Nếu có một câu hỏi luôn nằm trong tâm tưởng của những Huynh trưởng GĐPT thì chắc chắn câu đó là: “Làm thế nào và bằng cách nào để gia đình n...
Nếu có một câu hỏi luôn nằm trong tâm tưởng của những Huynh trưởng GĐPT thì chắc chắn câu đó là: “Làm thế nào và bằng cách nào để gia đình ngày càng phát triển, vững mạnh?”. Bằng cách nào thì tùy vào tầm nhìn và kiến thức riêng của mỗi Huynh trưởng. Sự vững mạnh của mỗi đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan khác nhau. Bỏ qua những yếu tố khách quan, ta thấy rằng vấn đề con người là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Huynh trưởng – ta có thể xem – là thành phần ưu tú của gia đình, đã lớn tuổi, chín chắn lại có thời gian gắn bó với gia đình nên sẽ không phải là vấn đề nổi cộm. Chính đoàn sinh mới là yếu tố đáng phải quan tâm nhất. Thực tế cũng cho thấy không có một đơn vị gia đình nào vững mạnh mà số đoàn sinh ít ỏi. Số lượng sẽ là nền tảng của chất lượng.
Vấn đề phát triển đoàn sinh và giữ vững được sĩ số đoàn sinh không phải là vấn đề mới lạ mà nó đã được đem ra bàn luận sôi nổi lâu nay. Nhưng dù có theo phương hướng nào đi chăng nữa cũng đều phải được dựa trên cơ sở nguyên lý “vết dầu loang”. Điều cốt yếu ở đây là ta cần có một hạt nhân như giọt dầu ban đầu để lôi kéo đoàn sinh tạo dựng không khí sinh hoạt của mỗi đơn vị gia đình.
Thông thường khi nhắc đến hạt nhân của mỗi gia đình mọi người thường nhắc đến đoàn Thanh, hoặc đoàn Thiếu mà không chú ý đến vai trò đoàn Oanh Vũ. Điều này không phải là là không có lý, lứa tuổi thanh thiếu đã lớn về cả thể chất lẫn tinh thần nên có thể giúp đỡ nhiều cho trưởng nhiều mặt. Nhưng như thế không có nghĩa là đoàn Thanh hay Thiếu có khả năng vực dậy không khí sinh hoạt của đơn vị. Đây là đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi. Đối với Thanh thông thường đã trên mười tám tuổi, bắt đầu có những va chạm với cuộc sống đã có những suy tư về tương lai về cuộc đời tình bạn hay tình yêu. Chín chắn đồng nghĩa với giã từ những trò chơi trẻ nít, chín chắn đồng nghĩa với việc không còn mặn mòi với hoạt động xung xăng nữa mà đã hoạt động mục đích. Nếu đã gắn bó với gia đình thì các em đã bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu Phật pháp.
Ở lứa tuổi thiếu tức là từ khoảng 13 đến 17 tuổi, theo các nhà tâm lý học thì đây là một trong những giai đoạn “khó chịu” nhất của đời người. Lứa tuổi này có sự phát triển vượt bậc về sinh lý, và ý thức được sự khác biệt về giới tính. Tuổi này các em chưa thật sự lớn nhưng cũng không nhỏ, nên có những ý tưởng và hành động vượt khỏi suy nghĩ thường thấy… nên cần được uốn nắn nhưng cũng cần khuyến khích sự tự phát triển.
Đoàn Oanh Vũ do đặt tính lứa tuổi vô tư và hồn nhiên, tuy đôi lúc thiếu kỷ luật nhưng nếu biết uốn nắn và hướng dẫn kịp thời các em chơi mà không có những toan tính. Lại không bị rào cản về giới tính, nên rất dễ kết bạn dễ, gần gũi, và nhất là không có những suy nghĩ phức tạp như người lớn.
Qua phân tích đặc tính về tâm sinh lý các lứa tuổi trên ta thấy một đoàn Thanh có chín chắn nhưng lại thiếu đi sự vui tươi và hồn nhiên một đoàn Thiếu tuy có nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng lại thiếu sự ổn định, dễ phát sinh những điểm ngoài ý muốn. Chỉ có đoàn Oanh Vũ là hạt nhân thích hợp bởi các em sẽ luôn chơi hết mình, không toan tính, không chán nản; mặt khác sự hồn nhiên, vui tươi của các em sẽ làm chất xúc tác để các anh các chị cùng chung vui, vì các em chính là một phần hình ảnh của các anh chị trong quá khứ. Vậy ta có thể nói xây dựng đoàn Oanh Vũ Vững mạnh là xây dựng không khí sinh hoạt vui tươi cho gia đình góp phần tạo dựng tình cảm tốt đẹp thân ái giữa các đoàn.
Không chỉ có thế, xây dựng đoàn Oanh Vũ là xây dựng một gia đình vững mạnh trong tương lai, một cách đầu tư lâu dài cho sự phát triển của mỗi đơn vị.
