HỎI: Vui lòng cho biết, nguồn gốc của hai vị “Ông Địa và Thần Tài”. Là một Phật tử, có nên thờ hai vị trên trong nhà không? ĐÁP: Về nguồn ...
HỎI: Vui lòng cho biết, nguồn gốc của hai vị “Ông Địa và Thần Tài”. Là một Phật tử, có nên thờ hai vị trên trong nhà không?
ĐÁP: Về nguồn gốc của Ông Địa và Thần Tài, cho đến nay, hầu như có rất nhiều quan điểm khác biệt nhau. Trong vô vàn những quan điểm khác biệt ấy, chúng tôi tạm khái lược một số nét chung nhất về xuất xứ của tập tục thờ tự này.
Ông Địa còn được gọi là Thổ công, là vị Thần coi sóc một mảnh đất, một khu vực cụ thể nào đó.
Trong dân gian có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ở mỗi gia cư, Thổ công là vị thần trong coi gia đình, dự định họa phúc. Xét về nguồn gốc, việc sùng bái Thổ địa phát xuất từ thời thượng cổ. Vì có đất đai, mới có thể làm nông nghiệp, mới có thể làm ra của cải, áo cơm và có được một cuộc sống yên bình. Qua nhiều năm tháng lịch sử, thần Thổ địa từng bước được trừu tượng hoá và được tôn vinh là “Hậu thổ hoàng địa chi”, là một trong những bậc tôn thần tối cao có chức năng sinh sản và hàm dưỡng muôn vật. Trong xã hội hôm nay, tùy theo ảnh hưởng văn hóa của từng khu vực mà hình dạng Thổ địa hay Thổ công được biến thái dưới nhiều hình trạng. Có khi là một ông già to béo, bụng phệ, vẻ mặt hiền lành, miệng cười thoải mái. Có lúc, tượng Thổ địa được thể hiện dưới hình thức là một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo dài, đội mũ mỏ quạ, râu trắng như cước. Đạo giáo rất coi trọng và siêng năng thờ cúng vị thần này.
Thần Tài, theo quan niệm của số đông dân gian là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình, cho nên rất được tin thờ. Dù ở phố chợ đông vui hay ở thôn làng hẻo lánh đều có bàn thờ Thần Tài. Đối với những người làm nghề buôn bán nhỏ thì sự tôn sùng vị thần ấy dường như là một thói quen trong tập quán của nhiều người. Tuy nhiên, cũng như Ông Địa (Thổ công), bàn thờ Thần Tài không cần phải bày trí ở nơi cao ráo mà có thể ở một góc khuất nào đó nhưng sạch sẽ trong ngôi nhà. Việc thờ tự lạ lùng này liên quan đến điển tích của Thần Tài. Thuở xưa ở Trung Quốc, có một người lái buôn tên là Âu Minh, một hôm thuyền hàng của anh ta đi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy thần ban tặng một nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh mừng lắm, chàng ta vội vàng đưa Như Nguyện về và cưới nàng làm vợ. Chỉ trong một vài năm, Âu Minh làm ăn phát đạt và nhanh chóng giàu to. Trong một ngày Tết, có lẽ vì say rượu, Âu Minh đã đánh đuổi Như Nguyện, sợ hãi, nàng chui vào một đống rác và biến mất. Kể từ đó, Âu Minh sa sút dần, không mấy chốc đã trở nên nghèo khó. Từ điển tích này, trong dân gian đã xem Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ tự. Và đó cũng là một trong những lý do để ba ngày Tết, dân gian kiêng kị không quét nhà hốt rác, vì rằng sợ hốt luôn cả Thần Tài đang ở trong đống rác.
Tuy giữa Ông Địa (Thổ công) và Thần Tài có sự phân biệt như thế, nhưng ở một số nơi người ta thường thờ chung cho cả hai vị Thần này, vì theo quan niệm của dân gian thì đây là hai vị Thần có liên quan thâm thiết đến cuộc sống, đến tài lợi của đời sống gia đình mình. Đôi câu đối thường thấy dán ở bàn thờ Thần Tài và Ông Địa đã cho chúng ta thấy rõ điều này: “Thổ năng sinh bạch ngọc/Địa khả xuất hoàng kim” (Đất thường sinh ngọc tốt/Vàng ròng cũng từ đất mà ra).
Mặc dù không tìm thấy một vị Thần hay danh xưng tượng tự như thế trong tam tạng Thánh điển của Phật đà, nhưng theo quan điểm của Phật giáo, thì ngoài chư Phật, chư vị Bồ tát trong mười phương thì còn có rất nhiều các vị chư Thiên, các vị La - sát, các vị Thần khác với những trách vụ khác nhau. Có vị ủng hộ thọ mạng của con người, có vị chăm nom tài sản, con cái, nhà cửa, đường sá, có vị góp phần hưng long Chánh pháp, làm cho Phật pháp được trường tồn. Trong nhiều kinh điển Đại thừa (kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Quang Minh...) đã xác chứng điều ấy. Như vậy, xét đến cùng, Ông Địa hay Thần Tài vẫn là những vị thiện thần có năng lực trợ giúp cho cuộc sống của con người.
Vấn đề, là một Phật tử có nên thờ Thần Tài, Ông Địa trong nhà của mình không? Theo lời Phật dạy, đã là một Phật tử, tức quí vị đã phát nguyện “Bất qui y thiên thần quỉ vật”, thì lẽ đương nhiên không nhất thiết phải khẩn lụy nơi các vị Thần này. Vì lẽ, với giáo lý Nhân quả - Nghiệp báo, quí Phật tử có thể hiểu được rằng không ai có thể thay ta gánh hoạ hay ban phúc. Phúc hay hoạ do tự thân ta làm ra và chính bản thân ta phải gánh chịu. “Không trời cao biển rộng/Không hang động núi rừng/Đã tạo nghiệp ác độc/Tử thần quyết không dung” (Pháp cú 128, bản dịch của Tịnh Minh). Tuy nhiên, cũng căn cứ vào giáo lý nhà Phật, chúng ta cần phải nhận thấy một điều, ngoài việc chú trọng trên phương diện tự lực, Phật giáo cũng chủ trương và chấp nhận những tương tác và ảnh hưởng của tha lực, nhất là tha lực của chư Phật, Bồ tát và những Hộ pháp, Thiện thần. Thế thì, dù là Thần Tài hay Ông Địa, dưới nhãn quan Phật giáo là những vị thiện thần đã và đang được nhân gian phổ thông sùng kính và tất có những ảnh hưởng nhất định. Ở đây, trong một chừng mực nào đó, nếu như sự hiện diện của chư vị ấy trong nhà làm cho ta có cảm giác bình yên, thanh thản thì Phật giáo không cứng nhắc cản ngăn. Thế nhưng, từ trước đến nay, nhà quí vị chưa hề và chưa bao giờ thờ hai vị Thần này - mặc dù quí vị vẫn tin tưởng oai lực của chư vị Thiện thần hộ pháp - thì cũng không nên khiên cưỡng thờ tự. Nói như vậy, không phải là cách nói nước đôi, vì chúng ta cần phải thấy rằng, đức Phật khi thi thiết, giáo hoá đều tùy theo hoàn cảnh, căn cơ để hoá độ. Nếu như một người đã thâm tín Phật pháp thì không cần phải chỉ vẽ, tự thân họ sẽ biết nên làm những gì. Và đối với những người sơ cơ nhập đạo thì sự uyển chuyển, linh hoạt trong việc vận dụng giải pháp là một phương tiện tạm thời trên hành trình tìm về với Giác ngộ.
Từ những khái quát trên, chúng tôi hy vọng rằng quí vị sẽ có một lựa chọn hợp lý và thỏa đáng cho riêng mình trong việc bày trí, thờ tự.
Huyền Ngu – Quảng Tánh
(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)
BÌNH LUẬN