Ngày tôi còn bé, những đêm có trăng hoặc những tối rảnh rang mẹ tôi hay kể chuyện về làng quê xa xôi của bà, rồi bắt qua kể chuyện cổ tích...
Ngày tôi còn bé, những đêm có trăng hoặc những tối rảnh rang mẹ tôi hay kể chuyện về làng quê xa xôi của bà, rồi bắt qua kể chuyện cổ tích. Tôi nhớ bà hay kể chuyện có những loài chim sống rất thủy chung; nếu chúng sống có đôi, khi một trong hai con chết thì con kia cũng chết theo. Nghe chuyện đó mà tôi buồn não ruột. Lớn lên một chút, tôi cho là mẹ tôi thêu dệt, bịa thêm, chứ chim gì mà tình cảm, nhân nghĩa còn hơn con người. Nhưng có lần tôi đã chứng kiến một chuyện có thật một trăm phần trăm, và từ đó tôi biết điều mẹ kể là có thật.
Ngày đó chúng tôi đóng quân trong một khu rừng chồi. Khu rừng này khá yên bình vì chưa bị bom làm cháy rụi. Sáng sáng, quanh lều tôi ở lúc nào cũng vang lên tiếng chim hót; có tiếng thì lảnh lót thanh tao, có tiếng thì rè rè, có tiếng thì trầm đục. Bộ cánh của chúng thì đủ màu, nền nã xanh xanh có, trăng trắng điểm đỏ, điểm nâu có, chúng hồn nhiên vô tư nhảy nhót từ cành nọ qua cây kia như là chốn giang sơn riêng của mình.
Ở rừng cuộc sống khó khăn, gạo thì không thiếu lắm, nhưng thức ăn thì quanh đi quẩn lại cứ mắm ruốc kho rồi kho mắm ruốc, và nhất là thịt cộp (không phải thịt cọp mà là muối rang nóng bỏ vô lon giã cộp cộp). Trong hoàn cảnh đó, anh em trong đơn vị bàn nhau làm bẫy cò ke để bẫy chim, vì ở đây chim nhiều vô khối; cơ quan tôi cũng ở gần một trảng cỏ, nên các loài chim hay ra đó kiếm ăn. Mấy ngày đầu chim dính bẫy, ai cũng vui tở mở, bữa ăn có được một ít thịt… Hôm ấy, tôi được phân công cùng một anh trong cơ quan ra thăm bẫy. Chưa đến nơi, tôi đã thấy một bầy chim đang bay lên bay xuống mổ mổ vào đám lá chúng tôi ngụy trang để đặt bẫy. Chúng bay loạn xạ, nhảy bổ xuống mặc cho chúng tôi đang chạy tới. Đến nơi tôi thấy một con chim (tôi không biết tên loài chim đó) có bộ lông màu xanh lá, nó lớn hơn con két một chút, đang giẫy giụa một cách tuyệt vọng cố tìm cách thoát ra khỏi sợi dây dù khít chặt chân nó. Khi anh bạn thò tay vào gỡ, nó giận giữ gào lên. Bọn chim đi giải cứu bay tỏa ra xung quanh kêu quang quác. Ngày hôm đó khu rừng gần như bớt tiếng chim hót, lũ chim ngày nào tung tăng đùa giỡn, thì giờ đây dường như cảnh giác với loài người rồi. Rồi suốt từ trưa đến tối, lúc nào cũng vang lên tiếng kêu não nùng của một con chim mất bạn. Tôi quan sát và thấy nó giống y trang con chim sa bẫy lúc sáng. Tiếng kêu của nó đau đớn, thê thảm làm sao ấy; nó cô đơn biết dường nào khi không tìm thấy bạn đời của nó.
Tôi chỉ cho mấy người trong cơ quan con chim buồn ngơ ngác bay đi tìm kiếm bạn đời, từ ngày này sang ngày kia. Tôi nghĩ chắc nó kêu ít ngày rồi cũng nguôi ngoai thôi. Nhưng thật bất ngờ, sáng ngày thứ tư, tôi thấy xác bốn con chim non bị vặt đứt đầu gãy cánh, tung tóe trên nền đất cạnh sàn nước, nơi những người trong cơ quan vẫn vặt lông những con chim bị sa bẫy. Những con chim non chưa đủ lông cánh ấy chính là con của nó rồi, tôi nhận ra vì màu lông và hình dáng của nó giống chim bố mẹ. Tôi đau xót nhìn lên cây, con chim xanh còn lại lờ đờ ngơ ngác. Tôi cẩn thận đào hố chôn xác chim non. Tôi phỏng đoán con chim còn lại có lẽ là chim bố; vì nếu là chim mẹ thì nó phải ngậm nỗi đau trong lòng để nuôi con khôn lớn chứ sao đến nỗi tuyệt vọng như vậy. Sáng hôm sau, người thăm bẫy bắt về một con chim xanh xanh. Nó không giẫy dụa như những con chim sa bẫy khác mà nằm im, trơ xương; còn đôi mắt nó, ôi chao vừa đau buồn vừa căm phẫn, nhìn những kẻ đã sát hại bạn đời của nó, làm cho gia đình nó phải chịu tan tác đau thương. Tôi phải giấu đi những giọt nước mắt xót thương (vì trong kháng chiến, khóc như vậy bị phê bình là tiểu tư sản). Hôm đó, tôi nhất định từ chối cái món thịt chim mà chỉ ăn cơm lạt. Cũng từ đó, tôi không bao giờ tham gia vào việc bẫy chim, bắt chim nữa. ■
BÌNH LUẬN