Khi hay tin thầy Thích tịch, tôi thấy hơi chạnh lòng vì cuộc sống quá ư lặng lẽ của thầy khi so sánh với người huynh đệ ruột thịt quá ư nổ...
Khi hay tin thầy Thích tịch, tôi thấy hơi chạnh lòng vì cuộc sống quá ư lặng lẽ của thầy khi so sánh với người huynh đệ ruột thịt quá ư nổi tiếng của mình - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Tôi thầm nghĩ tang lễ của thầy chắc cũng “âm thầm” ít người đưa tiễn như cuộc sống giản dị của thầy. Nhưng chiều nay, trước linh cữu thầy, tôi đã nghe thấy một mùi hương ngào ngạt từ những tràng hoa viếng tang đặt đầy hết lối vào. Vậy là thầy đã không bị quên lãng!
Nhớ hồi nhỏ tôi đã thấy thầy hay đạp xe ngang nhà tôi hoài. Hồi đó thầy mặc độc chiếc áo tơi như tấm vải mùng nên tôi cứ nghĩ thầy là người nghèo, người ăn xin. Sau này khi đến với GĐPT đi sinh hoạt mỗi chiều chủ nhật, tôi mới biết thầy là sư tu trong chùa gần nhà tôi. Sau bao nhiêu năm, “thời trang” của thầy vẫn không đổi, vẫn chiếc áo tơi màu trắng đó, thầy đã “rong ruổi” khắp nơi. Tôi không biết thầy đi đâu nhưng chiều nào thầy cũng đi về ngang nhà tôi, tuổi thơ tôi lớn lên cùng hình bóng của thầy trên con đường trước nhà. Lớn lên mỗi khi nhìn thấy thầy, lòng tôi lại nổi lên cảm xúc quen thuộc lạ kỳ. Sau này tôi mới biết thầy là anh ruột của Thiền sư Nhất Hạnh, vị Thiền sư tôi nổi tiếng khắp thế giới mà tôi rất ngưỡng mộ.
Mãi sau này, khi tuổi thơ đã qua đi, thầy cũng ít đi ngang nhà tôi nữa, tôi mới biết thầy già yếu đi nhiều nên không còn đi lại được nữa. Xóm Phú Bình đã vắng bóng thiền nhân…
Thầy mất…
Ai hay cái gì nhìn đã quen mắt giờ tự dưng không còn nữa, một kẻ nhạy cảm như tôi bỗng thấy chạnh lòng. Sáng nay, dõi nhìn theo chiếc xe quan chở thầy ra nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa mà lòng tôi dâng lên một nỗi niềm khó tả. Thầy không có bà con gì với tôi hết, hình như thậm chí tôi chưa nói chuyện được mười câu với thầy, cớ sao tôi lại thấy không vui đến thế? Nhớ những ngày lũ nhỏ chúng tôi học Phật pháp, thầy hay đem trái cây, trà bánh ra “tiếp tế”. Đang học đói bụng mà có đồ ăn là thích lắm, nên chúng tôi khoái chí lắm. Hồi thầy còn mạnh hình như buổi nào học cũng được có cái gì đó để ăn. Rồi chúng tôi học hết bậc, lớp anh chị Huynh Trưởng phần đi nước ngoài, phần đi làm xa, chúng tôi đi học với các anh chị ở chùa khác nên không còn ngồi ở cái giảng đường ọp ẹp nhiều muỗi và không đủ sáng đó nữa. Từ đó, chúng tôi cũng xa thầy, xa luôn cả bánh trái của thầy.
Bây giờ, thầy nằm đó, trong kim quan có hương hoa lan, hoa lài ngào ngạt. Khi chiếc xe lăn bánh đi trên đoạn đường rải đầy hoa đưa tiễn, tôi tưởng như thầy bước trên đường hoa đến cõi niết bàn. Cửa xe đóng lại, hai cánh cổng nhỏ trên xe tạo thành chữ “phúc”; thầy đủ “phúc” nên thầy rũ bỏ gánh nặng cuộc đời, thầy đi. Tôi thấy trên di ảnh thầy một nụ cười thanh thản thiền vị.
Tang lễ của thầy không ồn ào mà ấm cúng giản dị như đúng con người thầy. Không có khóc lóc, không có thảm thương mà chỉ có nhang khói quyện trong bóng y vàng rực rỡ, tôi đã bị choáng ngợp bởi cái màu y vàng thật đẹp, thật trang nghiêm đó. Không gian tĩnh lặng và trầm lắng trong tiếng chuông trống bát nhã âm âm.
Tiếng chuông trống bát nhã lần cuối cùng thầy nghe có hay không? Con thì nghe hay lắm, con thấy không có âm nhạc nào hay bằng tiếng chuông trống bát nhã cả. Thật kỳ lạ, khi thầy “đi” rồi, con lại có ý định muốn nói chuyện với thầy. Nhớ có lần thầy la mấy Oanh Vũ không được đi dép lên sân trước chánh điện, con vội vàng nhắc nhở các em nhưng thầm nghĩ sao thầy “dữ” quá. Lúc đó, con mới làm Huynh Trưởng nên cũng sợ lắm, sau này không dám cho các em ra chánh điện nữa. Như vậy có phải là một cuộc trò chuyện không, thưa thầy?
Mấy năm gần đây tôi mất nhiều người thân, nên cũng “ngộ” ra nhiều điều từ cuộc sống. Nghe được tin báo tử, cầm được tấm thiệp hồng tôi vẫn thường hay hát ngêu ngao “đời người như án mây trôi, phiêu bồng vô định có rồi lại không, đã sinh ra chốn hồng trần, mấy ai tránh khỏi đôi lần tử sinh…”. Biết là thế nhưng nghe tin thầy tịch lòng tôi tự nhiên nghẹn ngào xúc động, bóng thiền nhân quen thuộc của gia đình tôi, của má tôi, của chị tôi, đã không còn nữa.
Đến tiễn đưa thầy nhiều người mới thật sự khẳng định và giải tỏa mối nghi ngờ trong lòng, thầy chính thật đúng là anh ruột của Thiền sư Nhất Hạnh. Đạo tràng Mai thôn có gởi liễn chia buồn với phong cách thư pháp đặc trưng. Có những chuyện “chết mới biết” chắc chắn! Nói như vậy vì đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người hoài nghi cái sự thật hiển nhiên này. Làm sao mà tin được vì Thiền sư Nhất Hạnh và thầy Thích của tôi khác nhau xa quá? Làm bà con sao, vẻ mặt có giống nhau nhưng người giống người cũng là chuyện thường mà.
Vậy là hết nghi rồi nhé, thầy Thích của tôi đã trả lời rồi đó bằng một sự kiện vô thường. Thật ra thầy cũng không phải cố ý trả lời hay giải thích thầy chỉ đơn giản sống cuộc sống của thầy giản dị thanh bần. Chính cuộc sống thân giáo giản dị thanh bần đó đã khiến cho nhiều Phật tử chùa Hưng Long (nay là chùa Hưng Quốc) trong đó có tôi rớt nước mắt tiễn đưa thầy.
Thầy trong thả thảnh thơi bước đi trong một ngày nắng đẹp có mưa hoa, có tiếng kệ lời kinh và dòng người đưa tiễn.
Thiền nhân nay đã “về trời phương ngoại” như tấm liễn đạo tràng Mai hôn đã thành kính tiễn đưa. Gia Đình Phật Tử, những Người Áo Lam chúng con cũng vậy, xin cung kính tiễn đưa thầy.
Ngày nắng tháng tư năm Bính Thân
Phước Định
BÌNH LUẬN