Vào ngày 8-10, Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của người dân Tây Tạng, đã bắt đầu chuyến hoằng pháp hai tuần đến Hoa Kỳ. Trong...
Vào ngày 8-10, Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của người dân Tây Tạng, đã bắt đầu chuyến hoằng pháp hai tuần đến Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này, ngài đến thăm và hoằng pháp tại sáu tiểu bang, tiếp xúc và có những buổi pháp đàm, pháp thoại, nói chuyện với công chúng Hoa Kỳ.
Đức Dalai Lama
Đức Dalai Lama bắt đầu chuyến hoằng pháp của mình tại Đại học Syracuse, New York trong vòng hai ngày, ngày 8 và 9-10 và có buổi trò chuyện về chủ đề “Hóa giải mâu thuẫn trong cộng đồng thế giới thông qua ý thức toàn cầu”.
Sáng 8-10, Đức Dalai Lama có buổi hội đàm với ông Mohamed ElBaradei, người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2005, và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại liên bang Andrew Young. Cả ba người sẽ bàn về chủ đề “Mùa xuân Ả Rập”.
Vào buổi chiều ngày 8-10, Đức Dalai Lama tham gia vào một cuộc thảo luận “Nâng cao ý thức toàn cầu” cùng với người đoạt giải Nobel Hòa bình Shirin Ebadi và nhà ủng hộ nhân quyền Martin Luther King III.
Sau đó ngài đến bang Virginia, bang Vermont, bang Massachusetts, bang Rhode Island, và bang Connecticut State, rồi quay trở lại New York. Đến đâu ngài cũng đều có các cuộc đàm luận, các buổi thuyết giảng trước công chúng.
Chủ đề các buổi thuyết giảng cũng khá rộng, từ vấn đề hòa bình, hòa hợp trên thế giới, vấn đề đạo đức, tình thương yêu của con người trong xã hội, đến vấn đề nghệ thuật sống, nghệ thuật thể hiện tình yêu thương, và cả những vấn đề chuyên sâu trong giáo lý đạo Phật như là thiền định, tâm từ bi và những điều cốt tủy của đạo Phật…
Đức Dalai Lama hiện đang là một nhân vật tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là trong giới trí thức phương Tây.
Với khiếu hài hước và cách trình bày vấn đề hóm hỉnh mà sâu sắc, ngài đã tạo nên một sức hút lạ kỳ đối với thính chúng. Chính vì vậy mà các buổi thuyết giảng của ngài thường thu hút rất đông khán thính giả quan tâm. Ngài đi đến đâu cũng được mọi người, thuộc tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nghênh đón và kính ngưỡng.
Minh Nguyên (Theo Dalailama.com)
BÌNH LUẬN