Giác ngộ, danh từ được dịch nghĩa từ chữ bodhi ( बोधि ) của Phạn ngữ và Pali. Người giác ngộ hoàn toàn là vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. ...
Giác ngộ, danh từ được dịch nghĩa từ chữ bodhi (बोधि) của Phạn ngữ và Pali. Người giác ngộ hoàn toàn là vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Ngài sinh ra như một con ngừơi, sống như một con người và kết thúc cuộc đời như một con người, nhưng lại là con người có toàn năng, toàn trí, toàn giác.
Ngài luôn luôn sống trong trí tuệ thấy biết mọi sự vật hiện tượng đúng như thật, do Ngài đã trải qua quá trình tu tập chuyển hóa thân tâm, loại bỏ phiền não tham, sân, si chiến thắng được những dục vọng của tự thân, đưa đến phát minh trí tuệ và chứng ngộ chân lý.
Ngài có nói: " Chiến thắng vạn quân binh không bằng tự thắng mình, tự thắng mình mới là một chiến công oanh liệt. "
Từ kinh nghiệm bản thân, đức Phật thấy con người có khả năng thành đạt trí tuệ, chứng ngộ chân lý và là chủ nhân của chính mình, hoàn toàn không phụ thuộc vào ân huệ của một quyền năng siêu nhiên nào bên ngoài. Chính nơi con người tiềm ẩn một năng lực phát triển vô hạn, đó là nguồn sống bao la của vũ trụ, sở dĩ chưa trực nhận và khai triển được vì còn bị vô minh che khuất.
Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện tại Ấn Độ. Các đạo sĩ thường bàn luận về câu hỏi: Thế nào là một vị Phật? Ai là người giác ngộ? Một hôm, có một vị đạo sĩ già, tên Brahmayu, nghe tin có Ngài ẩn sĩ Cồ Đàm là một vị Phật, vừa du hành đến thị trấn của ông ta, nên ông quyết định đến thăm Ngài (Trích Trung Bộ, kinh 91).
Vị đạo sĩ Brahmayu nói : " Kính thưa Ngài Cồ Đàm, tôi có vài thắc mắc muốn hỏi Ngài ".
Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng.
Vị đạo sĩ nêu ra các câu hỏi qua một bài kệ bốn câu, đại ý chính là :
Làm thế nào để được gọi là Phật, một Bậc Giác ngộ?
Đức Phật trả lời qua bốn câu kệ như sau:
" Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật ".
Nếu ngày nào đó có người nào hỏi: "Bạn quy y Tam bảo chính yếu là để làm gì? Bạn giữ giới để làm gì? Bạn hành thiền để làm gì? " thì câu trả lời của Đức Phật ở trên sẽ giúp bạn là : "Để biết rõ những gì cần hiểu rõ. Để loại bỏ những gì cần phải bỏ. Để tập tu những gì cần tu tập ".
Kính bút
TS Huệ Dân
BÌNH LUẬN