Dạo một vòng khắp các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến đi thập tự đầu năm, bản thân tôi cùng những người bạn có thật nhiều ...
Dạo một vòng khắp các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến đi thập tự đầu năm, bản thân tôi cùng những người bạn có thật nhiều cảm xúc, nói chung là vui buồn lẫn lộn. Vui vì đến chùa là cơ hội để chúng tôi gội rửa thân tâm, tắm mình trong sự an lành thanh tịnh của chốn thiền môn, cũng là dịp để chúng tôi gửi gắm những ước nguyện, tâm tư của mình bằng những nén hương lòng; buồn là vì một số nơi mình đến mà vẫn chưa thực sự hài lòng.
Nhưng may mắn cho chúng tôi là niềm vui đã lấn át đi nỗi buồn, và niềm vui đó được nâng lên gấp bội khi chúng tôi đặt chân đến ngôi chùa Hoằng Pháp, tọa lạc tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Một ngôi chùa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và những người bạn dù chỉ là lần đầu tiên. Nếu bạn có đến đây vào ngày Tết bạn cũng sẽ thấy hàng trăm nghìn người về tham quan lễ Phật.
Vậy sức hút gì đã tạo nên con số ấn tượng này? Với bài viết này tôi xin chia sẻ những cảm xúc chân thật và những điều mình mắt thấy tai nghe trong chuyến du Xuân đến Hoằng Pháp qua một số nét đặc trưng của ngôi chùa này như sau:
1. Về vệ sinh
Khi đến nhà một người khác, điều mà bạn quan tâm nhất ắt hẳn là ngôi nhà đó có sạch sẽ vệ sinh không, hay cách bài trí các vật dụng trong nhà có ngăn nắp không? Qua đó, bạn cũng có thể đánh giá được phần nào tính cách của chủ nhà. Đến chùa cũng vậy, quang cảnh của ngôi chùa thể hiện được cái tâm và tầm nhìn của người trụ trì, mà theo tôi được biết như nhà Phật có nói câu là “ Tâm hiện tướng”, tức là cái tâm mình như thế nào thì hiện ra cái tướng như vậy.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào chùa Hoằng Pháp là một không gian thoáng rộng, sạch sẽ, ít rác bẩn, không có sự nhếch nhác của cảnh quang, mọi sự sắp xếp bài trí đều ngăn nắp, vệ sinh. Khi quan sát kĩ hơn tôi mới bắt gặp có một nhóm Phật tử thường xuyên làm vệ sinh xung quanh khuôn viên chùa. Hỏi ra mới hay họ đến đây làm công quả và được chư Tăng nhờ đảm nhiệm công tác vệ sinh theo ca và giờ làm việc rất cụ thể. Một Phật tử nữ tên là Liên Nhàn cho chúng tôi biết thêm: “Về việc làm vệ sinh ở đây, chúng tôi được quý thầy cắt cử và dặn dò rất kĩ. Thứ nhất, vì là những ngày Tết nên khi quét tước chúng tôi phải làm rất tế nhị. Bởi theo quan niệm của dân mình, đầu năm mà bị người ta quét rác vào chân là một điều hết sức kiêng kị và xui xẻo, nên chúng tôi phải làm vệ sinh bằng cách dùng một cây tre có cắm đầu sắt nhọn để lấy rác bẩn, một cây chỗi nhỏ và một cây hốt rác nhỏ để hốt rác ngay tại chỗ, không quét đi lung tung. Thứ hai, phải bố trí thùng rác lớn khắp nơi cho du khách thập phương bỏ rác vào thùng. Thứ ba, sau 23h00 mỗi ngày chúng tôi phải tổng vệ sinh tất cả các khu vực trong chùa để trả lại không gian sạch sẽ cho ngày hôm sau, nếu không thì sân chùa ngập rác, người dân mình còn thiếu ý thức lắm”.
