Trong Phật giáo Việt Nam còn xuất hiện nhiều hình tượng như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tống Tử, Bà Chúa Ba Chùa Hương v.v…đều là hóa thân của...
Trong Phật giáo Việt Nam còn xuất hiện nhiều hình tượng như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tống Tử, Bà Chúa Ba Chùa Hương v.v…đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát để cứu độ chúng sinh.
I. TỪ CỘI NGUỒN PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Trước khi Đạo Phật ra đời, đạo Bàlamôn - một tôn giáo bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian đã chế ngự toàn bộ đời sống tinh thần của người Ấn. Với Đạo Bàlamôn, chế độ Varna ( sắc đẳng, đẳng cấp ) được thiêng liêng hoá bằng huyền thoại về Thần ngã Pulusa, được luật pháp hoá trong bộ luật Manu. Bởi vậy, chế độ đẳng cấp dù vô cùng bất công, tàn bạo, phi nhân tính, song người Ấn Độ thời ấy vẫn phải cam chịu như một lẽ đương nhiên, người Bàlamôn mặc nhiên hưởng phần cao quý nhất, kẻ thuộc đẳng cấp Paria thì cam phận nô lệ, dốt nát, bị khinh rẻ, bị sống ngoài lề xã hội đời đời kiếp kiếp…Trong đó , người phụ nữ Ấn Độ cổ xưa nói chung và nhất là người tro ng đẳng cấp dưới đáy này lại là người khốn cùng nhất trong những kẻ khốn cùng.
Nhưng, một sự kiện vĩ đại đã xảy ra làm đảo lộn đời sống xã hội Ấn Độ cổ đại. Vào thế kỷ VI tr.CN, Hoàng tử Siddattha Gotama vốn thuộc đẳng cấp Võ sĩ (Ksatrya ) tại một quốc gia nhỏ ở Tây Bắc Ấn Độ đã không chấp nhận sự bất công xã hội đó. Từ một Hoàng tử sống trong nhung lựa, vượt qua bảo khó khăn, thử thách, với tình yêu thương vô bờ đối với con người và một trí tuệ siêu việt, chàng đã trở thành “Đấng giác ngộ”, và một tôn giáo mới - tôn giáo của sự bình đẳng, của tình yêu thương và lòng bác ái đã ra đời trên đất Ấn Độ. Đó chính là “Đạo Phật”.
Bản chất nhân văn của Học thuyết Phật giáo thể hiện trong từng lời nói, việc làm, hành vi ứng xử của Đức Phật, Ngưòi từng nói:
- “ Trước đây và ngày nay ta chỉ lí giải và nêu ra cái chân lý về nỗi đau khổ và sự giải thoát khỏi nỗi đau khổ”;
- “ Cũng như nước đại dương chỉ có một vị là mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt”
Sau “ sự thất bại mang tính toàn nhân loại của người phụ nữ” bởi sự ra đời của chế độ phụ quyền ( C. Mác ), Đức Phật là người đầu tiên dũng cảm tuyên bố: “Nam nữ bình quyền”. Điều đáng nói là tư tưởng ấy ra đời cách đây từ hơn 2500 năm tại một đất nước mà người phụ nữ không có bất kỳ một quyền gì về chính trị - kinh tế, xã hội, văn hoá; Luật Manu quy định:
- Không cho phép người phụ nữ học và đọc Kinh Vêđa – nên nhớ rằng kinh Vêđa là Tập đại thành về trí tuệ Ấn Độ cổ đại . Điều đó cũng có nghĩa là người phụ nữ không cần và không có quyền hiẻu biết;
- Người phụ nữ không cần tham dự vào các Lễ nghi Tôn giáo để dọn đường cho mình về cõi vĩnh hằng ;
- Người phụ nữ chỉ là một thứ tôi tớ, nô lệ của cha, rồi của chồng. Khi chồng chết, người phụ nữ chỉ được coi là đức hạnh nếu họ tự nguyện nhảy vào dàn hoả thiêu để c hết theo chồng …
Như thế, trong thời đại của Đức Phật, người phụ nữ không có cả quyền tối thiểu nhất mà tạo hoá ban cho họ: quyền được sống dù là sống trong kiếp nô lệ .
Vậy mà Đức Phật lại tuyên bố: “ Nam nữ bình đẳng” ! Người nói:
- Người nữ không có gì là thấp kém hơn người nam. Bên trong mổi người nữ, cũng như bên trong mỗi người nam, đều có tiềm ẩn khả năng để trở thành A La Hán, tiềm lực để trở nên bậc thánh nhân.
- Đức Phật chỉ rằng người đàn bà là mẹ của đàn ông. Không ai xứng đáng cho ta kỉnh mộ tôn sùng bằng mẹ của mình, và phận làm con không thể trả hết món nợ của mẹ mà mình phải mang trong lòng…
- Khi chứng kiến một vị vua tỏ ra không vui khi nghe tin Hoàng hậu sinh con gái, Đức Phật đã an ủi bằng những lời sáng suốt rằng: sinh ra một bé gái nhiều khi còn hay hơn một bé trai. Em có thể trở thành một bé gái xinh đẹp, thông minh, một người vợ hiền thảo, một người mẹ vĩ đại vì có thể nuôi dạy đứa con trai của mình trở thành bậc tài trí, đứng đầu một quốc gia…
- Ngài dạy: người nam nên xem người nữ như chị, như em gái và hết lòng bảo vệ họ, nên đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ, xem vợ là ngang hàng với mình, và cho con gái những cơ hội thăng tiến giống như con trai…
- Nếu như đạo đức của người phụ nữ theo tư tưởng Nho giáo là “công dung - ngôn - hạnh”, trí tuệ, học vấn đứng ngoài chuẩn mực đó, thì Đức Phật không chỉ khuyên người phụ nữ tu dưỡng phẩm chất đạo đức, giữ “phẩm hạnh trong sạch; không buông theo sự độc ác, oán thù; không ghen ghét đố kỵ, sống cuộc đời đạo đức phù hợp với thuần phong mỹ tục…” mà còn khuyên họ “ phải trau dồi trau giồi học vấn và kiến thức thâm sâu , hăng say và nhiệt thành, cảnh giác và nhanh trí, sáng suốt và khôn ngoan…”
Có lẽ những lời khuyên này vẫn còn nguyên giá trị đối với người phụ nữ hiện nay không dừng ở những lời tuyên bố, lời khuyên tốt đẹp như trên, trong hành động, Đức Phật đã thực thi một chính sách tôn giáo thực sự táo bạo: chấp nhận lời thỉnh cầu của bà Maha Pajapati Gotami, cho phép thành lập Giáo Hội Tì Khưu Ni. Sự kiện trọng đại này chỉ có được – theo chúng tôi là từ hai phía:
- Phía người Phụ nữ mà đại diện là bà Maha Pajapati Gotami và nhiều người cùng thời với bà đã thể hiện những phẩm hạnh tốt đẹp như tinh thần tận tụy, đức hy sinh, tình yêu thương, ý chí và nghị lực phi thường khiến cho mọi người phải nể phục. Khi hoàng hậu Maha Maya băng hà, Maha Pajapati Gotami đã chấp nhận hy sinh tình mẫu tử, giao con đẻ của mình cho người khác nuôi dưỡng để gánh trọng trách chăm sóc, dưỡng dục Hoàng tử Siddhattha vừa được 7 ngày tuổi. Lúc ấy bà đâu có biết đang nuôi dưỡng vị Phật Tổ tương lai – người góp phần làm thay đổi đời sống tinh thần nhân loại.
- Bản thân Đức Phật là người được nuôi dưỡng, lớn lên trong tình mẫu tử bao la của Maha Pajapati Gotami - một người phụ nữ không phải là mẹ đẻ của mình; lớn lên ông lại được chứng kiến nỗi đau khổ và nhiều bất công xã hội đối với người phụ nữ, chứng kiến ý chí quyết tâm, nghị lực phi thường của họ.
Như thế, lòng biết ơn, tình yêu thương, niềm tin vào phẩm hạnh, tài năng và nghị lực của người phụ nữ đã dẫn Đức Phật đến quyết định sáng suốt nói trên. Cần hiểu rằng lòng biết ơn là một trong những phẩm hạnh chính yếu và đặc thù của chư Phật.
Với việc hành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử tôn giáo nhân loại đã nâng vị trí của người phụ nữ lên ngang hàng với nam giới, khẳng định phẩm chất và tài năng của họ, tin rằng với tâm đạo nhiệt thành, thực hành đúng theo lời giáo huấn, hành thiền, khai triển tuệ minh sát, thì họ - những nữ tu cũng có thể đắc Ðạo Quả A La Hán. Và thực tế đã minh chứng cho quyết định sáng suốt đáng kinh ngạc đó.
