C uối tháng tư đầu tháng 5 đó là lúc mùa sen trổ hoa. Tôi còn nhớ, khi nhỏ, trên con đường trở về quê nội có đi ngang qua một hồ sen rộng bá...
Cuối tháng tư đầu tháng 5 đó là lúc mùa sen trổ hoa. Tôi còn nhớ, khi nhỏ, trên con đường trở về quê nội có đi ngang qua một hồ sen rộng bát ngát tỏa hương đằm say. Hồi ấy cứ sau những cơn mỏi mòn chờ đợi, khi hồ sen hiện ra tràn ngập sắc hồng sắc trắng tỏa hương thanh mát là tôi biết rằng mình sắp được về nhà. Cho đến tận bây giờ không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến hoa sen tôi đều cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng lãng đãng. Mỗi khi ngắm sen tôi đều có cái cảm giác bình yên năm xưa của đứa trẻ thơ khi sắp sửa về nhà. Lớn lên tôi được tiếp xúc với Phật Pháp tôi càng yêu quý cây sen loài hoa tinh khiết tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất.
Hồi năm tôi học lớp 11, lúc ấy tôi và người bạn có thói quen ra đứng hóng gió ở cầu Sài Gòn vào mỗi đêm. Khi đó tôi đi học thêm về khuya, nhưng dù khuya đến thế nào tôi và bạn vẫn chạy ra đấy để tận hưởng trời mây non nước. Đứng bên trên cầu ngó xuống khi ấy dưới chân cầu có hồ sen thơm ngát, nhưng tôi không chú ý. Hè năm ấy, mùa sen ra hoa, có lần tôi đi ngang hồ sen vào buổi sáng tôi thấy những giọt nắng lung linh đọng lại trên từng lá hoa, đây đó những bông sen nở rộ như những bàn tay hồng nuột nà... đẹp đến vô cùng.
Cũng năm ấy, tôi ghé nhà bạn ở Cát Lái, sáng sớm từ nhà nó đi bộ chừng dăm phút ra sát bờ sông, kế bên sông lại có hồ sen. Sen mọc khắp nơi. Tôi có cảm giác mình đang đi tràn ngập giữa một cõi sen hồng, khắp nơi chỉ một màu hồng mênh mông.
Rồi tôi lên đại học, mỗi ngày đón xe buýt đi học đều đi ngang cầu Sài Gòn, mỗi ngày tôi ngắm sen, mỗi ngày tôi thấy từng cánh sen nở ra rồi héo tàn. Người ta lấp đầy những hồ sen, từ mảnh đất ấy từng căn biệt thự mọc lên thật đẹp... đẹp thì có đẹp song lòng tôi xốn xang.
Học Phật pháp tôi biết rằng hoa sen có những đặc tính mà chẳng loài hoa nào có được... ví dụ như cả hồ sen bát ngát nhưng tuyệt không có một con ong cánh bướm nào vờn quanh. Hoa sen mọc lên từ ao hồ đầm lầy, nhưng hoa sen lại tinh khiết, hoa sen có khả năng chuyển hóa từ ô nhiễm thành thanh cao. Vì lẽ đó từ hơn hai ngàn năm nay đạo Phật đã chọn nó làm biểu tượng cho sự chuyển hóa, của thành tựu không thối chuyển. Đạo là gì nếu không phải là con đường chuyển hóa. Đến đây tôi lại nhớ đến Đức Phật và Hoa sen với công án thiền nổi tiếng "niêm hoa vi tiếu".
Ngày nọ đức Phật cầm một cành hoa sen đưa lên và nở một nụ cười an lạc. Tất cả mọi người không ai hiểu ý Ngài, chỉ có vị đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp tâm ý tương thông cùng nhìn về đóa sen nở một nụ cười tự tại. Đức Phật nói: "Ta có kho tàng chánh pháp, ta đã trao truyền nó cho Ca Diếp".
Mấy nghìn năm sau hàng ngàn hàng vạn học giả đã cố công tìm hiểu về nụ cười tự tại và cành hoa sen năm xưa nhưng có mấy ai đã khám phá ra được kho tàng Phật pháp mà đức Phật đã ân cần truyền dạy....
