Mỗi năm xuân về, Tết đến, nhiều địa phương vẫn còn giữ nếp xưa. Nhiều làng, thôn, sóc, bản vẫn rộn ràng tổ chức những ngày hội...
Mỗi năm xuân về, Tết đến, nhiều địa phương vẫn còn giữ nếp xưa. Nhiều làng, thôn, sóc, bản vẫn rộn ràng tổ chức những ngày hội xuân…Trong những ngày hội xuân, mọi người thường nhắc nhở nhau Hội Đền Hùng, tưởng niệm vua Tổ: “Dù ai đi gần về xa – Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng mười”.
Hội làng mùa xuân biểu hiện những nét tinh hoa của nền văn minh xóm làng mà điểm nhấn nổi bật là đám rước rất tráng lệ và thân quen. Có một số hội làng được tổ chức như là một “hội chợ” ngày nay. Hội làng đón xuân rộn ràng và hấp dẫn. Hội xuân của mỗi làng đều có nét độc đáo riêng.
Quanh Hà Nội, người ta vẫn nhớ đến những ngày hội độc đáo; như tại làng Đường Yên ở ngoại thành, hội làng có tổ chức cuộc thi bốn bước gồm thi cày, câu ếch, chọc chó, bắt trạch và cuộc thi kén rể; tại hội làng Lệ Mật ở huyện Gia Lâm-Hà Nội thì diễn ra tục múa rắn; làng Trung Nha, tục gọi là làng Nghè, thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm lại có hội thi nấu cơm.
Tại Nam Định có làng Thanh Khê thuộc huyện Nghĩa Hưng đón xuân với những cuộc thi đánh đu theo tiếng mõ.
Vào miền Trung, hội cầu mùa tại làng Bảo Ninh thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có tổ chức hát chèo cạn, múa bông và rước cốt Ông (cá voi) đã đi vào ca dao, “Xem người khiêng kiệu, rước hoa – Hò khoan-chèo cạn trong ba đêm ngày”. Hội vật làng Thủ Lễ thuộc huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế có tổ chức đua ghe, chọi gà và “keo vật khai xuân”. Cũng ở Thừa Thiên-Huế, hội Cầu ngư của làng Thuận An diễn trò tung lưới bắt cá đã trở thành hò vè “Vò vọ mà chấm muối rang – Đi mô cũng nhớ Thuận An mà về.”
Đến miền Nam, lễ hội tại thị trấn Tầm Vu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An có tục xô giàn cướp bánh trái.
Lên miền cao, lễ ăn cơm mới của người Êđê ở Tây Nguyên được tổ chức để cầu Yàng “cho mùa sau lúa ngoài rẫy sai bông, mẩy hạt, đến kỳ thu hoạch thì đầy gùi, ngập kho”. Ngày hội đua voi tại các bản làng Tây Nguyên thường diễn ra vào mùa xuân, khoảng tháng Ba âm lịch; trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, hoa rừng đua nhau khoe sắc; đấy cũng là mùa con ong đi hút mật, con voi xuống sông uống nước; để khi tiếng tù và rúc lên thì không khí trường đua voi trở nên căng thẳng; cuộc đua bắt đầu, những con voi lao về phía trước trong tiếng hò reo, la hét của người xem và tiếng trống, tiếng chiêng ầm vang cả núi rừng…
Lễ hội Chùa Ông Phật Cô Đơn tại huyện Bình Chánh ở TP.HCM có cả hàng ngàn người về chiêm bái “Phật cô đơn” và cầu nguyện năm mới an khang tốt đẹp. Lễ hội Chôl Chhnăm Thmây ở tỉnh Sóc Trăng tiến hành vào đầu tháng Chet theo Phật lịch của người Khmer chính là lễ mừng năm mới, có lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm và đắp núi cát…
Phiên chợ Tết ở làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được gọi là Chợ Đồng. Cứ đến ngày 24 tháng Chạp âm lịch hằng năm, người dân địa phương và các làng quê lân cận lại họp chợ chỉ có một ngày trên cánh đồng làng Yên Đỗ, quê hương nhà thơ Tam Nguyên Yên Đỗ – Nguyễn Khuyến; chợ Đồng không chỉ bày hàng mua bán mà còn bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân; cũng là dịp đón xuân và tưởng nhớ tổ tiên. Nét đẹp văn hóa của phiên chợ Đồng đã đi vào thi ca của Tam Nguyên Yên Đỗ:“Tháng Chạp, hai mươi bốn chợ Đồng / Năm nay chợ họp có đông không?”.
Một địa danh khác nổi tiếng cách đây trên 180 năm là hội chợ xuân Gia Lạc. Tương truyền chợ xuân Gia Lạc được lập ra dưới thời Minh Mạng do Định Viễn công Nguyễn Phước Bình, người con thứ tư của vua Gia Long.
Chợ xuân Gia Lạc là một chợ làng quê nằm cách bờ sông Hương khoảng 300 mét; chợ bày bán những sản vật nhỏ chỉ để “lấy hên” đầu năm. Chợ Gia Lạc xưa như một “hội chợ” ngày nay. Chợ dựng trên một mảnh đất trống với những căn lều tạm bợ. Kẻ bán, người mua, người đi xem đông vui, nhộn nhịp. Hàng hóa bày ra đủ loại, từ đồ gia dụng hằng ngày như chén bát, cơi trầu, bộ chén ấm trà, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ con và các bánh trái, hoa quả; đặc biệt là những đặc sản nổi tiếng như cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh, hoa giấy Thanh Tiên, con gà làm bằng đất sét (con tu huýt), ông trạng cỡi ngựa bằng bột, ông phỗng miệng cười toe toét, con heo mập ú được sơn phết đủ màu sắc… và có cả các quán ăn bán bún bò Huế. Chợ xuân Gia Lạc có tổ chức bài chòi, bài thai, hò đối đáp giữa nam và nữ. Thanh niên nam nữ đến chợ xuân Gia Lạc là để nghe giọng hò bài thai trầm bổng có chen vào đôi chút tiếu lâm, pha trò duyên dáng… Hội chợ này tồn tại khá lâu qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng từ sau năm 1945 thì bị đứt đoạn, năm có năm không và sau đó mai một dần. Chợ xuân Gia Lạc chỉ còn lại trong ký ức nhiều thế hệ. Mỗi độ Tết đến xuân về, những người xa quê vẫn thầm mong: “Giá như có con gà đất – Thổi hơi dài đỡ nhớ quê”…
Những hội làng đón xuân không chỉ phản ánh nếp sinh hoạt truyền thống của dân tộc mừng xuân mà còn thể hiện bản sắc và nét đẹp của quê hương. Biết cách giữ gìn và phát huy các hội làng, hội thôn, hội bản, hội sóc… đón Tết mừng xuân trên nhiều vùng miền của đất nước, cũng là bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Còn nhớ hội làng đón xuân… thì ai ơi nhớ rủ nhau cùng về … ■
Dương Vân theo VHPG Blog
BÌNH LUẬN