Nói đến giáo dục, cần có một nhận thức ổn định về ý nghĩa con người là gì, trước khi đi vào công việc giáo dục như thế nào và dạy những gì c...
Nói đến giáo dục, cần có một nhận thức ổn định về ý nghĩa con người là gì, trước khi đi vào công việc giáo dục như thế nào và dạy những gì cho con người ấy. Theo giáo lý của Đức Phật, con người chỉ là tổng hợp thể của sắc uẩn, thọ, tưởng, hành và thức uẩn (vật lý và tâm lý)- sắc uẩn (vật lý), thọ, tưởng, hành và thức uẩn (tâm lý). Ở mặt tương đối của hiện tượng, giáo dục con người có nghĩa là giáo dục để điều hòa và phát triển năm uẩn đó thế nào để đạt được hạnh phúc an lạc và giải thoát ngay trên cuộc đời này, từ hạnh phúc tương đối đến hạnh phúc tuyệt đối. Đấy là một hệ thống giáo dục phát triển điều hòa về trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục, tình cảm, sinh lý và lao động.
Hạnh phúc là mục tiêu mà mọi người nhắm đến. Gốc của khổ đau sâu xa nhất thực sự là do chấp thủ ngã tướng và tham ái các ngã tướng cho rằng sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn có tự ngã, và con người tổng hợp các sắc uẩn đó, có tự ngã. Để làm bật tung gốc khổ đau ấy, Phật giáo giới thiệu cho người đời nhận thức về vô ngã của mình và về vô ngã của mọi sự vật.
Qua nhận thức vô ngã ấy, nghĩa là qua cái nhìn duyên sinh của Phật giáo, giáo dục Phật giáo đặt ra một số vấn đề rất lớn về giáo dục như sau:
1. Trí tuệ mà không phải là kiến thức:
Kiến thức chỉ là sản phẩm của tư duy ngã tính, nó không toàn diện, là gốc của tham ái, chấp thủ, dẫn đến khổ đau. Trí tuệ nói giản dị là chính kiến và chính tư duy. Chính kiến nói gọn là phải thấy các pháp đều vô ngã, sống vô tham, vô sân và vô hại. Do đó, với Phật giáo, giáo dục phải vừa cung cấp kiến thức chuyên môn vừa chỉ rõ lối vào trí tuệ ấy.
2. Giá trị tiêu chuẩn là hạnh phúc mà không phải là giáo điều luân lý:
Nếu mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc, thì hạnh phúc cần được xem là giá trị tiêu chuẩn nhất. Luân lý hay kỷ luật học đường được lập ra là để phục vụ cho mục tiêu hạnh phúc đó. Học đường không thể nhân danh luân lý hay kỷ luật để gây tổn hại đến hạnh phúc con người.
3. Giáo dục lao động, mỹ thuật,tình cảm, sinh lý:
Các môn học về lao động, mỹ thuật , tình cảm, sinh lý cần được giáo dục tốt cho tuổi trẻ. Đấy là những gì cần thiết để phát triển con người toàn diện và đem lại hạnh phúc cho con người. Một hệ thống giáo dục tốt không thể xem nhẹ các môn học này.
4. Giáo dục đánh thức:
Đức Phật chỉ là vị chỉ đường, con người phải thực hiện con đường bằng chính nỗ lực của mình. Do đó, giáo dục Phật giáo nổi bật sắc thái đánh thức, mà không nhồi nhét kiến thức. Một nền giáo dục nhu thế đặt nặng về phương pháp nhận thức và hành động mà không đặt nặng ký ức. Đây là giáo dục của sáng tạo.
5. Con người với văn hóa truyền thống:
Văn hóa và truyền thống là sản phẩm của con người, nó phải được đặt sau con người. Cái gì của văn hóa và truyền thống tốt đẹp, phù hợp với hướng phát triển của con người hướng đến hạnh phúc, tự chủ thì được giữ lại, cái gì không phù hợp thì loại bỏ. Đặtvăn hóa và truyền thống trước con người là “đặt cái cày trước con trâu”. Do đó, Đức Phật đã dạy: “đừng để bị dẫn dắt bởi truyền thống”.
6. Giáo dục thiền định:
Giáo dục thiền định là sắc thái giáo dục rất đặc biệt của Phật giáo; nó là con đường giáo dục tâm lý và trí tuệ, dạy con người tinh thần tự chủ, tự tri, tự tin và sáng tạo, dạy con người chuyển đổi các tâm lý tiêu cực thành tích cực, chuyển đổi các tâm lý bi quan thành lạc quan, dạy con người huấn luyện ký ức tốt đẹp để tiếp thu kiến thức dễ dàng…
Ngày xưa, vua A Dục (Asoka) ở Ấn Độ đã dạy thiền định cho dân chúng và đã đem lại một thời kỳ đất nước Ấn Độ cường thịnh (theo “Bia ký của vua A Dục”, Jules Blocks, Paris, 1950).
Thời đại Lý, Trần ở nước ta, với ảnh hưởng sâu đậm giáo lý thiền định của Phật giáo, con người thời bấy giờ đã làm nên những dấu ấn hiển hách, một thời đại phát triển đặc biệt của xứ sở, tạo được sức mạnh toàn diện (quốc phòng, văn hóa, kinh tế) đểgiữ nước và xây dựng nước.
Trong giới hạn của một bài viết ngắn, người viết không thể trình bày chi tiết hơn về tinh thần giáo dục của Đức Phật, và cũng không thể đi xa thêm nữa vào các tinh thần giáo dục đặc biệt khác của Phật giáo như tinh thần giáo dục trung đạo, tinh thần vô chấp, tinh thần tùy duyên bất biến, tinh thần “lục hòa”, tinh thần tứ nhiếp; những tinh thần giáo dục sau chỉ rõ phương thức hành động và lãnh đạo hữu hiệu trong các sinh hoạt của các cộng đồng.
HT. Thích Chơn Thiện (theo Tạp Chí VHPG)
BÌNH LUẬN