Trước đây khi có dịp nói chuyện về hoa sen tôi còn biết thêm rằng toàn thân cây sen theo đông y đều là vị thuốc quý. Hoa sen vị có vị ngọt thơm, tính ấm. Cánh sen phơi héo sắc uống có thể chữa chứng cầm máu. Nhị sen, hạt sen tâm sen là vị thuốc bổ dướng an thần. Lá sen có tính mát chữa tiêu chảy, hạt sen ích khí bổ tâm tỳ, thanh nhiệt, giải độc. Củ sen trị tim đập mạnh, khó ngủ, nằm mơ... và rất nhiều bài thuốc dân gian khác nữa....
Người quê tôi chân chất mộc mạc chẳng bao giờ tìm hiểu "nụ cười huyền diệu" năm xưa mà vẫn yêu hoa sen. Giỗ quải người ta cắm sen lên bàn thờ ông bà, trẻ con thì tẩn mẩn tỉ mỉ gỡ từng tâm sen để cảm nhận hết cái bùi bùi của hạt sen tươi. Còn nội tôi thì không gì thích bằng sáng sáng được uống một ngụm trà sen tỏa hương thơm ngát... người Việt tự hào với văn hóa trà Việt đó là thứ trà sen cầu kỳ được ướp bằng cả tấm lòng con người. Trà sen là loại trà được ướp hương sen, muốn có trà ngon phải hái búp trà hạng nhất rồi để trong chum đất trên ủ lá chuối để từ 2 đến 3 năm trong bóng râm không quá nóng cũng không được ẩm ướt để làm giảm độ chát của trà. Sen phải hái trước bình minh, khi ấy hoa sen còn chưa nở, nên vẫn giữ được thứ hương thơm dịu dàng. Hoa sen còn đẫm sương được tách lấy phần nhụy rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp nhụy. Rồi phủ một lớp giấy lên. Ướp như vậy 5-6 lần, mỗi lần ướp xong phải sấy khô mới được ướp tiếp. Công phu như thế nên ấm trà sen chưa uống đã say, mà uống mấy tuần trà rồi mà hương sen vẫn còn ngan ngát
Song có lẽ trong tất cả những món ăn được làm từ hoa sen thì tôi không gì thích bằng món chè hạt sen, món chè đặc biệt chỉ mỗi độ hết xuân vào hạ mới có. Hồi trước khi nấu món này mẹ tôi phải ngồi gỡ từng tâm sen, ngày nay người ta đã bóc sẵn tâm sen để riêng hạt sen để riêng. Hạt sen nấu vừa chín, nhưng không được quá nở, sau đó nâu nước đường thật kỹ rồi cho hạt sen vào thành chè. Chè hạt sen mà ăn nóng thì không ngon, nhưng nếu cho đá vào thì nước đường loãng đi ăn cũng mất đi ý vị. Chè hạt sen phải được ướp lạnh, nếu có thêm một ít bông bưởi nữa thì không gì tuyệt bằng... Mẹ tôi dạy chè hạt sen con không được ăn nhanh, phải ăn thật châm để thưởng thức hương vị vừa ngọt mát vừa thanh thanh của hạt sen...
Cách đây ít lâu tôi đọc Nguyễn Tường Bách lại khám phá ra cái đặc tính "tròn mà nhọn" của hoa sen.
"Mới nghe câu này người ta dễ thấy có gì vô lý. Thế nhưng nếu từng ngắm hoa sen, người ta thấy quả thật nó “tròn mà nhọn”. Hoa sen lúc còn “búp” cũng thế mà mỗi cánh hoa lúc đã nở cũng “tròn mà nhọn” như thế. Hình dáng giản đơn đó của hoa sen - ngờ đâu - là cách người ta dùng để phân biệt hoa sen với các thứ hoa cùng loại...
Phật Đản tôi lên chùa lễ Phật thấy một bình hoa sen dễ thương có mấy trăm bông, tỏa ra vừa đẹp đẽ vừa dịu dàng vừa tinh khiết chợt nhớ đến hồ sen ngày xưa, đến món chè hạt sen mỗi đầu hạ của mẹ tôi và nhớ cái dáng thon thon "tròn mà nhọn" của một loài hoa... thuần khiết thanh cao.
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN