Một số người cho rằng trong thời gian gia đình có tang thường hay gặp những điều xui xẻo hay những trắc trở trong công ăn việc làm. Thực hư ...
Một số người cho rằng trong thời gian gia đình có tang thường hay gặp những điều xui xẻo hay những trắc trở trong công ăn việc làm. Thực hư của vấn đề này thế nào? Và ý nghĩa đích thực của việc đội tang là gì?
Đội tang dễ gặp chuyện xui xẻo là quan niệm mê tín, trái với giáo lý nhân quả của nhà Phật.
Chị Trần Thị An ở Biên Hòa có thân mẫu mới qua đời cho biết trong và sau khi tổ chức tang, một số bạn bè, thân hữu đến chia buồn với gia đình đã khuyên chị nên xả tang sớm vì mang tang làm ăn rất khó và thường hay gặp những điều thiếu may mắn".
Những "lời khuyên" này đã khiến gia đình chị không ít băn khoăn nghĩ ngợi. "Nếu xả sớm thì sợ mang tội bất hiếu, hàng xóm láng giềng dị nghị. Không xả thì lại sợ... mất công ăn việc làm" - chị An tâm sự.
Biểu lộ tình thương
Trao đổi về vấn đề này, Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm - Biên Hòa cho biết với tâm niệm "nghĩa tử là nghĩa tận" nên mỗi khi gia đình người Việt có người thân qua đời thì con, cháu, họ hàng đều đội khăn tang. Phong tục, truyền thống mặc trang phục lễ tang này đã có từ lâu đời ở nước ta.
Chất liệu trang phục lễ tang thường được làm bằng vải xô, vải gai, vải tám hoặc vải mùng màu trắng. Tang phục có 5 loại, còn gọi là ngũ phục:
1/ Trảm thôi hoặc ti thôi (dành để tang cha, mẹ 3 năm);
2/ Cơ phục (để tang cho bác trai, bác gái, chú, thím, cô ruột (chưa lấy chồng) đều 1 năm;
3/ Đại công (để tang cho cô ruột đã lấy chồng, anh em chị em con chú, con bác, đều 9 tháng);
4/ Tiểu công (để tang cho ông bác, bà bác, ông chú, bà thím, bà cô ruột chưa lấy chồng, bác trai bác gái, chú thím, cô họ chưa lấy chồng đều 5 tháng);
5. Ti ma (để tang cho ông bà họ, vợ lẽ cha, anh em năm đời đều 3 tháng v.v…).
Thầy Minh Trí cho biết khi gia đình có người thân quy tiên, con trai, con gái, con dâu, vợ và cháu đích tôn thường mặc nguyên bộ tang phục, còn lại chỉ quấn tròn khăn tang trên đầu.
“Ý nghĩa của việc mang tang là nhằm nhắc nhở người sống biểu lộ tình thương yêu, lòng biết ơn và sự hiếu đễ đối với người đã khuất”, thầy Minh Trí nhấn mạnh và nói thêm, "ngoài mục đích để biểu thị tình cảm, thái độ với người chết, năm loại tang phục này còn để phân biệt mối quan hệ thân sơ ruột thịt xa gần với người chết".
Không có chuyện gặp xui xẻo
Theo thầy Minh Trí, người Việt rất coi trong tang lễ. Vì vậy, khi gia đình có hiếu sự, con cháu, dòng họ đều quy tụ về đầy đủ để đội tang, trừ trường hợp con cháu ở quá xa, không thể về được nhưng họ vẫn thiết lập bàn thờ vọng để làm lễ chịu tang.
Trong thời gian có tang, thường thì những việc như: cưới hỏi, nôi thôi, sinh nhật, kỷ niệm… đều ngưng lại chờ sau khi xả tang.
Theo phong tục, trong ba ngày Tết, nhà nào có đại tang thì kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con. Ngược lại, bà con, xóm giềng đến chúc tết và an ủi những gia đình bất hạnh.
Về vấn đề đội tang có thường gặp chuyện chẳng lành hay không, thầy Minh Trí lý giải: quan điểm của nhà Phật cho rằng tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Đội tang là việc làm biểu thị tình thương yêu, lòng biết ơn, và lòng hiếu thảo đối với người quá cố. Đó là nghĩa cử cao đẹp và là nhân thiện.
Trên đời này không thể có chuyện trồng cây quýt chua mà có thể hái được quả cam ngọt, leo trên cây mà bắt được cá, lội dưới nước mà mò được trăng.
Theo luật nhân quả của đạo Phật thì chúng ta gieo nhân nào gặt quả nấy. Nhân thiện, nhân tốt lành ắt sinh ra quả thiện, quả tốt lành. Nhân thiện không thể sinh quả bất thiện được.
Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy con người là chủ nhân ông của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Mọi việc tốt xấu đến với ta là do chính ta tạo ra. Chẳng có tiên, Phật, thánh, thần nào mang đến cho ta cả.
Trong thời gian tang chế, chúng ta có gặp những điều không may thì chẳng qua đó cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Đúng hơn là khi có người thân vừa qua đời, trong lòng chúng ta còn vương vấn nhớ thương đau buồn, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, dẫn đến một số quyết định trong công việc thiếu sáng suốt, mang lại kết quả không như ý của chúng ta.
Còn nói theo lý nhân quả, thì cái nhân xấu ta gieo trước đây, giờ đã đến thời gian trổ quả. Quả xấu ấy lại rơi vào đúng thời gian tang chế khiến ta hoang mang, lo sợ, lầm tưởng rằng mang tang hay gặp chuyện xui xẻo.
“Nhìn chung, đội tang làm ăn rất khó và thường hay gặp những điều kém may mắn là quan niệm mê tín, không phù hợp với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt và trái với giáo lý nhân quả của nhà Phật”, thầy Thích Minh Trí khẳng định.
Thái Anh (theo kienthuc.net.vn)
BÌNH LUẬN