Có thể nói không quá lời rằng: tư tưởng “Nam – Nữ bình đẳng” của Đức Phật đã mở ra một nhận thức mới, một tư tưởng mới hết sức tiến bộ về nhân quyền, vượt qua không gian và thời gian, góp phần gợi mở những tư tưởng mới, những phong trào đấu tranh giải phóng con người, giải phóng người phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ v.v…
Chắc chắn rằng những nhà tư tưởng vĩ đại như Mác, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh khi tiếp xúc với gia tài tư tưởng Triết học phương Đông, khi nghiên cứu Triết học P hật giáo không thể không xúc động khi phát hiện tư tưởng tiến bộ này của Đạo Phật, không thể không kế thừa và đưa vào hệ thống tư tưởng của mình vấn đề giải phóng phụ nữ. Hò Chí Minh từng nhận mình chỉ là “học trò nhỏ” của những nhà tư tưởng vĩ đại như Giê xu, Phật Thích Ca, Các Mác, Tôn Dật Tiên… đó sao !
II. ĐẾN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Là quê hương của nhiều tôn giáo lớn, đạo Phật ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ VI trước công nguyên . Đến thế kỷ III, thời Asôka, nhà vua sùng đạo Phật này đã thực hiện chính sách hoằng dương Phật pháp ra nước ngoài bằng con đường hòa bình. Theo huyền sử, chính Đức Asôka đã cho dựng tháp Phật ( stupa ) ở ven biển Đồ Sơn và vợ chồng công chúa Tiên Dung – Chử Đồng Tử đã ra biển vừa tu Tiên, vừa tu Phật. Theo ký ức dân gian, đạo Phật đã được người Việt biết đến từ những thế kỷ cuối cùng trước công nguyên, khi Văm Lang – Âu Lạc chưa bị rơi vào ách thống trị của phong kiến phương Bắc.
Tuy nhiên, đó chỉ là huyền sử. Song, đến thế kỷ thứ VI, Luy Lâu ( Thuận Thành, Bắc Ninh) đã trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn của khu vực. Thư tịch cổ Trung Hoa có ghi chép rằng, nhà sư Đàm Thiên từng tâu trình Tùy Văn Đế ( thế kỷ VI ) rằng: “ Giao Châu có đường thông tới Tây Trúc. Khi Đạo Phật ở Trung Quốc chưa phổ tới Giang Đông mà xứ ấy ( tức Luy Lâu ở Giao Châu ) đã xây lên 20 ngôi Bảo tháp, độ Tăng hơn 500 người, dịch Kinh được 15 bộ” rồi.
Điều đặc biệt là, ngay từ những năm tháng đầu tiên của Đạo Phật trên đất Việt cổ, bóng dáng người phụ nữ đã in rất đậm, vai trò của người phụ nữ đã trở nên vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam. Về vấn đề này, bản tham luận xin đề cập trên hai phương diện:
- Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo Việt Nam;
- Phụ nữ với Phật giáo trong văn hóa Việt Nam
II. 1. Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo Việt Nam:
Trước khi tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ, người Việt cổ ở đồng bằng Bắc bộ đã tạo dựng quốc gia Văn Lang – Âu Lạc dựa trên văn minh nông nghiệp lúa nước. Nền văn minh ấy tạo cho con người nét cá tính thuần hậu, cởi mở , đa chiều, khẳng định vai trò của người phụ nữ và một hệ tín ngưỡng phản ánh những xúc cảm tẩm lý cùng khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
1. Hình tượng phật Mẫu Man Nương và hệ thống thờ Tứ Pháp:
Ra đời từ vùng Dâu – Bắc Ninh và lan tỏa ra khắp đồng bằng Bắc bộ như minh chứng cho sự hỗn dung giữa Đạo Phật và tín ngưỡng bản địa. Từ tín ngưỡng thờ các nữ thần nông nghiệp, thờ các hiện tượng tự nhiên và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước, khi tiếp thu đạo Phật của Ấn Độ, người Việt đã sáng tạo nên hình tượng Phật Mẫu man Nương và một dòng Phật giáo dân gian thờ Tứ Pháp hết sức đặc sắc. Nói cách khác, các nữ thần của tín ngưỡng bản địa đã được Phật hóa, được mang Phật tính song vẫn vô cùng gần gũi với cư dân. Họ vốn là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng nay trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện thờ ở bốn ngôi chùa, quy tụ quanh Phật Mẫu Man Nương …Phật Mẫu có thể xem như hình ảnh c ủa người Mẹ khởi nguyên vốn xuất hiện rất sớm ( Nữ Thần trông coi núi Ba Vì) rồi hỗn dung với Phật giáo mà ra đời hệ thống thờ Tứ Pháp và phát triển thêm một bước nữa trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sau này. Chùa Dâu xứ Kinh Bắc xưa kia là nơi thường tổ chức các lễ cầu mưa. Sau này, sử sách Việt Nam từ Lý - Trần - Lê đều chép rằng: mỗi khi đại hạn nhà Vua thuờng đi cầu mưa ở chùa Pháp Vân hay ruớc tuợng Pháp Vân ( bà Dâu ) từ xứ Kinh Bắc về kinh thành Thăng Long, đặt tuợng ở chùa Một Cột để làm lễ cầu đảo. Khi nào có mưa mới ruớc tuợng trở về xứ Kinh Bắc.
