Từ 4 năm nay, bằng việc xây dựng thành công mô hình nuôi dưỡng - đào tạo nghề - phục vụ văn nghệ giải trí - tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ ...
Các thành viên trong một chuyến từ thiện
Một ngày làm việc bình thường của cơ sở An Phúc bắt đầu với không khí thật im ắng. Trong căn phòng nhỏ rộng chưa đầy 15m2 (cũng chính là ngôi nhà của bác sĩ Thanh Hiền, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thuận An, Bình Dương hỗ trợ cho các thành viên An Phúc có nơi tá túc) hai mươi mấy con người chăm chú tập trung cao độ vào những thao tác tay linh hoạt và nhịp nhàng. Những cánh hoa bằng cườm trong suốt, lóng lánh nhiều màu sắc được se cuống đều đặn đến khó nhận ra nét thô vụng nào còn sót lại cứ tuần tự thành hình. Người làm cánh hoa cứ tỉ mỉ se cuống hoa. Ai chế tác phần thân và lá thì cứ cần mẫn quấn thân, se cuống lá. Chẳng mấy chốc mà những hạt cườm rời rạc, những cọng kẽm xám xịt thô thiển, dăm đoạn giấy bạc tầm thường đã hóa thành những nhành mai vàng tinh khôi, cành đào hồng rực rỡ, lẵng hoa ngũ sắc bé xinh lấp lánh để trưng tủ kính hay cả một chậu bông pha lê cầu kỳ, sang trọng có thể dùng để trang trí cho những căn phòng cao cấp. Chị Hà Thị Hồng Hiệp, một trong những thành viên nòng cốt, cũng là người phụ trách đào tạo nghề tại An Phúc bộc bạch: “Học kết được các sản phẩm với các em đã là khó, để sản phẩm đó thật bắt mắt và ấn tượng thì càng khó hơn. Nhiều du khách nước ngoài đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết “nghệ nhân” là những người khuyết tật.”
Ban nhạc của Cơ sở khuyết tật An Phúc trong một buổi tập luyện
Giữa lúc mải nhìn ngắm những sản phẩm đa dạng, một giai điệu tươi vui cất lên cùng với sự hòa âm của nhiều loại nhạc cụ đã lôi cuốn chúng tôi không khỏi bị thu hút. Thì ra ban nhạc của An Phúc đang tập duyệt cho một ngày biểu diễn sắp đến. Các thành viên của cơ sở An Phúc khéo léo tận dụng khoảng không gian hiếm hoi giữa những chiếc giường kê sát nhau để sắp xếp các loại nhạc cụ. Trong điều kiện diện tích sinh hoạt hạn chế, phòng tập cũng chính là phòng ngủ của những thành viên nơi đây. Không hề quá khi gọi họ là ban nhạc khi các “nhạc công” An Phúc có thể phối hợp trình diễn khéo léo trên nhiều loại nhạc cụ, từ đàn ghita, đàn ooc-gan đệm và dạo, đàn ooc-gan thổi đến nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, sáo trúc. Người đội trưởng ban văn nghệ không nhận thấy sự có mặt của tôi bởi di chứng chất độc da cam đã khiến anh bẩm sinh không có đôi mắt, nhưng số phận lại bù đắp cho anh đôi tay có thể lướt trên phím đàn một cách dứt khoát và điêu luyện, cùng một khả năng dẫn dắt tài tình các thành viên trình diễn những bản nhạc từ sôi động, vui tươi của giới trẻ đến giai điệu da diết, du dương của những bài hát dân ca. Giám đốc cơ sở, ông Trần Hữu Quang cho biết: “Các thành viên của cơ sở An Phúc đều được học và biết sử dụng thành thạo một loại nhạc cụ. Mỗi năm, đội văn nghệ của An Phúc tổ chức những chuyến đi biểu diễn ở nhiều vùng, miền trên đất nước và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.” Chính từ trong cảnh khó, hơn ai hết những người ở An Phúc thấm được nỗi đau của sự mất mát và giá trị của sự gìn giữ. Vậy nên dù hiện tại còn chưa có nhiều thuận lợi về kinh tế, An Phúc vẫn tham gia kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại trong thiên tai bão lũ, xây dựng, khôi phục lại các di tích lịch sử như: Đền Thiên Cổ Miếu, đúc chuông (thành phố Việt Trì) với tổng giá trị gần 350 triệu đồng.
Chia tay với An Phúc, chúng tôi ra về cùng với sự thán phục và trân trọng sâu sắc những con người ở đây. Tất cả họ làm nên một cơ sở An Phúc, một trung tâm dạy nghề, một mái ấm thực sự dành cho người khuyết tật, một cơ sở kinh doanh không đơn thuần chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế mà còn làm đẹp cho xã hội bằng những nét nhân văn giữa cuộc đời.
LV. P. TRINH
BÌNH LUẬN