Chùa Phổ Quang, những ngày đầu tháng 11, không khí lễ hội với những gian hàng ẩm thực, triển lãm tranh ảnh, thành tựu của 35 năm. Cũng có ...
Chùa Phổ Quang, những ngày đầu tháng 11, không khí lễ hội với những gian hàng ẩm thực, triển lãm tranh ảnh, thành tựu của 35 năm. Cũng có những gian hàng với mùi trầm hương tinh khiết, “nhang sạch” không ô nhiễm môi trường, kinh sách từng bộ dày hàng trăm trang in ấn đẹp đẽ đặt trên kệ. Dòng người cứ tiếp tục qua lại, xem xem rồi lại đi, người xem thì nhiều, người mua thì không được mấy ai.
Ở một góc nhỏ, một cô bé chừng 9 – 10 tuổi ngồi bệt xuống đất với cuốn truyện tranh trên tay. Em là vị khách hàng duy nhất thực sự quan tâm đến một món hàng tại hội chợ này. Cuốn sách đã lật được hơn 2/3, bà mẹ đứng kế bên dường như đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi, bắt đầu thúc giục cô bé trả lại sách cho gian hàng và đi tiếp. “Con muốn đọc hết truyện này” – bà mẹ giành lấy cuốn sách và lật mặt sau… liếc mắt nhìn… 30.000 VND… bà mẹ để cuốn sách vào chồng và dẫn cô bé đi… Một chút nuối tiếc trên khuôn mặt ngây thơ…
Chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ bị hút mắt bởi những cuốn truyện tranh. Thử thả 1 đứa bé vào nhà sách xem chúng sẽ đi đến đâu.
Nhưng truyện tranh Phật giáo chưa thật sự được những người có trách nhiệm quan tâm đúng mức, họ quên mất rằng những mầm non hôm nay, là những Phật tử thuần thành của mai sau. Nếu lứa tuổi thiếu nhi này, không được tiếp xúc với Phật giáo qua những cuốn truyện tranh, thì tương lai, liệu chúng có mua những cuốn kinh in ấn đẹp đẽ kia về đọc không. Nhưng với giá 1 cuốn truyện tranh 30K hiện nay, có bao nhiêu phụ huynh dám mua cuốn truyện tranh “Đức Phật Thích Ca Từ Sơ Sanh Đến Xuất Gia” cho con em mình đọc.
Viết cho một công việc còn dang dở, và vẫn cứ suy nghĩ về vấn đề bản quyền…
Nguyễn Vũ Hoàng Cương
BÌNH LUẬN