Nghĩ về cha, tôi chưa từng viết về cha tôi, không phải vì tôi không thương ông mà bởi tôi không viết được. Có những điều không thể viết thàn...
Nghĩ về cha, tôi chưa từng viết về cha tôi, không phải vì tôi không thương ông mà bởi tôi không viết được. Có những điều không thể viết thành lời và mãi mãi như thế, tôi muốn viết về ông thật nhiều nhưng những con chữ run rẩy dường như quá nhỏ bé bất lực. Ngôn ngữ có giới hạn riêng của nó, còn tấm lòng cha tôi sao mà bao la quá, rộng lớn quá, bàng bạc khắp không gian, phủ trùm cả cuộc đời tôi.
Cha tôi là con trai cả trong một gia đình đông con đến tám anh chị em, khi còn đi học ông phải giúp đỡ ông bà nội tôi trông em, giặc đồ, nấu cơm, gánh nước không một công việc nhà nào mà ông chưa từng làm qua. Thời trẻ cha tôi không thông minh học cũng chẳng giỏi lắm, được cái cha tôi là người có chí khí, cần cù. Ông lần lượt đậu tú tài một, rồi tú tài hai. Ý nguyện của ông là muốn đi theo con đường ngữ văn anh, hoặc báo chí nhưng do sinh kế gia đình nên ông phải học sư phạm; chẳng ngờ cái nghiệp ấy làm khổ ông, đeo đuổi ông đến tận bây giờ. Giải phóng , cha tôi là giáo viên, năm 22 tuổi ông làm hiệu trưởng một ngôi trường nơi vùng Đồng Tháp Mười. Nói trường cho oai chứ thật ra chỉ có một cái gò đất cao cao đủ để không chìm giữa mùa nước nổi. Một tay ông vận động bà con nghèo khó trong vùng người góp cây lá, kẻ góp công dựng trường, lập lớp; chính ông lặn lội đồng xa đồng gần vận động bà con nông dân cho con họ đi học. Rồi ông lại đứng lớp dạy cái chữ cái nghĩa cho những đứa trẻ nơi đồng sâu hiu hắt này. Người dân nghèo khổ nơi đây chẳng có gì cho ông, ngoài tấm lòng và ông cũng trân trọng giữ gìn nó trong trái tim mình. Cha gặp mẹ và tôi ra đời trong sự đói nghèo thời bao cấp, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, bữa cơm độn bo bo chỉ có món rau luộc chấm nước muối. Mỗi tháng lĩnh lương xong sau khi mua đủ phần gạo muối củi lửa cho cả tháng, số tiền dư ông uống được một cái cafe đen.
Tôi ngã bệnh, nhà không còn tiền, ông gom góp hết mớ sách vở trân quý như tánh mạng mình cân kí bán ve chai, cười nói với mẹ tôi: “Sẽ có ngày mình mua lại được mà em!” – rồi lặng người quay đi. Khi đó tôi còn quá nhỏ để có thể cảm thông được với ông, lớn lên tôi hiểu rằng tài sản quý giá nhất của nhà giáo là tri thức; tri thức kết tinh từ từng trang vở quyển sách. Tri thức, sách vở của người thầy là để trao truyền, để cho chứ nào đâu để mưu lợi ích cho riêng mình. Bán nó đi là chuyện chẳng đặng đừng, đằng này ông phải cân kí như người ta bán mớ rau con cá ngoài chợ thì còn gì đau xót bằng. Khó khăn vậy mà ông vẫn sống với niềm lạc quan yêu đời. Ông vẫn thường đùa: “Tao thuộc mạng kim nhưng là sa trung kim tức là vàng lẫn trong cát, có mấy ai nhận ra được trong cát có vàng, dù sao vàng vẫn là vàng cát vẫn là cát, chẳng lẫn vào đâu được” – nói xong cười xòa. Tôi nghe trong tiếng cười nhẹ tênh ấy có cái gì đau đớn, xót xa.
Ông ca hay làm thơ giỏi, thổi sáo cũng tài. Tiếng sáo, lời ca của ông đã làm xiêu lòng biết bao cô gái quê, thơ của ông đã làm biết bao tao khách xao lòng ngơ ngẩn. Tuy vậy trong lời thơ của ông vẫn có cái gì đó khóc hận chưa thành... lỡ chợ lỡ duyên, ai oán bi thương. Tôi đọc bài thơ ông làm lúc trẻ, rất trẻ thấy cả một định mệnh sẵn bày trong ấy.
Gió trải niềm đau chiếc lá bay
Đời đang tuôn lệ lệ chan đầy
Trăm năm chí cả treo thuyền mộng
Một phút can trường lỡ chén say
Nắng táp sậm màu dòng mực loãng
Mưa sa nung nhựa cội mai gầy
Chông gai không loạn lòng tao khách
Muôn việc trần hoàn tựa áng mây…
Người bạn thơ vong niên ở cái tuổi thất thập cổ lai hy của cha tôi đọc xong bài thơ trên liền nói: “Đời mày còn khổ nhiều lắm Hai à!”. Quả thật cuộc sống cha không êm đềm lờ lững như con sông Hậu Giang quê tôi. Cuối cùng, vì sinh kế, vì cả tương lai con cái, cha bỏ lại sau lưng làng nước xứ sở, tấm lòng của người dân vùng Đồng Tháp Mười để theo mẹ tôi về Sài Gòn – nơi phù hoa đô hội. Ở Sài Gòn, đôi bàn tay trắng, cha tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh kiếm sống, từ làm mộc, đến chẻ củi bán củi, rồi sửa xe. Cuộc sống có những cay đắng không nói nên lời, nhưng ông vẫn là một nhà giáo, vẫn giữ lấy lương tâm một nhà giáo, cái ý chí ấy thôi thúc mãnh liệt trong ông, giúp ông sống, sống không chỉ vì ông mà vì con cái nữa. Đó chính là những hạt vàng mười lấp lánh không thể nào lẫn được trong đống cát lộn cơm áo gạo tiền ồn ã, xô bồ.
Những năm 90, xã hội thoáng hơn, mọi người đổ xô buôn bán làm ăn, cha tôi lại lặng lẽ cắp sách đến trường để học, rồi bằng tất cả sự nỗ lực của mình ông lại đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen và những mái đầu thơ dại. Cũng lạ một điều đồng lương ba cọc ba đồng của một giáo viên quèn đâu bằng nghề nghiệp ông từng làm trước đây. Mãi tận sau này tôi mới hiểu, ông lúc nào cũng mong muốn tôi tự hào khi ghi vào lý lịch của mình dòng chữ cha tôi là giáo viên.
Khi còn nhỏ tôi mê trò đá dế, không tiền tôi đi bắt dế, mỗi con dế đối với tôi là cả một gia tài nhỏ. Lần nọ có người lỡ tay làm gãy chân con dế lửa tôi quý nhất, tánh tôi ương ngạnh khóc mãi không thôi, vừa tiếc của vừa đau lòng tôi bắt người ấy phải gắn lại cái chân dế bằng được. Ông giận lắm, đánh tôi một trận nhớ đời, từ đấy tôi thôi không chơi đá dế nữa. Dù sao trận đòn vẫn không đau bằng câu nói trìu mến mà ông đã nói với tôi sau đó: “Con à, con có quyền chơi những gì con thích, nhưng trò chơi của con đừng gây ra nỗi đau cho kẻ khác, cho dù chỉ là con dế”.
Ông chính là người thầy đầu tiên của tôi, người thầy đặc biệt, người thầy cầm lấy tay tôi nắn nót từng con chữ. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác là lạ thô ráp ấm áp khi bàn tay chai sạn dày dạn mưa gió của một người thấy chạm vào đứa học trò non nớt. Những buổi trưa, ông ngồi chẻ củi cho khách, biểu tôi ngồi kề bên đánh vần từng chữ. Chữ nào khó ông bắt tôi đọc đi đọc lại cho đến khi nào thật tròn mới thôi. Ông không bắt tôi học chữ mà bắt tôi học cách sống thông qua từng con chữ, bắt tôi đọc cái khoảng trống yêu thương đầy tâm tư giữa hai hàng chữ. Ông bắt tôi đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, ông bắt tôi viết chính tả “Những ngôi sao trong mưa”, nhờ đó tôi biết thế nào tình bạn đích thực, tôi biết sự vị tha, lòng bác ái không chỉ là một ảo ảnh xa mờ mà là một cái gì rất thật. Lớn lên một chút ông dạy tôi biết yêu quê hương qua từng bài ca dao, câu hò điệu lý; biết yêu “Khoảng trời và góc sân” như Nguyễn Đăng Khoa đã từng yêu, biết nhớ về “Quê nội” nơi chôn nhau cắt rốn như Võ Quãng đã từng nhớ...
Thuở nhỏ, tôi thông minh, thích đánh cờ, ông mua sách mày mò tự học, dạy tôi chơi. Tôi đánh giải quận rồi lên thành phố cũng có chút tiếng tăm trong làng cờ. Tôi đi đấu chuyên nghiệp được ít năm, nhưng cái sự nghiệp cờ của tôi đến thế thôi. Hôm tôi quyết định không đánh nữa, ông nhìn tôi với cái nhìn khắc khoải vừa giận vừa thương. Mắt ông long lên rồi dịu dàng hắt ra xa đến vô cùng có lẽ trong lòng ông có cái gì đấy to lớn lắm đang sụp đổ, ông nhẹ nói: “Mày nói thế tao cũng đồng ý, thôi thì bỏ cờ phải ráng học nghe con”. Còn tôi khóc, nước mắt lưng tròng vì tôi biết, ông đã dồn biết bao tâm huyết cho tôi, chẳng phải vì ông mong muốn tôi nổi danh mà vì con cái lúc nào chẳng là niềm hy vọng của cha mẹ, một bước thành công của tôi thấm biết bao mồ hôi công sức của ông. Tôi nợ ông nhiều lắm, nợ những đêm lất phất mưa ông đạp xe đưa tôi đi học cờ và đứng đợi tôi co ro trước cổng trường; nợ những khúc bánh mì, ly nước mía mà ông trao vội cho tôi giữa những trận đấu. Tôi nợ cái nhìn khắc khoải của ông trong buổi tối hôm đó...
Năm 21 tuổi, tôi vấp ngã, cú ngã đầu đời nên đau đớn lắm. Tôi chẳng dám nói với cha mẹ vì sợ ông bà buồn. Nhưng có chuyện gì con cái dấu được cha mẹ đâu, chuyện tày đình ấy rốt cuộc ông cũng biết, ông lại nhìn tôi cái nhìn khắc khoải y như năm xưa nói: “Cuộc đời còn dài mà, thua keo này ta bày keo khác, thôi mai mốt mày phải ráng lên nghe con”. Tôi không khóc nhưng sao đắng chát trong lòng. Khuya hôm ấy, tôi trở mình thức giấc nghe ông nói với mẹ tôi: “Anh chỉ buồn là tại sao nó không nói cho anh biết trước, tại sao nó không tin anh?”. Tôi thấy ngực mình quặn đau...
Con tàu thời gian không có chiếc vé khứ hồi nên đôi khi người ta phải biết quên đi những kỷ niệm không vui và hy vọng về một tương lai tươi đẹp. Tôi có thể cất đi nhiều thứ nhưng không thể nào quên cái nhìn nghiêm khắc thân thương của cha tôi, cái nhìn đeo đuổi theo tôi suốt tuổi thơ và sẽ còn đeo đuổi tôi trên những cung đường tôi sắp đi. Mỗi khi mệt mỏi muốn dừng chân quay đầu trở lại tôi lại nhìn thấy đôi mắt ông dịu dàng dõi theo bóng hình tôi bằng cái nhìn khắc khoải của một người cha…
(Viết về cha tôi nhân mùa Vu Lan 2006)
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN