Sau khi nhận diện được tham ái là nguồn gốc của khổ đau. Đức Phật chủ trương thực hiện cuộc cách mạng tâm hồn, giải thoát con người ra khỏ...
Sau khi nhận diện được tham ái là nguồn gốc của khổ đau. Đức Phật chủ trương thực hiện cuộc cách mạng tâm hồn, giải thoát con người ra khỏi lửa tham dục, ngục tù si mê tham ái, bằng con đường mà Ngài gọi là Bát-chánh-đạo.
Bát-chánh-đạo là nguồn gốc của hạnh phúc, là tinh hoa của giáo pháp. Đây là chân lý cao siêu về con đường chấm dứt tham ái khổ đau và an trú trong Niết-bàn vô sinh bất diệt. Con đường giải thoát, dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn và trọn vẹn mầm mống của ái dục (taṇhā) luôn luôn hiện hữu trong kiếp sống nhân sinh.
Con đường này chính là luân lý hạnh phúc được bồi dưỡng bằng trí tuệ, là con đường đem lại “tri và kiến” sáng suốt dẫn đến an tịnh, con đường này cũng gọi là Trung Đạo (majjhimā-patipadā), vì nó tránh xa hai cực đoan:
Cực đoan tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đeo đuổi khoái lạc, giác quan, một điều thấp kém, tầm thường không lợi ích, đường lối của những kẻ hạ liệt,
Cực đoan thứ hai tìm hạnh phúc bằng cách ép xác dưới nhiều hình thức khổ hạnh; điều này cũng “đau khổ, không xứng đáng, không lợi ích”. Chính bản thân của Đức Phật cũng thực hành hai thái cực đoan ấy thấy vô dụng, vô nghĩa, bằng kinh nghiệm của chính mình. Ngài đã tìm ra con đường Trung đạo là con đường đi giữa hai thái cực ấy, con đường của lý trí và giác ngộ, Niết-bàn.
Trung đạo này được gọi là Bát – chánh - đạo (Ariya aṭṭthangika magga): Đức Phật tuyên bố: “Từ bỏ hai cực đoan có con đường đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Đây là con đường Thánh-đạo-tám-ngành tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.” Mục tiêu giáo dục của Phật giáo là hoàn thiện nhân cách đạo đức của con người, giúp con người sống đúng nhân cách của chính mình, nhân cách ấy được thiết lập trên nền tảng giới, định, và tuệ.
Tám yếu tố này hợp thành tính chất của đời sống con người lý tưởng, đây là một chương trình huấn luyện nhằm mục đích thanh lọc, thân, khẩu, ý đã được thận trọng cân nhắc để cuối cùng dẫn đến sự chấm dứt ái dục và triển khai trí tuệ tối thượng.
Một điều quan trọng được ghi nhận là tám con đường này hoàn toàn không máy móc, mà nó liên quan và hỗ trợ lẫn nhau, làm tăng trưởng và hoàn thiện nền tảng cơ bản của tam vô lậu học: giới (śīla), định (samādhi), tuệ (pañña).
Đây là ba phân hạng của Bát-chánh-đạo, nếu phân nhóm và giải thích theo ba đề mục ấy thì ta sẽ rõ hơn. Trước tiên trình bày giải thích theo nhóm giới.
Giới: (śīla)
nếp sống kỷ cương hay là nếp sống trong sạch, được xây dựng trên căn bản của đạo Phật là từ, bi, hỷ, xả đối với tất cả chúng sinh.
Nhưng “từ bi” trong đạo Phật phải có trí tuệ, vì muốn hoàn thiện thì phải phát triển song song cả hai khía cạnh. Một là tình thương có trí tuệ, là tình thương có sự hiểu biết, tức phân biệt được chánh tà, nói đúng sự thật… không làm điều ác, phát triển điều lành, giữ tâm ý trong sạch.
“Giới” phân hạn theo Bát-chánh-đạo gồm ba yếu tố, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Đây là ba năng lực tinh thần có năng lực giúp con người có trí tuệ sáng suốt và đạo hạnh, để xây dựng một cuộc sống an lạc, thanh tịnh.
Chánh ngữ (sammā-vācā):
Là lời nói chân chánh, có nghĩa là không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói thô ác. Ngôn ngữ là phương tiện sống truyền thông giữa con người với nhau. Trong cuộc sống, lời nói vô cùng quan trọng, có thể đưa đến hạnh phúc, cũng có thể mang lại khổ đau cho mình và cho người, thù hằn, chết chóc, tan nhà, nát cửa cũng do lời nói không chân chánh.
Người tu tập quán chiếu buông bỏ ngã và ngã sở, thì không còn sử dụng lời nói theo chiều hướng lợi dưỡng, mà ngược lại luôn nói lời thanh tịnh, chân thật, khai phá ánh sáng trí tuệ của mình và tha nhân.
Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy các hàng đệ tử “các ngươi nên bỏ những lời nói dối, thường nói những lời chân thật chắc chắn, dù trong mộng cũng không nên nói dối”.
Trong Luật Sa Di Đức Phật dạy “phù sĩ sử thế phủ tại khẩu trung sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn”. Trong Kinh Pháp Cú 1, 2 Phẩm Song Yếu Đức Phật dạy rằng:
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tâm tạo
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe lăn vật kéo” (pc: 1)
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình” (pc:2)
Chánh nghiệp (sammā-kammantā):
Hành động chân chính, hành động của thập thiện nghiệp, của thân, khẩu, ý luôn hướng về chánh đạo, hành giả tu tập tìm giác ngộ giải thoát, không được giết hại, không được trộm cướp, không được tà dâm…không làm mười điều ác mà còn phải phát triển mười điều lành,
Nguồn gốc của tâm luyến ái, lòng thù hận, tính hung dữ, tham, sân, si…nếu hành giả nào tẩy sạch tham, sân, si và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh thì những xu hướng xấu xa không còn phát sinh lên được, tâm ý thanh tịnh thì dẫn đến cuộc sống an lạc, vì lúc đó hành giả được cuộc sống không tham ái, không sân hận, không si mê, không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, thì hạnh phúc biết chừng nào.
Chánh mạng (sammā-ājiva):
Sống đúng chánh pháp, không nên tìm kiếm kế sinh nhai bằng nghề nghiệp làm hại đến kẻ khác. Như buôn bán đồ binh khí, thuốc độc, không bán các thứ rượu để nuôi sống, không sống theo kẻ ác tà, gian dối, lừa bịp, bài trừ mê tín dị đoan, bói quẻ xin xăm…vì tất cả những thứ đó như là cuộc sống tà mạng, không phải là nếp sống thanh tịnh của người tu tập, mà là cuộc sống thấp hèn ích kỷ, vì cái “ta” mà con người làm bất chấp mọi thủ đoạn.
“Tin nhau buôn bán cùng nhau
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời
Hay gì lừa đảo kiếm lời
Một nhà ăn cả, tội trời riêng mang
Hay chi những thói gian tham
Pha phôi thật giả tìm đường dối nhau
Của phi nghĩa có gì đâu
Ở cho ngay thật giàu sang mới bền” (Ca Dao Việt Nam)
Như vậy bằng cách phát triển chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, giới đức hay phẩm hạnh trong sạch là một hệ thống luân lý có tính cách bao quát, rõ ràng. Tất cả những điều đó rất cần thiết để thành tựu phẩm hạnh trong sạch hoàn hảo. Mục tiêu của Giới là giúp phát triển tâm định và đạt đến trí tuệ tối thượng
Định (sammdhi):
Là kỷ luật tâm linh gồm ba yếu tố khác của Bát-chánh -đạo: Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Chánh tinh tấn (sammā-vāyāma):
Là yếu tố quan trọng để phát triển tâm linh. Chánh tinh tấn là cố gắng ngăn ngừa, không để phát sinh các trạng thái tâm bất thiện chưa phát sinh và cố gắng khắc phục các trạng thái tâm bất thiện đã phát sinh, cố gắng làm cho phát sinh những trạng thái tâm thiện chưa phát sinh, và cố gắng làm tăng trưởng những trạng thái tâm thiện đã phát sinh. Như vây, sự cố gắng cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần quả thật là sâu sắc. Tất cả sự cố gắng đó nhằm mục đích là chế ngự, khắc phục tâm tham ái khai mở đạo huệ
“Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Người trí như con ngựa phi
Bỏ sau con ngựa hèn” (Pháp Cú 29)
Chánh niệm (sammā-sati):
Tâm ý luôn luôn được kiểm soát chặt chẽ trong sự tỉnh giác. Luôn nhớ nghĩ và tự biết rằng những cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành hay dữ, các pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ, vô ngã, không tham, sân, si, không dục vọng luyến ái.
Nói chung, phải thường quán tưởng thân, thọ, tâm pháp, nếu biết tu tập quán niệm chân chính, về bốn đề mục này sẽ có khuynh hướng diệt tận gốc bốn quan niệm sai lầm trong đời sống là; ưa thích cái không đáng được ưa thích, đau khổ lại coi là hạnh phúc, chư pháp vô ngã cho là ngã, cho linh hồn là trường cửu cái vô ngã.
Chánh định (sammā-samādhi):
Là sự an định chân chính, thanh tịnh hóa tâm“cột chặt những vọng tưởng tâm lý” (thân, thọ, tâm, pháp), đưa quá trình quan sát từ “tùy giác” đến “thể nhập”. Kết quả của chánh định là đưa đến bốn thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
- Sơ thiền: Đẩy lùi được tham dục, sân, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi nhưng duy trì được hỷ và lạc cùng với hoạt động tâm linh (tầm, tứ)
- Nhị thiền: Mọi hoạt động của tâm (tầm, tứ) đều biến mất, sự an tĩnh và nhất tâm được phát triển cảm giác hỷ và lạc vẫn còn giữ lại.
