“Dục lạc ơi! trần gian ư khổ lụy Muốn thảnh thơi rũ áo lên đường Vướng mắc chi đây là vạn tai ương Dòng lệ nhỏ đầy gố...
“Dục lạc ơi! trần gian ư khổ lụy
Muốn thảnh thơi rũ áo lên đường
Vướng mắc chi đây là vạn tai ương
Dòng lệ nhỏ đầy gốc sầu vạn kỷ”.
Trong thế giới phàm trần đảo điên, dục vọng của con người chính là tác nhân gây ra đau khổ, là con đường đưa đến vực sâu, là cạm bẫy của ác ma, như áng mây mờ che lấp ánh mặt trời tuệ giác, cũng như “vô minh” che mờ tâm trí nên con người lao vào cuộc đời với muôn ngàn dục vọng. Để rồi cuộc đời phải chịu ngang trái, một trái tim thất vọng và chán chường, trong chuỗi đau khổ triền miên và đầy dục vọng, lục trần luôn thổi phồng lên đến cao độ bởi những làng gió hỷ, nộ, ái, ố, khổ, lạc. Con người luôn chạy theo ngũ dục thế gian mà quên cả chính mình. Tất cả những thứ lầu son gác tía, cung vàng điện ngọc, nhung lụa ấm êm, do cuộc sống ngang dọc sương gió… đều là tay sai của tham ái, là những cánh buồm chìm đắm trong biển khổ trầm luân, cho nên thi sĩ Đoàn Như Khuê có nói :
“Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Xem lại cùng trong biển khổ thôi”
Thật vậy khổ đau do “tham ái” sinh ra, con người bám víu vào thân này cho là của ta, vạn pháp là “của ta” để rồi quý mến giữ gìn trau chuốt nó. Nhưng thời gian có hạn không hẹn cùng ai, cuộc đời này như là một giấc mộng huyền bí. Chúng sinh bước trên con đường tối tăm nguy hiểm không định hướng hoàn toàn dưới sự chi phối của “tham ái”. Thật đúng vậy chúng sinh đau khổ quá nhiều, nên Đức Phật dạy rằng: “Nước mắt chúng sinh nhiều nhiều hơn nước bốn biển”.
Ngày đêm, con sóng mãi vỗ bờ
Ái dục dâng tràn, thỏa ước mơ
Bước chân in dấu, bờ sinh tử
Bao giờ xóa sạch, cái tâm mê??? (Trí Giải)
Mỗi giai đoạn của cuộc đời là những khổ đau chồng chất, biến đổi liên tục khiến con người sống trong lo âu và sợ hãi, những trạng thái ấy luôn rình rập đe dọa vây hãm hết kiếp này đến kiếp khác không biết khi nào chấm dứt.
Đây là một câu hỏi mà con người không có lời giải đáp, có lẽ trong cuộc sống tạm bợ này quả thật là u ám, màng đêm đen tối của “tham ái” làm cho chúng sinh luôn trôi lăn mãi trong biển khổ trầm luân vô tận.
May thay! có một bậc Vĩ Nhân xuất hiện để: “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, mang lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài người. Pháp của Ngài “đến để thấy” (Ehi pasiko) nên hành giả nào tu tập giáo lý của Ngài đều được thấm nhuần an lạc, giải thoát.
“Ai hay một cuộc hành trình
Dắt dìu nhân loại mấy nghìn năm sau”.
Thật vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc, khi chúng ta thực hành giáo lý của Đức Phật, để diệt trừ tham ái “cái tôi” hiện hữu và khoát lên cho mình lòng nhân ái chan hoà, lòng vị tha vô lượng không chấp thủ.
“Không nghĩ đây là tôi
Không nghĩ đây là của tôi.
Người không có tự ngã
Không sầu vì không ngã” [1 -142]
Sau 49 ngày Đức Phật tư duy thiền định dưới cội Bồ Đề Ngài chiến đấu với ma quân để rồi khi ánh sao mai vừa ló dạng, giờ phút thiêng liêng tuyệt vời ấy, Ngài đã thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, dũ bỏ tham ái chấp thủ vô minh, lúc ấy Ngài mới thốt lên rằng:
“Này hỡi người thợ làm nhà !
Ngươi đã bị bắt gặp
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa
Tất cả rui mè của ngươi đều bị gãy
Cây đòn dông của ngươi cũng bị phá tan
Tâm của Như Lai đã thành trạng thái vô sanh bất diệt
Mọi ái dục đã hoàn toàn chấm dứt” (Pc:153-154)
Con người luôn luôn chạy theo cái không thực có, để rồi khát khao mong muốn, có phải chăng yếu tố chính là “vô minh”. Chính vì “vô minh” mê muội nên sinh ra tham ái, chi phối tham đắm vào bản ngã của mình cho là thực có, thấy bóng tưởng hình chạy theo bắt bóng. Đức Phật có dạy rằng: “Trong cái không thực thấy là thực, thấy cái thực tưởng là không thực, những ai còn mãi mê trong bãi cỏ tư tưởng sai lầm như vậy không bao giờ đạt đến cái thực”.
Vậy “vô minh” là gì? Và vì sao nói “vô minh” là nguồn gốc của tham ái?. Vô minh tiếng Pāli gọi là: “Avijja” có nghĩa là thấy cái không đáng được thấy hay là không thấy cái đáng được thấy mê y. “Vô minh” có nghĩa là mê muội, không thấy được sự thật, không nhận chân được chân lý của cuộc đời.
