Chùa Giác Lâm mà chúng tôi đang nương tựa tu tập là một trong những ngôi chùa cổ ở Huế, được hình thành khá sớm, cho đến nay đã gần 200 năm....
Chùa Giác Lâm mà chúng tôi đang nương tựa tu tập là một trong những ngôi chùa cổ ở Huế, được hình thành khá sớm, cho đến nay đã gần 200 năm. Trải qua năm tháng, theo quy luật vô thường biến dịch, nay đã rêu phong và mang dấu ấn của thời gian lịch sử.
1. Quá trình hình thành và phát triển chùa:
Không phải ngẫu nhiên, Huế được mệnh danh là một trung tâm Phật Giáo phát triển mạnh và có hệ thống các ngôi “Chùa cổ” rất được nhiều người biết đến, cùng với kiến trúc đền đài, lăng tẩm, danh lam thắng cảnh hữu tình, mộng mơ... của Vua chúa triều Nguyễn.
Cũng chính mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều đấng anh tài và cũng để lại không ít những di sản quý báu và vô giá cho đất nước. Ai đã từng một lần đến Huế mà không cảm nhận được lịch sử hào hùng của dân tộc. Bắt nguồn từ hào khí Đông A, với cuộc đời của Huyền Trân công chúa gắn liền với hai châu Ô và Rí (Lý) từ thời Vua Trần Nhân Tông. Theo thời gian, từ một vùng đất giao thoa với văn hóa Chăm-pa ngày xưa, biên ải bỗng nhiên trở thành một Kinh đô của một triều đại nhà Nguyễn – kinh đô Phật giáo của cả nước, trải dài gần ba thế kỷ. Nói như vậy để thấy tấm lòng người dân xứ Huế trong việc đóng góp xây dựng quê hương xứ sở thân yêu của mình.
Nhắc đến chùa Huế, có lẽ ai cũng nói đến những ngôi chùa lớn như: chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc...vì những ngôi chùa ấy đã đi vào lịch sử, đã kinh qua mấy triều đại và có ý nghĩa đối với Phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật Giáo xứ Huế nói riêng. Bên cạnh những ngôi cổ tự ấy thì hàng trăm ngôi chùa khác vẫn chưa được nhắc đến. Có thể mái chùa đã trở nên quen thuộc đối với con người xứ Huế, dù cho đi đâu về đâu thì cũng không thể quên được mái chùa, nơi mà đã gắn liền với thời thơ ấu của họ nơi chốn đất “Thần kinh” cố đô này.
Chùa Giác Lâm mà chúng tôi đang nương tựa tu tập là một trong những ngôi chùa cổ ở Huế, được hình thành khá sớm, cho đến nay đã gần 200 năm. Trải qua năm tháng, theo quy luật vô thường biến dịch, nay đã rêu phong và mang dấu ấn của thời gian lịch sử.
Chùa tọa lạc tại số 2 kiệt 56, đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế trên một ngọn đồi nhỏ thuộc hệ thống núi Ngự Bình mà từ lâu đã đi vào lịch sử, văn hóa và thi ca, hội họa, âm nhạc.
Nguyên trước đây, chùa vốn là một thảo am được Tổ Giác Hải khai sáng trên một triền đồi, dưới chân núi Ngự Bình của vùng đất An Cựu, thành phố Huế ngày nay. Tổ vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật ở làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thế danh của Ngài là Nguyễn Văn Cẩm, cùng một họ với Ngài Phổ Tịnh và Ngài Nhất Định chùa Báo Quốc.
Sớm xuất gia học Phật, chí nguyện tu vững bền, sau một thời gian được thầy của mình là Tổ Tâm Tịch cho thọ Tam đàn cụ túc, pháp danh là Trừng Nhã, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải, là một trong chín đệ tử “Cửu Giác”của Tổ sư Tâm Tịnh, khai sáng Tổ đình Tây Thiên – Huế.
Vâng theo lời dạy của Bổn sư, Tổ đã đến vùng đất An Cựu, Ngự Bình và lập thảo am vào ngày 16 tháng 3 năm Giáp Thìn (1897), đặt tên chùa là Duy Tôn tự để truyền bá Chánh pháp, đem Phật pháp phổ hóa vào đời ở những nơi xa xôi mà bấy giờ nơi đây còn hoang vu, đất rộng người thưa.
Trong buổi đầu thành lập, chùa chỉ là một cái thất nhỏ, đơn sơ để tu tập mà thôi. Với hạnh nguyện Bồ tát, chí nguyện cao vời, tinh cần không biết mệt mỏi, Tổ đã cùng chư Tăng và Phật tử trải qua 32 năm tôn tạo, chùa được đại trùng tu vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Bảo Đại thứ 4 (1929) lấy tên là Giác Lâm Tự.
Từ đây, chùa Giác Lâm trở thành ngôi Già lam, có ngôi Bảo điện trang nghiêm với kiến trúc chùa Huế xưa, hội đủ điều kiện để hoằng pháp độ sanh, giáo dưỡng đồ chúng xuất gia và tại gia. Ngài có 7 đệ tử xuất gia và số lượng tín đồ khá đông. Có thể nói, chùa Giác Lâm bấy giờ là ngôi nhà tâm linh không chỉ đối với quần chúng Phật tử từ vùng thôn quê hẻo lánh mà còn lan tỏa đến Hoàng cung thời bấy giờ. Chùa Giác Lâm trở thành một nơi quy hướng cho các công hầu bá tước, quan lại và triều đình nhà Nguyễn đến để quy y, học đạo thiền, cũng như họp bàn chuyện quốc gia đại sự trong tinh thần “hộ quốc an dân”... Ngày nay, khi vào chùa, chúng ta cũng dễ dàng thấy nhiều lăng mộ quan lại nhà Nguyễn và các bà phi thời vua Thành Thái được chôn cất tại đây.
Bấy giờ, Tổ là một trong những bậc Tôn túc của Giáo hội, Tổ được cung thỉnh vào hàng Tôn chứng tại Giới đàn chùa Từ vân – Quảng Nam - Đà Nẵng (Mậu Thìn – Bảo Đại thứ 3 – 1928). Tổ viên tịch vào ngày 13 tháng 2 năm năm Bảo Đại thứ 3 – 1928, để lại biết bao điều kính tiếc.
Kế thừa sự nghiệp của Tổ Khai sơn chùa Giác Lâm là Hòa thượng Thích Khả Tấn. Ngài là bậc Giáo phẩm chứng minh Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mọi người thường tôn xưng Ngài là Ôn Giác Lâm vừa thể tấm lòng tôn kính, vừa biểu hiện một tình cảm rất gần gũi. Hòa thượng là đệ tử cùng quê với Tổ, xuất gia học đạo với Tổ khi còn ấu thơ. Để đáp ứng nhu cầu tu học của quần chúng Phật tử ngày càng đông, vào năm 1956, chùa được đại trùng tu vào năm 1956 với quy mô lớn, bao gồm chánh điện, nhà Hậu Tổ, nhà Đông, nhà Tây, nhà chúng.
Hòa thượng bậc cao tăng, luôn lưu tâm đến sự nghiệp truyền đăng tục diệm, nên Ngài đã tham gia nhiều trong các Giới đàn về Thập sư qua các thời kỳ. Với đạo hạnh uyên thâm, là vai trò, là niềm tin, là chỗ dựa của chư Tôn đức Tăng Ni, vào năm 2005, Hòa thượng được cung thỉnh làm đàn đầu cho Đại Giới đàn Giác Nhiên tại Tổ đình Thuyền Tôn – Huế.
Trải qua các cuộc chiến tranh và thời gian đã làm mất đi vẻ kiên cố của nó, thay vào đó là một ngôi chùa hiện đang xuống cấp trầm trọng, cột kèo cũ mục, tường vách rạn nứt, mái thấm dột, Chánh điện không còn đáp ứng hết nhu cầu tụng kinh bái sám của Tăng Ni Phật tử khi có Đại lễ.
Những năm cuối đời, trong ý nguyện muốn đại trùng tu chùa Giác Lâm một lần nữa, Hòa thượng đã cho xây dựng thêm điện Quan Âm, dãy nhà chúng, nhà trù, đúc tượng Phật, Bồ tát và chú nguyện Đại hồng chung. Thế nhưng, do tuổi già sức yếu, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch vào năm Canh Dần, thọ 94 tuổi, 74 hạ lạp, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 43. Hòa thượng căn dặn các học trò của mình gắng tu học tinh tấn và phát huy chốn Tổ, hoàn thiện việc trùng tu Ngôi Bảo điện của chùa.
2. Kiến trúc chùa:
Trải qua nhiều lần tu bổ và xây dựng làm mới thêm, kiến trúc của chùa, mới được như ngày hôm nay. Tuy gọi là tương đối hoàn thiện nhưng vẫn còn “khiêm tốn” lắm! Nhiều Phật tử thương kính Hòa thượng khi có dịp đến hầu Ôn, thưa rằng: “Thật không ngờ, hiện là Ôn bậc cao tăng lớn nhất Huế mà chùa thì nhỏ nhất Huế, nay Chánh điện lại xuống cấp nữa, mùa mưa thật khó khăn cho việc tu học”.
