Có nhiều người trong cuộc đời, vừa gặp mình đã thấy thương liền, vì sao? Vì trong nhiều kiếp, họ có thể đã là bà con thân quyến của mình, từ...
Có nhiều người trong cuộc đời, vừa gặp mình đã thấy thương liền, vì sao? Vì trong nhiều kiếp, họ có thể đã là bà con thân quyến của mình, từng là cha là mẹ của mình.
Chính thế nên trong Kinh Báo Hiếu, ngài A Nan đã ngạc nhiên khi thấy Đức Bụt quỳ lạy đống xương khô. Không ai hiểu vì sao một người tôn quý như ngài lại làm như vậy. Ngài nói: đống xương khô này, trong nhiều kiếp đã từng là cha là mẹ ngài. Nước mắt và sữa của họ dành cho con cái nhiều đến mức nước biển ở 4 biển cộng lại cũng không đủ...!
Chính vì thế, người xuất gia trước khi đi tu thường phải lạy tạ ân cha mẹ, sau khi xuất gia đồng nghĩa với việc tham dự vào dòng chảy của các bậc thánh hiền rồi thì họ phải tập nhìn cha mẹ ruột cũng chỉ là một biểu hiện của những nhân quả trong quá khứ và cố gắng cắt đứt sợi dây ân ái để đoạn tuyệt sinh tử. Cho nên mới có câu:
" Hủy hình phi pháp phục
Cát ái, từ sở thân
Xuất gia hành Phật đạo
Nguyện độ nhất thiết nhânBỏ cái đẹp trần thế
Cắt đứt dây ái ân
Xuất gia mặc áo pháp
Từ giã những người thân
Đi trên đường của Bụt
Nguyện độ hết xa gần"
Từ sở thân là từ giã những người thân của mình, trong đó có cha mẹ, anh chị và em mình. Tại sao mình phải xa cha, xa mẹ, xa anh, xa em mà đi tu? Đó là tại vì mình có chí nguyện lớn. Những người đi làm cách mạng cũng chỉ làm như vậy mà thôi, nghĩa là cũng phải cát ái từ sở thân. Người đi tu đích thực là một nhà cách mạng. Người đi tu có một hoài bão lớn. Vì vậy cho nên người ấy có đủ năng lượng để chặt đứt sợi dây tình ái.
Xuất gia hành Phật đạo là ra khỏi cái nếp sống gia đình để đi trên con đường của Bụt. Nguyện độ nhất thiết nhân là thề nguyền thương yêu và độ thoát cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ lo cho hạnh phúc một người. Khi đi lấy chồng hay là đi cưới vợ, người ta chỉ nguyện làm hạnh phúc cho một người, và mai này cho ba bốn người là nhiều, nhưng chưa chắc gì người ta đã làm được. Trong cuộc nhân sinh này, lắm khi sống với nhau chỉ có hai ba người mà người ta cũng tạo ra địa ngục cho nhau.
Người xuất gia phải hết lòng trân quý tự do của mình. Nếu vướng vào vòng tình lụy, nếu đánh mất tự do của mình rồi thì người xuất gia đâu còn làm hạnh phúc cho ai được? Biết bao là hệ lụy, chìm đắm và khổ đau. Vì thấy được điều đó nên ta xót thương. Vì muốn có khả năng cứu vớt họ cho nên ta đã đi xuất gia. Ta thấy cái khổ tràn ngập quanh ta. Ta không muốn đi vào trong những nẻo đường tăm tối đó. Ta muốn đi tìm một con đường sáng, muốn tìm cách cởi trói cho ta và sau đó đi vào trong nhân gian để cứu giúp độ thoát cho người. Ước muốn này là Tâm Bồ Đề, là nguồn năng lượng lớn, hay tâm thương yêu lớn. Không phải là mình hết thương người mình thương. Không phải là mình bỏ người mình thương. Chỉ là vì mình không muốn thương bằng thứ tình thương chiếm hữu, hệ lụy, sầu đau. Thương như thế chỉ là để làm khổ cho nhau. Mình muốn tiếp tục thương, nhưng với một thứ tình thương mà trong đó cả người thương và người được thương đều bảo trì được toàn vẹn tự do của nhau, tự do cho nhau; một thứ tình thương có khả năng hiến tặng niềm vui và chuyển hóa đau khổ. Đây là thứ tình thương Bụt dạy.
"Mái tóc vốn màu gỗ quý
Nay dâng thành khối trầm hương
Nét đẹp đi về vĩnh cữu
Vi diệu thay ý vô thường.Đã thấy đời cơn huyễn mộng
Chân tâm một quyết lên đường
Nghe hải triều lên mấy độ
Nguyện phát túc về siêu phương.Gió reo trên triền núi Thứu
Lòng nay thôi hết vấn vương
Bài ca sáng ngời diệu lý
Bao la ngát đạo chân thường.Ngày xưa nước bồ kết gội
Chiều về buông xõa tóc hương
Sáng nay cam lồ tịnh thủy
Tâm bồ đề lộ kiên cường.Bàn tay tập bài từ ái
Chia vui nếp sống tịnh thường
Mấy mươi năm trời cần mẫn
Thủy chung vẫn một niềm thương.Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện đoạn
Một tâm mà động mười phương."
Triệu Minh Tri
p/s: Xuất gia trong tâm khó hơn xuất gia bằng hình thức vô cùng! Xin kính cẩn ghi xuống những dòng chữ này dành cho một người tên là Nguyệt - một vầng trăng lớn trong đời tôi. Nguyện cầu cho người mãi an lành trong hồng ân tam bảo
BÌNH LUẬN