Tìm hiểu về nhân quả nghiệp báo nhà Phật - Phật pháp vấn đáp - Hỏi đáp phật pháp
HỎI: Gieo phước và hưởng phước là vấn đề quan trọng của người tu theo đạo Phật. Theo luật Nhân quả của Phật giáo thì nhân nào quả nấy, ai làm nấy chịu. Vậy nếu cha mẹ làm phước và hồi hướng phước báo đó cho con thì con của họ có được hưởng không? Ngược lại nếu cha mẹ của họ bị bệnh, già mà con cái của họ làm phước và hồi hướng phước cho cha mẹ thì cha mẹ của họ có được hưởng phước báo đó không? Nếu có thì vấn đề này Đức Phật chỉ dạy như thế nào, trong các kinh nào? Tại sao người ta thường hay nói “cha ăn mặn con khát nước” hay “cha mẹ ăn ở ác quá thì thế nào con cái cũng bị quả báo”... Như vậy quan hệ huyết thống có tương quan nhân quả với nhau như thế nào về vấn đề hưởng phước?
(LÊ TRUNG ĐỨC, letrungduc_lti@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Lê Trung Đức thân mến!
Nói “gieo nhân nào thì gặt quả nấy” hay “tội ai làm người ấy chịu, phước ai gieo người ấy hưởng”… chỉ là cách nói khái quát về quy luật nhân-quả có tính đơn tuyến mà thôi. Thực chất, luật nhân quả Phật giáo, nói đúng là nhân (nhân chính) - duyên (nhân phụ) - quả (kết quả) là một quá trình vận động đa tuyến, đa chiều. Trong đó yếu tố duyên (nhân phụ) đóng vai trò rất quan trọng có thể làm lệch hướng kết quả. Nghĩa là tùy theo duyên tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực tác động vào mà kết quả bị lệch đi so với nhân chính ban đầu. Cụ thể, hạt giống tốt nhưng gieo trồng trong môi trường và thời tiết không phù hợp (duyên xấu) thì hoa trái sẽ không tốt.
Khi cha mẹ làm phước hồi hướng cho con hay ngược lại con cái làm phước hồi hướng cho cha mẹ chính là họ đang tác động những yếu tố duyên (nhân phụ) tích cực, thiện lành vào tiến trình nhân - quả người thân của mình. Chắc chắn người thân sẽ nhận được phước báu của chúng ta làm phước hồi hướng đến. Tuy nhiên, phước báu nhận được do người khác hồi hướng còn tùy thuộc nhân quả - nghiệp báo riêng của mỗi người mà có biểu hiện an lành, tốt hơn với những mức độ khác nhau. Kinh Vu lan, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư… Đức Phật đều có dạy làm phước để hồi hướng cho thân nhân, dù họ hiện còn hay đã mất.
Đối với vấn đề “cha ăn mặn, con khát nước”, để làm sáng tỏ tương quan nhân quả - nghiệp báo này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là nghiệp riêng của mỗi cá nhân, cộng nghiệp là nghiệp chung của đoàn thể mà cá nhân ấy là một thành viên. Như trong gia đình, mỗi người có một nghiệp riêng cùng sống trong một nhà với các thành viên khác là nghiệp chung. Hai loại nghiệp riêng và chung này có quan hệ mật thiết, luôn tác động và chi phối lẫn nhau. Nói “cha ăn mặn, con khát nước” có nghĩa là biệt nghiệp (cha ăn mặn - làm ác) của người cha tác động xấu lên cộng nghiệp của cả gia đình (con khát nước - đau khổ). Trường hợp khác là “một người làm quan, cả họ được nhờ”, biệt nghiệp của một người làm quan tác động tốt cho cộng nghiệp cả dòng họ. Thực chất đây không phải là tương quan nhân quả của mối quan hệ huyết thống mà chính xác là sự tương tác giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp.
Nhờ hiểu rõ tiến trình nhân-duyên-quả và tác động lẫn nhau giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp nên mỗi người tự nỗ lực hoàn thiện mình nhằm xây dựng gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh
(theo GNO)
BÌNH LUẬN