Đức Phật dạy rằng: “Không hiểu rõ tứ đế gọi là vô minh” (Tương-ưng-bộ kinh III). Trong A-tỳ-đàm định nghĩa vô minh: “Ở đây gì là “vô minh”? Đó là không biết khổ, không biết khổ tập, không biết khổ diệt, không biết khổ diệt đạo, không biết quá khứ, không biết vị lai, không biết duyên khởi, không biết các pháp duyên khởi”. Như vậy không hiểu Tứ-đế, Duyên-khởi, Vô-ngã được gọi là “vô minh”.
Ngài Phật-Âm (Buddhagosha) giải thích “vô minh” là sự khuất lấp về phương diện chủ thể, vì một khi khởi lên, nó ngăn che chân lý về khổ, ngăn che sự thâm hiểu về tướng và dụng của khổ, của tập, của diệt và đạo.
Nói tóm lại, vô minh là sự mê muội, ngu si của chúng sinh là không thấu hiểu, nhận thức được chân lý sự thật của cuộc đời. Con người cứ tiếp tục sống trong vòng tạo ác nghiệp, tham đắm vào dục lạc.
Nhân tình thế thái, khổ điêu linh
Tài sắc đam mê, đắm chữ tình
Lưu luyến lệ sầu, càng đau khổ
Trôi lăn sinh tử, nẻo vô minh (T. Trí Giải)
Ái dục, chính là sợi dây tâm lý kiên cố vững bền vô lượng đã buộc chặt thân phận con người vào cỗ xe luân hồi chạy thênh thang qua các cõi mịt mù không biết lối ra. Nói đến vô minh tức là một cái nhìn sự vật không đúng sự thật, nghĩa là chúng ta không phát triển khả năng tập trung tư tưởng quán chiếu nội tâm, chúng ta không thấy bản chất của sự vật.
Ví dụ: Chúng ta đi một mình trong ban đêm, nhìn thấy một cái bóng gì đó bên lề đường, cái bóng đó có thể là một rễ cây, mà ta cứ tưởng là một con rắn. Lúc đó tâm ta hoảng sợ luống cuống cả tay chân, toát mồ hôi; nếu lúc đó có một ngọn đèn, chúng ta không có sợ hãi, cũng vậy do vô minh mà con người nhận sai chân lý cuộc đời và vạn vật lộng giả thành chơn.
Trong đạo Phật, nói đến vô minh là nói đến cái “ta”, xem cái “ta” là thật. Đó chính là nguyên nhân căn bản của khổ đau. Cũng chính vì chấp cái “ta” đó sinh ra tham ái khao khát và muốn các thứ đem lại lợi ích cho mình và chối bỏ những gì không mang lợi ích đến cho ta, làm thiệt hại và không giúp đỡ gì cho ta và không nhìn thấy được bên trong thân và tâm của ta. Thật sự không có một cái ta độc lập, thường còn, nên con người không thể tránh được tâm tham và sân hận phát sinh, từ gốc rễ và thân cây vô minh này mọc ra những cành cây tham dục, tham lam, ham muốn, hận thù, đố kỵ, ghen ghét và tự hào ta là trên hết.
“Kẻ ngu vì tham giàu
Hại mình và hại người
Ác nghiệp chưa chín mùi
Người ngu nghĩ là ngọt
Khi ác nghiệp chín mùi
Người ngu chịu khổ đau”. (Pháp Cú 69)
Thân thể của mọi người đều vô thường, vì lòng tham chấp ngã nên thấy “ta” là quý trên hết cả mọi người. Chỉ có ta mới đáng được trọng vọng, khen ngợi. Chúng ta vì chấp ngã mà ích kỷ, ganh tỵ, cái “ta” này làm cho con người điên đảo, có thể nói mọi khổ đau đều bắt nguồn từ cái “ta”.
Ai biết nhìn kỹ lại cái thân thể của mình qua pháp môn quán bất tịnh mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta tìm thấy toàn thân chất chứa những đồ bất tịnh, nếu bỏ lớp da ngoài thì ai cũng dơ bẩn, cái bất tịnh ấy từ trong cái bào thai, và khi lọt lòng mẹ nó đã bất tịnh rồi, thế mà con người cho là thanh tịnh để rồi nâng niu, chiều chuộng, trau chuốt nó quá đáng, vì vô minh không thấy được bản chất của sự vật là vô thường cho là thường, con người đau khổ vì nó.
Trong Kinh-lăng-nghiêm, Đức Phật dạy:“Tất cả chúng ta sanh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng phiền não sai khiến tạo muôn ngàn nghiệp ác vì đó mà trôi nổi trong biển khổ luân hồi”.
Nhận thức được được điều này, Đạo Phật lạc quan và cương quyết chủ trương diệt trừ tham ái và chấm dứt khổ đau; “ái diệt tức Niết-bàn”. Đồng thời xây dựng một hạnh phúc chân thật cho mình và mọi người. Hạnh phúc chân thật trong đạo Phật là sự vắng mặt những khổ đau, là sự giải thoát con người ra khỏi dục vọng, và hận thù, là sự đạt đến cái đức vô úy, đại hùng, đại lực, đại từ bi, không còn là nạn nhân của sự sợ hãi, thành bại trong cuộc đời.
“Trong thực tại sao chẳng tìm lẽ sống
Hẹn ngày mai đâu có được bao giờ
Hẹn ngày mai đời sẽ buông xuôi trôi
Rồi nuối tiếc mơ hoài về dĩ vãng”
Thích Trí Giải
BÌNH LUẬN