Thông thường, nhiều người cho rằng kinh A-hàm là kinh tạng thuộc truyền thống Hữu bộ. Thật sự có phải kinh tạng A-hàm hoàn toàn thuộc Hữu bộ...
Thông thường, nhiều người cho rằng kinh A-hàm là kinh tạng thuộc truyền thống Hữu bộ. Thật sự có phải kinh tạng A-hàm hoàn toàn thuộc Hữu bộ? Trong phạm vi bài này, với những cố gắng còn nhiều giới hạn, tôi sẽ đưa ra những nhận định của tôi và dành phần đánh giá cho bạn đọc.
Cũng giống như kinh tạng Nikāya (Pāli), A-hàm là tạng kinh kết tập những bài pháp được cho của đức Phật. Lúc đức Phật còn tại thế, không có bất kỳ sự ghi chép nào về những bài giảng mà đức Phật đã giảng dạy cho nhiều tầng lớp xã hội, tại những địa điểm và trong nhiều trường hợp khác nhau trong suốt hơn 40 năm hoằng pháp. Nhưng sau ngày đức Phật niết-bàn, 500 Tỳ-kheo A-la-hán, dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ca-diếp, đã trùng tụng, phân loại và kết tập tất cả lời dạy đó trong Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Trong số các Tỳ-kheo A-la-hán, Tôn giả A-nan được mời trùng tụng kinh tạng. Mỗi và mọi bài kinh đều bắt đầu bằng câu: “Tôi nghe như vầy”. Những bài pháp của đức Phật được kết tập tại Đại hội này được tất cả các bộ phái Phật giáo Ấn Độ truyền thừa và vâng giữ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh văn học, chúng ta thấy rằng, mỗi bộ phái như: Hữu bộ (Sarvāstivāda), Đại chúng bộ (Mahāsāṁghika), Pháp tạng bộ (Dharmagupta), Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) và tất nhiên, bao gồm cả Thượng tọa bộ (Theravāda) đều có kinh tạng riêng của từng bộ phái.
Thượng tọa bộ, một truyền thống không bị gián đoạn lịch sử truyền thừa, được cho là đã lưu giữ kinh điển được kết tập tại thành Vương Xá bởi 500 Tỳ-kheo A-la-hán dưới sự lãnh đão của Tôn giả Đại Ca-diếp. Các bộ phái khác không còn tồn tại đến ngày nay, nên kinh điển của họ cũng bị thất lạc hoặc bị hư hủy nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh kinh điển của Thượng tọa bộ, kinh tạng Nikāya, chúng ta cũng có những kinh điển của các bộ phái khác hiện còn lưu giữ trong các bản dịch tiếng Hán. Những kinh điển này, gọi chung là kinh A-hàm, chuyển ngữ từ chữ Agāma, thường được sử dụng thay cho thuật từ Nikāya trong tiếng Hán. Thuật từ này được sử dụng đầu tiên trong kinh A-hàm chánh hạnh(T0151) do ngài An Thế Cao dịch vào những năm cuối của thế kỷ II A.D.
Kinh tạng A-hàm trong Hán tạng: Trong ấn bản Taisho, tập I và II, kinh A-hàm, bao gồm bốn bản dịch kinh A-hàm của nhiều dịch giả, dịch trong nhiều thời điểm khác nhau:
- Kinh Trường A-hàm (Dīrghāgama), do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Hộ Niệm dịch vào những năm 412-413 A.D.
- Kinh Trung A-hàm (Madhyamāgama), do ngài Cù-đàm Tăng-già Đề-bà dịch vào những năm 397-398 A.D.
- Kinh Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama), do ngài Cầu-na Bạt-đà-la dịch vào những năm 435-443 A.D.
- Kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottarāgama), do ngài Cù-đàm Tăng-già Đề-bà dịch vào những năm 384-385 A.D.
Ngoài ra, hai tập A-hàm này còn hàm chứa những bản dịch kinh Tạp A-hàm, không lưu lại tên người dịch, được dịch trong giai đoạn Tam Quốc (220-280) và kinh Tăng nhất A-hàm, cũng không lưu lại tên người dịch, được dịch trong giai đoạn Đông Tấn (351-431). Bản dịch kinh Tứ thập nhị chương của ngài An Thế Cao được biên tập trong kinh Tăng nhất A-hàm này. Một số lớn bản dịch không thuộc bốn bộ A-hàm trên được chuyển dịch trong suốt nhiều thế kỷ, từ cuối triều đại nhà Hán đến triều đại nhà Bắc Tống (148-1058), chiếm hơn phần nửa số kinh trong kinh tạng A-hàm.
Bốn bản dịch A-hàm này không lưu lại bất kỳ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc của chúng. Thường thì các dịch giả chuyển dịch kinh điển Phật giáo luôn ghi lại thông tin nguồn gốc của kinh. Nhưng trong trường hợp bản dịch kinh A-hàm không ghi lại nguồn gốc của chúng không thể là những sai sót của người dịch. Vậy, vì lý do gì tất cả kinh tạng A-hàm điều thiếu sót thông tin này? Mà nếu, trong trường hợp dịch giả không đặt nghi vấn nguồn gốc bộ phái của kinh văn thì các học giả sau này cũng sẽ đặt nghi vấn trước khi họ chấp nhận những kinh điển này là chánh kinh. Nhưng tất cả đều im lặng. Sự im lặng này như là một sự xác chứng rằng tất cả kinh tạng A-hàm này đều có nguồn gốc từ đức Phật. Giải thích về điều này, giáo sư N. Dutt nhận định rằng “tất cả các bộ phái Phật giáo đều chấp nhận kinh tạng A-hàm.”
Bốn bộ A-hàm được biên tập vào cùng một tạng, kinh tạng, nhưng chúng không có cùng một nguồn gốc. So sánh nội dung kinh tạng A-hàm và kinh tạng Nikāya cho thấy, hai tạng kinh này giống nhau nhưng không hoàn toàn như nhau, và tất nhiên, không phải bản Hán được dịch từ bản kinh Nikāya. Truyền thống Hữu bộ lấy ngôn ngữ Sanskrit làm phương tiện chuyển tải tư tưởng của bộ phái và một số bài kinh Sanskrit của Hữu bộ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Mối quan hệ rất gần gũi giữa những bài kinh Sanskrit này với những bản Hán dịch A-hàm cho phép một số học giả tin rằng bản Hán dịch A-hàm thuộc truyền thống Hữu bộ. Ngược lại, căn cứ vào những điểm khác biệt giữa những bài kinh Sanskrit và bản Hán dịch A-hàm, giáo sư P.V. Bapat nhận định rằng nguyên bản của bản Hán dịch này phải là những bản kinh biên chép bằng tiếng Prākṛit, không phải bằng Sanskrit. Như trên đã trình bày, bản Hán dịch A-hàm hoàn chỉnh không phải là bản dịch từ nguyên bản của riêng bất kỳ bộ phái hoặc truyền thống nào. Mỗi bộ A-hàm được mang đến Trung Hoa do nhiều nhà truyền giáo của các bộ phái khác nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau và trong nhiều thời điểm khác nhau. Mỗi bản dịch thường do một dịch giả hay một nhóm dịch giả chuyển dịch. Ngoài trừ kinh Trường A-hàm, ba bộ A-hàm kia đều được chuyển dịch hơn một lần do nhiều dịch giả khác nhau và từ những nguyên bản khác nhau. Những bài kinh riêng lẻ của kinh Tạp A-hàm và Tăng nhất A-hàm trong một số bản Hán dịch khác củng cố chắc chắn nhận định này.
Tuy nhiên, căn cứ vào những tài liệu tìm thấy liên quan đến kinh tạng A-hàm và những tài liệu liên quan ngoài các bộ A-hàm, nhiều học giả nhận định rằng các bộ phái Phật giáo Ấn Độ cùng chấp nhận thẩm quyền chung của kinh tạng A-hàm này. Liên quan đến Trường A-hàm, giáo sư H.Ui cho rằng kinh này thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta). Để chứng minh nhận định này, H.Ui biện luận rằng, dịch giả Phật-đà-da-xá là một nhà truyền giáo của Pháp tạng bộ và cũng là dịch giả Luật tạng của Pháp tạng bộ. K. Watanabe cũng đồng ý nhận định này. Và ông giải thích thêm rằng kinh Ātārātiya (Trường bộ, kinh số 32) không được biên tập vào kinh Trường A-hàm, cho thấy kinh này không thuộc truyền thống Hữu bộ. H.Ui biện luận thêm rằng những giới điều khuyến khích tôn thờ tháp Phật phù hợp với truyền thống Pháp tạng bộ. Tuy nhiên, giáo sư Ishikawa cảnh giác rằng không chỉ riêng Pháp tạng bộ khuyến khích tôn thờ tháp Phật, mà một số bộ phái khác cũng có niềm tin này, cụ thể là Hữu bộ thuộc vùng Gandhāra.
Mặc dù những bài kinh Sanskrit hiện còn, thuộc Trung A-hàm, không giống hoàn toàn với bản Hán dịch kinh Trung A-hàm. Nhưng bản dịch Trung A-hàm được nhận dạng là thuộc truyền thống Hữu bộ. Ngài Minh Châu (Hòa thượng Thích Minh Châu), trong tác phẩm đối chiếu của ngài, cũng đưa ra kết luận tương tự và trình bày một số cứ liệu bảo vệ quan điểm này. Ngài trích dẫn những so sánh đối chiếu của giáo sư H. Sakurabe, cho thấy nhiều đoạn trong Trung A-hàm của Hữu bộ rất giống với bản dịch Trung A-hàm. Cũng cần lưu ý ở điểm này rằng không phải những điểm tương đồng với Hữu bộ không tương đồng với các bộ phái khác. Ví dụ trường hợp, căn cứ vào chi tiết kinh Trung A-hàmloại bỏ toàn bộ những thức ăn thịt và cá, ngài Minh Châu cho rằng kinh này thuộc Hữu bộ. Nhưng những thức ăn thịt và cá cũng được lược bỏ trong các bộ A-hàm thuộc các bộ phái khác. Ngoài ra, Luật tạng của Hữu bộ và các bộ phái khác cũng lưu giữ thông tin đức Phật không cho phép Tăng sĩ ăn thịt cá, trừ trường hợp: không nghe, không thấy và không nghi.
Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama) được xem là kinh điển thuộc truyền thống Hữu bộ hoặc một chi phái của Hữu bộ. Theo Lu cheng, kinh này thuộc Tân Hữu bộ (Mula Sarvāstivāda). Bởi vì, cấu trúc trình bày của kinh này rất giống với cấu trúc trình bày của Luật tạng thuộc Tân Hữu bộ và cấu trúc căn bản của kinh này hoàn toàn giống tác phẩm the Saṁyuktāgama-tika được trích dẫn trongYagācarabhūmi (Du-già sư địa luận). Nhận định này được củng cố bởi chi tiết kinh Tạp A-hàm lược bỏ kinh Niruttiyapātha (trong kinh tạng Pāli), vì nội dung bài kinh này phê phán sự tồn tại của quá khứ và vị lai, trái ngược với tư tưởng của Hữu bộ, chủ trương nhất thiết hữu: Quá khứ, hiện tại và vị lại là thật có.
Liên quan đến kinh Tăng nhất A-hàm, H.Ui và một số học giả khác cho rằng kinh này có thể thuộc Đại chúng bộ. Nội dung của kinh hàm chứa một số tư tưởng Đại thừa và nhiều tư tưởng rất giống tư tưởng của Đại chúng bộ.
Bản Hán dịch A-hàm được chuyển dịch từ những bản kinh có viết bằng những ngôn ngữ của Ấn Độ. Tuy nhiên, khi so sánh với những bài kinh Sanskrit hiện còn, bản dịch A-hàm có thể không phù hợp hoàn toàn với nguyên bản. Những bản dịch thường không chuẩn xác hoàn toàn so với nguyên bản là vì hầu hết dịch giả, theo Eliot, ít nhiều chuyển dịch không chuẩn xác hoàn toàn, có những thêm thắt và chuyển đổi vị trí so với nguyên bản. Bản dịch cũng được xem xét cẩn trọng và biên tập trước khi ấn bản. Những dịch giả của kinh tạng A-hàm cũng không ngoại lệ và những bản dịch của họ cũng được biên tập, thêm thắt hoặc lược bớt.
Về mối quan hệ giữa kinh tạng A-hàm và Nikāya, M. Anezaki nhận định rằng hai tạng kinh này “có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm bị biệt”. Những điểm tương đồng cho thấy, rất có thể chúng cùng một nguyên bản; trong khi những điểm dị biệt chỉ là những dị biệt về những phân loại, sắp xếp kinh văn. “Những dị biệt, mặc dù không đáng kể, nhưng cũng cần được lưu ý.” Giáo sư Bapat cho rằng rằng kinh tạng Pāli gần bản Hán dịch kinh tạng A-hàm hơn so với kinh tạng A-hàm Sanskrit hiện còn. Hoernle, người xuất bản những bài kinh A-hàm Sanskrit, đưa ra kết luận “những bản kinh A-hàm Sanskrit có những khác biệt đáng kể so với kinh tạng Pāli Nikāya.” “Bản kinh Sanskrit hiện còn không phải là bản gốc của bản dịch A-hàm và cũng không phải của kinh tạng Pāli, mặc dù có nhiều điểm tương đồng với bản kinh Pāli hơn bản dịch A-hàm.” Ngài Minh Châu, trong tác phẩm so sánh kinh Trung A-hàm và kinh Trung bộ, trích dẫn những nhận định giá trị của nhiều học giả và nhận định rằng “tỷ lệ những điểm tương đồng giữa hai bộ kinh này rất cao… cho thấy rằng chúng có cùng một nguyên bản, không chỉ nội dung giáo lý mà còn cả nguồn gốc kinh văn, sự tương đồng trong tất cả nội dung giáo nghĩa của hai bản Hán dịch A-hàm và Pāli Nikāya.”
Những bộ kinh này, không chỉ tương đồng mà còn có cả dị biệt, cho thấy chúng được y cứ vào một nguồn kinh văn rất phổ biến. Ở khía cạnh dị biệt, cần xét đến những khác biệt trong những kinh văn truyền trụng sớm hơn. Những kinh văn này bắt nguồn từ đâu? Tất nhiên chúng có nguồn gốc từ những kinh tạng kết tập những bài pháp của đức Phật. Theo đó, kinh tạng A-hàm và Nikāya đều có cùng một nguyên bản. Như trường hợp, cũng cùng lưu giữ những Kinh Luật được trùng tụng tại Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá, do Tôn giả Đại Ca-diếp chủ trì, nhưng Tôn giả Phú-lâu-na (Purāṇa), mặc dù đồng ý với tất cả kinh luật đã được Đại tăng trùng tụng, nhưng ngài đã lưu giữ Kinh Luật theo cách riêng của ngài. Cũng giống Tôn giả Phú-lâu-na, có thể có những Tỳ-kheo khác, những người cũng trực tiếp nghe đức Phật giảng dạy, nhưng không có cơ duyên tham dự Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Những Tỳ-kheo này có thể sẽ lưu giữ thêm những bài kinh theo cách nhớ và cách hiểu của họ, những bài kinh của họ có thể vẫn tiếp tục được truyền tụng trong số những người theo họ. Thời gian sau, khi cộng đồng Tỳ-kheo phân rẽ thành nhiều bộ phái, những bài kinh đó có thể được kết tập thêm vào theo quan điểm bộ phái.