2. Hiện tượng “ Nữ tính hóa ” trong Phật giáo Việt Nam :
- Trước hết là việc Nữ tính hóa hình tượng Quan Thế Âm : Trong Phật giáo Ấn Độ, Quan Thế Âm là một vị Phật giới tình nam. Khi du nhập vào Giao Châu và vùng đất phía nam Trung Hoa thì vị Phật này – một cách tự nhiên được biến đổi sang hình tướng nữ và trở thành Phật Bà Quan Âm hay Quan Thế Âm Bồ Tát. Nên nhớ rằng, vùng đất Nam Trung Hoa xưa kia thuộc Bách Việt, nằm trong vùng Đông Nam Á cổ, cư dân canh tác ruộng nước, trồng dâu nuôi tằm… Tín ngưỡng của cư dân Bách Việt mang nhiều nét chung của cư dân Đông Nam Á, rất gần gũi với tín ngưỡng của người Việt cổ, trong đó có sự tôn thờ Người Mẹ xứ sở - một biểu hiện của “Nguyên lý Mẹ” trong văn hóa bản địa. Các pho tượng Phật trong chùa Việt đều có gương mặt đầy đặn, đôn hậu, thiên về tính nữ cũng là một biểu hiện của khuynh hướng “ Nữ tính hóa” rất Việt Nam này.
Bồ Tát Quan Thế Âm được người Việt gọi giản dị là “Phật Bà”, hiện thân của Đức Từ Bi, cứu khổ, cứu nạn, mà người phụ nữ là người đau khổ nhất, cần cứu vớt nhất. “Phật Bà” cũng là hiện thân của một người Mẹ hiền, của tình mẫu tử thiêng liêng không một tình yêu thương nào sánh nổi.
- Hiện tượng Bà Chúa Xứ thờ ở Núi Sam, Châu Đốc cũng là một minh chứng cho xu hướng “ Nữ tính hóa “ này. Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Visnu (nam thần), được tạc vào khoảng cuối thế kỷ 6. Rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Oc Eo. Bản thân người viết bài này cũng đã may mắn được chiêm ngưỡng hình tướng nguyên gốc của pho tượng .
Quả thật, đó là một nam thần được tạc trong thế ngồi vương giả rất quen thuộc của thần Visnu trong thần thoại Ấn Độ. Chất liệu tạc nên pho tượng cùng với bệ đá đặt tượng đều không có ở vùng núi An Giang và các vùng phụ cận. Song điều đáng quan tâm ở đây là khi phát hiện pho tượng, người dân đã đưa về thờ và tô điểm theo sở nguyện của mình để trở thành “Bà Chúa Xứ” – người Mẹ xứ sở thiêng liêng của cả vùng Nam bộ. Trong tâm thức dân gian, “Bà Chúa Xứ” cũng được coi như một “Phật Bà Quan Âm” vậy.
- Sự hóa thân của Phật Bà vào các hình tướng nữ:
Trong Phật giáo Việt Nam còn xuất hiện nhiều hình tượng như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tống Tử, Bà Chúa Ba Chùa Hương v.v…đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát để cứu độ chúng sinh. Với nhân dân, họ là hình tượng tiêu biểu của những người vợ dịu hiền, chịu thưong chịu khó như Thị Kính, người con gái hiếu thảo hết lòng yêu thưong cha mẹ như Bà Chúa Ba, đức hy sinh cao cả của họ đã lay động cả Thần, Phật, đất trời. Phải chăng, dân gian đã mượn hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát để nói lên khát vọng được thấu hiể u và cứu vớt của những người phụ nữ khổ đau trong xã hội, cũng như khẳng định phẩm hạnh đáng trân trọng của họ. Nỗi khổ đau oan trái ấy chỉ có sức mạnh và tình yêu thương vô bờ bến của Phật Bà mới cứu vớt nổi.
