Dân hướng đạo hay GĐPT chuyên nghiệp nhắc đến việc nấu nướng đều nhớ đến bếp Hoàng Cầm. Có thể nói bếp Hoàng Cầm đã đi vào huyền thoại vì ...
Dân hướng đạo hay GĐPT chuyên nghiệp nhắc đến việc nấu nướng đều nhớ đến bếp Hoàng Cầm. Có thể nói bếp Hoàng Cầm đã đi vào huyền thoại vì rất nhiều anh chị em biết đến tiếng nhưng chẳng biết lịch sử xuất xứ và cấu tạo của nó ra sao cả. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu một chút về bếp Hoàng Cầm.
Bếp Hoàng Cầm được đặt tên theo người sáng tạo ra nó: “Hoàng Cầm – nguyên là anh nuôi trong quân đội”. Không phải là nhà thơ Hoàng Cầm tác giả của bài thơ “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng nhưng người lính bình thường ấy đã có một sáng tạo để đời. Ông sinh năm 1916 quê gốc ở Cát Nội xã Trực Đại, Nam Ninh, Nam Hà ngày nay thuộc Tỉnh Nam Định. Năm 20 tuổi ông bỏ quê lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc làm thợ nề, tháng 2 năm 1946 ông đi bộ đội và được phân làm anh nuôi cho quân y tiền phương sư đoàn 308. Việc được phân làm anh nuôi do trước đây có thời gian anh làm phụ bếp cho một gia đình ở Hà Nội.
Trong chiến tranh bí mật là một trong những tiêu chí hàng đầu. Việc nấu ăn là việc khó giấu kín được vì ban đêm thấy lửa ban ngày thấy khói. Rất nhiều thương vong của bộ đội xuất phát từ việc “khói bốc lên giữa rừng”. Hoàng Cầm đã sáng tạo kết hợp nhiều yếu tố dân gian để tạo nên một bếp Hoàng Cầm rất hoàn hảo với mục tiêu giấu lửa giấu khói theo phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bếp lần đầu tiên được sử dụng trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch Hòa Bình 1951 – 1952 và bắt đầu được phổ biến rộng rãi vào năm 1954 khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1952 Hoàng Cầm được khen thưởng Huân chương chiến công hạng 3, chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc. Trong thời kháng chiến chống Mỹ bếp Hoàng Cầm được xem là bắt buộc trong hành quân tác chiến trên các chiến trường.
Hoàng Cầm giải ngũ năm 1961 khi đó đang đeo lon Đại úy. Ông cùng vợ về quê ngoại ông là Làng Đồi Mây, Tam Đảo làm ruộng. Sau có thời gian ông đi bán kem que rồi làm người giữ đền Trần ở Nam Định. Năm 1994 ông có làm đơn và được nhà nước cấp cho căn nhà tập thể ở số 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Ông mất năm tháng 3 năm 1996 một cách bình lặng.
Bếp Hoàng Cầm ra đời hơn nửa thế kỷ những những biến tướng của nó hiện nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn Việt Nam vì đặc tính tiết kiệm và tiện lợi của nó. Bếp Hoàng Cầm có 3 đặc điểm nổi bật:
1) Tiết kiệm nhiệt –-> Nấu ăn nhanh và tiết kiệm củi lại có thể nấu nhiều nồi cùng lúc.
2) Giấu được ánh lửa.
3) Giấu khói. (mục đích ban đầu, quan trọng nhất của bếp Hoàng Cầm
4) Giữ cho nồi niêu không bị ám khói hoặc đóng lọ nồi.
Để làm được bếp Hoàng Cầm đúng quy cách chúng ta phải đào hầm khá sâu, và dài tùy theo địa hình địa thế (xem hình). Sau đó phải đắp các hố đun (nơi đặt nồi), đào các hầm tụ khói và đường dẫn khói. Trên các đường dẫn khói phải lấy lá cây tươi (bẹ chuối) lấp lên, phủ đất rồi tưới nước cho đất ẩm để làm tan khói. Khói sau khi ra khỏi đường dẫn khói thực tế chỉ còn lại một lớp sương rất mỏng và tự tan trong không khí. Việc khó nhất của bếp Hoàng Cầm là phải cân bằng giữa lượng khí cấp vào bếp và lượng khói thoát ra, nếu kích thước các hầm tụ khói và đường dẫn khói quá hẹp hoặc quá ít bếp sẽ không cháy. Kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng.
Cách đây vài năm tôi có đào thử một bếp Hoàng Cầm với quy mô nhỏ hiệu quả sử dụng rất tốt hoàn toàn không có khói tỏa ra, nấu ăn rất nhanh. Khi dọn trại ta chỉ việc lấp đất lại là xong rất sạch và gọn.
Trong thực tế nếu đi trại với quy mô lớn và thời gian dài chúng ta nên làm bếp Hoàng Cầm rất tiện lợi cho ban ẩm thực vì nấu ăn nhanh lại không phải cọ rửa nồi sau khi nấu nướng. Ngược lại nếu thiếu dụng cụ (cuốc xẻng chuyên dụng), nhân lực thì không lên đào bếp Hoàng Cầm rất lãng phí.
Khi đào bếp cũng nên tránh gần các gò mối, ụ kiến, ong đất vì việc hun khói khiến chúng túa ra rất nguy hiểm. Đất cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bếp, đất pha cát sẽ dễ cho việc đào nhưng cũng khó đắp vì khi khô chúng rất bở; đất sét đất thịt là tốt nhất cho việc đào bếp Hoàng Cầm.
Minh Triết.
BÌNH LUẬN