I.PHẦN MỞ ĐẦU 1/ Môi sinh Hiện nay con người đang sống trong một thế giới bất ổn định, sự bất định và cân bằng của thế giới do rất nhi...
I.PHẦN MỞ ĐẦU
1/ Môi sinh
Hiện nay con người đang sống trong một thế giới bất ổn định, sự bất định và cân bằng của thế giới do rất nhiều nguyên nhân gây nên và được các nhà khoa khọc trên thế giới phân tích chi li như sự gia tăng dân số quá mức, sự chặt phá rừng ô nhiễm không khí… Tuy nhiên gộp chung lại tất cả sự lo ngại đang đổ dồn về môi sinh, môi trường sống. Ở đây ta có thể hiểu môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chúng ta không đề cập đến các điều kiện xã hội phức tạp mà chỉ quan tâm đến “môi trường sống xung quanh con người và các sinh vật khác trong mối quan hệ của chúng” mà ta có thể gọi tắt là “môi sinh” qua cái nhìn của Phật giáo Như vậy môi sinh bao hàm cả mối liên hệ sinh động giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh con người. Đây là mối liên hệ ấy liên tục, bất khả phân và hiển nhiên.
2/ Cuộc khủng hoảng môi sinh
Sự ô nhiễm môi sinh đang là vấn đề lớn của toàn nhân loại… Khi kỷ nguyên nền đại công nghiệp phát triển kéo theo nó là hàng loạt những hệ quả đang giết dần giết mòn cuộc sống con người. Sự bất thường của thời tiết do nhiệt độ tăng lên gây bởi hiệu ứng nhà kính có nguyên nhân trực tiếp là hàm lượng khí CO2 đang tăng nhanh chóng bao bọc lấy trái đất. Còn ở hai cực Nam của trái đất,vết thủng của bộ áo giáp Ozon đang ngày càng lan rộng bởi một loại khí có tên là CFC được sử dụng rộng rãi trong ngành điện lạnh. Nạn chặt phá rừng phục vụ cho nhu cầu con người và ngành giấy lan tràn khắp nơi nơi. Nhưng điều khủng khiếp nhất chính là vấn đề năng lượng hạt nhân. Khi Einstein bắt đầu nghiên cứu và đặt nền móng cho ngành năng lượng, cả thế giới xem là sự cứu rỗi cho thế giới trong bối cảnh mà các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm. Nhưng càng sử dụng người ta càng sợ hãi mối nguy hiểm mà năng lượng hạt nhân mang lại, hàng ngàn tấn chất thải hạt nhân rồi sẽ đi đâu đó là chưa kể đến nguy cơ nổ lò phản ứng hạt nhân mà vụ nổ Chernobyl nổi tiếng là một ví dụ.
Trong một hoàn cảnh khủng hoảng như vậy thì cái nhìn của Phật giáo về vấn đề này như thế nào và Phật giáo có thể đóng góp gì cho việc bảo vệ môi trường?
II. PHẦN CHÍNH
Trong cả cuộc đời thuyết pháp của mình Đức Phật tuy không trực tiếp nhắc đến và đưa ra những giải pháp cho các vần đề của thời đại như môi sinh, môi trường. Tuy nhiên khi giải thích những giá trị nội tại của giáo lý Phật Giáo qua kinh điển, thì ta sẽ tìm ra những đường lối thích hơp để giải quyết các vấn đề này. Điều dễ nhận thấy là Đức Phật luôn khuyến khích tăng đoàn sống hòa hợp với thiên nhiên, mặt khác cuộc đời Đức Phật là một bài thuyết pháp không lời vi diệu, những sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật đều gắn bó với rừng cây…
1/ Giáo lý duyên khởi
Bất cứ một người bình thường nào cũng biết, môi trường tự nhiên có mối quan hệ mật thiết với con người. Nhưng sẽ sâu sắc và toàn diện hơn dưới cái nhìn của Phật giáo. Như đã biết giáo lý Duyên khởi chỉ ra rằng tất cả sự vật hiện tượng không phải tự nhiên có từ hư không mà từ những nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân gián tiếp tác thành. Nhìn rộng ra các vật đều là “nhân” các nhân đó lại “duyên” với nhau để thành sự vật. Bởi thế trong kinh chép: “Chư pháp trùng trùng duyên khởi”. Trong thập nhị nhân duyên , nhân duyên Danh Sắc có nghĩa là thân thể, thân thể có hai phần, tâm thuộc tinh thần, sắc thuộc thân thể. Cũng có thể nói sắc thuộc phương diện vật lý, tâm thuộc phương diện tâm lý cho nên con người luôn luôn có quan hệ mật thiết với môi trường xung quanh. Do đó hành vi của con người có tác động lớn tới môi sinh. Như vậy con người và môi trường tự nhiên cùng tạo nên một hệ sinh thái, con người không thể hiện hữu và tồn tại nếu không có môi sinh. Nếu môi sinh hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì đời sống của con người không sớm thì muộn cũng bị hủy diệt.
2/ Tương tức và tương nhập
Nếu quán chiếu kỹ về duyên khởi ta sẽ thấy rằng con người nói chung và ta nói riêng không tự nhiên mà có. Chúng ta chỉ có thể có trong các mối quan hệ nhân duyên chằng chịt với các pháp. Các pháp nương nhau mà sinh khởi, có mặt và hoại diệt. Sự có mặt của một pháp có thể chứng minh sự có mặt của vạn pháp. Đó là nguyên lý tương nhập và tương tức. Tương nhập nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này. Tương tức nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này.
Một ví dụ đơn giản, cuộc sống của con người được xây dựng trên những cái không phải thuộc con người. Cái chúng ta ăn là hạt gạo, nhưng hạt gạo không tự nhiên mà có, hạt gạo được tạo thành bởi người nông dân, đất nước, phân, khí hậu thời tiết bốn mùa… nếu không có mưa thì không có hạt gạo… và cũng không có ta.
Cơ thể con người là một hệ thống điều chỉnh tinh vi gồm nhiều cơ quan khác nhau. Hai mối quan hệ giữa các cơ quan bên trong và giữa cơ thể với bên ngoài tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Hệ sinh thái người có cấu trúc giống hệ sinh thái tự nhiên, có thể hiểu rằng con người là một tiểu vũ trụ nằm trong đại vũ trụ. Nếu môi sinh mất đi sự cân bằng sẽ dẫn đến môi trường bên trong con người mất cân bằng không ổn định và ngược lại.
3/ Hành động nếu không sẽ quá muộn
Con người sinh ra là để hạnh phúc chứ không phải khổ đau. Hành động đúng sẽ đem tới hạnh phúc, hành động sai sẽ mang lại khổ đau. Tiêu chuẩn của hành động đúng phải được xây dựng trên cơ sở tự lợi và lợi tha, hoạt động phục vụ không chỉ riêng cho lợi ích gia đình, tổ quốc và cá nhân mà còn vì phúc lợi của nhân lọai dựa trên sự an ổn của môi sinh. Để vượt qua và khắc phục những thách thức khủng hoảng nói trên của thời đại, con người cần ý thức trách nhiệm của mình. Mỗi chúng ta nên biết muốn tạo dựng được một thế giới an lạc con người cần phải thực hiện những 4 mục tiêu có mối quan hệ liên động sau:
a/ Yêu thiên nhiên: Thiên nhiên là cái nôi che chở và bao bọc con người, khi cái nôi không còn nữa thì đứa trẻ cũng không thể nào sống nổi. Con người cần phải bảo vệ thiên nhiên bằng cách trồng rừng, bảo vệ sự phong phú và đa dạng của động vật hoang dã, tôn trọng sự tiến hóa bình thường của thiên nhiên. Ngoài ra ta cũng không thể chạy theo hướng khai thác triệt để các nguồn tài nguyên để vừa phát triển vừa bảo vệ môi sinh, điều này là không thể nào. Muốn có tương lai chúng ta phải sống như thế nào để bảo hộ được trái đất, sử dụng thiên nhiên như thế nào để thiên nhiên còn mãi.
b/ Ăn chay: Giết hại súc vật làm thức ăn cho con người nghĩa là chúng ta đang hủy hoại từ từ trái đất chúng ta đang sống. Theo những thống kê của các nhà khoa học cho biết rằng để sản xuất ra một kg thịt động vật sẽ cần một lượng nước gấp 100 lần so với sản xuất ra kg lúa mì… việc nuôi động vật lấy thịt ngoài việc đi ngược lại tinh thần từ bi của Phật giáo mà còn gây ra những hệ lụy như làm gia tăng lượng khí CO2, Methane (CH4), ô nhiễm môi trường do chất thải động vật….
c/ Bảo vệ hòa bình: Không phải rằng con người không biết bảo vệ hòa bình, nhưng vấn đề là ở chỗ hòa bình hiện nay là hòa bình dựa trên việc san sẻ, thỏa thuận những lợi ích, khi lợi ích còn hòa bình còn, khi lợi ích không còn thì tất nhiên hòa bình sẽ không còn. Hòa bình phải được tạo dựng dựa trên sự hiểu biết, thương yêu và lòng khoan dung. Nền hòa bình đó mới là nền hòa bình đích thực theo quan điểm Phật giáo.
d/ Con đường trung đạo, tiết chế, giảm lòng ham muốn. Điều quan trọng nhất mà con người cần hướng tới là biết tiết chế và giảm đi lòng ham muốn đó chính là nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân. Về phương diện thân thể con người kinh nghiệm cho thấy ốm đau sinh ra vì sống không hợp lý, như người tu hạnh ép xác không đủ dinh dưỡng hay người quá thừa mứa, ăn quá nhiều mà khôn chuyển hóa được độc tố. Cần phải tập cho mình nếp sống đơn giản không tiêu thụ nhiều, không thỏa mãn những nhu cầu không chính đáng. Trên bước đường tu tập, cần làm chủ lấy mình, tự lành mạnh hóa thân tâm, bớt lệ thuộc vật chất, ăn mặc, giảm tiêu hao năng lượng, bớt tác hại ô nhiễm môi sinh, hạn chế tranh giành hơn thua, biết tiết chế không tham lam ích kỷ.
III. PHẦN KẾT
Đạo Phật là đạo của những người tỉnh thức không chỉ thức tỉnh những triết lý cao siêu mà còn cần phải thức tỉnh thêm những vấn đề thực tế như môi sinh, bảo vệ môi sinh chúng ta đang sinh sống chính là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn theo tinh thần Phật giáo. Nhưng thức tỉnh thôi chưa đủ, cần khẳng định lại là chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều biến động theo chiều hướng xấu đi từng ngày từng giờ. Điều mà chúng ta học được từ giáo lý duyên khởi là nếu không hành động để chuyển hóa tương lại chỉ còn là sự tàn lụi khổ đau và sự hủy diệt đối với các sinh thể nói chung và con người nói riêng. Sự phát triển của nhân loại phải được hướng dẫn bởi chánh kiến và chánh tư duy như những gì Đức Phật đã từng dạy. Và đạo đức môi sinh cần được xây dựng trên nền tảng chánh nghiệp , chánh mệnh, chánh niệm. Có thể nói đây là con đường sống duy nhất, con người không còn lựa chọn nào khác.
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN