HỎI: Tôi là một Phật tử, ngay lúc sanh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, do tôi là kết quả của tình yêu lừa dối của cha mẹ. Tôi được ông bà nhận nuôi...
HỎI: Tôi là một Phật tử, ngay lúc sanh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, do tôi là kết quả của tình yêu lừa dối của cha mẹ. Tôi được ông bà nhận nuôi. Lớn lên lá rụng về cội, tôi tìm về gặp mẹ vì tôi không cho phép mình bất hiếu hoặc trách móc cha mẹ. Tôi đi làm có cuộc sống ổn định, nhưng ngặt nỗi mỗi lần tôi về gặp mẹ là mỗi lần bà không vui. Bà lúc nào cũng sợ tôi thương mẹ nhiều hơn bà. Tôi biết bà rất thương tôi nên hơi ích kỷ, bà nói “công sanh sao bằng công dưỡng” hoặc “nó (mẹ tôi) có nuôi con ngày nào đâu?”.
Mẹ tôi cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nhưng khả năng tôi lại có hạn, phần vì không muốn phải lén bà giúp đỡ mẹ nên tôi rất khổ tâm. Tôi có suy nghĩ có lẽ mẹ tôi đã không gieo nhân nơi con nên việc gặt quả (nhờ con) không có, cụ thể là tôi muốn giúp mẹ mà bị nhiều cản trở. Nếu tôi cứ tiếp tục bỏ mặc mẹ như vậy có mang tội bất hiếu không? Và tôi phải làm như thế nào để vẹn cả đôi đường?
(KHOA, khoanguyen_inlove32@yahoo.com)
ĐÁP: Bạn Khoa thân mến!
Bạn có một nhận thức rất đúng đắn là “không cho phép mình bất hiếu hoặc trách móc cha mẹ” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi người đều mang một thân phận, mỗi nhà đều có một gia cảnh riêng, chung quy cũng do nghiệp lực của mình. Do vậy không nên oán trách mà nên thấu hiểu để cảm thông, nhất là những bậc đã thân sinh ra mình.
Mẹ của bạn tuy không nuôi dưỡng bạn khôn lớn nên người nhưng đã tác thành cho bạn một hình hài. Bạn là giọt máu của mẹ, là núm ruột của mẹ bứt ra, trải qua mười tháng mang nặng đẻ đau, bạn mới có thân này. Chỉ chừng ấy thôi ân đức của mẹ đã là vô lượng, không thể đáp đền nổi rồi. Bà của bạn đã nuôi bạn từ lúc mới lọt lòng mẹ cho đến khi trưởng thành, công ơn đó cũng vô biên khó có thể báo đáp hết được. Công sanh của mẹ và ơn dưỡng của bà thật vô cùng sâu nặng mà một người con hiền, cháu thảo phải chu toàn cả hai để vẹn tròn câu hiếu đạo.
Mẹ đang khổ thì bạn phải tìm mọi cách giúp mẹ bằng tất cả khả năng của mình về vật chất cũng như tinh thần, nếu không thì chắc chắn sẽ mang tội bất hiếu. Dĩ nhiên bạn có hiếu, thương kính cha mẹ là điều tốt. Bà cũng thừa hiểu điều đó, con không thương mẹ thì thương ai. Vậy thì tại sao việc ấy lại khiến bà không vui? Không đơn thuần chỉ là bà sợ bạn thương mẹ nhiều hơn bà. Mà vấn đề có thể là trải qua bao nhiêu năm tháng mà bà còn giận mẹ, nội kết giữa bà và mẹ còn quá lớn, nên mỗi lần bạn về thăm mẹ khiến vết thương trong lòng bà nhói đau nên bà không hài lòng.
Chúng tôi nghĩ rằng, để cho “vẹn cả đôi đường”, vừa hiếu với mẹ và vừa thuận với bà thì bạn phải nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ giữa bà và mẹ. Trong cuộc sống mỗi người đều có một nỗi niềm và hoàn cảnh riêng, xét cho cùng thì đáng thương hơn là đáng trách. Chỉ có tâm hiếu kính chân thành tha thiết của bạn và lòng thương con cháu của mẹ và bà mới có thể khiến cho ba người (bà, mẹ, bạn) xích lại gần nhau và cùng hóa giải những vướng mắc, oan khiên.
Bà của bạn hiện tuổi đã cao, rất cần sự động viên chăm sóc an ủi đỡ đần. Mẹ của bạn nay gặp khó khăn cũng rất cần sự trợ giúp nhiều mặt của con cái. Bạn thương mẹ kính bà thì dĩ nhiên phải hiếu thuận, phụng dưỡng đối với cả hai bậc sanh thành, dưỡng dục. Vậy bạn hãy hết lòng thuyết phục bà và mẹ vì thương con cháu mà xả buông những oán kết đã xảy ra trong quá khứ. Khi nào hai chữ xả buông hiện hữu trong lòng thì tình thương đích thực có mặt, và lúc ấy bạn mới có thể chu toàn chữ hiếu với cả hai đấng sanh thành dưỡng dục.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh (theo GNO)
BÌNH LUẬN