Câu nói cuối cùng của người Phật tử “ người dân mình còn thiếu ý thức lắm” cũng là một thực trạng mà chúng ta thường thấy những nơi công cộng, như xô bồ, chen lấn, mất trật tự, xả rác, hút thuốc, lớn tiếng nói cười. Và cách mà người ta hay làm để hạn chế tình trạng này là dán những bảng thông báo “ Cấm xả rác”, “Cấm hút thuốc”, “Cấm ồn ào”…nhưng cấm mặc cấm, làm thì cứ làm. Dường như những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng làm cho người ta có cảm giác phản cảm và ghét hay sao không biết nữa, mà người ta cứ vi phạm. Nhưng lạ thay tôi thấy ở chùa Hoằng Pháp cũng là những bảng cấm mà có ngôn từ hết sức nhẹ nhàng và có hình ảnh những chú tiểu rất dễ thương, nên khi ai đọc người ta cũng cảm thấy ngại ngùng nếu lỡ vi phạm. Ví dụ về việc cấm xả rác có bảng ghi:
Em xin anh chị thương giùm
Bỏ rác vào thùng em thật cảm ơn.
Đây là một lời nhắc nhở rất dễ thương và chứa đựng cả một hình ảnh vất vả khổ cực của chú tiểu khi quét sân chùa, nên ai thấy mà không thương cảm hay vô ý xả rác ?
Hay để tránh việc ồn ào có bảng ghi:
Nói cười nhỏ tiếng ít lời
Đứng đi qua lại thảnh thơi nhẹ nhàng.Xin nói nhẹ nhàng
Dịu dàng dễ thương
Như sen tỏa hương
Làm đẹp lòng người.
Còn đây vừa là lời khuyên và cũng là lời nhắc không được hút thuốc trong chùa:
Phì phà điếu thuốc trên môi
Đốt tiền, đốt phổi, miệng hôi răng rầu
…
Và còn nhiều bảng nhắc nhở dễ thương khác trong khuôn viên chùa mà ai thấy cũng thích đọc.
Thiết nghĩ đây là điều mà không chỉ các chùa khác cũng nên học theo, mà các nơi công cộng khi cần dùng những bảng cấm hoặc bảng thông báo nên sử dụng những bảng báo có thiện cảm hơn thì người ta sẽ chú ý và tự giác cao hơn.
Dù dòng người dâng hương lễ chùa đầu năm cứ nối đuôi nhau, nhưng người ta vẫn thấy ngôi chùa có một không khí trong lành lạ thường, không có sự ngột ngạt, không có cảnh khói hương nghi ngút hay tro bụi vàng mã bay lượn khắp nơi như những chùa khác. Vì chùa hạn chế việc thắp nhang tại các địa điểm chính như chánh điện, tượng đài Quán Âm, mà chỉ tập trung tại một lư hương trước sân chánh điện và tuyệt đối không cho đốt vàng mã. Ở đây còn có một nhóm Phật tử thường xuyên rút các chân nhang tại lư hương để không khí trong lành và đàm bảo an toàn trong việc phòng chống cháy nổ. Các nhóm Phật tử này thay ca nhau làm việc từ sáng đến tối, họ túc trực nhắc nhở du khắp không được cắm nhang vào chậu hoa kiểng hay những nơi không đúng quy định. Việc làm này dù rất nhỏ, nhưng một lần nữa cho chúng ta thấy được công tác tổ chức tại chùa khá kĩ lưỡng từ những khâu nhỏ nhất. Đây cũng là điều mà các chùa khác nên học hỏi làm theo để tạo cảm giác thoải mái cho người đi chùa.
2. Về an toàn trật tự
Vào đến sân chùa, tôi liền nghe trên loa phát thanh thông báo: “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Thay mặt chư Tăng chùa Hoằng Pháp, xin hân hoan chào đón quý thiện nam tín nữ và du khách thập phương về tham quan lễ Phật ngày hôm nay. Nhân dịp năm mới kính chúc quý vị một mùa Xuân tràn đầy hạnh phúc và an lạc. Vì số lượng người về tham quan lễ Phật khá đông, không sao tránh khỏi kẻ gian len lỏi vào có những hành vi không tốt, như móc túi, rạch túi, giựt dây chuyền, lấy giày dép, điện thoại di động… Vậy xin quý vị lưu ý tự giữ lấy tư trang của mình. Chúc quý vị một năm mới an lành và hạnh phúc”. Ban đầu khi nghe thông báo này, tôi cũng thấy giựt mình, vì ở chùa mà cũng có tình trạng trộm cướp như vậy. Nhưng sau lại thấy cái thông báo này hữu ích vô cùng, vì nhờ nó mà nhiều người tránh bị kẻ gian lấy tư trang. Đây là việc làm mà ít chùa nào có khi tôi đến tham quan lễ bái.
Một điều đặc biệt nữa là khi đã vào bên trong khuôn viên chùa, du khách sẽ không bao giờ thấy bóng dáng của một người bán hàng rong đi theo chèo kéo hoặc bị những người bán vé số, ăn xin làm phiền. Vì vậy mà du khách sẽ cảm thấy rất thoải mái khi vào chùa lễ Phật.
Thêm vào đó, tại Hoằng Pháp luôn có một đội bảo vệ hùng hậu được bố trí khắp nơi trong khuôn viên chùa, họ luôn nhắc nhở du khách thập phương những điều không được làm tại chốn thiền môn, đảm bảo an ninh trật tự và hướng dẫn du khách với thái độ rất chi là nhẹ nhàng và mang hơi hướng rất nhà Phật. Điều để lại ấn tượng trong tôi đó là hầu hết các anh chị bảo vệ ở đây đều đeo một xâu chuỗi Bồ đề, có người còn vừa lần chuỗi vừa làm nhiệm vụ. Chắc vì điều này mà cái tâm thiện lành luôn toát ra nơi tác phong làm việc của họ. Và cũng chính nó làm cho người đến chùa yên tâm hơn. Tôi nghĩ đây là một điều mà các vị trụ trì tại các tự viện cũng cần học tập và lưu ý dặn dò khi mời các nhân viên bảo vệ, để nơi vùng đất thiêng được trang nghiêm hơn, hòa nhã hơn.
3. Về quang cảnh và việc trang trí cho ngày Xuân
Tôi thực sự bất ngờ và dường như khó tin vào mắt mình. Vì một ngôi chùa cách xa thành phố hàng chục kilomet lại có cách đón xuân độc đáo, trang trí không hề thua kém gì đường hoa Nguyễn Huệ. Cả sân chùa Hoằng Pháp như là một phần sinh động tại đường hoa Nguyễn Huệ vậy. Đó là các mô hình trang trí mang đậm nét văn hóa phương Đông và mang ý nghĩa về ngày Tết. Đâu đó là những cành mai vàng rực rỡ, những cành đào hồng thắm, những chiếc bánh chưng bánh tét; và nào là cây nêu, tràng pháo, cảnh làng quê với những đống rơm, các chú bò, người lái đò, các chậu hoa kiểng rực rỡ sắc màu, những chiếc lồng đèn đỏ đủ các màu … Đến đâu người ta cũng thấy rực cả một trời Xuân. Hơn nữa, cái được nhiều người chú ý nhất là những lều tranh nhỏ và những bức thư pháp trưng bày trong đó, nó vừa mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, vừa chân quê mộc mạc vô cùng. Du khách đến đây ai cũng hớn hở tạo dáng quay phim, chụp hình với nụ cười vui tươi, như trẻ thơ tung tăng chạy nhảy trong bầu trời tự do, không toan tính nghĩ suy, không lo ưu phiền muộn, xả bỏ hết những trần lao của đời sống phàm trần, họ hòa mình vào dòng người thành tâm hướng nguyện, vào cảnh Xuân hội tụ nơi đây, họ thanh thoát cùng những tiếng chuông ngân, họ quay về trong sự tỉnh giác.
Vâng, có thể nói rằng đến chùa là cơ hội để gội rửa thân tâm, để lòng trong thân nhẹ. Vì hiểu ý nguyện này của du khách thập phương chư Tăng chùa Hoằng Pháp còn tạo nên một phòng trưng bày hình ảnh và pháp ngữ của Thượng tọa Thích Chân Tính – bậc tu hành thanh tịnh, có tiếng thơm khắp mọi miền. Những lời pháp ngữ, những hình ảnh của một vị chân tu thực học mang đến cho người xem cảm giác lắng đọng và qua đó họ có được những giây phút chiêm nghiệm lại cuộc đời mình. Bởi đời vốn biết bao chông gai, bao niềm đau nỗi khổ, nhưng đời cũng đẹp lắm nếu ta biết sống chan hòa, biết mang trong mình một tấm lòng vị tha cao cả. Đó là những lời nhắn gửi mộc mạc chân thành nhưng rất đỗi gần gũi của vị trụ trì nơi đây. Và giờ đây tôi mới hiểu đạo đời không khác, người xuất gia nếu biết mang đạo vời đời thì đạo rất gần, đạo không xa vời như những giáo thuyết khô khan hay những hình thức gò bó. Làm đạo hay không phải cứ thao thao tuyên giảng hoặc chỉ nghĩ đến những gì quá cao siêu, huyền hoặc, mà hay ở chỗ là biết cách cho những giáo lí sâu mầu của nhà Phật hóa thành những điều giản dị, thiết thực để mọi tầng lớp đều có thể tiếp nhận. Và chính với bản thân tôi đã thực sự mắt thấy tai nghe được điều đó tại ngôi chùa Hoằng Pháp này.
Tôi không có ý so sánh hay phê bình các chùa khác, nhưng rõ ràng một thực tế mà ai cũng thấy là vào ngày Tết một số chùa chỉ chú trọng việc xin xăm, coi quẻ, dâng sớ, cúng sao, giải hạn, mà không nắm được tâm lý của người đến chùa. Vì không phải ai đến chùa ngày Tết cũng là cầu cúng, van xin hay giải hạn, điều mà người ta cần là một không khí Tết thực sự, nó phải mang tính truyền thống, nó chứa đựng một khung cảnh bình an, một góc tâm linh nhẹ nhàng và một nơi mà người ta cảm thấy ấm áp vui tươi, không nhuốm màu mê tín. Vì vậy, riêng bản thân tôi cũng xin kiến nghị các chùa nên xem xét cách trang trí các mô hình của chùa Hoằng Pháp trong những ngày Tết để làm cho ngôi chùa mình có một ấn tượng tốt đẹp với quần chúng hơn.
4. Việc phát lộc cho người đến chùa
Thật vui và hạnh phúc khi đến chùa đầu năm lại được rước lộc về nhà phải không các bạn? Và nếu bạn có đến chùa Hoằng Pháp trong dịp tết vừa qua tôi dám chắc rằng bạn cũng đã được lộc đó. Lộc chùa tặng có thể là lộc hoa, bao lì xì, đĩa VCD Phật pháp. Có người may mắn nhận đủ cả ba phần lộc này, người ít duyên hơn thì thì ít nhất cũng nhận được một phần lộc của chùa. Có lẽ cũng như tôi, chắc nhiều người cũng suy nghĩ, mỗi ngày Tết có hàng chục nghìn người đến chùa Hoằng Pháp, vậy mà ai ai cũng nhận được lộc cả. Đây quả thật là một điều đáng kinh ngạc. Chính điều này làm cho cái tính tò mò của mà tôi dâng trào và quyết tâm để tìm hiểu vấn đề này. Thông qua một Phật tử lớn tuổi làm công quả trong chùa tôi mới hiểu được nguyên do như sau:
Những ngày trước tết chùa đã chuẩn bị rất kĩ về vấn đề lộc tết cho người đến chùa. Người dân mình hay có phong tục lên chùa xin lộc (lá cây non hoặc hoa) đem về nhà để lấy hên ngày đầu năm, bởi người ta có quan niệm là có được cái lộc thì được phơi phới phát triển và sức sống dạt dào như lộc non đâm chồi khai nhụy vậy. Nhưng cũng chính vì nó mà nhiều chùa sau một đêm giao thừa, cây kiểng trong chùa xơ xác lá, trụi lủi, trơ cành, hoang tàn vì sự vô ý thức của nhiều người đi chùa. Để tránh tình trạng đó, chùa Hoằng Pháp đã cử người đi xin hoa từ các hàng bán hoa khắp thành phố những ngày cuối năm để làm lộc tặng cho người đến chùa. Hoa được làm sạch sẽ và đặt tại các vị trí khắp quanh khuôn viên chùa trong đêm giao thừa. Vì vậy, ai đến chùa cũng được nhận lộc hoa tươi chứ không bẻ cây bẻ cành như một số chùa khác. Do đó khi đến Hoằng Pháp, bạn sẽ thấy cây cối vẫn giữ được một màu xanh tươi và nguyên vẹn. Một số chùa vì chưa có kinh nghiệm tặng hoa để tránh việc bẻ lộc này nên năm nào cũng chịu cảnh hư hỏng cây cối, cảnh chùa đìu hiu, nhiều khi trông thật thê thảm.
