Cũng như vô vàn những câu tục ngữ, phương ngôn của ông bà ta xưa câu “trẻ vui nhà, già vui chùa” phản ánh thực tế cuộc sống đã đang diễn ra...
Cũng như vô vàn những câu tục ngữ, phương ngôn của ông bà ta xưa câu “trẻ vui nhà, già vui chùa” phản ánh thực tế cuộc sống đã đang diễn ra. Vấn đề đặt ra là câu tục ngữ trên có đúng hay không, đúng ở mức nào dưới cái nhìn của Phật giáo sâu hơn một chút thì ta phải làm gì, hành động ra sao trước thực tế mà câu tục ngữ trên đã nêu ra.
Câu tục ngữ trên gồm 2 về đối nhau trẻ đối với già, nhà đối với chùa. Ông bà xưa có cái nhìn rất thấu đáo và hay hơn diễn dịch những điều tưởng như phức tạp hết sức đơn giản.
Trẻ đây tất nhiên không phải là trẻ con mà tuổi trẻ. Nhà ở đây là căn nhà nhưng nhìn rộng hơn nó còn là gia đình chỗ dựa của mỗi người trong cuộc sống. Tuổi trẻ có cái nhiệt huyết sôi nổi muốn cống hiến, đóng góp cho đất nước, xã hội. Chính vì vậy mà nhà Nho Nguyễn Công Trứ đã có những câu thơ đầy khẳng khái.
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Gia đình luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho công danh, sự nghiệp. Cho nên niềm vui của người trẻ tuổi là tình yêu, bếp lửa nơi gia đình.
Trái lại với tuổi già, khi con cái đã lớn thành gia lập thất và có gia đình yên ổn thì họ lại cảm thấy cô đơn vì ít được đi đây đi đó, ít tham gia các hoạt động xã hội. Hơn nữa lúc này khi trải qua nhiều năm chiêm nghiệm về cuộc sống họ có cái nhìn thấu suốt hơn và tìm được niềm vui của cuộc sống nơi thiền môn. Họ hiểu rằng cuộc sống nơi thiền môn tuy đạm bạc mà không chán, có cái nét đẹp đơn giản mà thâm thúy. Cái duyên ngầm đó của đạo Phật không phải ai cũng thấy, cũng phải ai cũng cảm nhận được.
Phân tích thêm một chút về hình ảnh ngôi chùa trong lòng người dân Việt.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời với tổ tông
Quả thật như vậy, nếu như đình làng là nơi bàn luận việc chung của làng, nơi những người trẻ có tiếng nói với làng xã thì ngôi chùa lại lặng lẽ khép mình vào hình sống thế núi, trầm mặc im lìm một góc làng. Nhưng cái im lìm đó không phải là tiêu cực là nép mình, trốn đời mà đang ầm thầm chắt chiu những tâm hồn, nó nuôi dưỡng và giữ gìn những giá trị đạo đức. Tiếng trống đình là biểu tượng của hội họp của vui chơi thì tiếng trống bát nhã nơi mái chùa, tiếng chuông thanh thoát ngân nga mỗi buổi sáng sớm kêu gọi mọi người quay về với tâm hồn với cha ông với tổ tiên ông bà với Phật tánh cội nguồn dân tộc…
Như đã nói ở trên câu tục ngữ này chỉ phản ánh thực tế, và như phân tích nó phản ánh hoàn toàn chính xác tình hình thực tế của xã hội. Tuy nhiên nó cũng cho thấy khuynh hướng xã hội khi xem nhẹ hình ảnh người già, xem nhẹ mái chùa trong cuộc sống xã hội.
Phật giáo có câu: “chớ hẹn tuổi già mới lo học đạo, mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân” là để chỉ cho mọi người thấy rằng quan niệm về “đạo” của mọi người thường sai. Người viết bài này đã từng hỏi rất nhiều bạn bè – những người trẻ - về ý nghĩa của “tu” và “đạo”… tuyệt đại đa số họ không biết. Họ đồng hóa giữa tôn giáo và đạo, họ nghĩ “tu” là phải cạo đầu vào chùa tụng kinh gõ mõ. Hiển nhiên họ đã sai lầm, họ đã không hiểu, chưa hiểu thì chưa thương, chưa thương thì làm sao chấp nhận khép mình vào “đạo”.
Trong nguyên nghĩa đạo là con đường, đạo Phật là con đường đi theo dấu chân đức Phật để từng bước từng bước khám phá chính mình, để tu học sửa mình từng chút từng chút một. Tu là sửa, vậy thì hoàn cảnh nào mà không tu được, không sửa mình được. Người già vui chùa là vui cái thú tu sửa chính bản thân mình, là trở về tự thân, người trẻ vui nhà là tìm kiếm tình cảm nơi tha nhân. Bởi họ không biết rằng hạnh phúc không phải nơi tha nhân mà ở tự tâm.
Hiểu được như vậy mới thấy rằng cái định kiến của xã hội về việc học đạo, tu đạo còn rất nặng nề.
Là người Phật tử trẻ nhận thức rõ được tình hình thực tế xã hội, lại có duyên lành tiếp xúc với Phật pháp, được thọ quy y, trì ngũ giới thì phải gánh lấy cái trách nhiệm phá tan những định kiến lệch lạc của xã hội về Phật giáo. Đó không chỉ là việc làm phụng sự xã hội, phụng sự đạo pháp mà còn là phụng sự cho hạnh phúc con người nói chung.
Đừng trách vì sao giới trẻ ngày nay vô tâm với cội nguồn dân tộc, đừng trách vì sao giới trẻ ngày nay không biết tu, không biết đến mái chùa mà hãy trách lại bản thân mình có làm tốt công tác giáo dục hay chưa có đem được giáo lý nhiệm mầu của chư Phật đến cho mọi người hay chưa?
Khác hằn với tất cả các hệ thống triết lý và tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật – tự bản chất lẫn hiện tượng – vừa là một hệ thống triết lý vừa là một hình trạng tôn giáo hoàn chỉnh với sự kết hợp hài hòa giữa tín điều và tín lý. Giữa cuộc đời, đức Phật là một vị thầy, một đáng Giác Ngộ. Còn người theo đạo Phật là những người luôn luôn tỉnh thức để làm chủ lấy mình, không giao trọn số phận của mình cho sự định đoạt của một đấng quyền năng tuyệt đối nào cả. Người Phật tử trẻ phải là chiếc cầu tượng trưng nối giữa đạo và đời, giữa quý tăng ni và mọi người.
Muốn làm được điều đó người Phật tử trẻ phải làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình và cảm hóa được gia đình. Người Phật tử trẻ ngoài bổn phận của vị trí con người trong gia đình có khi là cha mẹ anh chị chồng vợ… thì phải thêm cái bổn phận của Phật tử nữa. Bổn phận cao cả nhất của người Phật tử là truyền bá Phật pháp cảm hóa gia đình để mỗi người trong gia đình biết Phật pháp, hiểu Phật pháp và hành theo Phật pháp. Khi đó gia đình đã thấm nhuần Phật pháp đã bát ngát mùi hương Hoa Đàm thì người Phật tử trẻ phải tiến them một bước nữa đi từ gia đình riêng đến gia đình chung, từ cá nhân đến xã hội.
Trong kinh luận đã không ít lần nhắc đến bổn phận phục vụ xã hội này. Kinh Hoa Nghiêm nói “xem tất cả đàn ông là cha, tất cả đàn bà là mẹ”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng dạy “xem người lớn như cha mẹ, xem người nhỏ như anh em, chị em mà sinh tâm tế độ”.
xem người lớn như cha mẹ, xem người nhỏ như anh em, chị em mà sinh tâm tế độ”. Nhưng bổn phận này được nhắc một cách thiết thực mà lý luận vững vàng nhất trong kinh Thiện Sinh và kinh Ưu Bà Tắc – đây chính là hai bộ kinh chỉ nam cho đời sống của người Phật tử tại gia. Hai kinh ấy đều nói: “Phía sau con người là cha mẹ, phía trước con người là vợ con, phía mặt con người là thầy bạn, phía trái con người là giúp đỡ, phía trên con người là Chư Tăng, phía dưới con người là bà con; đối lại, con người phải làm tròn bổn phận con người, làm chồng, vợ, học trò, ông chủ, hay người chịu ơn giáo hóa người đều là cùng một huyết thống”.
Từ kinh điển cho thấy đối với người Phật tử xã hội có vai trò quan trọng như thế nào. Theo lý duyên sinh vạn vật nương nhau mà có mặt. Nguyên ủy của một vật là vạn vật. Không bao giờ một nhân đưa tới một quả. Nhân quả là trùng trùng. Bởi thế con chó giữ nhà, con bò cày ruộng, cũng là sự tương quan sinh tồn của con người, hệ trọng như con người với con người vậy.
Cho nên người Phật tử trẻ hiện đại phải xác nhận một cách sâu sắc rằng trong lẽ tương quan sinh tồn ấy, xã hội là đại gia đình của mình, đời sống của mình là thừa hưởng trực hay gián tiếp của xã hội thì phải đem đời sống ấy mà trực hay gián tiếp giúp ích cho xã hội.
Muốn làm được việc đem Phật pháp tiếp cấn với những người trẻ, những bạn bè trong cuộc sống trong công ty trong những mối quan hệ xã hội để làm sao người trẻ không phải chỉ biết “vui nhà” mà còn biết “vui chùa” biết tu sửa bản thân mỗi người thì người Phật tử trẻ phải áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình. Đó là công việc căn bản vì Phật pháp gọi là còn không phải còn ở ngoài chúng ta mà phải ở chính trong con người.
Phật pháp muốn được duy trì thì phải phổ biến ra cho mọi tầng lớp và cho các thế hệ sau, muốn vậy quy tắc thân giáo là không thể thiếu được. Không có sự lợi tha nào đúng nghĩa mà thiếu tự lợi, tức là tự mình áp dụng Phật pháp trước hết; hay đổi lại cũng chẳng có một sự tự lợi nào đúng nghĩa của danh từ ấy mà không vì mục đích lợi tha, tức là vì lơi chung mà áp dụng Phật pháp.
Như vậy, dưới cái nhìn của một Phật tử trẻ ta thấy câu tục ngữ “trẻ vui nhà, già vui chùa” của ông bà ta khi xa đã phản ánh rất chính xác tình hình thực tế xã hội. Điều này rất phù hợp với tâm sinh lý hoàn cảnh của lớp trẻ cũng như người già. Khuynh hướng này là phổ biến và từ khuynh hướng này dẫn tới việc xem nhẹ vị trí người già trong gia đình, ngôi chùa trong tâm linh người dân Việt. Trong xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống dân tộc cao đẹp đang từng bước từng bước bị một nền văn hóa du nhập xa lạ xâm chiếm. Việc bảo tồn giữ gìn những nét đẹp “muôn đời với tổ tông” là cần thiết và người gánh lấy trách nhiệm này không ai khác là người Phật tử trẻ. Người Phật tử trẻ có đầy đủ những điều kiện để làm việc này vì có một nền tảng Phật pháp vững chắc, có kiến thức và tiếp cận được với cuộc sống hiện đại. Để làm được điều này người Phật tử trẻ phải biết phát huy Phật pháp bằng cách sống cuộc đời phạm hạnh, thông qua đó hoán cải gia đình rồi xã hội. Làm được điều này chính là phụng sự cho đạo pháp, dân tộc và cho hạnh phúc con người.
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN