Kính thưa quý anh chị, cùng các em thân mến. Nói đến Tết Nguyên Đán Việt Nam là đang nói đến cả một pho huyền sử trườn...
Kính thưa quý anh chị,
cùng các em thân mến.
Nói đến Tết Nguyên Đán Việt Nam là đang nói đến cả một pho huyền sử trường kỳ của hơn 4000 năm văn hiến Việt Nam. Nền văn hóa Việt tuy mang dáng dấp chung của Á Châu cổ kính; của Đông phương huyền bí nhưng khi biểu hiện ra thì sẽ có những đặc tính rất riêng không thể nhầm lẫn vào đâu được.
Lửa bếp hồng, khói lam chiều… là những hình ảnh rất thân quen của những làng quê Việt Nam. Người Việt Nam rất coi trọng lửa bếp. Trong nhà mà giữ cho ngọn lửa bếp cháy đều phục vụ cho những bữa cơm là điềm gia đình ấm no, hạnh phúc. Chúng ta hãy quan sát một ngôi nhà lạnh tanh, ẩm mốc rêu phong, bụi bám, nhện giăng vì không có sự hiện diện thường xuyên của ngọn lửa bếp truyền tỏa sức ấm trong gia đình thì sẽ thấy tinh thần hiếu khách, sự nồng nhiệt và tiếng cười… cũng vắng theo. Cho nên người Việt rất quan trọng cách đặt bếp, hướng bếp và tục thờ ông Táo cũng bắt nguồn từ đây. Phần đông, nhà nông sống trong những ngôi nhà mái tranh, vách lá nếu không quan trọng việc an trí bếp lò đúng chỗ và tôn trọng táo quân thì chỉ cần phút giây lơ đễnh, không chú tâm khi nổi lửa sẽ gây hỏa hoạn như chơi. Táo quân là những vị thần, nhưng là một phần của thần thức, ý thức của những người canh giữ lửa củi biết cách nào để giữ được ngọn lửa bếp nồng tạo những bữa ăn ngon, tạo sự ấm êm trong nhà.
Quý anh chị hãy xem đêm nay trong lửa trại này, chính anh quản lửa mới giống một vị Táo quân chính hiệu! Từ lúc nhận được vị trí đốt lửa trại anh ta phải biết xếp tạo hình củi sao cho hợp với số lượng người tham gia; hoàn cảnh chung quanh là rừng cây, dưới đất đầy lá khô có dễ bắt lửa hay không! Anh ta vừa chuẩn bị vật liệu đốt lửa, tạo âm thanh nổ tre, nổ muối; tạo màu xanh, màu dỏ, khói trắng, khói đen… nhưng cấp thiết là cụ bị cả những vật liệu để chữa lửa phòng khi gió mạnh tàn lửa bay tứ tung. Các anh chị xem những mái nhà lá dừa khô kia sẽ ra sao khi gió cuốn một đóm lửa nhỏ bay lên đó! Vai trò quản lửa không những tạo ra những ngọn lửa reo vui hay trầm lắng như ý mình theo hoạt động lửa trại mà còn biết kiềm chế hay dập tắt khi ngọn lửa dục động tác hại: “ Một đóm lửa sân có thể thiêu rụi cả rừng công đức” là ý này.
Cũng từ ý nghĩa của bếp lửa người Việt chúng ta rất yêu quí bếp lửa hồng cháy suốt đêm ngày để nấu bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh gai để làm quà, lễ kính, và dự trữ lương thực ăn trong mấy ngày tết. Cả gia đình, họ hàng, chòm xóm tụ hội với nhau vào những ngày cuối năm; Lá dong, lá chuối, lạt tre, thớt lớn, thau nếp, thịt mỡ, nhân đâu, nhân chuối, nhân dừa đầy một nhà như mở hội, tiếng kêu ơi ới, chuyện vãn râm ran, mấy bà mấy bác ngồi bệt xuống sàn mà gói bánh. Đêm về ngồi quanh bếp lửa hồng các ông nâng tách trà kể lại những chuyện xuân qua…. Ai đã trải qua những thời thanh xuân tại quê nhà, đi xa rồi đều mang cái dáng dấp quê hương của những ngày cận tết, ngày tết đi theo. Có một bài ca rất gần gũi với bao thế hệ dù đã gần nửa thế kỷ vẫn còn khắc họa được bức tranh xuân, lửa bếp nồng của quê hương:
“ Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui. Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào…”
Hiện nay tại các thành phố, thị xã nấu bánh chưng đã thành một công nghệ cung cấp đại trà nên hình ảnh nấu bánh chưng dần giảm bớt đi, có điều vì chạy theo lợi nhuận và cung cấp số lượng lớn cho thị dân nên chất lượng bánh chưng, bánh tét rất kém, dễ thiu, mau hư. Nào chúng ta hãy bước ra khỏi thành phố hơi xa một chút là vẫn còn nhìn thấy ruộng đồng bao la, làng quê rộng lớn, nhà nông chân lấm tay bùn còn nhiều nên những hình ảnh thân quen của khói lam chiều, lửa bếp hồng vẫn còn đó, vẫn chung thủy với quê hương như ngàn năm trước với một tấm lòng rất đơn giản không có giàu ý nghĩa để diễn tả bằng lời.
Nói đến Tết Việt Nam, chúng ta lòng bồi hồi nhớ đến mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh, trang sử kiêu hùng với cuộc tiến binh thần tốc hi hữu dân tộc. Lợi dụng lúc quận đội Mãn Thanh say men chiến thắng ăn Tết âm lịch không phòng bị. Ngày 20 tháng chạp năm Mậu thân - 1788 vua Quang Trung lệnh cho toàn quân ăn tết trước 5 ngày tại Tam Điệp, Ninh Bình trước khi thủy, lục đại quân cùng tiến đẩy lùi hơn 20 vạn quân Mãn Thanh do tướng Tôn Sĩ Nghị làm nguyên soái đang xâm lăng Bắc Việt Nam. Trong cuộc hành quân thần tốc ngày đêm không nghỉ đã dạy cho đời trại mạc chúng ta nhiều bài học, trong đó có cách nhóm 3 người chia nhau, thay phiên nhau 2 người khiêng cáng võng một người ngủ. Chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh bằng hàng loạt trận đánh tập kích, mai phục, thần tốc và chớp nhoáng mà trận Hà Hồi - Ngọc Hồi - Đống Đa là tiêu biểu. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Vua Quang Trung vào thành giữa muôn tiến reo hò trong khi "áo ngự bào bị thuốc súng bám vào đen như mực". Nhân dự ngày hội tế chiến sĩ trận vong mồng 5 tết, tôi đã thấy ban tổ chức cúng cả mấy trăm đòn bánh tét nho nhỏ, hỏi ra mới biết đây là lương thực sau khi ăn tết sớm mà quân Tây Sơn mang theo suốt 6 ngày đêm phá tan 29 vạn quân Thanh.
Anh chị em thân mến.
Đêm nay se lạnh, tiết trời đang vào xuân. Ngồi quanh bếp lửa tàn này mà gợi nhớ đến bếp lửa đêm xuân của ngàn năm, trăm năm và hạnh phúc trong những thời kỳ vàng son Trung Hiếu-Tiết Nghĩa đã qua cùng tương lai dân Tộc, quê hương.
Đức Quảng
BÌNH LUẬN