Trong đời sống tâm linh của người Việt, chùa là một địa danh rất linh thiêng và tôn kính. Người dân Việt đến chùa để tìm sự bình an, sự than...
Trong đời sống tâm linh của người Việt, chùa là một địa danh rất linh thiêng và tôn kính. Người dân Việt đến chùa để tìm sự bình an, sự thanh thản sau những giờ phút mệt nhoài bon chen với cuộc sống. Đi chùa đã trở thành một việc làm không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Với người Việt Nam, chùa không đơn thuần chỉ là nơi thờ các vị Phật mà còn là nơi thờ cúng những vị thần thánh trong truyền thuyết dân gian, những anh hùng trong lịch sử có công với đất nước, có ơn với nhân dân như: Thánh Gióng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Ngoài ra, chùa cũng được coi là nơi linh hồn người đã khuất an nghỉ, siêu thoát. Chính vì thế mà vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, người dân Việt Nam lại cùng nhau đến các đình chùa, miếu mạo dâng hương lễ Phật, bày tỏ sự thành kính trước các bậc thánh thần và ông bà tổ tiên. Khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa vào dịp này bỗng trở nên đông đúc, nghi ngút khói hương bởi những dòng người từ khắp các nơi tìm về.
Thế nhưng sự ô tạp lẫn lộn giữa linh thiêng và tư duy văn minh nửa vời đang dần đóng vào du lịch tâm linh những vết đinh phản cảm và nhức nhối. Nhiều người đến đền chùa cầu xin tài lộc, nhét tiền vào tay tượng Phật, dâng cúng gà lợn, sống chết sờ vào tượng cầu may... Tất cả đang biến nét đẹp văn hóa tâm linh này thành thú vui báng bổ.
"Văn minh" tiền lẻ
Cứ nhìn mà xem, dải dọc lối đi, trên đĩa hoa quả, trên hòn non bộ, dưới ao trong giếng, nơi đâu cũng vung vãi những tờ tiền lẻ cũ có mới có, nhàu nhĩ ẩm rách cũng có. Người ta đã hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng đến đền chùa cúng bái, cầu xin và để vào tay tượng Phật dăm ba đồng tiền lẻ là một cách hành lễ có trước có sau. Phật giáo coi trọng nhân-quả như một "định đề" cố tịnh, bất biến. Trong tâm linh nhà Phật , những tờ 'polime' chúng ta vẫn trao tay nhau mỗi ngày được gọi là "tiền đen", bởi vì nó không phải thước đo đánh giá mức thành tâm của một người tìm đến cửa chùa.
Những đồng tiền đó, có ai biết vòng quay nó sẽ thế nào không? Đây nhé, các phật tử địa phương là những người đi thu gom. Việc thu gom này cũng không dễ dàng gì, thậm chí hết sức vất vả đối với họ, bởi tốn quá nhiều thời gian để nhặt/vớt hết những đồng tiền vương bết trên cây hay lềnh phềnh dưới hồ. Rồi phải mời ngân hàng đến kiểm đếm. Sau khi kiểm đếm, ngân hàng phải phân loại tiền và qua một vài thủ tục, đồng tiền được quay lại lưu thông. Nhìn thấy một chu trình đồng tiền từ khi đưa vào đến lúc trở ra như vậy, có ai nhận ra nó đang chiếm mất nhiều sức lao động, thời gian của xã hội và làm lãng phí tài sản chung?
Nếu muốn đóng góp, mỗi chùa đã có các ban công đức. Nó sẽ đẹp hơn khi bạn trao lại đồng tiền của mình ở đây, vừa là trân quý công sức bản thân, vừa là tôn trọng nơi thờ tự.
"O ép" thần linh
Từ thái độ "phú quý sinh lễ nghĩa" mà chúng ta đang như thể o ép thần linh phải có những điều do người đời tự dựng lên. Tự dưng người ta đồn kháo nhau về chuyện chùa này cầu tài chùa kia giải hạn. Người ta đổ về chùa, khua chiêng múa mõ như một cái chợ.
Đi lễ chùa và rồi tôi thấy người ta chẳng hiểu gì cả. Họ không biết cách bày bàn thờ, không hiểu được ý nghĩa đồ thờ thiêng liêng và không có chỗ cho dục vọng. Vào nơi thanh tịnh là như tháo bỏ chiếc áo khoác tham sân si ngoài ngưỡng cửa, vậy sao còn cầu xin đủ mọi thứ công danh, tiền tài, như thể đang đặt cược với thần linh? Trong khi ai cũng nhận thức được những thứ mình gặt hái hôm nay là thành quả và hệ quả của quá trình tu luyện rèn rũa bản thân những tháng năm về trước, ai cũng quen miệng nói với nhau "âu là cái duyên cái số" mỗi ngày.
Ở một góc độ nào đó, việc người ta đổ xô đi chùa cũng phản ánh một phần thực trạng xã hội "phù du hóa". Tôi biết có anh cán bộ công chức, đi xe quan đến chùa, bên cạnh việc làm nhiệm vụ kiểm tra công tác xã hội, cũng bày tỏ sự tín ngưỡng "lệch lac" của mình bằng việc làm lễ này lễ kia mong thăng quan tiến chức.
Trong khi sự thực là, nếu có cầu xin, tôi nghĩ hãy chỉ nên cầu xin cho trí tuệ thông sáng, tâm can an lành. Mà muốn được vậy, tự mình trong cuộc sống cũng đã phải nỗ lực lắm lắm.
Ăn chay chỉ để... ăn
Chuyện này tôi thắc mắc đã lâu. Ngày lễ Tết đi chùa, tạm rời những bánh chưng mứt kẹo béo bổ, ta hay ghé một hàng cơm chay, ăn để thấm vào dạ cái mát mẻ của ẩm thực tâm linh. Nhưng vì sao món chay là đậu phụ rau xanh lại không được thanh đạm làm chính mình trên một mâm cơm, mà phải khoác áo con cá miếng sườn. Vì người ăn cần một hình hài ngon mắt và 'nhiều chất' hơn ư? Nếu nhìn miếng đậu phụ và tưởng tượng nó là con cá thì nghĩa là đã ăn con cá mà thôi, cái phản xạ có điều kiện của hệ tiêu hóa chỉ giúp cảm nhận được vị mặn mùi tanh chứ không thể nào ngọt bùi và nhẹ nhõm cả.
Dưới chân chùa Hương là một điển hình cho các hàng quán bán đồ chay 'trá hình' đồ thường. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu 'phật tử' du xuân, họ sẵn sàng treo bán những con chó thui mổ phanh, những chiếc đùi bê vàng cháy, những động vật rừng bị giết dã man. Mùi hương trầm quẩn từ lưng núi xuống, quện trong khung cảnh ấy, rất rùng rợn!
Cứ đi "Yên" mà không cần biết về "Tử"
Có một đặc điểm hầu hết đền chùa và thiền viện nói chung của Phật giáo, đó là nằm tách biệt trên các ngọn núi, lọt giữa rừng thẳm tĩnh mịch và hoang sơ. Đó là những vùng đất không khí thiêng lành, giao hòa trời đất, cách xa bụi trần thế tục. Việc người xưa trèo đèo lội suối đến với chùa chiền đã như cách vượt qua chính mình và những gian khó xung quanh để trút dỡ cái vị kỉ và ác độc, chỉ còn đôi chân của lòng thành kính tìm đến mà thôi.
Không nhận thức được điều ấy, khi tâm còn chưa trong, người ta cứ quyết đi cho thỏa sĩ diện của bản thân, cho ghi thêm 'mốc' vào kinh nghiệm hành trình của đời mình. Ví dụ như phóng xe máy hàng trăm cây số đến đỉnh thiêng Yên Tử chỉ để chụp một pô ảnh 'tự sướng' với cái tay đang sờ vào chuông đồng, nô đùa rượt đuổi nhau nên tự mang họa vào thân, bỏ mạng vì sẩy chân tai nạn. Đáng buồn thêm khi sau đó lại xây thành những chuyện đồn thổi mê tín dị đoan và đổ lỗi cho tâm linh, làm sai lệch cái nhìn với nơi họ tôn kính.
Sự mẫu mực và chính hạnh của Phật giáo là cái cốt yếu để nó tồn tại và trở thành tôn giáo tín ngưỡng được sùng bái nhất Việt Nam. Cuối năm đầu xuân đi chùa là nét đẹp du lịch tâm linh có từ nghìn năm, bởi vì nó thể hiện lòng thành và niềm tin của con người, tha thiết mong được ở lại cùng con người cho dù cuộc sống có đổi thay xoay vần sao chăng nữa. Nhưng nếu không hiểu biết triệt để, không tự dưỡng chữ "tâm", con người sẽ chỉ mang nỗi "no cơm ấm cật" của mình mà làm biến thái tâm linh, báng bổ Thần Phật.
(theo PNTD)
BÌNH LUẬN