Nhìn về phương diện tổng thể hiện tại thì từ ngoài nhìn vào là cái cổng nhỏ được xây theo kiểu xưa. Trước sân chùa là một cái hồ sen hình bát giác, giữa hồ có tượng Quán Thế Âm bằng đá, trước hồ có đặt một cái lư bằng đá có khắc ba chữ Hán là “Bi Trí Dũng”. Tiếp đến là Tiền đường nối liền với Chánh điện, sau Chánh điện là Nhà hậu, hai bên Chánh điện và Nhà hậu là Nhà khách và Thiền đường theo hình chữ khẩu. Nhà trù và bếp được xây nối liền với Nhà khách... Nói chung, tổng thể của chùa được thiết kế như bản vẽ dưới đây:
1.Bình phong 2.Cổng chính 3.Hồ và tượng Quan Âm 4.Lư hương 5.Hồ và tượng Quan Âm | 6. Tiền đường 7. Chánh điện 8. Nhà hậu 9. Nhà khách... 10. Thiền đường | 11. Giếng nước 12. Điện thờ Thần 13. Am cô hồn 14. Tháp Tổ 15. Tháp Hòa Thượng. |
Có lẽ quý vị vẫn còn thắc mắc rằng thế thì hai miếng đen đó là gì đúng không? Đó chính là núi Tam Thai và núi Ngự Bình đấy! Trong dân gian có câu:
“ Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong”
Mỗi một ngôi chùa có một địa thế nhất định nên kiến trúc cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng theo phong thủy từng thế đất tại nơi đó. Chùa Giác Lâm được thiết kế nhìn về hướng Nam và cũng chính là thung lũng của hai ngọn núi đó tạo thành thế mũi rồng. Nhìn trên xuống dưới, ta có thể tưởng tượng như hai ngôi tháp ba tầng chồng lên nhau và cùng chồng lên chòm sao Bắc Đẩu.
Về hệ thống điêu khắc của chùa thì cũng nằm trong mô típ chùa Huế. Chỉ có hai bộ nhà rường bằng gỗ theo kiểu truyền thống là “Ba gian hai chái” mà thôi. Nó không lớn lắm nhưng cũng được chạm trổ rất tỉ mỉ như hình đầu rồng, đuôi rồng, mây bay...
Một nét đặc thù của một số chùa Huế xưa là tượng gỗ. Chùa có một pho tượng bằng gỗ được chạm khắc thành chân dung của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền và được sơn màu đồng như là tượng đồng thực thụ.
Ngoài ra, chùa còn có một số bản Kinh được khắc trên các bản gỗ. Chùa còn có một bảo vật vô giá nữa là Khánh đá có khắc chữ Giác Lâm Tự bằng chữ Hán mà không biết được làm từ năm nào nhưng chắc chắn là cùng thời hay sau khi chùa có tên Giác Lâm thì có chiếc Khánh ấy.
3. Một số motip nghệ thuật và ý nghĩa của nó.
Nói đến các motip trang trí và hoa văn trong kiến trúc và điêu khắc của chùa thì cũng đơn giản nhưng vẫn có nét riêng của nó. Việc thờ tự trong chùa vẫn mang phong cách chùa phong kiến ngày xưa, nên vẫn còn thờ các vị Thánh của Nho giáo như “Quan Công tam vị”... Thời còn là thảo am Duy Tôn thì chỉ thờ ba bức tượng bằng giấy đó là: Tượng Phật A Di Đà, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Về sau, khi chùa được đại trùng tu, thiết kế thờ tự cũng có thay đổi. Chùa có ba gian. Gian giữa thờ Phật với hai cấp. Cấp phía trên cao thờ Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Hai bức tượng ảnh Quan Âm và Địa Tạng xưa cũng được trang trí hai bên thành ra năm vị. Cấp phía dưới trước đó một chút, thì thờ Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni Buddha) ở giữa, hai bên là hai vị Tôn giả A Nan (Ananda) và Ca Diếp (Kaspya / Kassapa). Gian bên trái (tả) thờ Quan Công thời Tam Quốc mà người ta cho rằng đó là một trong những vị Thánh Hộ Pháp trên danh nghĩa Phục Ma Đại Đế Quan Thánh Đế Quân Bồ tát hay Già Lam Thánh Chúng Bồ Tát. Gian bên phải (hữu) thì thờ tượng các vị Thánh của Phật Giáo như tượng Quan Âm, Địa Tạng, Hộ Pháp Vi Đà... Hiện nay, chùa có thờ thêm hai pho tượng bằng sứ mà người ta gọi là Ông thiện (Hộ Pháp Vi Đà) và Ông ác là Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ.
Nói đến ý nghĩa của nó thì chúng ta có thể nói thờ Thích Ca, Ca Diếp, A Nan là chỉ cho việc tu tập Giới, Định, Tuệ là không thể thiếu đối với người Phật tử. Thờ A Di Đà, Văn Thù và Phổ Hiền là Nguyện, Trí và Hạnh. Thờ A Di Đà, Quan Âm và Địa Tạng nhằm có ý muốn cầu vãng sanh về cõi Tây phương Tịnh độ. Hai bên thờ Bồ Tát và Quan Thánh nhằm nói đến sụ dung hòa giữa Đạo và đời. Thờ Hộ Pháp nhằm chuyển hóa nội ma, thờ Tiêu Diện Đại Sĩ nhằm dẹp trừ ngoại chướng...
Nói đến hoa văn thì thể hiện tính truyền thống và đơn giản hóa. Kiến trúc ngôi chùa được xây bằng gạch và tập lô (bờ lô), trong là nhà rường ba gian hai chái. Lợp ngói liệt theo phong cách Huế xưa. Nóc chùa giữa là bánh xe pháp, hai bên là hoa văn hình con thoi xen kẻ mây bay sóng lượn. Các góc được trang trí bằng các hoa văn như đầu rồng và đuôi rồng lượn trong mây. Phía trước Tiền đường có hai cặp câu đối viết bằng chữ Hán cổ (chữ triện) như sau:
1. “ Giác ngạn triền sám trần từ phong vĩnh phiến
2. Lâm gian đăng diệu tướng huệ nhựt quang minh”
Tạm dịch là:
“Nơi bến Giác gột rữa bụi trần, những cơn gió lành luôn quạt thổi;
Bên mé rừng đốt đèn tướng tốt, mặt trời trí tuệ mãi sáng soi”.
3. “ Nguyệt ấn thu giang hữu cảnh hoàn phi cảnh
4. Hoa khai bảo địa văn hương bất thị hương”
Tạm dịch là:
“Trăng đè lên mặt nước sông thu, thấy có cảnh mà không phải cảnh
Hoa nở nơi một vùng đất báu, nghe mùi hương nhưng chẳng phải hương”
Sau đây là một vài hình ảnh trang trí hoa văn được đặt trên nóc chùa và các mẫu được sử dụng trong kiến trúc của chùa, mời quý vị tham khảo.
Biểu tượng hoa văn Lư hương cách điệu trên nóc Chánh điện của chùa.
Biểu tượng Pháp luân hàm vạn tự cũng là biểu tượng cho quang minh của chư Phật chiếu khắp muôn phương, nóc Tiền đường.
Hoa văn các góc mái chùa.
4. Thay cho lời kết:
Từ ngày thành lập đến nay, chùa Giác Lâm – Huế đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mái chùa xưa vẫn hiện hữu. Tuy Hòa thượng Trú trì đã viên tịch, nhưng bóng dáng và đức hạnh của “Ôn” vẫn còn đó, để dìu dắt cho các đệ tử của mình thực thi hạnh nguyện hoằng dương Chánh pháp.
Hiện nay chùa do TT. Thích Phước Đạt làm Trú trì và Đại đức Thích Phước Tín làm Tri sự cùng với chư Tăng của chùa là những đệ tử của Hòa thượng đang nỗ lực tu học, hoằng pháp và quyết tâm thực hiện ước nguyện cuối cùng của Ôn dạy. Chính lẽ đó, ngoài việc công phu bái sám, chư Tăng và Phật tử của chùa đã lên kế hoạch trùng tu ngôi Bảo điện chùa khi có cơ duyên đến thì sẽ thực hiện. Mong sao Phật sự ấy chư Tôn đức thùy từ gia hộ, Phật tử phát tâm cúng dường Tam Bảo để Tâm nguyện của Ôn được viên thành.
Mặt tiền chùa
Điện Phật
Tượng đức Phật A Di Đà
Tượng đức Phật Thích Ca
Tượng đức Phật Thích Ca
Tháp Xá Lợi Phật
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Tượng Bồ tát Địa Tạng
Tượng Bồ tát Văn Thù
Tượng Bồ tát Phổ Hiền
Tượng Tôn giả Ca Diếp
Tượng Tôn giả A Nan
Tượng Hộ Pháp Vi Đà
Tượng Quan Thánh
Mô hình chùa mới
Bài: Minh Huệ; Ảnh: Võ Văn Tường (theo DPNN)
BÌNH LUẬN