D ường như đã lâu lắm rồi, 3 năm, à không... chỉ gần 3 năm nay thôi tôi đã quen lắm thân lắm với những chuyến xe buýt ngược xuôi. Những chuy...
Dường như đã lâu lắm rồi, 3 năm, à không... chỉ gần 3 năm nay thôi tôi đã quen lắm thân lắm với những chuyến xe buýt ngược xuôi. Những chuyến xe như một phần cuộc sống không thể tách rời của một thằng sinh viên như tôi. Và cũng từ lúc nào chẳng biết tôi cứ thích ngồi ngay khung cửa sổ cuối cùng của băng ghế cuối cùng. Bởi lẽ tôi không thích nhìn cảnh chen lấn mỗi khi tan học cùng đám bạn, tôi thích nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường lao qua vun vút. Những lúc như vậy tôi thấy mình bình yên đến lạ, chuyến xe dường như là của riêng một mình tôi, cái khung cửa sổ nhỏ hẹp ấy trở thành một bản hoà tấu âm nhạc đầy màu sắc. Mà cũng thật là kỳ lạ cảnh vật chẳng có gì thay đổi trọng đại nhưng cứ mỗi chuyến xe qua tôi luôn thấy có cái gì đó mới mẻ cuốn hút, lúc thấy tâm hồn bị một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm, lúc xót xa, có lúc lại vui vui chỉ vì một hình ảnh nào đấy vô tình đọng lại trong mắt…
Có ngược xuôi trên những chuyến xe buýt đi Thủ Đức mới thấy thành phố mình ngày một hiện đại hơn, những căn nhà tường dần dần đã thay thế những căn nhà tạm bợ, điều đó chứng tỏ cuốc sống của người dân ngày càng sung túc hơn trước kia nhiều. Nhưng tôi vẫn tiếc lắm vì mỗi ngày lại thấy những hàng tràm lần lượt bị đốn hạ. Đôi khi tôi lại tự hỏi không biết những cây tràm kia có tâm hồn không nhỉ? Nếu có, chắc là nó đau lắm? Nỗi đau của sự xẻ thịt phanh da… tôi hiểu tôi phải thừa nhận, và chấp nhận điều này vì đó là cuộc sống, cuộc sống khắc nghiệt!
Chỉ còn lại vài hàng tràm xác xơ, trơ trọi bám trụ như cố níu kéo nhưng rồi cũng dần lụi tàn trong sự lẻ loi cô độc vì như lời một bài hát … và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng , có một cây là có rừng và rừng sẽ nên xanh … rồi tự mình cười mình sức sống của chúng mạnh là thế mà vẫn không thắng nổi con người.
Những tưởng khi những hàng cây lần lần gục ngã, sự sống cũng theo đó mà ra đi, nhưng không tôi lầm, lầm to; chỉ ít lâu sau những mầm sống lại bắt đâu hiện hữu một cách thần kì, một loài hoa cúc dại bé bé xinh xinh bắt đầu mọc tràn lan. Những bông hoa trắng muốt, những nhánh cây khẳng khiu, những chiếc lá xanh đã ngả sang màu đất đỏ của cúc “xuyến chi “ như thách thức cái nắng, cái bụi bặm và cả lòng kiên nhẫn của con người. Sự sống không mất đi, sự sống chỉ chuyển sang một dạng khác. Tôi chợt rung lên vì sung sướng, như vậy là những cây tràm không chết, chúng vẵn đang tồn tại, nhựa của chúng vẫn dâng trào, vẫn chảy trong huyết mạch của loài hoa xuyến chi bé nhỏ. Ngay cả khi bị huỷ hoại chúng vẫn giao một phần thân xác cho đất mẹ bao la để nuôi dưỡng một loài cây khác… chợt giật mình: “Vậy còn con người sống với con người như thế nào?“
Con người sống với con người như thế nào?
Trước loài hoa cúc dại tôi thấy mình sao tầm thường, bé nhỏ, chợt nhận ra mình chưa từng sống vì ai chưa từng cho ai, mà hình như mình chỉ trao đổi, sự trao đổi được nguỵ trang trong lớp mặt nạ dưới nhiều hình thức. Mình cũng có cho đấy chứ, nhưng mình chỉ cho kẻ nào xứng đáng mà thôi, mình không thể cho khi biết chắc rằng kẻ nhận không xứng đáng được nhận. Cuộc sống bắt buộc mình phải nghi ngờ, nghi ngờ những kẻ nhân danh các tổ chức từ thiện quyên góp , khi chưa ủng hộ phần ít ỏi thì mình đã nghĩ xem không biết số tiền mình bỏ ra có tới tay người cần hay không , rồi tự nói với lòng mình , nếu có điều kiện hơn mình sẽ làm điều gì đó lớn lao… Tôi biết mình đang an ủi mình vì trong tận thẳm sâu của tâm hồn tôi hiểu rằng mình không bằng họ, mình chưa sống vị tha như họ và hình như mình còn có phần xấu hổ ganh tỵ nữa là đàng khác. Mình suy bụng ta ra bụng người, nghi ngờ mọi người mà không ngờ mình chẳng bằng một loài hoa cúc dại bên đường.
Hoàn cảnh sống khắc nghiệt đã không giết chết được loài hoa xuyến chi, không những vậy từng chùm hoa từng chùm hoa lặng lẽ vươn lên dâng hương dâng sắc cho đời, dẫu chỉ là chút hương sắc của một loài hoa dại nhưng đó vẫn là sự hi sinh, sự hi sinh cao đẹp không vị lợi không phân biệt cho cuộc sống này. Khi loài hoa biết quên mình thì cũng là lúc ta tìm được ở nó một giá trị đích thực mãi mãi …
Hồng Hòa Vi (2002)
BÌNH LUẬN