Tiếp nữa là việc phát bao lì xì cho người đến chùa. Đầu năm ai cũng thích được lì xì, nhất là đến chùa mà được nhận lì xì thì thật là hạnh phúc. Vì nó là một sự may mắn của năm mới. Hiểu được điều này, chùa Hoằng Pháp đã gửi tặng hàng trăm nghìn bao lì xì cho những người đến chùa. Giá trị về vật chất của bao lì xì tuy không lớn, nhưng giá trị về mặt tinh thần thì thật lớn lao. Hơn nữa, khi cầm trên tay bao lì xì do thầy trụ tặng tôi còn nhận được lời nhắn gửi rất ý nghĩa in trên đó:
Hoa xuân tô điểm sắc xuân
Hoa tâm tô điểm sắc thân rạng ngời.
thấy lời thơ tuy giản dị mà ý thật sâu mầu, càng nghĩ càng hay. Và qua đó tôi cũng thấy được đây là việc làm rất khéo léo trong việc đưa những lời hay ý đẹp của nhà Phật đến với quần chúng nhân dân. Bởi lẽ muốn giảng cho ai đó một điều đạo lý thì không đơn giản chút nào, vì không phải ai cũng sẵn lòng lắng nghe theo lời mời gọi.
Nhưng khéo hơn nữa là tặng quà VCD Phật pháp. Đây là việc làm mà tôi cho là rất hay. Vì thông thường các chùa muốn làm việc Phật sự phải bỏ ra rất nhiều công sức mới đưa được đạo vào đời, bản thân người xuất gia phải dấn thân lắm mới làm cho hình ảnh của đạo Phật đến gần quần chúng. Nhưng ít chùa nào để ý rằng, vào dịp Tết quần chúng tự tìm đến chùa, các chùa không cần bỏ ra nhiều công sức để làm đạo, ấy thế mà các vị xuất gia lại bỏ ngõ, và dường như ít quan tâm đến những người đó, ít chùa dựa vào nhân duyên tốt này để gửi gắm lời Phật dạy đến với họ, mà chỉ chú trọng đến việc cúng bái, xem sao, giải hạn, hay các hoạt động không mang chất Phật, không đúng với cương vị của một người xuất gia. Nói như vậy, nhiều người nghĩ rằng tôi vơ đũa cả nắm, nhưng nếu ai đi thập tự sẽ thấy điều mà tôi nói không phải không có căn cứ.
Cũng cần nói thêm là bên cạnh đó, cũng như ở Hoằng Pháp, nhiều vị xuất gia ở các tự viện khác cũng có những việc làm rất ý nghĩa, như viết thư pháp, in tặng những tấm thiệp nhỏ đính kèm trong bao lì xì có ghi những lời kinh Phật dạy, tặng hình Phật và Bồ tát, kinh sách cho người đến chùa…những việc làm tuy rất nhỏ này nhưng lại tạo ra một hiệu ứng rất mạnh mẽ. Bởi ít người từ chối một món quà do người khác trao tặng, hơn nữa đó là món quà tết, món tâm linh cần thiết cho đời sống của mỗi người. Vì vậy tặng quà Pháp bảo là cách làm độc đáo để mang đạo vào đời một cách nhẹ nhàng mà không khiến người ta cảm thấy bị ép buộc tiếp nhận Phật pháp . Do đó, đây là những việc làm mà hay mà các ngôi chùa nên học hỏi lẫn nhau để hình ảnh của đạo Phật đi sâu vào quần chúng hơn.
5. Từ “thương hiệu” tìm đến “nhân hiệu”
Trước hết tôi xin nói rõ ở đây khi dùng đến hai chữ “ thương hiệu” để nói đến hình ảnh một ngôi chùa là hoàn toàn không chính xác. Vì chùa không phải là nơi kinh doanh nên không thể dán cho chùa một nhãn mác nào cả. Nhưng để gần gũi và dễ hiểu tôi xin tạm dùng từ này làm ví dụ để nói rằng, chùa Hoằng Pháp giờ đây đã trở thành một cái tên rất quen thuộc không chỉ của người dân thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh, mà còn là cái tên một ngôi chùa trong nước được nhiều người nước ngoài biết đến nhất, cũng tựa như một thương hiệu nổi tiếng mà nhiều người biết đến vậy.
