Tôi đến thăm một người bạn vong niên. Ông nói với tôi ông vừa đi khám tổng quát, bác sĩ cho biết sức khỏe ông không được khả quan, cơ thể xu...
Tôi đến thăm một người bạn vong niên. Ông nói với tôi ông vừa đi khám tổng quát, bác sĩ cho biết sức khỏe ông không được khả quan, cơ thể xuất hiện nhiều bệnh lý. Tình trạng sức khỏe thì ông đã rõ, bởi nó biểu hiện qua việc ăn uống không được, ngủ nghỉ không tốt, cảm giác đau nhức, mệt mỏi, khó chịu, nhưng xác định bệnh lý thì chỉ khi đến bác sĩ mới biết. Ông kể ra rất nhiều bệnh mà ông mắc phải. Tôi chẳng biết làm gì hơn khuyên ông, tôi nói: “Con người đến tuổi già cũng như cái máy đã cũ kỹ, hư hỏng chỗ này chỗ kia. Không ai tránh khỏi quá trình biến hoại này. Bây giờ cố gắng làm sao để ‘thân bệnh mà tâm an’. Sống chung với bệnh là điều cần phải chấp nhận, cần phải thực tập để tâm hồn vẫn bình an dù thân xác có đớn đau vì bệnh tật”.
Ông cười buồn nói: “Quan trọng là ở chỗ ‘làm sao’ đó chứ”. Câu hỏi bất ngờ làm tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu. Có quá nhiều phương pháp, lại còn tùy căn cơ trình độ của mỗi người và có niềm tin hay không nữa, nói tóm lại là còn tùy duyên.
Tôi nói với ông: “Phải giữ cho tâm an ổn, tinh thần đừng bi quan chán nản. Cần tạo niềm vui cho mình để quên đi bệnh tật, chẳng hạn như tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, nghiên cứu, viết lách, làm những gì mình thích; tập thiền, yoga để cải thiện sức khỏe và giúp tâm bình an, thoát khỏi những nỗi đau về tinh thần, dùng ý chí, sức mạnh tinh thần để chiến thắng nỗi đau thể xác. Đối với người lớn tuổi như ông, cần nhất là quan tâm thực hành đời sống tâm linh, tích cực học tập Phật pháp”. Sau đó tôi biếu ông mấy quyển sách về thiền của các vị thiền sư nổi tiếng đương đại để ông tham khảo.
Ông bạn già vốn là người nặng về lý trí, nhẹ về niềm tin, quen đề cao tư duy suy luận. Tôi biết ông bạn già có tìm hiểu, nghiên cứu một số tài liệu, sách vở về thiền đốn ngộ, tuy nhiên trong mớ kiến thức hỗn độn ấy ông không lần ra manh mối, không tìm thấy lối đi. Sách vở ngày nay phổ biến rộng rãi, nhiều quá đến mức người ta khó xác định đâu là “chánh tông”, đâu là “lai căng”, “tạp nhạp” nếu như không học có căn bản và dày công nghiên cứu, nếu như không có người dẫn dắt, chỉ điểm. Có không ít sách xuất bản chỉ vì mục đích kinh doanh, người viết không phải là hành giả tu học Phật, không có “chuyên môn” (thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thân hành, thân chứng).
Cũng không có chuyện đọc một vài quyển sách bàn luận về thiền là có thể lĩnh hội được yếu chỉ, phương pháp của thiền, không khéo càng nghe bàn luận càng rối mù thêm. Nhất là các sách viết về thiền đốn ngộ và hành trạng của các thiền sư, có người coi rồi chẳng hiểu gì cả lại còn căng thẳng thần kinh, nhức óc đau đầu (bởi thiền đâu phải để hiểu, mà thói quen của con người là suy nghĩ, lý giải, so sánh, phân biệt v.v.), có người thì mắc bệnh “thiền đầu lưỡi”, “thiền cửa miệng”, khẩu khí ngút trời, nói khác thường như thiền sư, làm khác thường như thiền sư, nhưng tâm thì vẫn là phàm phu tục tử. Ông bạn già của tôi thì chưa đến nỗi như thế, chỉ có điều không tìm thấy lối vào pháp môn.
Phần lớn sách vở về thiền cũng chỉ nêu khái niệm, lý luận, ít sách nói về phương pháp thực hành, có lẽ vì thiền là không phương pháp. Đối với thiền đốn ngộ thì làm gì có phương pháp nhất định? Những bài bản về phương pháp đưa ra có thể làm giới hạn đặc tính của thiền. Người ta chỉ có thể lĩnh hội, trực nhận, thể nghiệm và sống với thiền chứ không thể dùng ngôn ngữ khái niệm để diễn đạt thiền một cách chính xác, đầy đủ, trọn vẹn. Mọi lý luận, diễn giải về thiền chỉ là tạm dùng phương tiện, khiên cưỡng lập ngôn. Cũng như không thể diễn tả được hương vị của sầu riêng. Muốn biết rõ hương vị của nó như thế nào chỉ có cách là tự mình ăn thì sẽ biết. Cũng như câu nhà thiền hay nói: “lãnh noãn tự tri” (nóng lạnh tự biết). Không ai có thể diễn tả thế nào là nóng, thế nào là lạnh được. Còn phương pháp hành thiền Nguyên thủy thì không có nhiều sách nói đến, có lẽ người ta cho rằng thiền Nguyên thủy đơn giản, tầm thường, không có lý luận cao siêu, hấp dẫn như thiền đốn ngộ. Ông bạn già của tôi còn mơ hồ về thiền lắm, chưa có khái niệm rõ về thiền đốn ngộ, thiền Nguyên thủy gì cả, cũng chưa biết qua về phương pháp hành thiền của người sơ cơ mới bước đầu tu tập. Nói đến thiền, ông lắc đầu e ngại, cho rằng không hiểu nổi thiền, cho rằng khó làm được lắm, bởi ông có đọc một số mẩu chuyện thiền của các thiền sư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đọc rồi căng đầu ra suy nghĩ, dùng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để suy luận, lý giải, càng tìm cách giải thích thì càng đau đầu.
Hai tiếng “làm sao?” của ông bạn già cứ khiến tôi thao thức. Hãy chỉ cho ông cách nào để thân dù bệnh mà tâm vẫn bình an? Thân và tâm, thể xác và tinh thần có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm sao thân đau mà tâm không khổ? Đây thật sự là việc không dễ làm. Nếu có cách để “thân bệnh mà tâm an” thì đó là cách gì? Tôi cứ khuyên ông cố gắng làm sao để tâm bình an, nhưng hai tiếng “làm sao” mới là vấn đề. Đó là phương pháp. Hãy chỉ cho ông một phương pháp. Điều mà ông bạn già cần lúc này không phải là những lý luận về thiền mà là sự thể nghiệm để có được những giá trị lợi ích thiết thực: sự an lạc vượt lên những khổ đau. Nhưng làm cách nào để thể nghiệm? Ông bạn già không phải là người có căn cơ cao như Ngài Huệ Khả, chỉ cần Tổ Bồ-đề Đạt-ma bảo một câu: “Ngươi đem tâm ra đây ta an cho” (Khi Ngài Huệ Khả cầu xin Tổ Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho) thì bừng ngộ, trút bỏ được tất cả gánh nặng từ cái khổ nơi thân và tâm. Cuối cùng tôi khuyên ông: “Ông nên đến học thiền và tham gia một vài khóa thực tập về thiền ở các thiền viện. Ở đó ông có thể tham vấn và được các thiền sư khai thị, chỉ điểm, truyền trao kinh nghiệm thực tế giúp cho việc hành thiền được dễ dàng hơn. Việc ông có lãnh ngộ và tu tập theo pháp môn này được hay không còn tùy thuộc vào cơ duyên nữa. Việc ông quan tâm tìm hiểu về thiền từ trước đến nay cũng cho thấy ông có duyên với thiền, ông nên làm phát triển thêm cái duyên ấy. Thiền cũng như các pháp môn khác của Phật giáo có thể giúp ông thăng hoa đời sống tâm linh, vượt lên những nỗi đau về bệnh tật”.
Tôi hy vọng ông bạn già có được cơ duyên khai ngộ, không còn thấy thiền là “không hiểu nổi”, “khó làm”, có thể đưa thiền vào cuộc sống. ■
BÌNH LUẬN