Đi từ Bắc vào Nam, ta còn có thể gặp nhiều hình tượng phụ nữ khác vốn là những người Mẹ Xứ Sở sau mang Phật tính được thờ phụng thiêng liêng như Chùa Thiên Mụ ở Huế, Tháp Bà ở Nha Trang, núi Bà Đen ở Tây Ninh v.v…Vào trong càc ngôi chùa, ta lại thường thấy có Ban thờ Mẫu.
Đó cũng là một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, sự hòa hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân bản địa.
II. 2. “Phụ nữ với Phật giáo trong văn hóa Việt Nam”:
bản tham luận xin đề cập mấy hiện tượng sau :
Thứ nhất: Nguyên Phi Ỷ Lan – cô Tấm của xứ kinh Bắc, người có công chấn hưng đạo Phật thời Lý
Sau hơn một ngàn năm sống trong vòng ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, lại trong vị thế mất nước, bị kẻ thống trị tìm mọi cách thâm độc và tàn bạo để thực hiện dã tâm đồng hóa thì việc vận hành theo quỹ đạo văn hóa Hán của quốc gia Đại Việt đời Lý ( nếu có ) cũng là lẽ thường tình, không ai chê trách. Song thực tế lại không theo “ lẽ thường tình” ấy. Với tất cả khát vọng độc lập và năng lượng văn hóa bị dồn nén, đời Lý mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng Quốc gia phong kiến độc lập, người Việt đã rất đề cao đạo Phật, trong các triều đại Lý – Trần, đạo Phật được tôn lên hàng “Quốc giáo”. Cần nhắc lại rằng, đạo Phật từ Ấn Độ vào đất Giao Châu rất sớm và đã được Việt hóa trong suốt cả ngàn năm, đ ã mang bản sắc Việt. Phật giáo Việt Nam lại sinh ra nhiều bậc Đại Sư lỗi lạc có công rất lớn đối với dân tộc như Khuông Việt Đại Sư Ngô Chân Lưu, sư Vạn Hạnh, Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không v.v… . Bởi vậy, đề cao đạo Phật vừa là nhu cầu tinh thần của nhân dân, vừa thể hiện ý thức chính trị - ý thức “giải Hoa” của người Việt trong buổi đầu giành lại quyền tự chủ.
Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu vốn xuất thân từ một làng quê Kinh Bắc – nơi quê hương của Phật giáo Việt Nam với những ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Keo, chùa Bút Tháp…Vốn có tâm Phật, khi trở thành Nguyên Phi, rồi Hoàng Thái Hậu, lại sống trong bàu không khí xã hội tôn vinh Phật giáo, bà đã phát tâm xây dựng hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 ngôi chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương Thổ Lỗi... Không chỉ sùng đạo Phật, góp công xây dựng nhiều ngôi chùa, vốn thông minh, bà còn nghiên cứu nhiều về đạo Phật. Sử sách cũng nói tới việc bà hay đàm đạo với các nhà sư về Phật pháp, chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Bà cũng nghiên cứu về văn chương, viết những bài kệ, có những câu kệ của bà được nhiều người biết đến và còn lưu truyền tới ngày nay.
Xuất thân là một thôn nữ lại sớm lâm vào cảnh mồ côi, hiểu thấu những khổ đau của người nông dân, nhiều cô gái nghèo phải đem thân gán nợ nhà giàu. Bà đã mở tấm lòng từ bi, cho “phát tiền ở kho Nội Phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ”. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn: “ Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ, đó chính là cùng dân của thiên hạ. Thái Hậu ( Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy” . Từng làm cung phi, thương cảm cho bao cung phi hoài phí tuổi xuân, chôn mình trong cung cấm, bà đã cho xuất cung rất nhiều người và gả chồng cho họ nữa.
Chẳng thế mà từ xưa nhân dân đã xem bà là “Phật giáng thế” hay “Bà Tấm” nhân hậu, thương dân của xứ Kinh Bắc và thờ tự bà ở rất nhiều nơi. Hiện nay, tại Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội có một quần thể di tích gồm chùa, đền, điện, sơn trang. Chùa có tên “Linh Nhân Từ Phúc tự” vốn do chính bà xây dựng tại quê hương. Khi bà mất, nhân dân xây thêm ngôi đền thờ bà; Chùa và đền vừa là nơi lễ Phật vừa là nơi tưởng nhớ công đức của bà .
Xưa nay nhân dân vẫn quen gọi một cách giản dị là chùa “Bà Tấm”, đền “Bà Tấm”
Thứ hai : Chùa làng và người phụ nữ
Dân gian có câu: “ Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” hay “Cây đa, bến nước, sân đình” … Thiết chế văn hóa làng Việt không thể thiếu đình và chùa. Đó là một cặp sóng đôi trong tâm thức người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung hòa hợp trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.
Xét về lịch sử, chùa ra đời trước, gắn với việc tiếp nhận đạo Phật của người Việt. Ở nước ta, nhiều ngôi chùa có gốc tích hàng ngàn năm tuổi, tập trung ở vùng Bắc Ninh. Đình gắn với tinh thần “Độc tôn Nho giáo” của thế kỷ XV, thời Lê Trung Hưng. Những ngôi đình được xây dựng sớm nhất là từ thế kỷ XVI ( 400 năm ), và tập trung ở vùng Sơn Tây. Người ta thường nói “ Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” là vì vậy.
Đình là nơi thờ Thành Hoàng, cũng là nơi Hội đồng kỳ mục, các quan viên bàn việc làng; chốn đình trung thâm nghiêm - nơi thực thi nghiêm cẩn việc Tế, Lễ… vốn là công việc của các cụ cao niên và những người đàn ông có uy tín trong làng, người phụ nữ không đựoc can dự. Trong hội làng, có chăng, phụ nữ chỉ được tham gia vào các đoàn rước sách và một số trò chơi mà thôi. Thế nhưng, ngôi chùa làng lại là nơi lấy lại vị thế của người phụ nữ, tạo nên nét bình đẳng làng xã trong sinh hoạt cộng đồng làng quê xưa. Chùa làng chính là nơi dành cho họ, “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Hình ảnh các bà, các mẹ dắt theo con cháu, cùng các cô thôn nữ rủ nhau đi Lễ Chùa đã từ lâu đã trở nên quen thuộc, thân thương, gợi cho người ta hình ảnh về một làng quê thanh bình, yên ấm.
Không chỉ đi lễ chùa, những người phụ nữ lớn tuổi trong làng – thường gọi các vãi là những người tham gia giúp việc nhà chùa một cách tự nguyện, vô tư như một nhu cầu tinh thần.
Hiện nay, tại các thành phố lớn cũng thấy hiện tượng nhiều phụ nữ lớn tuổi tham gia vào các “ Đạo tràng”. Nhiều bà nhiều chị trong đó vốn là những nhà giáo, những thày thuốc hoặc nguyên là cán bộ công chức ở nhiều ngành khác nhau, khi về hưu, hoạt động trong tổ dân phố, tham gia sinh hoạt trong tổ chức này một hoạt động thiện nguyện. Người phụ nữ Việt Nam thời nào và ở đâu cũng luôn hướng tới cái thiện .
Như thế, người đàn ông chiếm lấy cái đình – gắn với quyền lực, người phụ nữ lại đến với ngôi chùa – gắn với tâm linh. Dù tọa lạc tại nơi nào trong thôn cùng xóm vắng, ngôi chùa luôn là một phần không thể thiếu của văn hóa làng Việt. Ngôi chùa giúp cho con người hướng tới cái đẹp và cái thiện. Đẹp về đời sống tinh thần, đẹp bởi không gian xanh mát, yên tĩnh vốn có của mỗi ngôi chùa trong các làng quê Việt Nam.
Xin được ghi lại mấy câu thơ của Nguyễn Bính như gợi nhớ cho mỗi chúng t a về hình ảnh của một thời chưa xa của làng quê Việt:
“ Trên đường cát mịn một đôi cô.
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc.
Tay lần tràng hạt miệng nam mô ”
Bài viết xin được khép lại ở đây với niềm tin tưởng rằng : Đạo Phật đã đi cùng dân tộc suốt mấy ngàn năm, đã cùng dân tộc trải qua những năm tháng trầm luân cũng như những vinh quang ngời sáng. Với bản chất nhân đạo cao cả, đạo Phật sẽ mãi đi cùng dân tộc bởi dù ở đâu, lúc nào cái ác cũng luôn rình rập bên cái thiện và cái thiện luôn là đích hướng tới của mọi con người.
PGS. TS. LƯƠNG QUỲNH KHUÊ (theo Phật Giáo Ngày Nay)
BÌNH LUẬN