I. MỞ ĐẦU : Giải nghĩa Tinh thần: Thuộc về tình cảm, trái tim; trái với vật chất, thể xác. Đồng đội: Cùng chung một đội, chúng với n...
I. MỞ ĐẦU :
Giải nghĩa
Tinh thần: Thuộc về tình cảm, trái tim; trái với vật chất, thể xác.
Đồng đội: Cùng chung một đội, chúng với nhau.
Tất cả chúng ta ai cũng đều biết, một bó đũa nếu để rời từng chiếc thì bị bẻ gãy rất dễ dàng, nhưng nếu được bó lại với nhau thì không thể bẻ nổi. Ta hiểu điều đó nói lên tính đoàn kết của một tập thể, của anh em chung một nhà. Điều muốn đề cập trong bài này là: Cái gì đã gắn kết bó đũa lại? Hay nói cách khác, Vì sao bó đũa gắn kết với nhau? Cái gắn kết một đội, một tập thể lại với nhau để hướng đến một mục đích chung đó chính là tinh thần đồng đội, phần cốt tủy, cái bên trong của một đội, chúng, một tập thể.
Vậy, tinh thần đồng đội là một ý chí đoàn kết nhất trí của tất cả mọi người để cùng hướng đến một mục đích chung.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ TINH THẦN ĐỒNG ĐỘI :
Mọi thành tựu, kết quả trên thế gian này hoàn toàn không bao giờ tự nhiên mà có, cũng vậy, tinh thần đồng đội phải được gầy dựng; nuôi dưỡng thì mới nảy nở và phát triển được. Gầy dựng thế nào? Nuôi dưỡng ra sao?
Có nhiều cách thức để xây dựng tinh thần đồng đội, trong phạm vi của bài này, xin gợi ý các phương pháp sau:
1. Gây dựng truyền thống của Đội Chúng:
Truyền thống là sự trao lại, nối tiếp đời này đến đời khác. Truyền thống của một đơn vị, một tổ chức trước hết phải được xác định từ những cái tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, đó là: Tên và Tuổi . Tên, thì đội chúng nào cũng có. Còn Tuổi chính là ngày sinh nhật, ngày làm lễ ra mắt của Đội Chúng.
Khi có tên, có tuổi thì truyền thống đã được xác lập. Mọi người cùng suy nghĩ, hành động làm sao để cho tên tuổi Đội Chúng của mình không bị hoen ố.
Khi có tên tuổi thì cùng nhau nỗ lực phấn đấu để đem lại danh thơm cho Đội Chúng và một khi đã có ít nhiều thành tựu, thành tích thì truyền thống đã mang sức nặng đủ để cảnh tỉnh mọi người luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ.
2. Giữ gìn tác phong:
Tác phong từ bên trong ra đến bên ngoài. Bên trong thì phải luôn nuôi dưỡng tâm ý thanh tịnh (Trong sạch tinh thần); bên ngoài thì từ sắc phục cho đến lời nói, cử chỉ đều luôn nghiêm chỉnh, chừng mực, khoan hòa (Lời nói đến việc làm). Một Đội Chúng mà giữ gìn được như thế thì Đội Chúng ấy nhất định tiềm tàng một sức mạnh to lớn.
Hãy thử hình dung: một bên là một đội tuy đầy đủ số lượng (8-10 người) lại có thân to, xác lớn mà ăn mặc nhếch nhác, luộm thuộm, đồng phục người có người không, người đủ người thiếu; nói cười thô tháo…Với một bên là một đội tuy chỉ có 5-6 người nhưng đồng phục nghiêm chỉnh, cử chỉ, lời nói khoan hòa, chừng mực…
Chỉ thử hình dung như thế thôi, ta cũng thấy được sức mạnh, hay là nội lực, của Đội Chúng thứ hai như thế nào rồi.
3. Hình thức bên ngoài:
Góp phần không nhỏ vào việc gầy dựng tinh thần đồng đội cần phải kể đến việc xây dựng hình thức bên ngoài cho Đội, Chúng. Hình thức đó là gì? Là cờ Đội Chúng, là bài ca Đội Chúng, là góc Đội Chúng…
Lá cờ là linh hồn của một tổ chức, một đoàn thể, một quốc gia. Do vậy cùng nhau giữ gìn bảo vệ và trân trọng là cờ của Đội Chúng là góp phần hun đúc tinh thần đồng đội, tinh thần “vì màu cờ sắc áo”.
Bài ca chính thức của Đội Chúng khi được cất lên một cách trang trọng, cũng sẽ có sức mạnh gắn kết những trái tim, khối óc kia lại với nhau.
Góc Đội Chúng là nơi trưng bày, lưu giữ những kỷ niệm vui buồn, những thành tích của Đội Chúng cũng chính là nơi lưu giữ tình cảm lưu luyến, gắn bó anh chị em với nhau.
4. Động viên - Cổ vũ – Khích lệ
Ai cũng muốn được quan tâm, được nhìn nhận, được khích lệ. Do vậy để nuôi dưỡng tinh thần đồng đội, người Đội Chúng trưởng cần phải biết động viên, cổ vũ và khích lệ Đội Chúng sinh của mình. Phải làm sao cho mọi người thấy rằng mọi việc làm tốt của mình, dù nhỏ, đều được thấu hiểu, tán dương. Phải làm sao cho Đội Chúng chính là chỗ dựa của mỗi người những khi ngã lòng thối chí vì luôn nhận được sự động viên, khích lệ kịp thời.