Điều này thì quá rõ ràng. Muốn biết đơn vị nào trong tương lai ra sao hãy xem cách mà đơn vị ấy chăm chút và đầu tư cho đoàn Oanh vũ. Nếu xây dựng gia đình mà chỉ chú ý đến xây dựng đoàn Thanh Thiếu có nghĩa là chúng ta đang xây nhà từ nóc. Nhất là khi xã hội chúng đang ở thời buổi mà các giá trị vật chất được đề cao, ở lứa tuổi thiếu bị ảnh hưởng ít nhiều, ở các thành phố lớn rất hiếm có em nào chịu vào chùa sinh hoạt. Trong khi ở tuổi Thanh là tuổi chuẩn bị vào đời, rất nhiều đoàn sinh sau một thời gian ngắn sinh hoạt cùng với gia đình đã bỏ đoàn bỏ gia đình để lo cho cuộc sống, công ăn việc làm bản thân. Chúng ta cũng không trách được các em, vì đó là xu hướng chung của xã hội và đó cũng là vì giữa gia đình và các em chưa có được một sợi dây tình cả mật thiết. Sợi dây tình cảm này không thể nào tạo được se kết chỉ trong vài ngày, vài tháng mà ít ra là phải hằng năm trời… Có một điều chúng ta cần lưu ý, càng đi sinh hoạt nhiều các em sẽ càng có những kỷ niệm những tình cảm với đoàn với gia đình và những kỷ niệm này chính là “cái gì đó” lôi cuốn, giúp các em đến với gia đình. Ở đây chúng ta thấy xuất hiện một cái vòng lẩn quẩn. Đối với các em đoàn sinh mới là thanh hay thiếu, vì chưa có tình cảm với gia đình nên chưa gạt bỏ những công việc riêng để sinh hoạt, mặt khác đối với các em việc học là chính và chơi là phụ nên lẽ dĩ nhiên gia đình đã được đặt vào hàng thứ yếu. Ít sinh hoạt thì không có kỷ niệm, tình cảm; không có những tình cảm kỷ niệm thì lại càng ít đi sinh hoạt và cuối cùng các em sẽ ngừng sinh hoạt hẳn.
Đối với oanh vũ thì điều này lại hoàn toàn trái ngược hẳn, các em oanh vũ đến với gia đình chỉ cần một điểm “niềm vui”; đối với các em như thế là đủ. Về mặt thời gian chúng ta cũng không phải lo lắng. Ở tuổi các em các bậc phụ huynh càng muốn cho con em mình chơi nhiều học hỏi nhiều điều, lanh lẹ và hoạt bát. Như thế các em oanh vũ là những đoàn sinh dễ gắn bó với gia đình nhất. Vì gắn bó với gia đình, nhận được nhiều tình cảm từ các anh chị trưởng, nên khi lớn lên, cắt dây lên đoàn, các em sẽ tiếp tục là hạt nhân tích cực gây dựng phong trào cho đoàn. Không phải tất cả các em Oanh vũ đều có thể tiếp tục sinh hoạt nhưng ta nói đến “khả năng”; kinh nghiệm cho thấy phần lớn các em gắn bó với đoàn Oanh Vũ thì trong tương lai chắc chắn các em sẽ gắn bó với gia đình. Còn nhớ Chánh Đạt cũng đã có một thời rất thành công với mô hình này…
Đoàn Oanh vũ có vai trò và vị trí quan trọng như vậy, nhưng có một thực tế đáng buồn là lâu nay chúng ta ít quan tâm và chưa có một cái nhìn đoàn Oanh vũ xứng với tầm của nó. Thiết kế trò chơi chúng ta chỉ quan tâm đến lứa tuổi thanh thiếu mà bỏ lơ đoàn Oanh Vũ. Trong các cuộc trại, các em Oanh vũ được xem là những đoàn sinh “vướng chân vướng tay” các anh chị lớn. Trong các kỳ trại riêng dành cho đoàn Oanh vũ (như Hội Hiếu) thì hầu như Huynh trưởng đoàn phải lo lắng từ A – Z mà chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhều phía. Chúng ta không nói đến vấn đề vật chất, hiện kim hiện vật mà là vấn đề hỗ trợ về mặt tinh thần, những chuyện an ủi và động viên nơi hậu trường. Mà thật ra những đoàn sinh, Huynh trưởng vẫn còn bám trụ với gia đình ngày hôm nay là vì tình cảm chứ chẳng phải vì quyền lợi vật chất.
Hiển nhiên để vực dậy sức sống cho một đơn vị thì không phải chỉ thực hiện vài việc lặt vặt qua loa, mà cần phải đổ nhiều công sức, nhiều nhiệt huyết và nhất là phải đồng bộ nhiều khâu nhiều người. Nhưng chúng ta lâu nay vẫn chưa có sự chú ý và đầu tư đúng mức cho đoàn Oanh vũ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét có kế hoạch để phát triển, hỗ trợ cho đoàn Oanh vũ vì đơn vị ngày mai.
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN