ cơ lấy bộ thổ làm trọng. Căn cơ theo nghĩa chiết tự nghĩa là rễ cây ăn sâu vào trong đất thì không thể nào đổ ngã được. Cây càng cao, gió càng lớn thì bộ rễ phải càng ăn sâu vào đất mới vững bền được. Tán cây rộng tới đâu thì rễ cây cũng phải lan tới đó thì mới đủ sức hút chất dinh dưỡng mà nuôi cây. Hữu điền địa phương hữu căn cơ, khả dĩ vi ốc chủng điền có nghĩa là có ruộng đất trong tay mới có cơ sở mà làm nhà trồng trọt chăn nuôi. Con người tuy hướng về tương lai phía trước nhưng phải biết hồi lại chính mình, chân đứng chưa vững thì không nên nhảy, cố quá chỉ thêm phí sức mà chẳng được việc gì.
Trong Phật giáo, hàng thượng căn thì nghe qua lời chư Phật hiểu liền, người có căn cơ thấp thì dù cho bao lời hay ý đẹp nghe qua cũng như nước đổ lá khoai chẳng đọng lại điều gì. Cho nên căn cơ không chỉ là về mặt phước báu một cách đơn giản mà còn có nghĩa là thông minh về mặt tâm linh. Sự thông minh này được xem là một phẩm hạnh không dễ dàng gì đạt được. Phẩm hạnh có được nhờ vào gần gũi Phật pháp nên có khả năng chuyển hóa những nghiệp xấu ác của mình hay nói cách khác là có nhân duyên với ba đời mười phương chư Phật nên làm việc gì cũng được thiện tri thức hướng dẫn hỗ trợ, gia trì.
Xuân Canh Tý lan man khai bút đầu xuân thế cũng là dài xin chúc anh chị em bạn bè tài lộc được như ý đầy nhà nhưng phần tâm linh đức hạnh cũng được căn cơ đủ đầy để công hạnh sự nghiệp được viên mãn không bao giờ ngã đổ. Mong lắm thay!
BÌNH LUẬN