CẢM NIỆM của Sa Môn Thích Trí Tịnh Viên Lương thôi đã thôi rồi Nước mây man mác một trời Bạch Liên Mới hay nẫu đoạn tình lien
CẢM NIỆM của Sa Môn Thích Trí Tịnh
Viên Lương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác một trời Bạch Liên
Mới hay nẫu đoạn tình lien
Quê xưa nay lại đứng lên hầu thầy
Cuộc đời hay dở dở hay
Tẻ vui cũng bởi lòng này mà ra
Kể từ cửa Phật lân la
Kệ kinh vui thú chiền già bấy lâu
Ai làm bãi bễ nương dâu
Nơi cùng Tương Vỹ nơi đầu Tương Giang
Nếp già gìn giữ kỷ cương
Thị phi là thói đời thường xưa nay
Tháng ngày niệm Phật ăn chay
Tử sinh rồi cũng có ngày tiêu giao
Nọ là tranh cạnh thấp cao
Kẻ kêu khuyết chí người gào thất thanh
Xem ai làm nhục làm vinh
Trăm năm một đám cỏ xanh rì rì
Sao bằng vui cõi viên kỳ
Dứt không tứ tướng xá gì nhị biên
Vui cùng thiện hữu Thánh hiền
Tắm ao bát đức dong thuyền từ bi
Chữ rằng sinh ký tứ quy
Sắc than để lại mang đi tinh thần
Châm ngôn gọi có mấy vần
Nam mô Pháp Giới Tạng Thân Di Đà
Lão Nạp Sa Môn Trí Tịnh
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NI SƯ VIÊN LƯƠNG
Trụ Trì Liên Hoa Tịnh Thất, Quận Bình Thạnh Tp Hồ chí Minh
Nam Mô Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng chư Thượng Toạ, Đại Đức Tăng
Ngưỡng bái bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư chư tôn Đại Đức Ni.
Kính thưa các vị lãnh đạo chính quyền các cấp sở tại.
Kính thưa quý Phật tử gần xa.
Hôm nay là ngày mồng 2 tháng 5 năm Giáp ngọ, chỉ còn vài tiếng nữa thôi là đến giây phút tiễn đưa nhục thân Ni Sư Huynh trưởng chúng con về Đài Hỏa táng Du sinh TP Đà Lạt. Trước giờ phút đau thương tiễn biệt này con xin thay vì toàn thể Ni chúng các chùa trong tông môn kính dâng lời tác bạch sơ lược tiểu sử của Cố Huynh trưởng chúng con.
Kính thưa chư Tôn Đức!
Con cắm lại một cành hoa tưởng nhớ, Một nén hương, xin cúi lạy ơn người.
Lòng tạc dạ ghi ân tình huynh trưởng, Chút hương lòng, con kính lạy Sư ơi!
Ni sư Thích nữ thượng VIÊN hạ LƯƠNG, thế danh Nguyễn Thị Diệu Quỳnh.
Sinh năm Ất Tỵ 1929 tại làng Hoàng Xá, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Ni Sư sinh trưởng trong 1 gia đình gia thế, quyền quý Tỉnh Hưng Yên Bắc Việt, có truyền thống Nho giáo, song có lòng tín ngưỡng Phật giáo rất sâu sắc. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Tỵ, vốn là quan tri huyện. và Thân Mẫu Cụ Bà Nguyễn Thị Đích.
Ni Sư là người con gái thứ nhì trong gia đình có 4 gái, 3 trai. Ngay từ nhỏ, Sư là người thông minh, nhanh nhẹn, quán xuyến công việc nhà đảm đang hoạt bát. Tínhtình hoà nhã, trầm tĩnh, đối xử với người trên kẻ dưới ai cũng thân thiện mến thương. Năm 1950 Bố Mẹ quyết định chuyển gia đình lên Hà Nội, để kiện toàn ăn học cho con, sư thời ấy một trong số nữ lưu hiếm hoi thời Pháp thuộc có bằng Diplôme, con gái đoan trang của viên quan tri huyện.
Năm 1954 thời kỳ Pháp thuộc chiến tranh bùng nổ ngày đất nước ngăn cách chia đôi, nên toàn gia quyến cùng chung số phận rời quê hương di cư vào Nam lập nghiệp, những năm tháng ấy là những giai đoạn khó khăn vất vả nhất. Bố mất sớm, Sư chăm sóc phụng dưỡng Mẹ hiền, cả dòng họ, xóm giềng ai cũng nức lời ngợi khen nhất mực thảo hiền. Cụ Bà sinh trưởng trong dòng dõi quyền quý cao sang, nên không quen lam lũ vất vả. Người chị cả lập gia đình ở riêng, các em thơ vẫn còn ăn học. Một tay sư bôn ba tần tảo nuôi cả gia đình đầy đủ ấm no, vất vả là thế nhưng sư vẫn kiên trì vượt khó, động viên tinh thần và ủng hộ vật chất để nuôi dưỡng đàn em nhỏ đỗ đạt thành tài, ba em trai thì một Bác sĩ, một Giáo Sư, một là công chức cao cấp ngành tài chánh kinh tế, hai em gái đều tốt nghiệp đại học và phục vụ trong ngành giáo dục, kỹ sư.
Cuộc đời Ni Sư là cả một bài học lớn về sự hy sinh, đức khiêm cung và nghị lực kiên cường vượt lên nghịch cảnh, vượt lên phong ba của các thời giao điểm chiến tranh, với đức tin sâu sắc vào Tam Bảo, Sư thường lui tới các chùa tìm hiểu Phật pháp. Thắng duyên hội ngộ Sư phát tâm quy y thọ trì ngũ giới với HT chùa Đại Giác nhận Pháp danh Viên Lương. Cho đến khi người em út lấy xong bằng Bác sĩ và lập gia đình, Sư biết rằng mình đã làm gần như xong bổn phận người con, người chị trong cương vị tại gia.
Năm 1967 khi tất cả các em đã yên bề gia thất, với biết bao tình cảm buộc ràng quý mến của người thân, nhưng niềm tin kiên cố với Phật Pháp, Sư quyết tâm cắt dây thân ái, thoát ly muộn phiền của cuộc đời thế sự. Nhân duyên cát tường hội đủ, hạnh ngộ bậc Minh sư là Ni Trưởng HẢI TRIỀU ÂM tiếp độ thế phát xuất gia, chính thức nhận làm đệ tử nhập chúng tu tập tại Tổ đình Linh Quang Phú an, Lâm đồng. Vui mừng với cuộc sống đạm bạc tương dưa, hòa nhập với nếp sống Lục hòa Tăng chúng. Thời điểm ấy tại Linh Quang Thầy phát nguyện nhập thất chuyên tu niệm Phật tương tục, nên chúng đệ tử bấy giờ dời ra ngôi Tịnh Thất Ni Liên, của cụ Sadini Thiện Minh đệ tử lớn của Thầy cung tiến.
Cuối năm 1973, vào thời Pháp nạn cuộc sống Tăng đoàn bất an, Sư theo Thầy cùng chúng lên tạm lánh nạn tại chùa Đức Hòa, đường Nguyễn Du - Đà lạt. Đầu năm 1975, chiến tranh lại bùng nổ khắp mọi miền đất nước, trong khi đại gia đình bắt buộc Sư di cư đi Mỹ, thì Sư vẫn cương quyết ở lại một lòng một dạ sắt son thờ Thầy phục vụ Đạo Pháp. Thời loạn ly bao cửa nhà tan nát, chốn cửa Thiền cũng cộng nghiệp ảnh hưởng chung. Một lần nữa Sư lại cùng Thầy khăn gói lên đường về Sài gòn di tản. Cư ngụ ở ngôi biệt thự của một Phật tử đường Hai Bà Trưng, Q1. Mặc cho thời chiến rối ren, đối với người đời lúc ấy đều lâm vào tình cảnh nhà tan cửa nát, nhưng với tinh thần bát phong suy bất động Thầy vẫn tiếp tục độ chúng xuất gia. Thầy một bề chuyên tâm dạy học nuôi dưỡng tinh thần cho Ni chúng, Ni sư lo đời sống vật chất của chức vụ đương gia, đệ tử đàn đầu gần 20 vị. Chắc hẳn trong quá khứ đã từng với Thầy phát nguyện trợ giáo hoằng dương, nên đời nay khi ở tại gia thì nuôi em thay mẹ, lúc ở Tăng già thì chăm sóc đàn em.
Sau ngày 30/4/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, rời ngôi biệt thự Hai Bà Trưng, Thầy trò dắt nhau về nương náu chùa Dược Sư Gia định. Gia đình Sư cô Diệu Huấn, ủy quyền cho Thầy ngôi Tịnh Thất Liên Hoa 466 Lê Quang Định. Đến đầu năm 1976 Thầy trở về Tổ đình Linh Quang, nhập thất an nhiên thanh tịnh, giao quyền trụ trì Liên Hoa lại cho Ni Sư thay Thầy tiếp chúng độ ni.
Kính Bạch chư Tôn đức! thưa quý liệt vị!
Nếu những ai đã từng sống qua hai thời đại, mới thấu hiểu vạn sự gian nan của công cuộc phục hưng đất nước! Đời sống trong chùa cũng muôn ngàn cay đắng, lúc giao thời, ai cũng sợ cũng lo, Phật tử hoang mang đời sống kinh tế khó khăn nên ít đến chùa cúng dường công quả. Thời ấy công hạnh Thầy lưu danh nên đồ chúng về xuất gia tu học rất đông, Người chị cả lại một mình trách nhiệm giúp Thầy ngoại giao, lo toan kinh tế. Chùa Liên Hoa bấy giờ nguồn kinh tế chính từ nghề thêu tay, dệt chiếu, xe cói bán nhang, cấy cầy làm ruộng ở Tân Hương Thiên Phước. Hòa quang đồng trần cùng với nhân dân lao động thủy lợi, đào kênh đắp đập. Bao nhiêu việc nặng nhọc chị đại lao tất cả để các em giữ giới vẹn toàn. Hình ảnh ấn tượng nhất của chúng em là vào những buổi trưa hè dưới cái nắng Sài Thành gay gắt, Sư một mình âm thầm vác chiếu cói ra chợ Gò Vấp chợ Xóm Chiếu gửi các gian hàng bỏ mối, lặng lẽ về đến chùa thì kẻng thức chúng nghỉ trưa. Các Trụ xứ Đại Ninh- Lâm đồng Thầy mở lớp học dạy chúng độ ni, Sư là người cần kiệm sao cho vừa nuôi chúng ở Sài gòn vừa tiếp tế gạo thóc thực phẩm lên Đại Ninh để Thầy an tâm dạy chúng,
Có những ngày Sư phải về nhà khất thực người chị ở Cư xá Đô thành vác lên cúng chúng từng bao gạo về Liên Hoa cho chư đệ đủ cơm độn khoai ăn học, chùa hết củi Sư kéo xe bò xin vỏ dừa phơi khô cho đàn em được giới phẩm trang nghiêm, chúng ăn ngọ mỗi ngày chỉ được ăn cơm độn vào bữa trưa, lúc nào Ni sư cũng nhường cơm cho các em phần ngon mình chỉ ăn cơm cháy. Chúng con lúc đó tuổi trẻ dại khờ không thể hiểu hết được những đắng cay Sư đang chịu đựng mà vẫn cứ an vui tu học, Ni Sư chẳng bao giờ mở lời than thở cho các em biết được cuộc sống khó khăn mà chỉ một bề nhu hòa nhẫn nhục.
Năm 1978 Hòa Thượng Đệ nhất Pháp Chủ vào Nam, Thầy lại từ Đại Ninh về Liên Hoa thường vào Vĩnh Nghiêm hầu Tổ, thương xót đệ tử bơ vơ Thầy mở lớp học Luật Tứ Phần, Lăng Nghiêm, Tứ Niệm xứ, bồi dưỡng kiến thức cho đệ tử chuyên vào sâu tri kiến Thánh Hiền, Ni chúng Sư Bà Phổ Đức từ Long an Mỹ Tho lên tu học nhập chúng gần trăm vị, Ni sư lại tiếp tục phát nguyện vì Thầy tiếp nối công hạnh vị tha.
Gia đình các em Sư ở bên Mỹ, thương chị mình vất vả khó khăn luôn trợ cấp cho Sư mọi vật dụng thuốc men kinh tế, không vì tư hữu bản thân Sư đều gom lại dâng Thầy chia đều bình đẳng cho huynh đệ. Ni sư không tích chứa vật gì ngoài 3 y, bình bát, 3 bộ đồ cũ kỹ tạm che thân. Biết bao công việc đối nội đối ngoại bận rộn là vậy, nhưng Sư chưa từng trễ nải công phu tu tập, ngoài thời gian tòng chúng, sư vẫn tranh thủ tụng thêm Địa Tạng Dược Sư ngày hai bộ, trì chú niệm Phật cầu siêu độ cho hương linh cửu huyền thất tổ.
Đối với trên Thầy một lòng kính phục, chăm sóc hầu hạ Thầy như Luật dạy không sai, chưa bao giờ Sư nghỉ trước Thầy, trước khi ngủ thường khoác áo tràng đứng ngoài cửa phòng lạy Thầy rồi mới về liêu. Buổi khuya thức chúng, việc trước tiên là lên lạy Phật sau lạy cửa phòng Thầy rồi mới lên chính điện theo chúng tụng công phu. Lúc thị giả hầu Thầy ở Linh Quang, Trời Phú An vào thời tiết đông giá lạnh, Thầy chuẩn bị đi ngủ Sư lấy mền quấn vào thân mình truyền hơi ấm để Thầy đắp chăn vào cho bớt lạnh. Trong đời sống mỗi khi thấy sắc mặt Thầy kém vui liền đắp y lạy Thầy xin sám hối, dù không biết nguyên nhân ai gây lỗi nhưng Sư vẫn là người thay các em luôn nhận tội trước Thầy. Hơn 40 năm trụ trì chỉ nằm trong một liêu nhỏ dưới gầm cầu thang nhà Tổ. Cần cù chan hòa tình thương Đại chúng, Từ mẫn ấm tình đạo vị Thiền gia. Cho đến những ngày cuối đời vẫn một lòng một dạ thiết tha, trên tôn kính Thầy, dưới bảo ban huynh đệ một cách vẹn toàn công viên quả mãn.
Cho đến sau khi Thầy viên tịch Ni Sư quyết định trở về chốn tổ Linh Quang nơi mà gần 50 năm về trước Ni Sư đã được chính tay Thầy thế phát xuất gia, với mong nguyện mỗi khi đàn em từ phương trở xa về Tổ đình sẽ thấy ấm lòng hơn, bớt lạnh lẽo hoang vu khi Thầy mãi không còn. Những tưởng Ni Sư sẽ trụ thế dài hơn nữa cho đàn em dại có chỗ tựa nương, nhưng sấm chớp giông bão vô thường ào ào ập tới, tàng đại thọ hiên ngang bật gốc ngả nghiêng - Ni Sư thọ bệnh hiểm nghèo. Trong suốt hơn một ngày thọ bệnh, thân thể đau đớn Ni Sư không một lời rên la, than thở, miệng vẫn niệm Phật duyên theo tiếng niệm của đại chúng. Mặc cho huynh đệ sợ hãi hối thúc đi viện, Ni Sư vẫn một bề bình tĩnh thản nhiên quyết định không đi, ở đây có Chúng hộ niệm, đợi Phật đến đón lúc nào thì đi lúc ấy, tinh thần vô úy nơi Ni Sư mãi khắc sâu trong lòng huynh đệ chúng con, ngay cả khi mạch đoản, hơi thở sắp ngừng, giọng Ni Sư vẫn tỉnh táo bình thản tự tại không hốt hoảng sợ hãi, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Toàn bộ năng lực của cả cuộc đời tu hành Ni Sư đã thể hiện rõ trong giây phút cuối của cuộc đời, như một món quà để lại sách tấn chúng huynh đệ nỗ lực tiến tu. Ngôn ngữ thế gian hạn hẹp quá không đủ để diễn tả được tình thương và đạo hạnh của người huynh trưởng khả kính của chúng con.
Ngưỡng bạch giác linh Ni Sư muôn vàn tôn quý!
Giông bão lớn nhất của cuộc đời ập đến với chúng con mới chưa đầy một năm, kể từ khi Thầy an nhiên thâu thần thị tịch, để mãi mãi trái tim nồng ấm thấm đậm tình yêu thương của Thầy không còn đập nữa chúng con mãi mãi mất Thầy. Ni Sư ơi! Nỗi đau lớn nhất của đời làm đệ tử khi mất bậc Thầy dẫn đạo, mất người che chở cho chúng con mỗi khi gió nghiệp bão chướng thổi về vẫn chưa hề nguôi ngoai, thì hôm nay đau thương lại ấp đến khi chúng con vĩnh viễn mất đi người huynh trưởng rất đỗi kính thương.
Thế là Chánh báo, Y báo nơi cõi ngũ trược Ni Sư đã an nhiên giũ sạch nhẹ nhàng, từ nay thọ thân ngũ sắc hào quang nơi miền tịnh độ, để tâm hồn tự tại ngao du, hưởng cảnh thật báo trang nghiêm vô biên quang sáng. Ni Sư ơi! Suốt 6 ngày từ khi Ni Sư viên tịch tiếng niệm Phật ngày đêm vang vang không ngớt, đưa Ni Sư về cảnh giới an lành.
Thưa Ni Sư ơi! Cây Bồ Đề năm xưa Ni Sư trồng cúng Thầy ở chốn tổ Linh Quang vẫn còn đây, cành lá xanh tốt sum suê còn Ni Sư thì đã đi xa, xa mãi không bao giờ trở lại. Đất Phú An mặt trời khuất núi, Huynh trưởng của chúng con quảy dép về Tây, để lại phương trời này đàn em thơ dại với biết bao nỗi kính tiếc mến thương. Chỉ còn vài phút nữa thôi, nhục thân Ni Sư sẽ hòa tan về tứ đại, chúng con không bao giờ còn được chiêm ngưỡng dung nghi của vị huynh trưởng ngời sáng đạo hạnh từ bi, nhưng tình thương, đạo hạnh những bài học về sự tinh tiến vô úy, và Đạo hạnh của Ni Sư sẽ mãi mãi in đậm trong tâm hồn huynh đệ chúng con. Giờ phút này đất Phú An cúi mình tiễn biệt đại chúng nhất tâm cung thỉnh Ni Sư lên xe hoa về quê hương cực lạc, thượng phẩm thượng sinh, cao đăng Phật quốc. Xin Ni Sư hãy chứng tâm cho tấc lòng tri ân của huynh đệ chúng con hôm nay. Nguyện cầu hằng sa kiếp thạch nhân duyên dù sinh ở nơi nào chúng ta mãi mãi là thiện hữu từ bi, bồ đề quyến thuộc là huynh đệ đồng Thầy, cùng chung sự giáo dưỡng hướng đạo của Thầy, đưa khắp muôn loài về cảnh giới an lành đồng sinh Tây Phương đồng thành Phật đạo.
Ngưỡng nguyện giác linh Ni Sư thùy từ chứng giám
Nam Mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật
BÌNH LUẬN