Hồng Hòa Vi có đôi bạn thân quen nhau từ thuở thiếu thời cũng dễ thường có trên 15 năm. Sáng hôm nay (29.06.2012) hai người bạn cưới nhau. V...
Hồng Hòa Vi có đôi bạn thân quen nhau từ thuở thiếu thời cũng dễ thường có trên 15 năm. Sáng hôm nay (29.06.2012) hai người bạn cưới nhau. Vì là Phật tử thuần thành lại là dân Huynh trưởng GĐPT gộc nên trước khi đãi tiệc gia đình, hai bạn làm lễ hằng thuận ở chùa Kim Cang tỉnh Long An. Mình không tham dự được lễ hằng thuận hai bạn nên vẫn còn tiếc đến giờ.
Nếu cưới mình cũng mong làm lễ hằng thuận ở một ngôi chùa nào đó. Nó không chỉ là môt nghi thức mà còn là một nếp văn hóa Phật giáo cần gìn giữ. Nhiều nguồn tư liệu cho rằng người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương, là nhà Nho, sau quy y theo Phật, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hoa nguyên Đệ nhị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.
Lễ hằng thuận có thể nói là một nếp văn hóa truyền thống Phật giáo độc đáo của riêng Việt. Theo tên gọi, “Hằng” là thường xuyên, luôn luôn, “Thuận” là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống. Hằng thuận có nghĩa vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái, hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo bát chánh đạo.
Một tình yêu đẹp là sự vắng mặt của tham sân si, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã, là sự có mặt của lòng hy sinh. Tình yêu đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ là một tình yêu bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác mà hy sinh không vì lợi ích cá nhân.
Trong lễ cưới hiện đại lễ hằng thuận thường đi kèm với việc trai tăng và phóng sinh để cầu phúc cho đôi bạn trẻ. Trước lễ gia đình thường cáo bạch với thầy trụ trì nơi làm lễ hằng thuận. Sau khi được chấp thuận gia đình hai họ thường mời thêm một số vị tăng sĩ khác nữa cùng chia vui với gia đình trong ngày trọng đại. Tại sao phải mời các vị tăng sĩ. Tăng sĩ là trưởng tử của Đức Phật, thay mặt Đức Phật. Việc mời được nhiều vị cao tăng cùng tham gia chúc phúc cho đôi bạn trẻ không chỉ khiến gia đình Phật tử thuần thành thêm rạng rỡ mà còn đem lại phước báu cho cuộc sống vợ chồng sau này.
Buổi lễ hằng thuận thường được diễn ra trong không khí trang nghiêm thành kính. Vị tăng sĩ thủ tọa sẽ có một bài pháp thoại ngắn để nhắn nhủ đôi vợ chồng trẻ về cuộc sống hôn nhân sau này cũng như là cách đối xử giữa vợ chồng với nhau theo Phật giáo. Sau buổi lễ gia đình hai họ thường thiết đãi tiệc chay cho quý thầy và quan khách ở buổi trưa hôm đó.
Một lễ cưới tổ chức tại chùa, có thể nói rằng rất đơn giản nhưng lại rất ấm cúng, trang nghiêm và vô cùng ý nghĩa về đạo đức, văn hoá và tâm linh. Không bia rượu, không thuốc lá, không những không sát sanh mà còn phóng sanh. Và lời phát nguyện trước Tam Bảo sẽ có tác động rất lớn đến đời sống tâm linh của đôi vợ chồng trẻ về sau. Đó là ý nghĩa đích thực của một lễ hằng thuận đúng với chánh pháp.
Một số hình ảnh trong lễ hằng thuận bạn tôi.
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN