Muốn làm đệ tử nhà Phật, một người nào đó cần phải phát tâm quy y thọ trì tam quy, ngũ giới. Tuy nhiên một số ít người do chưa hiểu về giới ...
Muốn làm đệ tử nhà Phật, một người nào đó cần phải phát tâm quy y thọ trì tam quy, ngũ giới. Tuy nhiên một số ít người do chưa hiểu về giới hạnh cũng như tư cách cần có của người Phật tử nên sau khi quy y, họ lại dùng chính điều này để PR cho bản thân. Đại đức Thích Pháp Bảo, chủ nhiệm diễn đàn Vẻ đẹp Phật pháp một trong những thành viên ban biên tập Người Áo Lam đang tu học tại Thiền Viện Vạn Hạnh (TP.HCM) đã trả lời phỏng vấn báo Kiến Thức về tư cách cần có của người đệ tử nhà Phật
“Đã đến với cửa từ bi của đạo Phật thì nên buông bỏ cái tôi, tính kì thị, khoe khoang phô bày những tập khí ở thế gian đi” thầy Thích Pháp Bảo chia sẻ
Nên tìm hiểu kỹ rồi hãy quy y
Thưa thầy, nhà Phật có quy định gì đối với người xin làm lễ quy y không ạ?
Đạo Phật là đạo từ bi, vì thế ngay từ thời đức Phật, Ngài không chỉ quy y cho con người mà với tất cả các loài hữu tình, chư thiên… hễ ai muốn làm đệ tử thì đều được đón nhận.
Vì thế khi một người phát nguyện quy y thì trước tiên cần giữ tâm hồn mình trong sạch và tĩnh lặng. Ngoài ra người này cũng nên tìm hiểu trước giáo lý, cũng như những quy định về giới hạnh đối với người đệ tử của đạo Phật.
Từ đó, họ cần thử nghiệm tâm mình và duyên mình xem có lãnh hội được các giới pháp đó hay chưa. Nếu cảm thấy có thể lãnh hội thì xin quý thầy cho thọ tam quy, ngũ giới chính thức là đệ tử nhà Phật.
Lễ quy y tiến hành như thế nào thưa thầy?
Buổi lễ quy y diễn ra tại chánh điện của mỗi chùa. Trước hình tượng của đức Phật và chư Bồ tát, một vị thầy truyền giới sẽ chia sẻ Phật pháp, các Chư Tôn Đức sẽ chứng minh, lễ tiếp nhận, thọ trì 5 giới của các giới tử.
Trong buổi lễ, vị thầy truyền giới sẽ cho các giới tử phát nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng và truyền trao 5 giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu) để những người này tiếp nhận và thực hành trong đời sống của mình.
Có nhiều người khi đến quy y nhưng vẫn chưa hiểu rõ điều cần có của một người Phật tử, thầy có thể chia sẻ gì về điều này không ạ?
Con đường tu học của đạo Phật rất lớn và lâu dài, không phải là có ngay sau lễ Quy y hay đi 5 năm, 10 năm, 60 năm là đến đích mà phải kiên trì, giữ gìn trọn đời thì may ra mới khám phá ra cái tự tánh giác ngộ, chuyển hóa tâm thức của tự thân.
Vì thế đối với những người vội vàng đến với đạo Phật bằng sự giao thoa như tìm một cái món ăn lạ thì họ không còn gắn bó nữa thì đương nhiên đó là cái duyên, cái phước, cái niềm tin của họ tự rơi mất.
Họ không đủ nhận thức để nhận định cái khổ vui của bản thân là gì để từ đó có thể sống được lâu dài trong biển cả của Phật pháp.
Chính vì thế thầy cho rằng, những người muốn quy y hay người thân của họ đã quy y cần để ý và xét xem người sắp quy y này đã sẵn sàng phát tâm chưa, hiểu Phật, Pháp, Tăng là gì chưa, lợi ích sau khi quy y Tam Bảo là gì... để có lời khuyên đúng đắn nhất.
Độ tuổi phù hợp để quy y làm đệ tử nhà Phật thì nên từ học sinh cấp 2 trở lên, chứ nhỏ quá thì khó cảm nhận được giá trị của vấn đề này
Ngoài ra theo thầy, độ tuổi để mà giúp cho 1 người dễ dàng tiếp nhận được giáo pháp của đức Phật là cỡ độ tuổi học sinh cấp 2 là vừa. Vì lúc đó tầm hiểu biết và thương yêu của các em đã có sẵn, quý thầy như là người chỉ cho thêm chút phân bón, tưới thêm ít nước nước là cây cối, hoa trái của các em tự có thể đi tìm cầu học hỏi giáo pháp và cảm nhận được không khí hành trì của buổi phát nguyện quy y.
Cần thấy được giá trị của bản thân
Việc một số ca sĩ, nghệ sĩ tìm đến nhà Phật để quy y, thầy đánh giá thế nào?
Việc nhiều người đến gieo duyên với cửa Phật là một điều đáng quý. Có những ca sĩ, nghệ sĩ tìm đến quy y làm đệ tử và thực hành theo đúng giáo lý của nhà Phật.
Tuy nhiên vẫn có một số người vì có thể do cảm thấy bằng lòng với chính mình nên khi đến với cửa Phật không còn trên tinh thần học hỏi, tiếp nhận lời Phật dạy, quý thầy hướng dẫn mà chỉ đến với đạo Phật bằng cái trào lưu bề nổi ở bên ngoài.
Cũng có nhiều người thật sự vì đời sống họ quá bế tắc, mâu thuẫn, khó khăn do đó tìm đến đạo Phật như một chỗ dựa, một chiếc phao đang lạc hướng giữa biển khơi đang tìm đến bến bờ.
Dù có thế nào thì đạo Phật vẫn luôn luôn đón nhận họ như những đứa con lâu ngày chưa được trở về nhà. Thầy cũng muốn nhắn nhủ rằng những ai đã đến với cửa từ bi của đạo Phật thì nên buông bỏ cái tôi, tính kì thị, khoe khoang phô bày những tập khí ở thế gian đi, để tiếp nhận trọn vẹn giáo lý của đạo Phật.
Với tư cách của một nhà tu hành, thầy có chia sẻ gì khi có những người dùng đạo Phật để PR cho bản thân?
Ở một góc nhìn của người tu sĩ trẻ, tôi mong muốn mọi giới hãy đóng góp cái sản phẩm có thật cho quần chúng thì tốt hơn. Thêm vào đó, mọi người hãy cùng nhau góp phần xây dựng đời sống đạo đức hòa bình, nhân sinh và xã hội.
Mỗi bước chân bước vào chùa, thiền viện mới chỉ một lần thì chưa có cái nhìn tổng quan về ngôi chùa, thiền viện đó. Mà chúng ta phải đến nhiều lần, mới thấy, mới có cơ hội khám phá ra sự sống, nét văn hóa tâm linh, chất liệu từ bi để làm nên tinh thần của một con người.
Đã là đệ tử nhà Phật thì nên chú ý đến oai nghi, cách đi lại, ăn mặc, tiếp xúc trong xã hội sao cho đúng lúc, đúng thời điểm.
Trong xu thế hiện nay thầy thấy một số doanh nhân, ca sĩ, nghệ sĩ họ chỉ bước vào lòng Tam Bảo 1 hoặc đến 2 lần rồi sau đó không còn lui tới để chiêm nghiệm chính mình, thường ít có trao đồi học hỏi về những tuệ giác mà đức Phật dạy.
Đã là một người phát tâm quy y Tam Bảo trở thành một thành viên của gia đình tâm linh, một người con hiền của đức Phật, chúng ta phải dành nhiều thời gian để tôi luyện về các giới luật và kinh điển để từ đó tìm thấy con đường giải thoát ngay trong đời sống hiện tại.
Thầy có lời khuyên gì với những người này không ạ?
Thầy cho rằng “Việc thiện thì hãy cứ làm, làm đến lúc nào không hài lòng nữa thì dừng lại”.
Những ai mà làm chưa đúng, ăn mặc không phù hợp với tư cách của Phật tử thì nên xem lại. Chúng ta cần phải ăn mặc sao cho tôn lên vẻ đẹp của bản thân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Mỗi người cần phải có cái nhìn nhận oai nghi, đi lại, ăn mặc, tiếp xúc sao cho đúng lúc, đúng thời điểm để đừng làm mất đi các giá trị văn hóa, tinh thần của ngôi nhà Việt, cũng như niềm tin mà mình đã, đang trao gởi.
Xin cảm ơn thầy!
Hoài Lương (thực hiện) – theo BEE
BÌNH LUẬN