Những tương đồng và dị biệt cho chúng ta một nhận định chắc chắn rằng, tất cả những bản dịch A-hàm và Nikāya đều có nguồn gốc từ những kinh tạng ghi lại những bài pháp của đức Phật. Những dị biệt trong những bản kinh này là vì, trải qua thời gian, cộng đồng Tăng-già Phật giáo nguyên thủy bị phân chia thành nhiều bộ phái và hoằng pháp tại nhiều địa phương khác nhau, nên các bộ phái có thêm bớt một số kinh văn theo quan điểm của từng bộ phái. Nhưng những điểm tương đồng trong các kinh cho thấy, nội dung tư tưởng chính yếu và cấu trúc trình bày kinh văn trong những bản kinh của các bộ phái điều giống nhau, chúng được lưu giữ và bảo tồn rất tốt. Tuy phân ra thành các kinhTrường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm, nhưng tất cả đều được kết tập thành kinh tạng A-hàm. Kinh tạng này là kinh tạng được Đại tăng kết tập tại Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Về sau, những Kinh Luật đã được 500 Tỳ-kheo A-la-hán kết tập vẫn tiếp tục được trùng tụng, biên chép và lưu truyền trong các bộ phái Phật giáo; nhưng về phần kinh tạng, cụ thể là những bài kinh ngắn, với số lượng nhiều, các bộ phái có chuyển đổi vị trí kinh văn và thêm bớt ít nhiều.
Kinh tạng A-hàm có thẩm quyền giáo chứng ngang với kinh tạng Nikāya: Các bộ phái Phật giáo sử dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ để chuyển tải kinh văn thuộc bộ phái của mình. Kinh tạng A-hàm có ảnh hưởng lớn trong các bộ phái Phật giáo. Sự khác biệt về ngôn ngữ chỉ là sự khác biệt về những dạng ngữ pháp của kinh văn, hoàn toàn không có nghĩa là kinh văn ấy thuyên giảm giá trị xác tín của chúng. Lời dạy của đức Phật được các đệ tử của Ngài ghi nhớ, trùng tụng và lưu giữ trong nhiều ngôn ngữ tùy theo khả năng có thể của họ. Lại nữa, bản Hán dịch kinh tạng A-hàm được kiểm tra và biên tập rất cẩn trọng. Kinh tạng này phải được xem là tạng kinh có thẩm quyền giáo chứng ngang với kinh tạng Pāli Nikāya.
Tóm lại, có thể nói rằng bất kỳ truyền thống bộ phái nào, cuối cùng, cũng sẽ phải thừa nhận, kinh tạng A-hàm là kinh điển lưu giữ những thánh giáo nguyên thủy của đức Phật. Nghiên cứu lời dạy của đức Phật mà không nghiên cứu kinh tạng A-hàm là một sự nghiên cứu còn nhiều thiếu sót và không hoàn chỉnh. Nhưng cái khó cho chúng ta là, tất cả kinh A-hàm đều được lưu trữ trong Hán tạng, mà chúng ta, hầu hết, không biết tiếng Hán. Do đó, việc chuyển dịch kinh tạng A-hàm này sang tiếng Anh hoặc tiếng Ấn (Hindi) là một công việc rất cấp bách và cần thiết. Công việc này rất khó, nhưng không phải là không thể. Một nhóm học giả phải được thành lập cho công trình dịch thuật này ở cấp quốc gia hoặc cấp quốc tế dưới sự chủ trì của Hội đồng quản lý đại học (Ấn Độ). Thậm chí, chúng ta có thể phục hồi bản Sanskrit hoặc Pāli từ bản Hán dịch kinh tạng A-hàm. Công trình này nên do các học giả tinh thông và quan tâm về cổ ngữ và phục chế các tác phẩm cổ ngữ đảm trách.
Chandra Shekhar Prasad
Nguyên Lộc dịch
BBT Chánh Đạt tri ân ĐĐ Thích Nguyên Lộc đã cho phép chúng con chia sẻ bài Pháp này. Nguyện cầu hồng ân tam bảo gia hộ Thầy pháp thể khinh an tuệ đăng thường chiếu
BÌNH LUẬN