Chùa Hưng Quốc trước giải phóng có tên là Hưng Long, sau giải phóng có tên là Hưng Quốc, hiện tên Hưng Long còn lưu lại trên cái lư hương đ...
Chùa Hưng Quốc trước giải phóng có tên là Hưng Long, sau giải phóng có tên là Hưng Quốc, hiện tên Hưng Long còn lưu lại trên cái lư hương đặt trước bệ cá thờ Quan Thế Âm Bồ Tát ở sân chùa. Chùa được xây dựng từ năm nào tôi chẳng rõ, chỉ biết rằng khi tôi được sinh ra thì đã thấy có chùa rồi và chùa tên là Hưng Quốc. Chùa nằm ngay cuối một con hẻm nhưng cũng là bắt đầu của một con hẻm khác (ở bên trái). Ngay trước chùa, một bên là nhà dân, một bên là trường học. Nghe nói trước đây, đất chùa rộng lắm, rộng đến chỗ nhà tôi đang ở, có nghĩa là rộng đến mặt tiền đường Lạc Long Quân- gần ra ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân luôn chứ không ở trong hẻm như bây giờ. Trước đây khu đất đó là gò mả, chính điện chùa ở phía trong khu đất, tôi ngờ là khi người ta “dọn” nghĩa địa hoặc chùa để đất cho dân ở (sau giải phóng) nên chùa chỉ còn khoảng sân nhỏ trước chánh điện và hồ cá hình vuông, trên hồ cá là đại hồng chung của chùa; và có hai nhà quàng để gia đình nào có tang chế mà không có chỗ để thì thầy cho để ở chùa.
Chùa có hai khu nhà ăn, một là phía trước bên trái chánh điện, sát bên nhà bếp; hai là phía sau bên phải chánh điện, đó cũng là nơi sinh hoạt của Gia đình Phật tử mỗi chiều chủ nhật. Ngay bên phải chánh điện là hồ nước hình vuông khá to dùng để thả hoa đăng mỗi dịp lễ lớn và là nơi tôn tượng đức Di Lạc đứng mỉm cười nhìn Phật tử bốn phương đến chiêm bái.
Hồi tôi còn nhỏ, cả khu vực đó là ruộng lúa, thầy còn trồng lúa và hoa màu cùng một vài cây ăn trái. Tôi còn nhớ cuộc trại đầu tiên của Gia đình tôi là ở mảnh đất đó, mảnh đất có thể đóng cọc, dựng lều và đốt lửa trại. Có lẽ, bác gia trưởng bấy giờ đã xin thầy trụ trì và thầy có lẽ cũng đã rất hoan hỷ cho Gia đình Phật tử cắm trại trên mảnh đất dùng để trồng trọt (làm huê lợi) của chùa. Bây giờ thì mảnh đất đó đã có chức năng mới dùng để thờ phượng và thả hoa đăng như tôi đã kể ở trên và một phần của nó là vị trí xây tháp của thầy trụ trì năm nào.
Vài năm sau khi thầy mất, thầy trụ trì mới đã khoác chiếc áo mới cho ngôi chùa cũ. Tôi không biết thầy có ý định đó không nhưng vài năm sau, tôi thấy chùa có đại hồng chung với bốn câu kệ thỉnh chuông rất hay, rồi một tôn tượng đức Thích Ca rất lớn uy nghi ngự trước cổng chính dẫn vào chánh điện. Tôi nghe nói là của một Phật tử cúng dường. Chùa ngày càng có nhiều cái mới, các tượng Phật như sáng hơn. Sân chùa được lát gạch Tàu trơn láng hơn, không còn gồ ghề như nền gạch cũ, nghe đâu cũng do một Phật tử cúng dường. Tôi thấy mừng cho chùa mình ngày càng có nhiều người biết đến, nhiều người biết đi chùa cũng là một điều tốt cho cái khu phố nhỏ của tôi. Sở dĩ, tôi có tình cảm đặc biệt và “biết” chùa Hưng Quốc nhiều hơn các chùa khác là vì nhà tôi ở gần chùa và tôi đã có hơn hai mươi năm sinh hoạt Gia đình Phật tử ở đó.
Tính ra cũng đã vài tháng tôi rời chùa, rời Gia đình Phật tử để về quê hương thứ hai sinh sống, cái không gian ở cách nửa vòng trái đất ở đây rất yên tĩnh, giống như ở chùa hơn ở chợ (chắc là vì “giống” quá nên tôi mới ngồi đây gõ những dòng này về chùa của mình!). Chùa tôi có thay đổi về cảnh vật nhưng “thiền cảnh” thì vẫn vậy. Một “lợi thế” của chùa trong hẻm. Cái sự yên tĩnh thì ở đâu cũng giống nhau. Quê hương thứ hai của tôi có ít chùa, công đồng người Việt Nam cũng ít, nhưng không có nghĩa là không có những thanh niên da trắng. mắt xanh học thiền và nghiên cứu Phật học một cách rất nghiêm chỉnh. Có những vị cũng đi theo bước Như Lai, “đầu tròn, áo vuông”, như thầy tri khách người Đức tôi gặp trong một lần viếng chùa Phật Huệ nhân chuyến công tác ở Frankfurt.
“…Đây Hưng Quốc nơi rợp bóng bồ đề chở che,
Cho hoa lam nở tỏa ngát hương Bi – Trí – Hùng…” (*)
Mái chùa Hưng Quốc đã có thể nói là cưu mang gia đình Phật tử chúng tôi rất nhiều. Chùa tôi không to rộng như chùa Vĩnh Nghiêm, không có tháp bảy tầng cao như chùa Giác Lâm, không ngay mặt tiền đường nhộn nhịp như Việt Nam Quốc Tự, nhưng có khoảng xanh của cỏ cây hoa trái với cội bồ đề ngay sau cổng chùa; cây mít, cây sa la ngay bên hông chùa. Ngày tết, vào chùa như thấy một vườn hoa. Thấy Phật tử nào hơi ho ho, thầy bảo đến lấy lá cây gì đó (tôi quên tên rồi) về nhai đi. Chùa tôi, có những cái rất “cây nhà lá vườn” như thế bên cạnh “thiền môn thanh tịnh”. Một nơi gặp gỡ giữa đạo và đời, thật may mắn cho Gia đình Phật tử chúng tôi được sinh hoạt ở một nơi như thế.
Cứ đi qua khỏi ngã tư Lạc Long Quân – Âu Cơ hướng về phía công viên Đầm Sen, nhìn bên phải, bạn sẽ thấy con hẻm quẹo vào chùa. Người áo lam nào có dịp ghé qua, xin đem giùm bài thơ tôi gửi tặng chùa:
HƯNG là hưng thịnh thái bình
QUỐC thời đất nước dáng hình Việt Nam
TỰ thành dưới ánh hào quang Phật đà
Ashburn, một chiều tĩnh lặng
_(())_ Diệu Hoàng
(*) Trích bài hát Thiện Hoa Hành Khúc – Lời: A. Quảng Châu – Nguyễn Hữu Quốc + Nhạc: A. Đức Quảng – Nguyễn Hoàng Phụng
BÌNH LUẬN