- Tam thiền: Hỷ biến mất nhưng lạc vẫn còn cùng với tâm xả
- Tứ thiền: Mọi cảm giác (thân) lạc khổ, (tâm) hỷ, ưu đều tan biến, chỉ còn lại xả, và sự nhất tâm thuần tịnh (xả niệm thanh tịnh). Tâm tịnh không phải là mục tiêu tối hậu, mà chỉ là phương tiện để thấu hiểu đời sống kỷ luật tâm linh và cũng là phương tiện để chứng ngộ trí tuệ tối thượng
Tuệ: (Pañña)
phân hạng thứ ba gồm hai yếu tố: Chánh kiến, Chánh tư duy.
Chánh kiến (sammā-ditthi):
“Tri kiến” tổng hợp sự hiểu biết về các mặt quy luật tồn tại và biến đổi của mọi sự vật và hiện tượng (tâm lý, vật lý) theo luật nhân quả và lý duyên sinh. Khi tâm ta an trụ đến cao độ và được hướng về ba đặc tướng của đời sống là vô thường, khổ và vô ngã thì tâm ấy có thể thấy sự vật đúng như thật, kết quả là sự hiểu biết cao thượng nhất là sự bừng sáng của chánh kiến. Khi có chánh kiến mới thấy được lý duyên sinh, vô thường, vô ngã, thấy đúng chân lý của sự sống, từ đó định hướng tu tập, chấm dứt mọi khổ lụy trong vô lượng kiếp, không còn vướng bụi mê lầm tà kiến, vọng chấp.
Chánh tư duy (sammā-saṅkappa):
Ý nghĩ chân chánh hay suy nghiệm chân chánh. Mọi hoạt động của tư tưởng, phán đoán, suy luận, tác ý, suy niệm đều phải trong sạch. Loại trừ mọi tư tưởng màu sắc ô nhiễm, phiền não.
Chánh Tư Duy là một phương pháp loại bỏ tham ái, bất bạo động đến muôn loài, như vậy trí tuệ là yếu tố rất quan trọng. Cuộc đời đen tối hay trong sáng, hạnh phúc hay khổ đau đều thiết lập trên nên tảng của trí tuệ. Mọi hành động tham lam ích kỷ, thù hằn, bạo động, tư tưởng hung ác, giết người cướp của, cưỡng hiếp dâm dục, đều bắt nguồn sự thiếu hiểu biết trong đời sống cá nhân, gia đình, và xã hội.
Bát Chánh Đạo là tám biện pháp, là tám phương thức thực hành, dẫn dắt ta đến Niết - bàn, hạnh phúc. Nó chi phối toàn bộ, thân, khẩu, ý và đặt hành giả trên lộ trình tịch tĩnh giải thoát.
Bát Chánh Đạo chỉ cho ta định hướng căn bản là phải luôn suy tư, và nhận thức dưới ánh sáng giải thoát, đó là ly dục, ly tham, ly bất thiện pháp.
Học tập giáo lý này giúp chúng ta có đủ năng lực và trí tuệ sáng suốt để nhận rõ được tính chất vô thường, vô ngã của vạn pháp. Tuy nhiên giá trị ngời sáng của nó chính là ở chỗ thực hành đạt kết quả của mỗi người.
Nếu học thiên kinh vạn quyển sách mà không thực hành thì cũng vô ích và không có hiệu nghiệm lợi ích, không có tác dụng gì. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp chấm dứt khổ đau là phải biết quay về đời sống nội tâm. Từ đó tâm hồn ta không còn chạy theo mọi kích động liên hồi của vật chất, mọi biến hiện trong lòng cuộc đời qua mọi âm thanh và hình sắc lôi cuốn đầy ma mị. Càng phấn đấu trở về tịnh tâm, thanh tịnh ý thì ta càng có nhiều cơ hội thuận tiện để tỏ ngộ chỗ màu nhiệm cuối cùng của cuộc sống.
Hàng ngàn bài thuyết pháp của Đức Thế Tôn trong suốt trong thời gian bốn mươi chín năm được cô đọng lại trong Bát Chánh Đạo. Đây là tinh hoa của giáo pháp, là con đường “Trung đạo”. Đây là một tinh thần rất cơ bản, quán xuyến tất cả hệ thống giáo lý nhà Phật; tư tưởng này phản ảnh và xóa bỏ thuyết vô nhân (Ehetu paccaya) vừa phản đối thuyết ngẫu nhiên (yadrechavada), vừa phản đối thuyết định mệnh (Nixativada), vừa phản đối chủ trương trường cửu (Sasvataditthi), vừa phản đối thuyết đoạn diệt.
Đức Phật không chấp nhận những lý thuyết cực đoan, phủ nhận gạt bỏ ra bên ngoài các quan hệ biện chứng giữa các sự vật và giữa các nội hàm sự vật. Ngài cho rằng đó không phải là con đường tìm đạo, con đường chân lý và hạnh phúc. Mà con đường chân lý ấy được xây dựng trên giáo lý căn bản Giới - Định - Tuệ. Trong đó trí tuệ là cái quan trọng nhất, cao cả nhất, để đạt đến Niết – Bàn
Thích Trí Giải
BÌNH LUẬN