HỎI: Tôi thường thấy các vị Ni (dù lớn tuổi) rất cung kính khi gặp chư Tăng. Tôi cũng nghe nói người nữ dù tu hành tinh tấn đến đâu cũng chỉ...
HỎI: Tôi thường thấy các vị Ni (dù lớn tuổi) rất cung kính khi gặp chư Tăng. Tôi cũng nghe nói người nữ dù tu hành tinh tấn đến đâu cũng chỉ chứng A la hán mà thôi chứ không chứng được quả vị Phật. Nhân tụng kinh Pháp Hoa, tôi thấy Long nữ phải chuyển thân nữ thành thân nam mới chứng Đạo. Tôi chưa hiểu các vấn đề này, xin hoan hỷ giải thích.
ĐÁP: Việc bạn thấy chư Ni thường rất cung kính và quý trọng chư Tăng, dù cho chư Ni đó lớn tuổi, là một việc rất bình thường trong Phật giáo. Bởi chư Ni đã vâng lời Phật dạy và ứng dụng những lời dạy ấy trong đời sống tu tập hàng ngày.
Theo Luật tạng ghi lại, lúc Thế Tôn trở về Kapilavattu, sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, một số đông những người trai trẻ thuộc hoàng tộc Sakyan đã phát nguyện xuất gia. Liền đó, Lệnh bà Gotami cùng 500 phụ nữ hoàng tộc cũng xin Phật phát nguyện xuất gia, dù đã ba lần thỉnh ý nhưng Ngài không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn đến Vesali, những người phụ nữ quý tộc này tự xuống tóc, đắp y thô, bộ hành đến Vesali. Nhờ Tôn giả A Nan can thiệp, cuối cùng Thế Tôn đã đồng ý cho những người phụ nữ ấy được xuất gia làm Tỷ kheo ni nhưng phải chấp thuận tám điều kiện, gọi là Bát kỉnh pháp. Điều thứ nhất trong Bát kỉnh pháp là: Một Tỷ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ, khi gặp thầy Tỷ kheo mới thọ giới cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỷ kheo. (Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni, Bát Kỉnh Pháp). Tuân giữ lời Phật dạy, nên chư Ni đã thực hành việc này trong đời sống tu tập.
Vấn đề người nữ tu tập chỉ chứng đắc quả vị A la hán, do người nữ bị năm thứ trở ngại, gọi là Ngũ chướng. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật đã nói năm điều chướng ngại của người nữ. Đó là: Người nữ không thể làm Phạm Thiên Vương, Đế Thích, Ma Vương, Chuyển Luân Thánh Vương và không thể làm Phật. Chuyện Long Nữ phải chuyển thành thân nam giới để thành Phật được trình bày trong kinh Pháp Hoa và Long Thi Nữ Kinh là minh chứng cụ thể cho vấn đề này. Đây là một trong những điều tế nhị và sâu kín trong tu tập được Thế Tôn phát hiện và tuyên thuyết. Cố nhiên, nó được nhìn qua lăng kính giải thoát và giác ngộ chứ không phải dưới góc độ bình đẳng xã hội. Vì rằng, theo tuệ giác của Thế Tôn, nam giới và nữ giới đều bình đẳng trên mọi phương diện xã hội nhưng về nghiệp tánh thì người nữ chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ để thành Đấng Giác Ngộ. Việc phải cung kính chư Tăng cũng như chuyển thân nữ thành thân nam để chứng đắc Phật quả không phải là biểu hiện “trọng nam khinh nữ” mà là những nguyên tắc cần thiết người nữ cần tuân thủ, nhằm trợ duyên cho quá trình thăng hoa tâm linh của họ. Đây là vấn đề tu chứng, chuyển hoá tâm thức nên hơn ai hết, người nữ luôn ý thức sâu sắc về nghiệp tánh của bản thân để tự hoàn thiện.
Huyền Ngu - Quảng Tánh
(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)
BÌNH LUẬN