Nhiều người trong chúng ta luôn mong ước “thân tâm an lạc” và đây cũng là lời chúc mà chúng ta gửi gấm cho nhau khi gặp gỡ tiếp xúc nhau. ...
Nhiều người trong chúng ta luôn mong ước “thân tâm an lạc” và đây cũng là lời chúc mà chúng ta gửi gấm cho nhau khi gặp gỡ tiếp xúc nhau. Rõ ràng là khi thân có an thì tâm mới lạc. Ngược lại, khi tâm cứ mãi lo âu phiền muộn thì không chóng thì chầy thân sẽ lâm vào bệnh hoạn.
Trong thời đại ngày nay ta thường nghe nhiều người, thậm chí là chính ta than vãn một cách rã rời: “Sao mà lúc nào cũng cảm thấy hết xí quách!”. “Hết xí quách” đây là để chỉ tâm trạng mệt mỏi đang làm giảm đi chất lượng cuộc sống rất nhiều. Xin có đôi điều về trạng thái bất như ý này vì “hết xí quách” là biểu hiện của hai rối loạn khác nhau. Một là rối loạn xuất phát từ thân và hai là rối loạn xuất phát từ tâm.
“Hết xí quách” hay mệt mỏi rã rời là dấu hiệu báo cơ thể cần phải nghỉ ngơi hoặc ngủ để phục hồi sức khỏe. Thông thường sau thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ đủ, cơ thể sẽ hết mệt mỏi, cảm thấy sung sức, hưng phấn, làm mọi việc như ý muốn. Nhưng nếu mệt mỏi không được hóa giải, sau khi nghỉ ngơi mà ta vẫn thấy rã rời, sức khỏe không hồi phục thì có thể đã bị một rối loạn nào đó thuộc về thân thể con người. Tình trạng rối loạn này nếu kéo dài nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ khám, chuẩn đoán tìm nguyên nhân. Có khi cơ thể đã bị một số bệnh tiềm ẩn nào đó nhưng nhờ bác sĩ khám, định bệnh và cho hướng điều trị đúng đắn kịp thời mà giải quyết được vấn đề mệt mỏi “hết xí quách” kéo dài. Hiện nay ở các nước công nghiệp phát triển thường xảy ra hội chứng có tên là “Hội chứng mệt mỏi kinh miên” (Chronic fatigue syndrome, viết tắt là CFS) mà nguyên nhân sinh bệnh rất khó xác định và hiện nay CFS cũng thường xảy ra ở các nước đang phát triển như nước ta. Hội chứng CFS thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, gần như gấp đôi so với nam giới, với lứa tuổi thường là 25 đến 45. Hội chứng có triệu chứng mệt mỏi rã rời là chính (100%) còn kèm theo: nhức đầu, khó tập trung suy nghĩ, đau họng, nhức cơ, đau khớp, khó ngủ, sụt cân (có người lại tăng cân) v.v. Một số công trình nghiên cứu vào những năm 1990 ghi nhận CFS có liên quan đến nhiễm siêu vi như retrovirus… Việc chữa trị hội chứng này có khó khăn vì khó xác định nguyên nhân. Bác sĩ phải khám và loại trừ tất cả các bệnh thực thể có triệu chứng gây mệt mỏi và gần như không tìm được nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến hội chứng này để chỉ có thể gọi đó là “mệt mỏi vô cớ” (cũng giống như triệu chứng sốt thường hay chẩn đoán “sốt không rõ nguyên nhân”).
Về thuốc điều trị CFS, chủ yếu bác sĩ cho dùng thuốc trị triệu chứng liên quan. Đối với triệu chứng “hết xí quách”, bác sĩ cho dùng thuốc bồi dưỡng sức khỏe. Ở một số ít nước phương Tây trước đây, người ta chuộng sử dụng thuốc tiêm chích là cao gan (hy vọng bổ dưỡng cơ thể các chất bổ dưỡng lấy từ gan súc vật, kiểu như ở nước ta trước đây rất chuộng dùng Campolon, Campovit, Sirepar là thuốc trích tinh gan và nay không còn sử dụng nữa) hoặc thuốc tiêm chứa acid folic, vitamin B12 nhưng nay đã được chứng minh là chẳng có tác dụng gì với CFS. Bác sĩ có thể cho dùng các thuốc trị các triệu chứng khác như: thuốc chống viêm giảm đau để trị nhức đầu, đau nhức cơ xương; thuốc kháng histamin và thuốc co mạch chống sung huyết để điều trị chứng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang; thuốc chống trầm cảm để trị chứng mất ngủ do trầm cảm và làm người bệnh cảm thấy hưng phấn trở lại…
Đối với người bị mệt mỏi vô cớ, trước đây ngay ở ta đã có tình trạng tự ý lạm dụng thuốc rất nguy hiểm. Đó là tình trạng người bệnh không đi khám bệnh mà tự ý mua và dùng thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương là amphetamin (biệt dược MAXITON nổi tiếng ở miền Nam trước đây) và một số dẫn chất của nó để trị chứng “hết xí quách”. Và hậu quả của việc sử dụng thuốc bừa bãi này là một số người bị nghiện thuốc (giống như nghiện ma túy và sau đó phải dùng đến ma túy), bị một số tác dụng phụ về tim mạch và nhất là, có khuynh hướng tự tử sau khi ngưng thuốc. Điều cũng cần lưu ý là “thuốc lắc” (dimethyl- dioxy- methamphetamin, viết tắt MDMA) hiện nay bị lạm dụng một cách nguy hiểm chính là dẫn chất tương tự như amphetamin, cũng có tác dụng kích thích làm cho người ta hết mỏi mệt, hưng phấn và có thể khiêu vũ, nhảy nhót thâu đêm suốt sáng.
Hiện nay, nhiều người bị “hết xí quách” cũng thế, không đi khám bệnh mà tự ý dùng thuốc gọi là trị suy nhược chức năng như uống thuốc: Polytonyl, Sargenor, Activarol, Surfortan, Magné B6, Glutaminol B6, Arcalion… và xem thế là đủ. Hoặc có khá nhiều người hằng ngày dùng thuốc dạng sủi bọt cung cấp các vitamin và chất khoáng gọi là chống oxy hóa, chống stress và chống triệu chứng “hết xí quách” vẫn không cải thiện. Nên lưu ý, tất cả các thuốc vừa kể chỉ có tác dụng hỗ trợ (bị hết xí quách nhiều khi phải dùng thuốc do bác sĩ chỉ định) và nên dùng thuốc hỗ trợ này đúng liều lượng (như vitamin C ngày không nên dùng quá 1 gram, dùng nhiều không có lợi vì có nguy cơ gây sỏi thận). Xin lưu ý khi bị mệt mỏi thường xuyên, trước hết hãy xem lại chế độ làm việc, sinh hoạt có quá căng thẳng để sắp xếp lại tạo sự thư giãn cần thiết, chế độ dinh dưỡng có đảm bảo đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, kế đó có thể dùng thêm các thuốc gọi là hỗ trợ, bồi dưỡng kể trên. Nhưng nếu rối loạn cứ kéo dài, nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân. Nên lưu ý, “hết xí quách” rất có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm là bệnh rất dễ xảy ra hiện nay cần được phát hiện sớm để chữa trị đúng cách ( bệnh trầm cảm nếu không được chữa trị sớm, đúng cách có khi là nguy hiểm).
Ngoài biểu hiện của CFS nói ở trên, “hết xí quách” còn biểu hiện của một rối loạn khác là STRESS. Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng” và sự mất cân bằng thể hiện trong cơ thể là những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các áp lực, các biến động vừa nêu.
Ta cần lưu ý, stress không phải luôn luôn là xấu. Với mức độ vừa phải, chínnh stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Do con người luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt có tác nhân xâm phạm về mặt tinh thần, tâm lý, nên chính nhờ stress mà ta có những phản ứng cần thiết để đối đầu với các tác nhân xâm phạm đó, giúp ta có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong công việc vượt qua stress.
Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể ta có thể bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bị stress, cơ thể có những biến đổi mà những biến đổi này có thể trở thành nguy cơ gây bệnh như sau:
- Khi bị stress, có sự tăng tiết hormon (nội tiết tố) như các glucocorticoid và adrenalin ở tuyến thượng thận (tuyến nằm úp trên hai quả thận) làm cho mạch máu co lại, giữ natri và nước lại trong cơ thể làm bài tiết ít nước tiểu đưa đến tăng huyết áp. Vì vậy, người bị stress thường xuyên dễ có nguy cơ bị tăng huyết áp.
- Khi bị stress, có sự tăng tiết các hormon ở hệ thần kinh như hormon tăng trưởng (somatostatin), prolactin, các endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, đây được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra). Các hormon này cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể làm giảm sự đề kháng đưa đến dễ bị nhiễm trùng.
- Khi bị stress, có sự phóng thích insulin hoặc insulin tiết ra đủ nhưng tế bào “lờn” insulin không tiêu thụ được đường glucose dẫn đến tăng lượng đường này trong máu được gọi là bệnh đái tháo đường týp 2.
- Khi bị stress, có sự rối loạn chuyển hóa chất béo làm tăng lượng triglycerid, tăng lượng cholesterol “xấu” trong máu mà nhiều người gọi là “cao mỡ trong máu” dẫn đến đóng cặn mỡ trong thành động mạch gây xơ vữa động mạch. Người bị stress thường xuyên dễ có nguy cơ bị các bệnh tim mạch, bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, bị đột qụy, bị tai biến mạch máu não chính một phần do cao mỡ trong máu.
Ngoài các rối loạn thể chất kể trên, stress thường xuyên cũng dễ đưa đến các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược tâm thần, trầm cảm… Người bị stress thường xuyên cũng thường ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện (có người tìm đến ma túy) dùng làm phương tiện giảm thiểu stress, do đó dễ trở thành người nghiện.
Những điều trình bày ở trên cho thấy đúng là khi tâm không an tức bị stress thì thân sinh ra bệnh. Nhưng có điều rất quan trọng cần biết là đối với stress, phòng dễ hơn trị. Người ta bàn nhiều về các biện pháp phòng chống stress. Có các biện pháp đơn giản như: tìm đến nhà tham vấn, học cách chấp nhận, chia sẻ với bạn tâm giao, lập danh sách ưu tiên trong công việc, biết giới hạn của mình và không cho mình luôn là đúng, dành thời gian thích hợp chi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và giúp đỡ người khác… Và để hóa giải stress một cách hữu hiệu, thế giới hiện nay quan tâm ngày càng nhiều đến phương thức kỳ diệu đã được các nhà tu học phương Đông thực hành từ ngàn xưa, đó là Thiền. Thiền là gì? Thật khó để mô tả cái gì đó không phải để nói mà là hành độn. Chỉ có những người nào đó đã trải qua trạng thái gọi là “bị stress” và thực hành Thiền thì mới biết Thiền là gì, đặc biệt mới thấm thía Thiền hóa giải stress một cách kỳ diệu ra sao. Không chỉ hóa giải stress mà người hốt nhiên ngộ Thiền nhờ “hành thâm bát nhã ba la mật” (Tâm kinh) sẽ đạt được an nhiên tự tại, thậm chí “thõng tay đi vào chợ” và tiếp nhận cái thâm diệu bất khả tri. Trong hạn hẹp của ngôn từ, mạo muội mô tả đôi điều Thiền hóa giải stress ra sao. Nếu “thất tình – lục – dục” đưa đến stress thì Thiền chính là sự tự do giải thoát từ bất cứ động cơ nào của thèm muốn, sợ hãi lo âu, sầu hận, xung đột triền miên trong tâm lý. Nếu stress tạo ra do sự vong thân trong tình trạng đảo điên của cuộc sống thì Thiền là sự im lặng tuyệt đối để khám phá lấy chính mình, để là một cách thấy giúp con người thấy được “bản lai diện mục” tràn đầy an lạc. Nếu bị stress do sự lăng xăng, bép xép, bất an của tâm lý vì cứ hướng về quá khứ, tương lai thì Thiền là chấm dứt vọng niệm, chứng nghiệm hiện tiền để buông xả trọn vẹn.
BÌNH LUẬN