5. Tạo tình thân mật
Gia Đình Phật Tử là nơi “dùng tình thương để phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người trên căn bản nền tảng Phật pháp”. Tình thương là căn bản của mọi quan hệ, cư xử trong tổ chức GĐPT. Người Đội Chúng trưởng cần phải thấu triệt nguyên lý này và phải áp dụng vào trong mọi sinh hoạt của Đội Chúng.
Chúng ta thương yêu nhau vì có cùng mục tiêu, lý tưởng. Chúng ta thương yêu nhau vì cùng là con Phật, cùng tu học giáo pháp của Ngài để được an lạc. Chúng ta thương yêu nhau vì hiểu răng : được gặp nhau đây, cùng chung sống với nhau trong Tình Lam là do nhân duyên nhiều đời đã từng kề vai, sát cánh, chung lưng đấu cật với nhau. Hiểu như vậy, thấu triệt như vậy để luôn có sự cảm thông, chia sẻ trong tình thương yêu – Có Hiểu thì mới Thương được.
Tình thân mật được gầy dựng và phát triển đôi khi chỉ thông qua một vài cử chỉ đơn giản, nhẹ nhàng. Tình anh em nhà Lam đâu chỉ thể hiện ở dưới mái chùa? Năng gặp gỡ nhau, hỏi han chăm sóc quan tâm lẫn nhau trong mọi công việc đời thường: học hành, công tác…mới thể hiện đúng bản chất của Tình Lam.
6. Làm việc có tổ chức
Không thể nào có một tinh thần đồng đội trong một Đội Chúng mà người thì làm không hết việc, kẻ ngồi chơi không. Một hình ảnh báo trước sự tỵ hiềm, xích mích, chia rẽ sắp xảy ra! Lỗi này do Đội Chúng trưởng làm việc không có tổ chức, không biết phân công công việc.
Phải luôn ghi nhớ: trước khi làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, đều phải có dự trù, tiên liệu và sắp xếp (tổ chức) hợp lý. Có tổ chức chu đáo thì mọi người đều được bình đẳng trong tất cả nhiệm vụ, cùng gánh vác, chia xẻ trách nhiệm với nhau. Kết quả là công việc sẽ hoàn thành trôi chảy, mà tình đồng đội lại thêm gắn bó, keo sơn.
7. Nhiệt tình – Sôi nổi và Năng động
Một Đội Chúng trưởng mà thiếu nhiệt huyết, hay nói nôm na là “thiếu lửa”, thì khó có thể trông đợi gì vào sự lớn mạnh của Đội Chúng đó. Thái độ uể oải, lừ đừ “xìu xìu, ễnh ễnh” là một thứ thuốc gây mê, làm tê liệt mọi cảm xúc, mọi tình cảm và giết chết tinh thần đồng đội. Ngược lại, sự năng nổ, nhiệt huyết là mồi lửa thắp lên ngọn lửa nhiệt tình trong mỗi Đội Chúng sinh. Có nhiệt tình, sôi nổi thì mới có năng động. Năng động trong suy nghĩ tìm mọi cách để tạo ra sinh khí cho sinh hoạt Đội, Chúng. Năng động trong công việc không cam bó tay, đầu hàng nghịch cảnh mà luôn tìm tòi những cách thức, những biện pháp để tháo gỡ chướng ngại với một nhiệt tâm không lay chuyển: đưa Đội Chúng vững tiến.
Nhiệt tình xuất phát từ tấm lòng thiết tha, từ sự thương yêu gắn bó với màu Lam. Là lòng trung kiên đối với lý tưởng của tổ chức.
8. Công bằng và thực tâm
Bất công là mầm mống gây chia rẽ, là nguồn gốc sự đối đầu. Tuy nhiên, thật khó có thể thực thi được sự công bằng tuyệt đối trong cuộc sống, nhưng dù vậy, người Đội Chúng trưởng cần phải nỗ lực thiết lập, và thực thi sự công bằng trong Đội Chúng mình bằng sự thực tâm.
Muốn làm được tốt điều này, người Đội Chúng trưởng cần phải:
- Nghĩ đến tánh tốt của nhau: Phải biết bỏ qua những điều không quan trọng. Phát huy điều tốt ở mọi người.
- Thương mến nhau: Phải biết bao dung, đùm bọc đội chúng sinh. Hy sinh, nhẫn nại và mềm dịu.
- Thành thật - Không bao giờ giả dối: không ai muốn người khác cư xử thiếu thành thật với mình. Phải luôn biết lắng nghe và sửa đổi khi được góp ý. Không than van kể lể, kể công khó.
- Tha thứ: Xí xóa mọi lỗi lầm. Không nhắc chuyện đã qua. Không trách móc và tuyệt đối không nhắc đến những bất đồng cũ.
III. KẾT LUẬN :
Tóm lại, nếu Đội Chúng đã đoàn kết một lòng, thương yêu gắn bó với nhau thì tin chắc rằng mọi khó khăn, chướng ngại sẽ không còn là vấn đề. Khi mọi trái tim đều chung một nhịp đập, mọi ánh mắt đều cùng nhìn về một hướng, mọi cánh tay đều cùng một mục tiêu thì có thể nói không có việc gì mà lại không làm được.
Đội là hình thức, Tinh thần là phần cốt tủy để giữ vững Đội Chúng.
Đồng Bích biên soạn dựa theo tài liệu huấn luyên Đội Chúng trưởng của GĐPT.
BÌNH LUẬN