Đây là một bài viết “bất chợt” để trả lời riêng cho chị Dương về Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh . Tuy vậy tôi cũng đã từng nghĩ sẽ viết nhiều...
Đây là một bài viết “bất chợt” để trả lời riêng cho chị Dương về Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh. Tuy vậy tôi cũng đã từng nghĩ sẽ viết nhiều hơn về kinh này, không phải là lý luận mà là kiến giải để làm rõ nghĩa và cung cấp thêm một số thông tin. Chị Dương hỏi: “Thế thực hành như thế nào để đạt được đến thâm sâu?”. Thực sự tôi không biết. Có điều đức Phật đã trả lời ở câu cuối cùng của bài kinh: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”. Câu này là một câu thần chú cũng là nghi vấn lớn nhất trong kinh này. Bởi vì nếu cắt bỏ đi cái đoạn trên cũng chẳng ảnh hưởng gì tới ý kinh, vậy thì Phật nói làm gì?
Nguyên âm của đoạn trên là:
Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!
Thực ra có nhiều người đã từng dịch câu này:
Thầy Tuệ Sỹ dịch: Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia
Thầy Nhất Hạnh dịch: Qua rồi, qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả vượt qua bên kia rồi
Osho dịch: Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài, vượt ra ngoài tất cả.
Dr. Michael E. Moriarty dịch: gone, gone, totally gone, totally completely, gone enlightened so be it
Có đều hình như tất cả các bản dịch từ tiếng Việt, Anh, Hoa, Nhật, Hàn… đều giữ nguyên hoặc chỉ dám phiên âm câu này mà không dịch rõ ràng tường minh. Cũng không ai dám khẳng định là dịch như những vị Thầy trên có đúng ý Phật hay không, hơn nữa đây là lĩnh vực “thâm bát nhã” (đi sâu vào bát nhã). Lại có cả người không thèm dịch câu này, Thầy Thanh Từ thay vì dịch câu này đã cho rằng thần chú là thần chú dịch làm gì? Cứ để đấy cứ đọc đấy, ai hiểu được tức đã nhập vào “thâm bát nhã”. Mà khổ, người đã nhập vào “thâm bát nhã” thì lại không đi tranh hơi viết thế nào cho đúng, nói thế nào cho phải.
Trong một tài liệu khác vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng đã giảng giải rằng mỗi chữ trong câu chú trên tướng ứng với một lộ trình tu tập từ thấp đến cao. Bản thân tôi thích cách giải nghĩa này nhất.
Thôi thì mình cứ tưởng tượng như thế này: Một ngày nọ Đức Phật ngồi thuyết Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, Ngài đang thuyết rất rõ ràng để cho tất cả mọi người đều hiểu bỗng dưng Đức Phật dừng lại sau đó Ngài dùng tướng sư tử hống của mình nói:
Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!
Lời kinh ấy có thể xem như là một tiếng chuông đánh thẳng vào tâm thức khiến cho người nào hiểu bàng hoàng tỉnh thức. Còn như mình nghe xong, đọc xong chẳng thấy gì thay đổi thì tức là mình chưa đạt đến “hành thâm bát nhã”.
Thế thì tại sao người nghe lại bàng hoàng? Phải hiểu những gì Đức Phật đã từng nói thì mới thấy rằng Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh quả thực là một tiếng sét ngang tai. Trong suốt cuộc đời 49 năm thuyết pháp không mệt mỏi của mình Đức Phật đã nói đến rất nhiều kinh nhiều chủ đề khác nhau. Trong 20 năm đầu (Thời Lộc Uyển và Phương Đẳng) Đức Phật khẳng định chắc như đinh đóng cột “cuộc đời là bể khổ”, nguyên nhân của đau khổ là “vô minh” khởi đầu của Thâp nhị nhân duyên và chỉ ra con đường tu tập diệt khổ cũng như trạng thái an lạc đạt được sau khi diệt khổ.
Nhưng đùng một cái trong Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh Đức Phật phủ nhận tất cả những gì mình nói trong 20 năm qua. Không những Ngài nói rằng sắc là không, mắt tai mũi lưỡi cũng không, những gì cảm nhận được bằng mắt bằng tai bằng mũi bằng lưỡi cũng không. Khủng khiếp nhất là Đức Phật còn nói là không có sinh già bệnh chết, không có khổ đau, không có nguồn gốc của khổ đau, cho nên không có con đường diệt khổ và cũng chẳng đạt được gì nếu hết khổ.
Đối với đại đa số chúng ta những người không tin Phật đến mức “xả thân cầu pháp”, không nghiêm trì cẩn cẩn chuyên tu theo lời Phật dạy thì lời lẽ ấy cũng bình thường như bao lời khác. Nhưng ở những vị một lòng hướng Phật tự nhiên thấy những gì mình tin tưởng chắc thật trong 20 năm bỗng dưng bị phủ nhận một cách trực diện, thẳng thắn và … nhẹ nhàng như tơ thì thực sự có một sự sụp đổ vừa xảy ra. Mức độ còn tùy thuộc vào mỗi người, đức tin và công phu tu tập.
Tới đây trở lại với câu hỏi “Thế thực hành như thế nào để đạt được đến thâm sâu?”. Tôi nhắc lại tôi không biết phải thực hành thế nào mới là “hành thâm” để đạt được Ma ha Bát Nhã. Có điều ta biết tu càng lâu, sự rung động trước câu “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!” càng lớn khả năng nhập vào “thâm bát nhã” càng cao.
Có nghĩa là hãy tu đi.
Ừ tu, mà tu làm sao?
Thì làm theo lời Phật dạy.
Phật dạy thế nào?
Phật dạy
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáoKhông làm các điều ác
Nguyện làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó lời chư Phật dạy
Làm đến khi nào?
Khi nào thấy rung động.
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN