Nếu được lãng du trên quê xứ sông Hằng thì việc khám phá thế giới nghệ thuật qua những điệu múa cổ điển quả thực không hiếm, nó như những dò...
Nếu được lãng du trên quê xứ sông Hằng thì việc khám phá thế giới nghệ thuật qua những điệu múa cổ điển quả thực không hiếm, nó như những dòng chảy bất tận tưới tắm xanh tươi theo từng thể điệu múa qua sân khấu, phim ảnh, ca nhạc, hoặc trong các sinh hoạt lễ hội dân gian ở khắp mọi nơi trên xứ sở sông Hằng.
Các nghệ sĩ múa Ấn Độ
Các loại hình nghệ thuật trên đất nước Ấn Độ vừa giàu có, vừa lại huyền nhiệm như các vị thần lung linh suốt lịch sử thăm thẳm những năm ngàn năm qua, mà dường như đỉnh cao của mọi đỉnh cao ấy là nghệ thuật múa cổ điển.
Ngày nay, các thể loại nghệ thuật múa cổ điển ấy, đã trở thành những sứ giả, để Ấn Độ đưa bàn tay thân thiện của mình bắt tay với toàn nhân loại. Mà cụ thể, đã có lần trên thành phố sông Hàn, tôi đã có dịp thưởng thức các nghệ sĩ Odissi Ấn Độ diễn dịch bằng một thứ ngôn ngữ múa đầy bí nhiệm, để từ đó tôi hiểu ra, vì sao thế giới nghệ thuật ấy được tụng xưng như truyền thuyết về một tình yêu không hồi kết thúc.
Bạn có thể ngồi suốt buổi mê say thưởng thức chỉ một điệu Kathak không thôi mà không hề có cảm giác chán nản một chút nào. Bởi thưởng thức múa cổ điển Ấn Độ, không chỉ bị cuốn hút theo cái nhãn quan đắm đuối mê ly của sự thăng hoa hoan lạc, mà ta còn nghe ra thơ, hiểu ra nhạc từ diễn dịch của ngôn ngữ múa huyền ảo. Cũng có thể bạn sẽ ngẩn ngơ như bị hút hồn bởi những tiếng gọi câm của hình thể, gợi mở ra những sử thi, những truyền thuyết, những câu chuyện tình yêu qua các điệu thức phức hợp uyển chuyển đến huyền hoặc. Và có thể còn xa hơn nữa, đấy là cả một thế giới mênh mang vũ điệu cổ điển Bharatanatyam, Kathakali, hay là Manipuri, Kuchipudi…
Những người bạn Ấn Độ nói với tôi rằng: Cổ nhất trong các điệu múa cổ mà người Ấn Độ ngợi ca, đó là điệu múa Odissi, nó đã xuất hiện từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Vũ điệu này có nguồn gốc từ bang Orissa ở miền Đông Ấn Độ, được lưu dấu khắc họa trong các công trình kiến trúc cổ ở các đền đài Hindu Brahmeswara và đền Konark ở Puri. Trữ tình, uyển chuyển, lãng mạn thanh thoát theo từng bước nhảy, gợi cảm trong từng ánh mắt, nhịp điệu biểu cảm theo từng đường cong cơ thể. Múa Odissi là biết làm cho cái đẹp đánh thức mọi niềm cảm xúc trỗi dậy.
Vâng, tôi không rõ lắm có phải vì thế mà nhà thơ Tagore đã từng ngợi ca “Mặt đất, dưới gót chân em, vang lên như một thụ cầm…”. Chỉ có điều, những gót chân nhẹ nhàng lướt đi như huyền thoại ấy, dặt dìu theo những thanh âm thụ cầm Hindustani, Carnatic cùng với bao loại nhạc cụ khác, đã có lần hội ngộ cùng tôi, không chỉ trên đất nước Ấn Độ xa xôi, mà ngay trên cả quê nhà của mình. Cái chủ đề múa đêm bên sông Hàn ấy, những nghệ sĩ Odissi Ấn Độ gọi tên là: “Khám phá những nhịp điệu Tagore”, chừng như đã khảm khắc vào tôi một thứ tình yêu miên man như được “nối vòng tay lớn”. Đến nỗi về sau này, có lần du lãm lang thang giữa mênh mông phố xá New Delhi, hay Kolkata, cho đến cả cao nguyên Dharamsala dưới chân Hy Mã Lạp Sơn , tôi có cảm giác như đi đâu cũng có bàn tay mầu nhiệm Odissi với “Nhịp điệu Tagore” dẫn đường!
Rabindranath Tagore là một thi sĩ, một triết gia - người con vĩ đại của đất nước Ấn Độ. Ông là nhà thơ châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (1913). Người ta biết đến Tagore trong triết học, thơ văn, hội họa, âm nhạc, viết kịch…, nhưng có lẽ, chính người Ấn Độ hiểu về thiên tài của mình rõ hơn bất cứ một dân tộc nào. Đoàn nghệ thuật truyền thống Odissi Ấn Độ, bằng nghệ thuật múa cổ điển của quê hương mình gần như đã minh họa cho ta hiểu về những ý nghĩa ấy.
Cũng có thể chính Tagore và triết lý khám phá ra những nhịp điệu, như là linh hồn dẫn dắt cho mọi tìm kiếm sáng tạo nghệ thuật trong loại hình múa cổ điển ấy. Không hề sôi động và rực rỡ đến chói ngời bởi âm thanh ánh sáng, không hình thức phục trang lấp lánh hay gợi cảm quyến rũ như múa hiện đại, mà là sâu lắng, nhẹ nhàng theo nhịp phách phức hợp mang âm hưởng của sự chuyển động trí tưởng tượng, gợi cho người xem cách giải mã những mật ngữ nên thơ mà nhịp điệu múa tạo ra.
Nhưng nào phải chỉ “Khám phá những nhịp điệu Tagore” không đâu, đoàn nghệ thuật Odissi Ấn Độ còn kể cho tất cả nghe một âm hưởng khác, đó là trình diễn tiết mục “Thakurbarir Shajposhk”. Một tiết mục múa minh họa giới thiệu về trang phục truyền thống của gia đình Rabindranath Tagore, tái hiện hình ảnh cảnh gia đình Tagore và bạn bè với trang phục tự thiết kế. Dưới ánh sáng thăm thẳm của sắc màu và huyền ảo của âm thanh, hình ảnh các vũ công dẫn dắt con người ta ngược dòng thời gian trở về thế kỷ XIX qua cách phục trang và trình diễn đầy biểu cảm.
Tôi nhớ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh đêm ấy tràn ngập tiếng vỗ tay khi những nhịp điệu Tagore mở ra một thế giới như là sự chuyển động từ khắp vũ trụ. Chừng như từng ánh mắt, từng chuyển động của các vũ công tạo ra những nhịp điệu biết đánh thức mọi cảm xúc người xem qua thanh âm lời thơ và ca khúc hòa quyện ngân nga làm say đắm trái tim con người.
Vâng, chính mọi trái tim sẽ là sự sống, sức sống thấu đạt cái lẽ vĩnh hằng sự trôi chảy của thời gian. Nhịp điệu hòa theo âm nhạc và vũ khúc, mỗi phân đoạn như là sự bóc tách từng lớp, từng mảng cấu trúc nhịp nhàng. Cứ lắng xuống từng phần như thế, từ phía khán giả, tiếng vỗ tay trỗi dậy rồi lại trầm xuống như dìu dặt khoan thai theo từng làn sóng cảm xúc khi thì òa vỡ lúc lại mênh mang sâu lắng.
Ấn Độ - đất nước của những điệu múa
Thú thật, thưởng thức múa cổ điển Ấn Độ, từ bấy lâu, tôi như đứa trẻ ham chơi lạc đường trong cánh rừng hoa thăm thẳm. Nói cánh rừng hoa là còn nói giới hạn, phải là đại ngàn hoa nối tiếp đại ngàn hoa. Tôi hiểu như thế này không rõ có đúng không, hình như cả đất nước mênh mông Ấn Độ, hầu hết tất cả phụ nữ từ trẻ đến già đều biết múa. Nói đúng hơn, họ đã biết múa từ đâu thuở còn trong thai mẹ, để đến khi sinh nở ra, vừa chập chững bước đi là đã biết Odissi rồi. Có vẻ gì đấy khá tương đồng với các dân tộc vùng cao ở các miền Tây Bắc, Đông Bắc đất nước ta. Con gái khắp các thôn bản từ núi cao đến lũng thấp, nơi nào cũng biết múa. Sinh ra, lũn cũn lên nương là đã biết múa rồi, chả cần trường lớp nghệ thuật cao siêu nào hết. Mà nếu có trường lớp chăng đi nữa, thì đấy là những bước nối tiếp mang dáng dấp hiện đại, nó rực rỡ màu sắc hơn thực đấy, nhưng dường như cái thần cái hồn bị vơi đi, thậm chí còn có thể mất đi.
Ở đất nước Ấn Độ thì Bắc Ấn, Trung Ấn, Nam Ấn… bước vào bất cứ nơi nào trong các lễ hội hầu như người ta cũng đều gặp múa và múa. Liệu hiểu ra như thế này tôi cuồng tín hay cường điệu lắm không, hình như trên xứ sở sông Hằng, múa là một triết lý diễn dịch cho con người hiểu ra một thứ mật ngữ, rằng sự im lặng (hay là tiếng gọi câm) là tột đỉnh của mọi âm thanh. Đấy cũng là loại hình nghệ thuật sáng tạo nên một thứ mật ngôn truyền đời này qua đời khác trong vô thức cả cộng đồng dân tộc. Thế mới hiểu sức sống của nghệ thuật, của cái đẹp, mà lại là nghệ thuật múa cổ điển từ quê hương Tagore, như lời thi sĩ đã từng gieo rắc vào trái tim nhân loại: “Âm nhạc và các vũ điệu là ngôn ngữ chung của loài người”.
Nguyễn Nhã Tiên
(Theo GNO)
BÌNH LUẬN