Đoái trông muốn dặm tử phần Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa Khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn còn cách người Mẹ g...
Đoái trông muốn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
Khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn còn cách người Mẹ già của tôi đến gần một ngàn cây số. Và những dòng chữ rất riêng tư này, tôi tin rằng sẽ được nhiều bạn đọc lượng thứ, vì ai cũng có một người Mẹ. Và vì sẽ có nhiều bạn đọc cũng mang tâm sự như tôi, tâm sự của những đứa con vì cơm áo phải rong ruỗi tha phương, cứ đến mùa Vu Lan lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ già ở phương trời cố quận. Nơi đó có bóng người Mẹ già suốt một đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Vậy mà đến khi tuổi già bóng xế, lại thiếu những đứa con bên cạnh để thường xuyên sớm hôm chăm sóc.
Tất cả những ai khi mái tóc đã pha sương như tôi mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu thì có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa? Nợ áo cơm đã đẩy tôi đi xa quê biền biệt bao năm. “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính không còn là bài ca lãng mạn như tâm trạng háo hức và quyết tâm lúc ra đi, mà đã pha thêm ít nhiều cay đắng.
Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
Cái “quê nhà xa lắc xa lơ đó” sở dĩ còn quyến rũ khách lữ thứ tha phương, với những lời réo gọi luôn đồng vọng mênh mông trong tâm tưởng, vì dưới những đám mênh mông mây trắng ấy là hình ảnh thân thương của Cha già, Mẹ yếu. Ngày đi học, nghe thầy giảng về sự tích mây Tần hay mây Hàng trong Truyện Kiều, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Ðịch Nhân Kiệt, người đời nhà Ðường, được bổ làm quan ở Tĩnh Châu. Cha mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm, lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bay một mình, ông bèn bảo kẻ tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó". Ông đứng nhìn ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới chịu quay về.
Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên thành một điển cố văn học, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu xiết bao. Tấc lòng hiếu thảo đó của người con đi làm quan xa xứ đã bao trùm lên cả không gian biền biệt, khi cố tìm thấy hình ảnh của Cha Mẹ ẩn hiện mơ hồ dưới đám mây bay. Thời buổi hiện đại, sự liên lạc tiện lợi và nhanh chóng khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng lòng người như đã dần thêm xơ cứng, không mấy ai còn thấy lòng rung động bởi những câu chuyện như trên nữa. Chữ Hiếu dường như đã dần trở thành một thứ “xa xỉ phẩm” trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Lợi Danh và lòng ích kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình, vì đạo Hiếu nền tảng của đạo Nhân.
Người xưa thường nói: “Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, Tử dục dưỡng nhi thân bất tại”. (Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Con muốn nuôi dưỡng Cha Mẹ mà Cha Mẹ không còn nữa) như để nhắc nhở con người đừng có bao giờ phân vân hay chần chờ trong việc báo đáp ơn sâu. Lẽ ra tôi đã được ở bên Má tôi để phụng dưỡng sớm hôm, vậy mà cái tâm nguyện nhỏ bé ấy lại không sao thực hiện được. Điều đó còn khiến cuộc đời trở nên đau buồn hơn muôn ngàn lần sự muôn trùng cách trở của không gian.
Người xưa thường nói đến bốn chữ “định tỉnh thần hôn” (hỏi han, chăm sóc Cha Mẹ sớm hôm) để nhắc nhở đạo làm con.
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.
Những người dân quê chân chất ít học sao lại hiểu cái đạo lý “định tỉnh thần hôn” dễ dàng bằng những câu ca dao bình dị mà thiết tha đến thế? Trong thời buổi mà phong hóa đã quá suy đồi như hiện nay, người ta vẫn cho rằng con cái còn nghĩ đến Cha Mẹ đã là có hiếu, mà nuôi dưỡng được cha Mẹ lúc tuổi già là chí hiếu! Con cái khi thành đạt đều cảm thấy yên tâm, thậm chí còn hãnh diện cả với xã hội, khi cứ chu cấp tiền bạc hoặc thuê mướn người nuôi Cha Mẹ lúc tuổi già. Mỗi năm một đôi lần về thăm viếng là đã cảm thấy không còn áy náy với lòng.
Khi ông Tử Du hỏi đức Khổng Tử về chữ hiếu, Ngài đáp: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?” (Ngày nay bảo rằng nuôi dưỡng được cha Mẹ là có hiếu; đến như giống chó, giống ngựa cũng đều được nuôi dưỡng. Nuôi mà không kính thì lấy gì để phân biệt?). Mỗi khi nhớ đến câu đó, tôi không khỏi luôn giật mình kính sợ thâm ý của người xưa. Tôi muốn hiểu chữ kính đây nằm trong bốn chữ “định tỉnh thần hôn”. Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Tôi nhiều lần đứng một mình trước biển, và hiểu vì sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển cả bao la. Biển dung nạp được tất cả những thứ nhơ bẩn trên cõi đời này, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu được tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn đều được Mẹ thương yêu như nhau với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim người Mẹ. Đó có khác gì chư Phật đem Bi tâm để quán sát chúng sinh?
Thuở còn bé, bao nhiêu lần tôi bị đòn roi của Ba tôi do thói nghịch ngợm của trẻ con, Má tôi không can được nên chỉ đứng nhìn mà lặng lẽ khóc. Lớn lên, tôi mới hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của người Mẹ còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi. Tôi thường nghe câu thơ “Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc”. Câu thơ đơn sơ là thế, nhưng cảm động lòng người bao xiết. Chỉ có những người con thực sự hiếu thảo mới có thể làm được những câu thơ giản đơn mà đáng yêu đến vậy. Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc. Bây giờ thì tôi không còn bị những trận đòn roi của Ba tôi như ngày xưa nữa. Tôi không làm Má tôi khóc nữa, nhưng cuộc đời lại bắt tôi phải khóc!
Tôi còn nhớ khi tôi lên 8 tuổi, Má tôi dắt tôi lên chùa Hòa An để làm lễ quy y. Hình ảnh của hai Mẹ con quỳ trong Phật điện cùng hình ảnh vị sư trụ trì khả kính đã in sâu vào tâm khảm tôi, giúp tôi đặt những bước chân chập chững trên con đường mênh mông của Phật pháp về sau. Rồi cứ đến ngày rằm, tôi lại theo Má tôi lên chùa. Đến rằm tháng bảy đọc kinh Vu Lan, tâm hồn trẻ thơ của tôi – vốn luôn hoang mang kinh ngạc vì sao ta lại được may mắn bẩm thụ một hình hài giữa cõi nhân gian – đã tìm được lời giải đáp. Câu chuyện Bồ Tát Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu hoang đường, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên làm rung động cả chư Phật mười phương lại là điều rất bình dị và dễ hiểu. Tôi yêu quý đạo Phật vì dù là đạo giải thoát, nhưng nó luôn dạy con người không được quên đạo làm con. Rồi sau này, khi học Nhị thập tứ hiếu, tôi càng hổ thẹn trước tấm gương của những người con hiếu thảo đó. Tôi càng hiểu rằng có làm gì đi nữa cũng không sao đáp đền được tấm lòng của Mẹ, của Cha. Ngày Ba tôi mất, tôi đề câu đối lên mộ như một lời tự nhắc nhở mình suốt một đời:
Dĩ Hỗ nguy nguy sơn vĩnh tại. Hiếu tâm cổn cổn thủy trường lưu
屺 岵 巍 巍 山 永在, 孝 心 滾 滾 水 長流(Cha Mẹ như núi Dĩ, núi Hỗ cao chót vót, ngàn năm vẫn còn mãi đó. Lòng hiếu của con cái dù có làm gì đi nữa, thì cũng chỉ như dòng nước hờ hững chảy xuôi). Núi Hỗ, núi Dĩ dẫu không cao, nhưng đạo làm con nhìn lên vẫn thấy cao xa vòi vọi.
Ngày nay biết bao nhiêu người cho rằng con người sống trong sự đan xen chằng chịt của quá nhiều mối quan hệ xã hội: Cha Mẹ, đồng nghiệp, vợ chồng, con cái, bạn bè …. Mối quan hệ với Cha Mẹ, do đó, cũng chỉ là một trong những mối quan hệ đó mà thôi. Những kẻ quan niệm như thế sẽ không bao giờ hiểu được rằng :
“Ví có kẻ nào, hai vai kiệu cõng, Cha Mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng trễ, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được, công đức Mẹ Cha, kể trong muôn một”. (Kinh Ðại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, không rõ người dịch).
Con người, khi thành đạt, thường vênh vang tự mãn với đời về tài năng của mình, mà quên mất câu “phúc đức tại mẫu ”. Tất cả những gì ta đang có hôm nay, dù bằng tài trí và bằng sự nỗ lực cả đời, thực ra chỉ là sự kết tinh nhân duyên từ Cha, từ Mẹ. Hãy nhìn một vườn cây đầy những loài cây quý xum xuê quả ngọt. Người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi tài năng và công lao người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là “phúc đức tại mẫu” và âm đức của tổ tiên. Chúng ta thường vô tình để cuộc đời hạnh phúc riêng của ta che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Và những lời nhắc nhở đến hình ảnh cội nguồn đó bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.
Tôi luôn tâm niệm sở dĩ tôi có được cuộc sống bình thường ngày hôm nay, tất cả đều nhờ Cha, nhờ Mẹ. Đời tôi đã trải qua khá nhiều cay đắng với những tháng năm trôi nỗi ngược xuôi. Mỗi khi trên lưng tôi thấm hằn những vết roi đời tủi nhục, thì tôi chỉ tìm thấy bình yên bên Má tôi, trong tình thương và nụ cười hiền lành bao dung của Người. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Má tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục thì lại không thể thực hiện được. Đó là một trong những điều đau đớn nhất trong đời, mà mỗi khi nghĩ đến tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tán trên đời đều do nhân duyên. Tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Má tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ chữ Duyên.
Ngày còn bé, cứ đến mùa Vu Lan, tôi thường lên chùa để được cài một bông hồng lên áo, để cảm thấy niềm hạnh phúc rằng mình đang còn Mẹ. Năm nay, lại thêm một mùa Vu Lan nữa mà tôi không được gần với Má tôi. Người vẫn còn đó ở nơi “quê nhà xa lắc xa lơ”, nhưng sao đến mùa Vu Lan năm nay, tôi lại có cảm giác nghẹn ngào như đang cài lên áo mình một đóa hoa màu trắng.
Mùa Vu Lan 2009
Huỳnh Ngọc Chiến - Kính tặng Má
BÌNH LUẬN