Ngô đồng nhất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu Người xưa nhìn thấy một chiếc lá ngô đồng nhẹ rơi mà biết mùa thu đã về, thu về đâu đó...
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Người xưa nhìn thấy một chiếc lá ngô đồng nhẹ rơi mà biết mùa thu đã về, thu về đâu đó trong làn gió heo may lành lạnh. Trời thu nhuộm màu xanh biếc thỏ thẻ đánh rơi nắng vàng rực rỡ... Nhưng người Sài Gòn đâu có mùa thu, đất Sài Gòn chỉ hai mùa mưa nắng, những ngày này đi giữa Sài Gòn... mưa, mưa rơi lất phất, trời Sài Gòn gió lạnh đến tê người. Còn anh, lòng anh dậy cảm giác thu qua ánh mắt trẻ thơ, cái nhìn trong veo không gợn một chút màu mây xám xịt của mùa mưa Sài Gòn, khi phố phường xôn xao những màu trắng học trò tinh khôi. Anh nhớ đến Thanh Tịnh, dõi theo từng bước chân cậu bé trên con đường trải vàng lá thu rơi.
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mĩm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã...
Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học"
Trong tiếng Hán, chữ "thu" viết thêm vào một chứ "tâm" sẽ hóa ra chữ "sầu"... bởi thế ít có kẻ nào tìm được cái vui giữa mùa thu hay chăng.... mùa thu tự nó trĩu nặng một nỗi nhớ mong miên man vô tận...
Mùa thu, mùa Vu Lan, mùa thương nhớ muốn viết một cái gì đấy thật lớn lao về tình cha, lòng mẹ sao nghe buồn lạ. Đêm, bầu trời đầy mây, trăng mười sáu như trêu ngươi khi mờ khi tỏ, anh chỉ muốn lang thang thật lâu, chân bước mà lòng không vướng bận. Ngày rằm đi qua, nhưng mùa Vu Lan đã qua chưa nhỉ, và lòng người có tròn như trăng mười sáu hay chăng?
Nhiều năm qua, anh có thói quen đến chùa đúng đêm mười bốn làm lễ Vu Lan, để tự cài lên áo mình một cành hoa đỏ thắm. Mỗi năm trong mùi khói trầm hương lãng đãng anh vui với niềm sung sướng còn mẹ và vui khi nhìn thấy màu hoa hồng thắm trên ngực áo nhiều người. Anh cài hoa hồng cho người, hạnh phúc là một điều rất thật khi nhìn vào ánh mắt long lanh, đôi chân tinh nghịch khắp sân chùa của cô bé oanh vũ. Anh cài hoa trắng cho người, thấy cả một màu tang tóc trong đôi mắt trầm tư, mái tóc sương pha dạn dày gió bụi; khi ấy anh thầm nói, mong người hãy giữ mãi hình bóng mẹ trong trái tim mình.
Lần nọ, anh định cài lên áo bà cụ một đóa hoa trắng, bỗng nhận ra mình quá vội vàng khi cụ đã tự tay chọn cho mình một bông hồng thắm đỏ. Người cháu gái đi cùng kể rằng bà cụ mất mẹ lâu lắm rồi, từ lúc cô chưa sinh ra đời, song mỗi độ thu về nội cô luôn chọn một bông hồng trong ngày lễ Vu Lan.
Màu hoa cũng chỉ là màu hoa, hồng hay trắng, đỏ hay vàng chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng, có biết bao người mất mẹ nhưng trong trái tim họ vẫn hiện hữu một màu hoa đỏ thắm lung linh kỳ diệu. Ngược lại, biết bao người còn cả “bầu trời mẹ” nhưng màu hoa đã bạc thếch tự lâu lắm rồi.
Thiền sư Nhất Hạnh trong những năm 50 của thế kỷ trước đã viết rằng lòng hiếu thảo không phải là vấn đề luân lý đạo đức, nó là vấn đề của hạnh phúc tự nhiên của con người như đói phải ăn, khát phải uống. Mẹ như xôi nếp một, như đường mía lau. Người không biết tận hưởng cái hương vị nồng nàn, mộc mạc ấy là tự thiệt lấy chính mình. Càng ngẫm nghĩ càng thấm thía lắm thay!
Vu Lan mỗi chúng ta noi dấu chân đức Mục Kiền Liên mà tri ân cha mẹ. Song tháng bảy còn là mùa báo ân, báo ân tổ tiên gia đình dân tộc vì không có ông bà sẽ không có cha mẹ. Anh muốn em biết rằng, mình còn phải nhớ lũy tre xanh, nước giếng ngọt đầu làng, mái chùa cong cong và những tiếng chuông chùa vang vọng mỗi khi chiều buông. Em ạ! Hãy lắng nghe vọng âm của Vu Lan hòa lẫn trong tiếng thì thầm khe khẽ dòng chảy mạch máu và trở về với gia đình... mảnh đất thiêng liêng trong tâm hồn mỗi con người.
Sài Gòn mưa vẫn rơi giữa mùa Vu Lan, lòng anh bình yên biết bao giữa cõi đi về...
Minh Triết (mùa Vu Lan 2006)
BÌNH LUẬN