Nhưng có một điều tất yếu là khi một “thương hiệu” nào đó có được tiếng vang người ta sẽ tìm hiểu “nhân hiệu” tức là những người làm nên thương hiệu đó là ai ? Họ đến từ đâu ? Họ sống như thế nào ? …
Người ta biết đến công ty Microsoft không chỉ đơn giản vì đây là một công ty sản xuất ra máy vi tính đầu tiên, mang tính phổ cập và có lượng sản phẩm tung ra thị trường nhiều nhất thế giới, mà bên cạnh đó người ta còn biết đến cái tên người chủ làm nên sự rạng rỡ cho công ty này. Đó chính là Bill Gate, cái tên luôn được nhắc đến với hình ảnh một con người đầy ý chí, nghị lực, quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và giàu lòng nhân ái. Và đó cũng chính là những nguyên nhân mà mọi người khắp nơi trên thế giới đều ưa chuộng Microsoft.
Ngày nay, dù là người phương Tây hay phương Đông đều dần có một quan điểm hết sức rõ ràng là khi dùng một sản phẩm nào đó, họ phải xét xem sản phẩm này có được tạo ra trên tính nhân đạo không? Người làm ra sản phẩm này có phải là những người tốt hay là những kẻ bịp bợm ? Nếu thấy được “nhân hiệu” không tốt của những người này thì dù “thương hiệu” có nổi tiếng đi nữa họ cũng sẵn sàng tẩy chay.
Cũng đồng với những nguyên lí trên, sở dĩ chùa Hoằng Pháp có được tiếng vang, có được sức hút mạnh mẽ và được nhiều người mến mộ như ngày nay là vì chùa có một “ thương hiệu” và “nhân hiệu” thực sự. Bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa có nhiều hoạt động hoằng pháp lợi sinh sáng tạo, tiên phong, phổ biến, mà còn có một môi trường tu học nghiêm chỉnh, đi đúng theo tinh thần của đạo Phật. Chính nhờ sự hài hòa và vững chắc của thương hiệu và nhân hiệu đó mà khi đến Hoằng Pháp ai cũng cảm thấy như mình tìm về một bến đỗ tâm linh thực sự.
Thay lời kết
Với cái nhìn hạn hẹp của bản thân tôi, tôi nghĩ những lí do trên chính là sức hút mà hàng trăm nghìn người đến chùa Hoằng Pháp trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua.
Và để khép lại cho bài viết này, một lần nữa tôi chỉ mong sao các ngôi chùa khắp đất nước Việt Nam sẽ trở lại vị thế đích thực của mình. Bởi như chúng ta đã biết, từ thuở xa xưa chùa vốn là nơi diễn ra các hoạt động tinh thần của người dân Việt. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, xã hội. Vì vậy chùa có chức năng như nhà văn hóa, nhà trường và chùa trở thành một bộ phận có liên hệ mật thiết với các công tác xã hội khác. Theo đà phát triển như vũ bão của thời đại, chùa dần đánh mất đi vị thế của mình, nhiều chùa không còn là nơi tụ hội và diễn ra mọi hoạt động như ngày xưa, mà đa phần trở thành nơi cầu cúng, xin lộc, ban phước, nghiêm trọng hơn một số chùa trở thành nơi tập trung các tập tục mê tín, tà đạo…, làm cho người dân có cái nhìn sai lệch về vai trò, vị trí và ý nghĩa của ngôi chùa trong đời sống Điều này nếu xét một cách nghiêm túc, chúng ta không thể đỗ lỗi cho thời đại, không thể đỗ lỗi cho quần chúng nhân dân quên đi truyền thống cội gốc của mình, mà có chăng chúng ta nên đặt dấu hỏi cho những người xuất gia, phải chăng các vị đã không uyển chuyển đưa đạo vào đời bằng những phương tiện khéo léo, hay chăng các vị xuất gia cũng muốn tô điểm ngày xuân ở chùa bằng những nét văn hóa truyền thống nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu kinh phí hay chưa được sự chỉ dạy cụ thể của hàng Tôn túc ? Có thể có thật nhiều nguyên nhân để kể ra. Riêng tôi là một người như bao nhiêu người khác chỉ mong sao nước ta ngày càng có nhiều ngôi chùa như chùa Hoằng Pháp để quần chúng luôn được nương nhờ và che chở, để trong tâm khảm của mọi người ai cũng luôn có ý niệm:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Diễm Nhung (theo Chùa Hoằng Pháp)
BÌNH LUẬN