Nhiều người bày biện vật dụng cúng Phật là những loại mang tính chất điện tử như đèn, nhang, hoa quả giả… Tuy không mang tội nhưng không n...
Nhiều người bày biện vật dụng cúng Phật là những loại mang tính chất điện tử như đèn, nhang, hoa quả giả…
Tuy không mang tội nhưng không nên
“Thật ra, nếu chúng ta chưng bày thiết cúng bằng nhang điện hay hoa quả giả, nếu so với phẩm vật tươi thì nó kém đi phần trang nhã tươi mát. Còn bất kính hay có lỗi không thì hoàn toàn ở nơi cõi lòng của Phật tử, chứ không phải ở nơi đồ vật” - thầy Thích Phước Thái (chùa Quang Minh - TPHCM) cho hay.
Cúng Phật là một trong những biểu hiện tâm thành kính đồng thời là bổn phận cơ bản của người thờ Phật. Song sẽ mất cơ hội tích lũy, vun bồi phước báo cho tự thân và đắc tội thất kính nếu thờ Phật mà sơ suất, chểnh mảng việc cúng dường.
Hiện nay, nhiều tư gia dùng “đồ giả” để trên bàn thờ cúng Phật như đèn hoa sen điện, nhang điện, mâm ngũ quả nhựa...
Theo thầy Phước Thái, Phật tử nên tự hỏi lại cõi lòng của Phật tử. Nếu như Phật tử dâng cúng những phẩm vật sang trọng, đẹp đẽ, giá trị, tinh khiết mà Phật tử không có lòng chí thành trong khi dâng cúng thì đó mới là mất trang nghiêm, bất kính và có lỗi.
Việc làm của Phật tử khi cúng các đồ giả thì không có gì là mất trang nghiêm, bất kính hay có lỗi cả. Có lỗi hay không là ở nơi tâm ý, thái độ và việc làm của chúng ta. Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành kính của Phật Tử.
Còn theo Tổ Ấn Quang thường dạy, có một phần thành kính là có thêm một phần phước đức. Tuy nhiên, ngày thường thì Phật tử có thể chưng bày như thế nhưng đến những ngày rằm hay mùng 1, Phật tử nên mua hoa quả tươi cúng Phật thì hay hơn.
“Những lễ vật như hoa trái giả, nhang điện, đèn nến để cúng Phật, tuy không mang tội nhưng cũng không nên. Bởi với công nghệ chế tạo hiện nay nhang, đèn, hoa, trái giả trông khá đẹp và giống như thật nhưng chúng chỉ là vật trang trí chứ không phải là lễ phẩm để dâng cúng” - Chị Nguyễn Thùy Dương (quận Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ.
Mặt khác, về phương diện thẩm mỹ, nhất là trong việc thờ phụng thì giả tạo lại càng không nên. Nhang điện không có khói thì không thể nào “nguyện đem lòng thành kính gửi theo đám mây hương” được.
Song còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh
Dâng cúng Phật bằng những hình thức lễ nghi phẩm vật, mục đích là nhằm biểu lộ tấm lòng thành kính của chúng ta. Tuy đó là hình thức lễ nghi bề ngoài nhưng chúng ta cũng phải giữ gìn cho trang nghiêm tinh khiết.
Song còn tùy vào hoàn cảnh mà người tại gia cần khéo léo, linh động cho phù hợp với môi trường. Mặt khác, việc cúng Phật còn phụ thuộc vào tâm nguyện, hiểu biết, sở thích, khung cảnh không gian và hoàn cảnh của mỗi người.
Lễ phẩm cúng Phật tại tư gia rất đơn giản, thông thường bao gồm: hương hoa, đăng trà, quả thực (lục phẩm - PV). Trên bàn thờ Phật, lúc nào hoa trái cũng tươi tốt, nhang đèn sáng và bàn thờ sạch sẽ là điều lý tưởng.
Trong trường hợp điều kiện không cho phép thì chỉ dâng cúng hoa trái vào những ngày rằm, mùng một hoặc những ngày vía Phật và Bồ tát mà thôi.
Tuy nhiên, những ngày còn lại trong tháng dẫu không có hoa trái nhưng nhang đèn luôn đầy đủ, phải quét dọn bàn thờ sạch sẽ, rút bớt chân nhang, thay nước sạch, đốt hương cúng Phật mỗi ngày.
Phẩm vật dâng cúng dù nhiều hay ít, tốt hoặc xấu, ngon hay dở đều phải là thật, lễ bạc nhưng lòng thành và tâm thành thì Phật chứng. Lễ phẩm là biểu hiện của tấm lòng, do đó sẽ không tốt khi dùng lễ giả để mong biểu thị tấm lòng chân thật.
Bùi Hiền
(theo Bee)
BÌNH LUẬN